Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Người đi tìm hình của nước (Ngữ văn 11) hay nhất

Thai Ha 2341 0 Báo lỗi

Hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, với cuộc đời và sự nghiệp vô cùng vĩ đại, đã thành hình mẫu lý tưởng cho nhiều thi phẩm của nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên và ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bài tham khảo số 1

    “Người đi tìm hình của nước” được viết với niềm xúc động, cảm xúc tự hào cũng như lòng biết ơn của Chế Lan Viên về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Bài thơ tái hiện hành trình gian truân nhưng vinh quang của vị lãnh tụ dân tộc trong suốt 30 năm.


    “Hình của Nước” ở đây là hình ảnh tượng trưng của áo cơm, hạnh phúc của nhân dân, của độc lập, tự do của dân tộc.


    Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi


    Câu thơ đầu tiên trong bài tái hiện tâm trạng quyến của Bác khi phải ra đi. Cách ngắt nhịp thơ 5/5 được sử dụng như nhấn mạnh thêm tâm tình của bác, dù đất nước đẹp lắm, Bác còn muốn ngắm nhìn thêm nữa, nhưng tình cảnh quá bức bách nên Bác phải ra đi.


    Bác ra đi để “đất nước đẹp vô cùng” này có một con đường thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Bác ra đi mang theo nỗi đau mất nước, nỗi tủi nhục trước ách thống trị của xâm lăng. Nhưng chính nỗi đau xót ấy thôi thúc Bác quyết tâm tìm được con đường cứu dân, cứu nước.


    Chế Lan Viên đã rất xúc động và cảm nhận sâu sắc hành trình này của Bác, đến muốn hóa thân trở thành con sóng đưa bác vượt đại dương bao la:


    “Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”


    Câu thơ thể hiện sự cuống quýt, vội vàng muốn theo kịp chân Bác, muốn được cùng Bác sẻ chia những gian truân của cuộc hành trình. Hình ảnh con sóng trong câu thơ giúp người đọc cảm nhận rõ sự thiêng liêng của giây phút lịch sử Bác Hồ ra đi. Nó không chỉ thể hiện tình cảm lưu luyến mà hơn hết là lòng thương yêu, kính yêu của tác giả đối với Bác.


    “Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

    Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre”


    Không gì có thể biểu đạt tốt hơn về quê hương xứ sở của ta bằng hình ảnh “hàng tre”, “làng xóm”, “bờ bãi”. Những hình ảnh quen thuộc ấy, từ bốn phía mênh mông, rộng lớn lui dần rồi khuất bóng, người ra đi hẳn đã rất cô đơn và cảm thấy bơ vơ.


    Nếu các từ “dần lui”, “không một bóng” miêu tả bác từng bước từng bước rời xa quê hương, thì động từ “nhìn” thể hiện sự hụt hẫng, buồn xót xa, nhớ nhung của Bác đang cố gắng kiếm tìm những điều quen thuộc của đất nước thân yêu. Chỉ với hai câu thơ trên, Chế Lan Viên đã diễn tả chân thật nỗi đau thương của lòng người xa xứ.


    “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ

    Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương”


    Đêm xa nước đầu tiên ấy, là “ai nỡ ngủ” hay không thể nào chợp mắt. Bởi lòng bác nhớ quê hương tha thiết. Hành trình phía trước biết sẽ tới đâu, đến bao giờ Bác mới có thể trở về quê hương, Bắc thao thức, trằn trọc.


    Biển mênh mông, sóng nơi đâu cũng đều là sóng nước. Nhưng sóng quê hương thì khác. Ở ngay đây hay ở xa kia, khi không phải trời nước quê hương thì đều là xứ sở xa lạ, mọi thứ đều là ngỡ ngàng. Người ra đi ấy, nằm nghe sóng vỗ mạn tàu, mỗi một tiếng sóng xa dần là càng trở nên xa lạ, nỗi đau nhớ quê hương lại tăng thêm.


    “Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

    Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương”


    Ta thấy, khi ra đi, khi xa đất nước thân yêu, Bác càng thấm thía nỗi đau thương mà nước mà dân đang gánh chịu. Hai câu thơ nghe như lời tâm sự nhẹ nhàng, nhưng trong giọng khe khẽ sâu lắng ấy là nỗi yêu nước nồng nàn, tha thiết.


    “Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước

    Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà”


    Hai câu thơ trên của Chế Lan Viên thật giàu hình ảnh. Nó thể hiện một cách tinh tế tình yêu nước sâu nặng của Bác; nỗi trằn trọc, day dứt của Bác lo cho vận mệnh của dân độc đến nỗi trong chiêm bao Bác thấy “hình của nước”. Và hơn hết, Bác khao khát mà mơ về cái cỏ “xanh sắc biếc quê nhà”.


    Ta mới thương Bác làm sao! Từ làng quê nhiệt đới, bốn mùa cỏ cây xanh tươi, nay Bác một mình giữa trời châu Âu tuyết trắng. Nhưng Bác mơ về “hình của nước”, về sắc xanh quê hương cũng là khát khao cháy bỏng về con đường đưa đến bình yên cho quê hương.


    “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

    Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”


    Hỏi có ai nặng lòng với quê hương như Người! Bác chưa từng vui, chưa từng yên lòng khi ăn một miếng ngon, khi ngắm một nhành hoa. Vì Bác biết, Tổ quốc, quê hương còn đắm chìm trong lầm than, còn oằn mình vì phải làm nô lệ dưới ách giặc Pháp thực dân.


    Hình ảnh đối lập trong hai câu thơ: “miếng ngon” – đắng lòng”, “chẳng yên lòng” – “ngắm một nhành hoa” gợi lên ở người đọc niềm xúc động, cay nơi sống mũi trước những trăn trở, lo âu của Người về vận mệnh đất nước. Bác ăn không ngon, ngủ không yên khi nghĩ về đất nước đau thương. Trái tim yêu nước nồng nàn của Bác đau nỗi đau nước mất, nhà ta.


    Với bao gian truân, bao thử thách, bao đêm dài nhớ quê hương da diết, Bác đã tìm ra chân lý cách mạng, con đường cứu nước:


    “Luận cương đến Bác hồ. Và Người đã khóc

    Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin”


    Nhà thơ miêu tả chuyển biến tâm lý của Bác thật tinh tế và xúc động. Giọt nước mắt của cảm động, sung sướng được Chế Lan Viên qua đó nêu ra mối quan hệ giữa hai nhân vật vĩ đại của các mạng vô sản: Lê Nin và Bác Hồ.


    Và có gì sung sướng hơn, hạnh phúc hơn khi Người tìm ra con đường cứu nước. Không gì khác chính là chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Chân lý cách mạng ấy đã soi sáng tâm hồn Bác và Bác đã đón nhận bằng tất cả trái tim và khối óc:


    “Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách

    Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin”


    Hình ảnh nhân hóa đã làm nền để miêu tả sự chăm chú, sự toàn tâm và cả sự hứng khởi của Bác khi gặp được lý tưởng cách mạng. Và tất cả sự đặt để ở từng trang sách ấy, là vì Bác biết “đất nước đợi mong tin”. Cũng như thời khắc Người ra đi, giây phút Bác đọc Luận cương của Lê Nin là một thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc.


    Qua bao khổ ải, với bao tâm sức, Bác đã tìm ra hình của Nước. Bởi vậy, trong Người dâng trào niềm vui mãnh liệt:


    “Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc

    Cơm áo là đây ! Hạnh phúc đây rồi!”


    Đọc dòng thơ với hai câu cảm liên tiếp: “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”, ta như thấy hình ảnh vui sướng của Bác khi đi lại giữa căn phòng. Nhịp thơ nhanh và mang giọng sảng khoái, nồng nhiệt và xúc động diễn tả được hạnh phúc tột cùng của Bác trong giờ phút tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.


    “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước

    Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”


    Đặc sắc và độc đáo quá hình ảnh “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước”. Nó mang một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, trên lá cờ bay phấp phới ta như thấy dáng Bác đang đứng đó vẫy tay cười. Và đó cũng là biểu tượng cho mối gắn kết giữa vận mệnh của đất nước và vận mệnh của Đảng – Đảng cộng sản Việt Nam – linh hồn của dân tộc.


    Thông qua bài thơ Người đi tìm hình của nước, ta biết với Bác thế nào là hạnh phúc bất tận. Là “Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười” khi tìm thấy ánh sáng của cách mạng. Niềm xúc động mãnh liệt của Bác được truyền tới người đọc bởi cái hình ảnh đối lập của “khóc” và “cười”. Nhưng hơn thế, “khóc” và “cười” lại đồng thời, bởi vậy tạo được ấn tượng sâu sắc nơi người đọc bao thế hệ.


    Những giọt nước mắt trong phút đầu tiên ấy là nước mắt hạnh phúc và nụ cười của sung sướng, hân hoan. Và năm tháng qua đi, đất nước bình yên và giàu mạnh, những cuộc đời của hôm nay và mai sau sẽ còn nhớ mãi cái hình ảnh ấy của Người.


    Có thể nói, lãnh tụ Hồ Chí Minh là một biểu tượng của biết bao nguồn cảm hứng thơ ca. Nhưng cũng bởi thế mà viết về Bác là một thử thách với các tác giả. Vì giữa kho tàng đồ sộ của văn học về Bác, viết thế nào để chân thật mà độc đáo, mới lạ; để vừa thể hiện được tầm vóc của Người vừa đóng góp giá trị nghệ thuật cho dòng tác phẩm về Bác. Và phân tích bài thơ Người đi tìm hình của nước, người đọc nhận thấy cái tài, cái tinh tế trong sáng tác của Chế Lan Viên.


    Thông qua bài thơ Người đi tìm hình của nước ta nhận ra một điều, chẳng phải những ngôn ngữ hình tượng cao siêu sẽ nói lên được cái vĩ đại của Người mà chính những điều gần gũi, bình dị mới làm nên điều đó.


    Khi Bác reo lên “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”, tác giả như muốn nói rằng, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, mang đến tự do là những mục tiêu cao cả nhưng nó là thực chất, chính là cơm ăn, áo mặc của dân. Cũng chính ở đó, chính cái nỗi nhớ bờ bãi hàng tre, chính cái câu reo “Cơm áo là đây!” là sự ngời sáng của tấm lòng lãnh tụ, của “Người đi tìm hình của nước”.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Top 2

    Bài tham khảo số 2

    Bài thơ "Người đi tìm hình của Nước" nằm trong hệ thống các tác phẩm viết về đề tài lãnh tụ, vốn rất nổi bật trong di sản văn chương-nghệ thuật Việt Nam. Bài thơ nằm trong tập "Ánh sáng và phù sa" (năm 1960) là bước ngoặt quan trọng trên hành trình mỹ học của Chế Lan Viên.


    Đã có nhiều bài viết, thẩm bình về bài thơ "Người đi tìm hình của Nước". Những khía cạnh thuộc về chủ đề, cảm hứng, hình tượng, chất suy tưởng, vẻ đẹp trí tuệ trong bài thơ cũng đã được nhắc đến. Tuy vậy, trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một phương diện khác, có lẽ còn chưa nhiều người chú ý. Đó là đặc trưng thẩm mỹ của thơ Chế Lan Viên thể hiện trong một thi phẩm viết về Bác Hồ. Tại sao đây lại là vấn đề cần được bàn luận? Trả lời cho câu hỏi đó giúp chúng ta có được xác quyết rõ ràng hơn về sức sống của bài thơ "Người đi tìm hình của Nước".


    Viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh, trong thực tế là một thử thách đối với mọi tác giả. Một phần bởi di sản phía trước đã rất đồ sộ (đã có rất nhiều tác phẩm, tác giả thành công), phải viết sao cho khỏi trùng lặp, tìm ra được nét mới trong cảm xúc, tư duy và phương thức thể hiện. Phần nữa, quan trọng hơn, vừa thể hiện được tầm vóc của hình tượng, vừa đem đến đóng góp cho hệ giá trị mỹ học của dòng tác phẩm viết về lãnh tụ. Chính ở đó, ta nhận ra bản lĩnh nghệ thuật của Chế Lan Viên.


    Bài thơ viết trên nền của cảm xúc rưng rưng tự hào và lòng biết ơn chân thành cùng những suy tưởng sâu sắc về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Đó là một hành trình dài với biết bao gian khổ, thử thách mà Người đã trải qua với mục đích thiêng liêng, cao cả: “Tìm hình của Nước”. Hình của nước là “Thế đi đứng của toàn dân tộc”; là độc lập, tự do, là áo cơm, hạnh phúc của nhân dân. Lý tưởng ấy vượt lên tất cả những liên tưởng thông thường về không gian địa lý ("Một góc quê hương nửa đời quen thuộc"). Lý tưởng ấy cũng không phải là những mơ tưởng siêu hình trong sương khói xa xôi mà hiện hữu cụ thể, làm nên giá trị đời sống con người. Con đường của Hồ Chí Minh là con đường của chủ nghĩa nhân văn cao cả, phổ quát, hướng đến những quyền lợi căn bản mà tạo hóa đã ban cho tất cả mọi người trên toàn thế giới (như trong "Tuyên ngôn Độc lập" mà Người đã nhấn mạnh). Nhưng đó là một con đường chông gai, trải qua “lửa đỏ và nước lạnh” ("Thép đã tôi thế đấy").


    Chất suy tưởng là đặc trưng nổi bật trong bài thơ "Người đi tìm hình của Nước". Đó cũng là điểm làm nên phong cách thơ Chế Lan Viên. Tuy vậy, nét mới mà chúng tôi muốn nhấn mạnh tại đây (so với nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ cùng thời) chính là Chế Lan Viên đã thể hiện quan điểm thẩm mỹ của mình thông qua việc xây dựng hình tượng và tổ chức thế giới nghệ thuật. Chúng ta đã quen thuộc với những tác phẩm viết về Bác Hồ làm nổi bật mái tóc, vầng trán, đôi mắt, nụ cười, giọng nói, manh áo giản dị, đôi dép cao su... Chúng ta cũng quen với hệ thống ngôn ngữ, hình tượng có tính cao cả, siêu phàm trong nhiều tác phẩm viết về Bác. Đó chính là điểm khó mà Chế Lan Viên phải đối diện và vượt qua trong bài thơ "Người đi tìm hình của Nước". Ông hiểu rằng, hình tượng nghệ thuật luôn thấm đẫm trí tưởng tượng, suy tưởng, liên tưởng của người viết. Thế nên, trong bài thơ, Chế Lan Viên tập trung khai thác những khía cạnh khác: Nỗi nhớ quê hương xứ sở khi Bác phải ra đi; những khó khăn cực khổ mà Người nếm trải; những đau đớn khi nghĩ về đất nước còn trong đêm trường nô lệ; những xúc động nghẹn ngào khi Người bắt gặp lý tưởng cách mạng trên quê hương Lênin; những hân hoan khi Người nhận ra con đường đi đến độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân... Hơn hết, nét khác biệt trong phong cách thẩm mỹ của Chế Lan Viên chính là ở chỗ ông suy tưởng: “Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ”; “Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”.


    Xét về phạm trù mỹ học, bài thơ "Người đi tìm hình của Nước" thể hiện phạm trù cái cao cả (cảm xúc, suy tưởng, chủ đề, hình tượng, giọng điệu). Tuy nhiên, điểm khác biệt của Chế Lan Viên là ông không trưng dụng các phương tiện-vật liệu mang sẵn phẩm tính cao cả, mà phát huy sắc thái cao cả trong những điều bình dị, gần gũi, thân thuộc nhất. Xét đến cùng, chỉ những gì gần gũi, thân thuộc nhất mới gắn bó tha thiết nhất với con người. Điều đáng nói ở đây chính là, với cách thức khai thác, xây dựng hình tượng và biểu đạt như thế, Chế Lan Viên đã thể hiện được một cách tự nhiên mà chính xác tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Bác là cao cả, lý tưởng của Người là vĩ đại, di sản của Người là vô cùng lớn lao. Tìm hình của nước, lắng nghe sự phôi thai của nước, hình dung ra con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, áo cơm, hạnh phúc cho nhân dân... đó là những mục tiêu cao cả nhưng không siêu hình, viển vông. Những tượng hình thiêng liêng, nhân bản ấy chính là lẽ sống mà con người cần phải có. Hồ Chí Minh nhận ra chân lý ấy khi bắt gặp Luận cương của Lênin, bắt gặp con đường giải phóng dân tộc, giải phóng loài người.


    Những suy tưởng mới trong tư duy xây dựng hình tượng và tổ chức thế giới nghệ thuật đã làm nên phong cách thơ Chế Lan Viên và cũng làm nên sức sống của bài thơ "Người đi tìm hình của Nước". Bằng những rung động chân thành, bằng những suy tưởng sâu sắc gắn với quan niệm thẩm mỹ thích đáng về đặc trưng phản ánh nghệ thuật, Chế Lan Viên vượt lên sự mô tả thông thường để chạm tới giá trị mỹ học về cái cao cả. Tuy nhiên, cái cao cả được thể hiện không phải bằng các hình tượng, mệnh đề siêu hình, siêu vượt, mà bằng những điều gần gũi nhất, đời thường nhất trong cuộc đời Bác Hồ. Chính ở đó, cái cao cả của “tấm lòng lãnh tụ” được ngời sáng-ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo. Cho đến nay, "Người đi tìm hình của Nước" vẫn là một trong số những bài thơ hay, tiêu biểu viết về Bác Hồ.


    Nguồn: Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Top 3

    Bài tham khảo số 3

    Hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, với cuộc đời và sự nghiệp vô cùng vĩ đại, đã thành hình mẫu lý tưởng cho nhiều thi phẩm của nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên và được hình tượng hoá theo một phong cách rất riêng. Trong kho tàng đồ sộ và thiêng liêng về đề tài lãnh tụ với rất nhiều tuyệt phẩm, bài thơ “Người đi tìm hình của Nước” của Chế Lan Viên vẫn có chỗ đứng trang trọng và bền lâu.


    Khổ thơ mở đầu là lời giới thiệu dung dị về bối cảnh ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước:


    “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi.

    Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác.

    Khi bờ bãi dần xa làng xóm khuất.

    Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre”.


    Đó là cuộc chia ly trầm lặng, việc người lên đường cũng không một chút ồn ào, thậm chí đó là cuộc lên đường đơn độc, bởi từ đầu đến cuối bài thơ không có bóng dáng người tiễn đưa, ngoài một người tiễn đưa trong tưởng tượng – nhà thơ với mong muốn “làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”.


    Người ra đi độc hành, dứt khoát, nhưng không dửng dưng, không cố nén tâm tư. Dường như tác giả cũng đã cố tình để cho nhân vật được sống rất thực với lòng mình khi tha thiết dõi nhìn quang cảnh quê hương trong phút giây từ biệt. Cái nhìn lưu luyến ấy theo mãi cho đến khi bờ bãi, xóm làng dần xa và mờ khuất hẳn tầm mắt, nhoè đi trong nhớ thương. Mấy câu thơ ngắn nhưng đã đi đến cõi sâu thẳm rất người của vị lãnh tụ.


    Cuộc chia ly nào cũng ít nhiều có nỗi ngậm ngùi, nhưng cuộc chia ly này dường như ngậm ngùi hơn, sự ngậm ngùi đó bắt nguồn từ một nghịch cảnh: Bác “phải ra đi” trong khi “đất nước đẹp vô cùng”.


    Non sông gấm vóc Việt Nam tươi đẹp, đáng ra mọi người, đặc biệt những người trẻ tuổi đều được an vui tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của xứ sở quê hương. Nhưng nhân dân đang chìm trong nô lệ, lầm than, người thanh niên ấy phải từ giã ra đi để tìm con đường cứu nước.


    Đây không phải cái ngậm ngùi vì tiếc nhớ của một cá nhân con người trẻ tuổi với nhu cầu hưởng thụ, mà là nỗi ngậm ngùi sông núi. Vì thế nỗi ngậm ngùi đó không hề bi luỵ, mà ngược lại, đã hoá thành sức mạnh thôi thúc người trai trẻ lên đường, để cứu nước và bảo vệ vẻ đẹp của non sông.


    Sự đối lập giữa “đất nước đẹp vô cùng” với “Bác phải ra đi” không chỉ tạo nên nghịch cảnh mà quan trọng hơn là tạo ấn tượng đặc biệt cho hình tượng Bác – với tâm thế dứt khoát lên đường. Người thanh niên đó, bằng tình yêu nước lớn lao, bằng nghị lực phi thường, bằng lòng can đảm và ý chí quyết tâm không gì lay chuyển được, đã dấn bước vào cuộc trường chinh vạn dặm thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng.


    Khổ thơ chỉ kể lại sự kiện và mô tả ngoại cảnh, nhưng ngoại cảnh chính là tâm cảnh, và đáng nói hơn, đằng sau cái ngoại cảnh đời thường đó lại hàm ẩn một sự kiện và con người phi thường. Đằng sau xúc cảm đời thường của một cá nhân lại hiện lên tráng chí của một vĩ nhân. Cái hay, cái hấp dẫn kỳ lạ của thơ Chế Lan Viên cũng là ở điểm biến hoá thú vị bất ngờ ấy.


    Rồi cứ thế, bài thơ đã đi trọn cuộc hành trình gian khó, hiểm nguy mà cực kỳ vinh quang của con người yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh. Từng khổ thơ tiếp sau đã lần lượt tái hiện lại toàn bộ cuộc hành trình đó của Người. Đó là cuộc hành trình đi qua bốn bể năm châu, qua bao nắng mưa, nóng lạnh của đất trời và bao hiểm nguy, gian khó của con đường cách mạng:


    “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê?

    Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá.

    Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ.

    Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?”.


    Bước chân người đã chạm đến những chân trời rộng mở tự do và cả những miền đất mịt mù nô lệ, với khát vọng tìm được một lối đi riêng đúng cho dân tộc mình – cũng là tìm hình hài của nước. Khát vọng đau đáu đó luôn hiện tồn trong mọi thời khắc, dù ngày hay đêm, dù trong chiêm bao hay là đời thực, dù trong bữa ăn hay trong giấc ngủ:


    “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của Nước.

    Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà.

    Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc.

    Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.


    Nghĩ về nước, biết bao câu hỏi lớn đặt ra như thử thách lòng Người: “Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây? Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử? Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ? Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây? Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?”. Dân tộc Việt Nam trải qua bao đau thương mà bất khuất anh hùng, rồi sẽ về đâu trong bão giông lịch sử? Quá khứ hào hùng đáng tự hào liệu sẽ còn vươn tiếp tới tương lai? Rồi màu cờ, tiếng hát… tất cả đều chưa rõ hình hài.


    Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhưng lại chứa đựng tâm tư, tầm nhìn quán thông thời thế bởi hàm ngôn của nó xuyên suốt cả thời gian (từ qúa khứ tới tương lai), bao trọn cả không gian (suốt dặm dài sông núi). Đó là những trăn trở, đau đáu mà chỉ có ở con người yêu nước vĩ đại.


    Và hơn thế, dù chưa có một đáp án rõ ràng, cụ thể, nhưng trong thẳm sâu tâm thức của Người, tương lai đất nước không hề bi luỵ mà hé lộ những tia sáng của niềm tin vui: Đó là hy vọng về ngày mai huy hoàng, khi Trường Sơn đại ngàn “bừng giấc ngủ”, khi cánh tay thần Phù Đổng “vươn mây”, khi lá cờ chiến thắng tung bay trong trái tim triệu con người đang cất cao tiếng hát, khi trời xanh chói sáng tự do: “Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc/Khi tự do về chói ở trên đầu”…


    Đó không gì khác hơn là ánh sáng của tinh thần lạc quan cách mạng, cũng là ánh sáng toả ra từ tầm nhìn, sức nghĩ của một bậc minh triết đã nắm được quy luật vận động của lịch sử.


    Cũng từ tinh thần lạc quan cách mạng, từ tư duy minh triết đó, tương lai của đất nước đã hiển lộ huy hoàng:


    Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông.

    Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt.

    Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc.

    Sao vàng bay theo liềm búa công nông”.


    Trải qua biết bao gian khổ, bao hiểm nguy rập rình, cuối cùng Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy được Luận cương Lênin. Hạnh phúc quá bất ngờ khiến Người vỡ oà trong reo vui và nước mắt:


    “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc.

    Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.

    Bốn bức tường im nghe

    Bác lật từng trang sách gấp.

    Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”.


    Đoạn thơ miêu tả hết sức chân thực, sinh động và đầy xúc động về tâm lý, tình cảm của Bác Hồ khi đón nhận luận cương Lênin, tìm ra con đường cứu nước. Giây phút đó tất cả như ngừng lại, nín thở để rồi vỡ oà:


    “Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:

    “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”.

    Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.

    Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.


    Luận cương của Lênin là kim chỉ nam cho con đường giải phóng dân tộc. Giờ phút tiếp nhận văn kiện quan trọng đó là một giờ phút trọng đại, không chỉ đối với cá nhân Người đang đánh đổi cả đời để tìm kiếm mà còn với cả dân tộc ta, nhân dân, đất nước ta. Như giây phút đón chào một hài nhi – đây cũng là giây phút khai sinh ra cho một đất nước Việt Nam mới: tìm ra “hình của Nước”, tìm được “đường đi cho dân tộc theo đi”.


    Từ ánh sáng Luận cương, Bác mường tượng một tương lai sáng ngời của đất nước: “Ruộng theo trâu về lại với người cày… Những đời thường cũng có bóng hoa che”. Việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn sẽ làm nên một cuộc đại cách mạng, để đất nước thay da đổi thịt: “trời xanh thành tiếng hát”, “điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân”, “mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói”; để trả lại cuộc sống yên bình vốn có cho nhân dân: “Ruộng theo trâu về lại với dân cày”.


    Trên dặm dài Tổ quốc, không còn đau thương và cái chết, chỉ còn một xứ sở tươi đẹp, phồn vinh với “Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc”. Hơn thế, nhờ ánh sáng cách mạng, nhân dân ta đã thực sự làm cuộc cách mạng lớn lao cho đời mình: từ “kẻ quê mùa” “thành trí thức”, từ “tăm tối cần lao” thành “những anh hùng”, “Những đời thường cũng có bóng hoa che”.


    Đó là sự đổi thay kỳ diệu mà tất yếu. Bởi lẽ chỉ có ánh sáng của lý tưởng cộng sản, chỉ có lý luận cách mạng đúng đắn mới có thể dẫn đường, soi sáng để đưa một dân tộc đi tới bến bờ, mới có thể làm một cuộc cách mạng thực sự làm thay đổi những kiếp người cần lao.


    Đầu bài thơ là cảnh Bác Hồ ra đi, cuối bài thơ là cảnh Bác trở về, nhà thơ đã đưa chúng ta theo chân Bác đi trọn cuộc hành trình gian lao và vô cùng vĩ đại, đó là cuộc hành trình của một người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản, là cuộc hành trình đi từ nỗi lo lắng, buồn thương đến niềm vui, hạnh phúc huy hoàng.


    Bài thơ đã kết lại cũng là lúc hình tượng Bác thăng hoa trong vẻ đẹp siêu phàm lý tưởng. Đó là cái kết hoàn mỹ nhất của hình tượng nghệ thuật theo quan niệm thẩm mỹ của Chế Lan Viên. Nếu nói cả cuộc đời nghệ thuật của Chế Lan Viên ôm khát vọng thẩm mỹ về vẻ đẹp siêu phàm – gắn với hình tượng vĩ nhân, thì có lẽ bài thơ “Người đi tìm hình của Nước” với hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, là biểu tượng tuyệt vời nhất cho khát vọng đó.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Top 4

    Bài tham khảo số 4

    Người đi tìm hình của nước là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Chế Lan Viên. Bài thơ viết về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của vị lãnh tụ tài hoa Hồ Chí Minh. Hành trình tìm đường cứu nước với biết bao gian khổ, thử thách. Chế Lan Viên với tài năng của mình đã tạc nên một bài thơ khiến cho ai cũng xúc động với những cảm xúc trong thơ.


    Ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài, với nhiều nghề khác nhau, nhiều tên khác nhau, Bác đã phải chịu rất nhiều cực khổ và gian lao. Vậy mà, chỉ với một đoạn thơ, Chế Lan Viên đã vẽ nên một bức tranh khổng lồ, kéo dài khắp thế giới.


    “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”


    Mở đầu bài thơ với câu thơ như khép mở hai chặng đường. Hai vế câu tưởng như trái ngược nhau nhưng lại có mối quan hệ nhân quả, rất lô-gíc : vì yêu nước, không cam tâm nhìn nhân dân nô lệ nên phải ra đi tìm lại dáng hình đất nước – một đất nước độc lập-tự do. Khởi đầu của cuộc hành trình, người thanh niên ấy canh cánh bao nỗi niềm. Con tàu như mang chở cả tình yêu Tổ quốc:


    Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

    Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.


    Những bãi bờ, làng xóm, những hàng tre quen thuộc của đất nước càng lúc càng mờ khuất dần, lẫn vào chân trời, thì cũng chính là lúc Bác phải ra đi, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước mang đến độc lập tự do cho dân tộc. Trong cái đêm đầu tiên xa nước ấy là sự cồn cào về tình yêu nước và nỗi nhớ nước sâu sắc:


    “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?”


    Cụm từ “ai nỡ ngủ” thể hiện sự can thiệp của ý thức đối với tiềm thức. Người không đành lòng nhắm mắt ngủ, nhưng thực ra đây là nỗi thao thức của một người cách mạng cộng sản luôn lo cho dân, lo cho nước. Nhà thơ Chế Lan Viên như hóa thân mình vào tâm hồn, cốt cách của nhân vật trữ tình để thể hiện rõ diễn biến tâm lý của người ra đi:


    Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương

    Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

    Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương


    Trên hành trình ấy, Người càng hiểu nhiều hơn về nỗi đau của nhân dân, nôi đau của đất nước. Đây chính là động lực thúc giục Người ra đi tìm đường cứu nước, và là động lực để giúp Người vượt qua những gian khổ, khó khăn trong cuộc hành trình, đầy bôn ba này.


    Hình ảnh người thanh niên, chiến sĩ cách mạng yêu nước được nhà thơ Chế Lan Viên miêu tả ở hai khổ thơ đầu bài thơ không hề nổi bật, không hề hoành tráng nhưng vẫn làm cho người đọc hiểu rõ về lý tưởng cách mạng, niềm yêu nước của người chiến sĩ ấy.


    Trong hai khổ thơ này, hình ảnh người thanh niên hai mươi tuổi, vượt trùng dương mênh mông đi tìm đường cứu nước hiện ra thật khiêm nhường và giản dị nhưng lại trở thành hình mẫu cao cả, đối lập với những cuộc đời quẩn quanh, nhỏ bé trong ao tù nô lệ:


    Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

    Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

    Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

    Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn


    Hành trình của người thanh niên yêu nước mở ra với mục tiêu và lý tưởng vô cùng rõ ràng, không mơ hồ.


    Thế đi đứng của toàn dân tộc

    Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người.


    Hai câu thơ giàu chất suy tưởng gợi lên một nhân cách với tầm tư tưởng lớn của thời đại. Nhà thơ như dẫn dắt chúng ta đi theo hành trình cứu nước gian khổ của người thanh niên yêu nước. Trong những câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động của Bác trong những năm tháng bôn ba ở xứ người, Chế Lan Viên chọn lựa các chi tiết tiêu biểu, cô đúc lại bằng lối so sánh giàu giá trị biểu cảm và đầy sức gợi :


    Có nhớ chăng hỡi giá rét thành Ba Lê

    Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá

    Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ

    Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya.


    Đọc đi, đọc lại những câu thơ này, chúng ta vô cùng xúc động và càng thấy kính yêu Bác biết bao ! Hành trình cứu nước của Bác với vô vàn vất vả, khó khăn, nhưng trong tâm hồn người thanh niêm đó luôn hừng hực ý chí đấu tranh, muốn tìm một con đường để giải phóng đất nước.


    Theo dòng sự kiện, Chế Lan Viên khái quát cuộc đời hoạt động của Người bằng ngôn ngữ thơ vừa mượt mà, trữ tình vừa sắc sảo, trí tuệ với một phong cách tài hoa.


    Lịch sử thế giới đã trải qua những giờ phút rung chuyển của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1917. Hành trình cứu nước của Bác được soi rọi bởi “Mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông”. Và, cũng chính ánh sáng mặt trời ấy đã dẫn đường cho Người đến với Chủ nghĩa Lê-nin. Dường như dáng hình đất nước đã dần dần xuất hiện khi Người đọc được Luận cương của Lê-nin:


    Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc

    Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin

    Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

    Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin


    Cái độc đáo trong những câu thơ trên là ở chỗ từ những sự kiện chính trị trọng đại, Chế Lan Viên đã thổi vào đó cảm xúc, suy nghĩ, làm sống dậy cái phút giây lịch sử trong hành trình cứu nước một cách thật xúc động.


    Giọt lệ của lòng yêu nước sao quá đỗi thiêng liêng! Dẫu ai đã đọc qua áng văn nghị luận ở dạng hồi ký của tác giả Hồ Chí Minh – Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin – cũng không thể hình dung về sự vận dụng tài hoa, sáng tạo mà có sức lay động lòng người đến thế của Chế Lan Viên! Suốt hành trình cứu nước, đây là giọt nước mắt hạnh phúc vô biên đầu tiên, xua tan bao nỗi lo dân nước, kể từ khi Người xa rời Tổ quốc yêu thương:


    Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc

    “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”

    Hình của Đảng lồng trong hình của Nước

    Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười


    Có người cho rằng, phát hiện của Bác giống như phát hiện của nhà khoa học khi tìm ra chân lý. Cũng cần nói thêm rằng, Bác Hồ của chúng ta đã tìm thấy một chân lý lịch sử: Chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Người tin rằng, chỉ có chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới có thể giúp các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam, thực hiện thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.


    Người thanh niên yêu nước đã vượt qua bao chông gai hiểm trở để đi tìm và đã tìm thấy con đường đúng đắn, đem lại tự do độc lập cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Bằng những khổ thơ đầy cảm hứng lãng mạn cách mạng, nhà thơ Chế Lan Viên đã vẽ ra viễn cảnh tương lai tươi đẹp của đất nước. Sự gắn kết điểm nhìn của tác giả với điểm nhìn của nhân vật trữ tình yêu nước là ở niềm tin yêu, lạc quan về những thay đổi tốt đẹp của ngày mai:


    Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát

    Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân

    Những kẻ quê mùa đã thành trí thức

    Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng


    Hình ảnh con người Việt Nam, đất nước Việt Nam bước lên đài vinh quang với vẻ đẹp rực rỡ lạ kỳ:


    Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói

    Những đời thường cũng có bóng hoa che


    Bài thơ là lòng biết ơn sâu sắc về công lao vĩ đại của Người khai sáng ra nước Việt Nam mới. Từ những sự kiện lịch sử, từ cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ Chế Lan Viên đã sáng tạo nên một hình tượng nghệ thuật vô cùng độc đáo: Người đi tìm hình của nước. Bài thơ, mang cốt cách và lý tưởng lớn, thơ Chế Lan Viên mang tầm cao mới, thể hiện tiếng nói của dân tộc và thời đại.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Top 5

    Bài tham khảo số 5

    Chế Lan Viên không viết bài thơ “Người đi tìm hình của nước” khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng mà 49 năm sau (năm 1960) bài thơ mới ra đời và in trong tập “Ánh sáng và Phù sa” - NXB Văn học - 1960. Bài thơ còn là món quà giàu ý nghĩa tác giả kính tặng Bác Hồ dịp 70 năm sinh nhật của Người (19/5/1960).

    “Người đi tìm hình của nước” là bài thơ hay nhất của Chế Lan Viên viết về Bác Hồ. Xuyên suốt bài thơ là hành trình từ lúc con tàu Latouche Tréville đưa người thanh niên yêu nước vượt chặng dài lênh đênh trên sóng bể; những năm tháng bôn ba “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ”, cho đến khi Người tìm thấy “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước”...

    Có thể thấy, Chế Lan Viên đã viết bài thơ bằng sự đúc kết hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước nơi đất khách quê người đầy gian nan, thử thách cho đến khi bắt gặp “... mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông” và khi: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc”... Để rồi Người mang ánh sáng Lênin về đất Việt, trực tiếp lãnh đạo Nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), lấy lại “hình của Nước” - tên gọi Việt Nam thiêng liêng trên bản đồ thế giới:

    Việt Nam, ta lại gọi tên mình
    Hạnh phúc nào hơn được tái sinh
    (Theo chân Bác - Tố Hữu)

    Mặt khác, bài thơ còn được khởi nguồn từ Hồi ký của Bác Hồ viết vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Lênin (4/1960) “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”. Điều đặc biệt cũng là giá trị của bài thơ “Người đi tìm hình của nước” đó là Chế Lan Viên viết bài thơ bằng sự chiêm nghiệm và “lồng” cảm xúc, suy tư của tác giả vào bài thơ; ở đó, giữa lúc nước mất, nhà tan, Nhân dân lầm than, nô lệ; lại có những con người bàng quan trước vận nước:

    Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
    Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
    Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
    Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

    Mở đầu bài thơ, Chế Lan Viên viết: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”...

    Bác ra đi giữa lúc đất nước chìm trong đau thương, khi triều đình nhà Nguyễn đang ở thời kỳ suy vong bạc nhược nhất; khi các phong trào kháng chiến do các sĩ phu yêu nước hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương của vua Hàm Nghi nổ ra như: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, phong trào Đông Du, Duy Tân của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... cuối cùng đều bị thực dân pháp đàn áp, rơi vào bế tắc, thất bại. Khi mà:

    Bao nẻo người đi, bước trước sau
    Một câu hỏi lớn: Hướng về đâu?
    Nǎm châu thǎm thẳm, trời im tiếng
    Sách thánh hiền lâu đã nhạt màu.
    (Tố Hữu)

    Thất bại của các phong trào yêu nước ở nước ta cuối thế kỷ XIX xuất phát từ nhiều nguyên nhân; nguyên nhân chính là chưa có một chính đảng và đường lối lãnh đạo nhất quán. Bác ra đi là để tìm một đường lối đúng đắn, phương cách để lãnh đạo Nhân dân đánh đuổi ngoại xâm, giành lấy độc lập tự do cho đất nước.

    Và, trong cuộc hành trình ấy, “Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre”, tình yêu nước, thương dân của thầy giáo Nguyễn Tất Thành cộm lên bao điều chất chứa, Người cảm nhận:

    Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
    Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
    Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương…

    Trước cảnh xa lạ xứ người, Bác càng hiểu hơn nỗi niềm của người dân mất nước, thương Nhân dân mình phải chịu nô lệ cần lao và Người quặn thắt lòng khi đất nước chìm đắm trong đau thương. Chế Lan Viên đã “lồng” cảm xúc vào những câu thơ xúc động để nói hộ tấm lòng người dân yêu nước đối với Bác Hồ:

    Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
    Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.

    Hành trình của người thanh niên yêu nước với mục tiêu chính trị cụ thể, cháy bỏng; không ảo tưởng, hão huyền. Điều mà Người đi tìm “Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người/... Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi” mà “Người đi tìm hình của Nước”; tìm dáng đi, thế đứng của đất nước, của dân tộc Việt Nam:

    Thế đi đứng của toàn dân tộc
    Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người.

    Trong cuộc hành trình ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã trải qua những gian lao, thiếu thốn, giá rét…; tự lao động để sống, để đi và để hoạt động cách mạng. Chế Lan Viên khái quát hóa chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ trong những tháng năm nơi xứ người bằng những câu thơ đầy xúc động:

    Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
    Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
    Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
    Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?...

    Vượt qua bao nhiêu gian nan, khắc nghiệt với lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết cách mạng bừng bừng, cuối cùng người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy “Mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông”; và, hạnh phúc nhất khi Người tiếp cận Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin:

    Luận cương đến với Bác Hồ. Và người đã khóc
    Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin…

    “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” - Hình tượng thơ vô cùng đẹp! Trong suốt hành trình đi tìm đường cứu nước, đây là lần đầu tiên Bác khóc, nước mắt của một nhà yêu nước thật quá đỗi thiêng liêng, khiến bất cứ ai cũng phải nghẹn ngào! Cái độc đáo, cái tài của Chế Lan Viên là từ một sự kiện chính trị trọng đại, tác giả đã “thổi” vào đó cảm xúc, nhân cách hóa giá trị lịch sử để trong phút giây thiêng liêng ấy vỡ òa niềm hạnh phúc làm xúc động lòng người!

    Sau “Lệ Bác Hồ rơi...” , khổ thơ kế tiếp là tiếng reo cười:

    Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
    “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
    Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
    Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười...

    “Bác reo lên...”, câu thơ như sóng sánh tiếng cười làm ta liên tưởng đến niềm vui trong trẻo của một con người vì đã chịu quá nhiều khổ đau chợt vỡ òa hạnh phúc! Niềm hạnh phúc quá lớn; bởi nó không chỉ của một người mà là hạnh phúc của cả một dân tộc! Bác khóc và Bác cười - hình tượng thơ rất lãng mạn và đẹp vô cùng!...

    Người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc mừng vui, xúc động vì đã tìm ra chân lý lịch sử, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể giúp các dân tộc bị áp bức trên thế giới và dân tộc Việt Nam thực hiện thành công cuộc đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

    Bằng những câu thơ lãng mạn cách mạng, tin tưởng một ngày mai khi “Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát”... Chế Lan Viên đã “vẽ” ra một viễn cảnh tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc Việt Nam:

    Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
    Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
    Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng...

    Hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mang “Luận cương của Lênin” về đất Việt; và “... bóng Bác đang hôn lên hòn đất” - sự khởi đầu “ngày trở về” sau 30 năm xa Tổ quốc; từ đây, Người lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc ta:

    Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
    Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
    Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
    Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai…

    Chế Lan Viên đã khái quát toàn bộ hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ kính yêu bằng hình tượng thơ rất xúc động. Bài thơ là lòng biết ơn sâu sắc của toàn dân tộc Việt Nam đối với Người đã tìm lại hình đất nước...

    Nguồn: THANH DƯƠNG HỒNG (baolamdong.vn)

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Top 6

    Bài tham khảo số 6

    Năm 1960 Bác Hồ 70 tuổi, sinh nhật Đảng tuổi 30, kỉ niệm 15 năm ngày thành lập nước. Miền Bắc bừng lên không khí sôi nổi đầy hứng khởi thi đua lập công dâng Bác, dâng Đảng. Chế Lan Viên viết bài thơ trong dịp chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm ấy. Thi phẩm được đưa vào tập Ánh sáng và phù sa (1960), sau đó tuyển vào tập Hoa trước lăng Người (1977). Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu (1963) đánh giá đâylà “bài ca thành tựu nhất trong tập Ánh sáng và phù sa”. Cho đến nay, qua sự thử thách của thời gian bài thơ càng phát ra những ánh sáng thẩm mỹ mới, xứng đáng không chỉ là viên ngọc trong di sản thơ ca quý giá của Chế Lan Viên mà còn của cả thơ ca Việt Nam hiện đại.


    Bài thơ dựa vào cái tứ vững chãi: nước mất nên không còn hình bóng trên bản đồ thế giới nên Bác là người đi tìm lại. Không chỉ tìm lại trên bản đồ thế giới mà còn tìm lại trong trí nhớ, trong ý thức của nhiều người. Thế nên có những câu rất đắt như “Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê”. Vua Lê tạo ra tên Hồ Gươm mà không ai nhớ, không ai bàn đến tức là đã lãng quên lịch sử thật đáng trách. Tên bài thơ có thể “diễn nôm” là “Bác Hồ đi tìm đường cứu nước”. Thế là cách nói thông thường, không phải thơ vốn có nghệ thuật chủ đạo là kiến tạo hình tượng thẩm mỹ giàu có ý nghĩa cảm xúc, tư tưởng. Có người nói cái tứ này độc đáo nhưng không phải vậy. Chúng ta đã có một bộ sử thi lớn là Đẻ đất đẻ nước mang cảm hứng vĩ đại khai sinh ra đất nước. Nên nói Chế Lan Viên kế thừa, phát triển tinh hoa vốn cổ thì có lẽ đúng hơn. Chính nhà thơ sau này trong tùy bút nổi tiếng về Bác Hồ có tên Sen của loài người cũng nói: “Có những vĩ nhân đẻ ra sách. Có những vĩ nhân đẻ ra đời. Có những thời kỳ trước hết phải tạo ra núm ruột, chùm rau...”(1). Ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa bao trùm của bài thơ: Bác là người khai sinh ra đất nước này! Cũng cần thấy thêm một nét phong cách Chế Lan Viên là thường hấp dẫn đến mê say về sự sinh nở. Thơ ông có nhiều những hình tượng nói về sự sinh nở như “bào thai”, “núm ruột”, “bọc hồng đất nước”, “chùm rau”, “cái trứng non sông”...Ông từng triết lý cách mạng là một cuộc sinh nở lớn...Bài thơ này cũng là một sự sinh nở, một sự sinh nở vĩ đại với sự ra đời một đất nước. Với ý nghĩa ấy dân gian gọi Bác là “Cha già dân tộc”, Chế Lan Viên nói khác đi, bằng thơ: Người đi tìm hình của nước! Cũng là một sự “đẻ đất đẻ nước” đó thôi!


    Thường có mấy khuynh hướng viết về Bác Hồ: sự hài hòa tuyệt vời cái bình thường, giản dị, truyền thống mà vĩ đại, cao cả, cổ điển (Tố Hữu với Bác ơi, Theo chân Bác...); cái rất mực ấm áp đời thường (Minh Huệ với Đêm nay Bác không ngủ...); sự vĩ đại lớn lao, cao cả, tuyệt đối (Người đi tìm hình của nước...). Chế Lan Viên không theo xu hướng khái quát toàn bộ cuộc đời Bác như Tố Hữu (Theo chân Bác) mà tập trung khai thác tâm trạng, những gian nan Bác gặp nên hình tượng thơ (Bác) được cụ thể hóa ở mức triệt để nhất: “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc”. Người đọc cứ như hình dung ra một con người thật trước mắt: “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ...”. Cụ thể hóa để đạt đến độ khái quát hóa cao nhất: “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước”. Chính trị học sẽ phải diễn giải ý này bằng hàng trang luận thuyết mới có thể tường minh được sự thống nhất, sự gặp gỡ mục đích, quyền lợi, vai trò...của Đảng và dân tộc, nhân dân, đất nước. Câu thơ này tiêu biểu cho định nghĩa thơ là sự cô đọng, hàm súc, nói được nhiều ý nghĩa nhất trong vốn từ vựng ít nhất. Bài thơ cũng thể hiện tập trung phong cách Chế Lan Viên thiên về trí tuệ, triết lý, sắc sảo, câu chữ được tinh luyện như vàng như ngọc, nhìn ở góc độ nào cũng thấy phát sáng.


    Bài thơ dài 20 khổ, mỗi khổ thường 4 dòng, mỗi dòng thường 8 chữ phác họa những tâm tư tình cảm, suy nghĩ và những gian nan mà Bác đã gặp trên hành trình cứu nước. Đại để có thể chia bố cục bài thơ thành ba phần, phần 1 là cảm nghĩ của tác giả về con đường Bác đi, phần 2 là cảm nghĩ về sự vất vả gian nan Bác đã trải qua và nỗi vui mừng khi Bác tìm thấy đường đi, phần 3 cảm nghĩ khi Bác đọc Luận cương và trên đường về nước. Như vậy bài thơ tổ chức theo trật tự thời gian trên cơ sở cả một hệ thống hình ảnh tương phản.


    Có lẽ chủ ý của tác giả gây ấn tượng về các cặp đối lập ở ngay câu thơ mở đầu 10 chữ được ngắt đoạn: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”. Nhờ sự đối lập này mới nói lên được cái hoàn cảnh bức bối mất nước và tâm trạng quyến luyến của nhân vật trữ tình là Bác. Câu tiếp theo vẫn nằm trong hệ thống đối lập ấy nhưng có gì đấy đột ngột, vội vã: “Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”. Nhưng nhờ vậy mới thể hiện được cái tâm trạng vội vàng (của “tôi”) như muốn theo Bác ngay để phần nào chia sẻ những gian nan sắp tới...


    Xét về thời gian nghệ thuật thì các sự kiện trôi theo dòng lịch sử dài đúng 30 năm. Ngày 28-1-1941 lịch sử Bác về nước. Bước qua cột cây số 108 là Tổ quốc mình, cảm động Người cầm hòn đất lên hôn. Hòn đất ấy trở thành biểu tượng cho giang sơn đất nước Việt Nam này. Bác trở về để tạo hình Đất Nước! Cảm ơn Chế Lan Viên đã nói rất hay sự kiện này bằng thơ: “Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”.Phải là “lắng nghe” (thính giác) mới đúng là Chế Lan Viên. Vì trong sự “lắng nghe” ấy có cái âm thanh xôn xao cựa mình của hình hài đất nước, có cả cái rạo rực bồi hồi của con tim mình! Nên hiểu câu thơ theo nghĩa biểu tượng: Bác Hồ trở về thì “hình đất nước phôi thai. “Màu hồng” ở đây là màu của đất. Câu thơ cho thêm một nghĩa mới, Bác là con người của thiên nhiên, đất đai, cây cỏ. Sau này là Chủ tịch Nước Bác vẫn sắn quần lội ruộng, cùng bà con tát nước, gặt lúa. Ngày thường Bác vẫn làm vườn “Việc quân việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”!


    Ngày nay người ta quan niệm tác phẩm nghệ thuật là một mô hình. Nếu là tác phẩm lớn thì có thể ví như một mô hình tòa lâu đài do tác giả vừa thiết kế,vừa thi công. Thi phẩm này là vậy với hai cánh cửa bằng vàng mở ra mới thấy hết cả một thế giới nghệ thuật có thời gian dài 30 năm và không gian rộng “khắp châu Mĩ châu Phi”, cả “những đất tự do, những trời nô lệ”...Đó là hai câu thơ không chỉ đi vào lịch sử thơ ca mà còn đi vào lịch sử dân tộc: “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” và “Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”. Vượt lên trên câu chữ, đó là tâm trạng không chỉ một người mà là tâm trạng của cả thời đại. Đó là lịch sử. Không chỉ là lịch dân tộc này mà còn là lịch sử nhân loại sẽ sang hẳn một trang mới.


    Đấy là những câu thơ không có đáy. Có thể hiểu đó là chủ nghĩa yêu nước bắt gặp chủ nghĩa Lê nin. Có thể hiểu đó là nỗi mừng vui, lo âu, hồi hộp của Bác vừa tượng hình ra đất nước giống như người Mẹ tạo hóa vĩ đại tượng hình ra tạo vật!


    Nguồn: N.T (http://vannghequandoi.com.vn/)

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Top 7

    Bài tham khảo số 7

    Hơn 50 năm bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên ra đời, người đọc vẫn không thôi xúc động bởi hình tượng Bác vừa đẹp đẽ, vừa trữ tình, vừa đầy chất sử thi được tái hiện trong những câu thơ giản dị mà trí tuệ, tài hoa.


    Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

    Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!

    Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,

    Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre


    Đó là những câu mở đầu trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên. Những câu thơ đã trở nên gần gũi, quen thuộc, ấm áp tình cảm với mỗi người Việt Nam, gợi nhớ hình ảnh Bác Hồ, người đã rời xa Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước.


    Cách đây đúng 110 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc bấy giờ là chàng trai yêu nước tên Ba, 21 tuổi, đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước vào ngày 5/6/1911 trên con tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin tại bến cảng Nhà Rồng.


    Tròn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, làm đủ nghề để kiếm sống, trải qua muôn vàn gian khổ vẫn kiên định con đường cứu nước, Người đã tìm ra con đường đi cho dân tộc. Đúng 30 năm, từ chuyến rời xa Tổ quốc với quyết tâm cao cả đó, năm 1941, Người đã trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, đem lại quyền sống cho những người dân nô lệ. Người đã tìm được hình hài của một nước Việt Nam mới.

    Nhà thơ Chế Lan Viên, với tài năng thơ, bút lực mạnh mẽ và tư duy thơ đậm chất suy nghiệm, triết lý đã thể hiện thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vĩ nhân, con người mang phẩm chất siêu phàm và hành trình gian khổ mà vĩ đại của Người.


    “Người đi tìm hình của nước” là bản trường ca đúng nghĩa bởi chất sử thi, bởi tính khái quát, triết lý và trữ tình đan xen hòa quyện trong từng hình ảnh, chi tiết nhỏ, làm nên những câu thơ đầy sức lay động: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa…”.


    Chất trường ca đã nằm ngay trong cái tứ của bài thơ mà tác giả đã thông tin ngay từ tiêu đề của bài thơ “Người đi tìm hình của nước”. “Tìm hình của nước”, tức là tìm hình hài, dạng thức tồn tại của đất nước: “Thế đi đứng của toàn dân tộc/ Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người”.


    Và bản trường ca ngắn “Người đi tìm hình của nước” đã triển khai tứ thơ đó bằng việc khái quát chân thực và xúc động con đường cứu nước của Bác Hồ, từ lúc Người bồi hồi chia tay Tổ quốc: “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!...”.


    Và hành trình gian nan, vất vả: “Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba Lê?/ Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá/ Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ/ Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?...”.


    Cho đến lúc, Người tìm ra con đường đi cho dân tộc, Nhân dân. Ấy là phút giây Người vui sướng, hạnh phúc tột đỉnh khi bắt gặp Luận cương Lê-nin: “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin/ Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”.


    Chế Lan Viên rất sáng tạo trong việc diễn tả cảm xúc từ một chi tiết có thật mà Bác Hồ kể lại. Nhà thơ đã rất thành công trong việc khắc họa, tái hiện lại những giây phút vô cùng thiêng liêng, huyền diệu của một sự sống lớn lao, đó là hình hài của đất nước đang được hoài thai, sinh nở: “Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:/ "Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"/ Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/ Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.


    Sức nặng của tứ thơ, những dòng cảm xúc ẩn chứa sau mỗi ngôn từ, hình ảnh của bài thơ giống như những mạch ngầm dồn tụ hết vào đoạn thơ này. Nhà thơ đã dồn hết bút lực vào những câu thơ diễn tả sâu sắc hạnh phúc to lớn, bất ngờ mà Người đã đánh đổi cả cuộc đời để tìm kiếm và cả dân tộc đang mong mỏi.


    Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ đã trở về Tổ quốc mang theo niềm tin và chân lý sáng ngời ấy: “Luận cương của Lê-nin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/ Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”. Bài thơ kết thúc trong một hình ảnh vừa gần gũi, vừa kỳ vĩ, âm điệu đầy dư ba trong lòng người. “Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất”. Ấy là sự gần gũi trong hành động của một người con yêu nước xa Tổ quốc bao nhiêu năm nay được trở về với đất nước thân yêu, kỳ vĩ trong hình ảnh đất nước, hình hài dân tộc đã tượng hình trong dáng dấp, hình bóng và tâm hồn của Người.


    110 năm đã trôi qua từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 80 năm Bác trở về lãnh đạo cách mạng và tạo nên hình hài một nước Việt Nam mới và hơn 50 năm bài thơ của Chế Lan Viên ra đời. Người đọc hôm nay vẫn không thôi xúc động và cuốn hút bởi hình tượng Bác vừa đẹp đẽ, vừa trữ tình, vừa đầy chất sử thi được tái hiện trong những câu thơ giản dị mà trí tuệ, tài hoa của Chế Lan Viên.


    Nguồn: Nguyễn Thị Nguyệt (baohatinh.vn)
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy