Bài tham khảo số 5
Phạm Ngũ Lão sinh ra trên mảnh đất Hưng Yên giàu truyền thống văn hóa văn hiến nuôi dưỡng tâm hồn biết yêu học thức, yêu quê hương. Từ nhỏ, Phạm Ngũ Lão đã nổi tiếng cương trực, lớn lên một lòng trung quân ái quốc giúp vua Trần giữ yên bờ cõi. Một bậc tài danh, giỏi từ học thức tới tài võ, tài thao lược nhưng cả đời không nguôi nỗi hổ thẹn vì chưa góp công cho đất nước nhiều hơn nữa. Tâm tư đó, ai cũng thấy rõ trong bài thất ngôn tứ tuyệt “Tỏ lòng”:
“Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
Bài thơ “Tỏ lòng” hay còn gọi là “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão đã phục dựng và làm nổi bật lên một thời đại huy hoàng đầy hào khí Đông A. Hào khí ấy hiện thực hóa trong khí phách và sức mạnh của đội quân triều Trần:
“Hoành sóc giang san cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu”
(“Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”)
Trước mắt người đọc là đạo quân đang “hoành sóc” (múa giáo) luyện binh. Chiếc giáo sắt quen tay tới nhuần nhuyễn, thành nghệ thuật, chứa khí thế hiên ngang “đầu đội trời, chân đạp đất” của đội quân Sát Thát. Từ “hoành” kết hợp với “giang san” và “kỷ thu” như khiến tầm của đội quân trở nên thần thánh hóa, hóa thân của sức mạnh vĩnh cửu với thời gian và bao trùm mọi không gian.
Sẽ chẳng có một kẻ địch nào ngăn cản khí thế hổ dữ “nuốt trôi” một con trâu mộng lớn. Phạm Ngũ Lão đã ngầm so sánh tương quan lực lượng giữ quân ta và địch. Ta như loài chúa tể tuy không lớn nhất trong rừng xanh nhưng sức mạnh và nghệ thuật săn mồi có thừa. Còn trâu mộng kia ắt hẳn là quân giặc, tuy to xác nhưng kém sắc sảo, mưu trí. Phạm Ngũ Lão đang tuyên cáo với quân giặc: Đội quân các người có đông đảo tới đâu, vũ khí có tân tiến tới đâu thì cũng không địch lại được tam quân này.
Đến hai câu thơ sau, Phạm Ngũ Lão giãi bày tấm lòng:
“Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
(“Công danh nam tử con vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu”)
Từ “nam nhi” nhắc đến chí làm trai quen thuộc:
“Làm trai cho đáng nên trai
Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào
Ăn thì chọn những miếng ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm”
Nếu ca dao nhắc chí làm trai để châm biếm kẻ nam nhi lười nhác không làm nên trò chống gì thì Phạm Ngũ Lão mượn chuyện chí làm trai để bày tỏ nỗi thẹn. Tác giả thẹn vì hai chữ “công danh”. Thực tế lịch sử, Phạm Ngũ Lão lập nên nhiều chiến công và được lưu danh sử sách. Tuy vậy, nhà thơ không lấy đó làm tự cao mà ngược lại còn không chịu thỏa mãn với nghiệp công danh của bản thân. Tác giả nhắc đến Vũ Hầu hay Gia Cát Lượng - một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán, Trung Quốc. Phạm Ngũ Lão hổ thẹn cho rằng bản thân chưa phục vụ nhà Trần được như Vũ Hầu giúp vua Thục. Nỗi thẹn này càng chứng tỏ tài và tâm của Phạm Ngũ Lão.
Bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đậm chất sử thi, có nhiều sáng tạo ngôn từ, giọng thơ linh hoạt khi hào sảng khi tự vấn. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, bài thơ còn mang giá trị lịch sử khi ghi lại đậm hào khí Đông A một triều đại hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Qua bài thơ, ta thấy được phong cách, tài năng và nhân cách Phạm Ngũ Lão.