Bài tham khảo số 8

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung – Quãng Ngãi, một vùng đất cằn cỗi, quanh năm chỉ có gió và cát, một vùng quê nghèo. Do hoàn cảnh bắt buộc, ông rời xa quê hương từ thuở thiếu thời. Trong thời gian xa quê ông viết rất nhiều tác phẩm, chủ yếu là về quê hương, bằng tất cả những tình yêu, nỗi nhớ của mình. Một vùng đất đầy thơ mộng và rất đẹp trong thơ Tế Hanh.


Xa quê, xa cả con sông. Có thể nói đó là nỗi đau của ông. Qua những kỉ niệm, hồi tưởng về con sông trong “nỗi nhớ con sông quê hương”, Tế Hanh đã thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết, mãnh liệt, một hình ảnh quê hương thân thiết, ruột rà.


Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là buổi trưa hè

Tỏa sáng dưới dòng sông lấp loáng


Và cũng thật tự nhiên khi những hồi tưởng của tác giả lại có sức lay động thật mãnh liệt đến độc giả. Khi không gian kỷ niệm hiện lên trong ngần, tỏa nắng và mát rượi, đó cũng là lúc quê hương hiện hữu gần gũi, quyện hòa với hồn người.


Có người ví một tác phẩm văn học như con người mà nội dung là thể xác, nghệ thuật là tâm hồn. Nếu quả như vậy thì đoạn thơ:


Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu…….Vẫn trở về lưu luyến bên sông(Tế Hanh – Nhớ con sông quê hương)

là “con người-thơ” thực sự, kết hợp bởi cả thể xác và tâm hồn. Đoạn thơ in dấu ấn trong người đọc chính vì “tâm hồn” nghệ thuật đặc sắc được tác giả Tế Hanh sử dụng:


Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy

Bầy chim non bơi lội trên sông


Lối dùng từ láy và đảo ngữ tạo cho hai câu thơ trên sự nhịp nhàng, uyển chuyển như nhịp đi của cảm xúc tâm trạng tác giả. Hơn thế nữa, lối đảo ngữ đó còn chạm khắc rất rõ nét trước mắt ta, hình ảnh bên con sông. Cảnh sinh động, rộn rã lạ thường:


…. ríu rít tiếng chim kêu…. chập chờn con cá nhảy


Cuộc sống của chim trên cạn, cá dưới nước được tái hiện linh hoạt, giàu hình ảnh. Từ láy “ríu rít” gợi ra âm thanh trong trẻo, đông vui, “chập chờn” ghi lại hình ảnh từng chú cá nhảy lên rồi lại lặn xuống. Cảnh thật vui tươi, sống động.


Bầy chim non bơi lội trên sông


Lối vật hóa kết hợp cùng ẩn dụ một cách hài hòa, nhuần nhị đã diễn đạt khá thành công ý nghĩ về sự thơ ngây, hồn nhiên của tuổi thơ tác giả. Trong hồi ức của ông, ngày đó, ông và bạn bè hết sức vô tư và non dại, cứ ngây thơ như “bầy chim non”. Nghệ thuật đó còn bộc lộ cả tình yêu, thái độ trìu mến của nhà thơ với những kỉ niệm thời niên thiếu.


Chỉ một khổ thơ bốn câu nhưng đã nói với chúng ta bao điều về tuổi thơ tác giả. Đó là tuổi thơ hòa mình với tiếng chim trong veo, hót “ríu rít”, gắn với con cá, mặt nước, bạn bè… thật đẹp, thật đáng nhớ, đáng yêu:


Tôi giơ tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ


Thật khó tìm được bài thơ nào viết về con sông mà có những hình ảnh tuyệt đẹp, hết sức độc đáo đó. Nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ kết hợp nhuần nhuyễn. Từ hình ảnh thực: tác giả ôm nước và tắm giữa lòng sông, nhà thơ đã nâng lên thành hình ảnh đặc sắc, có tầm nghĩa khái quát cao hơn. Đó là con người tác giả và con sông rất gắn bó với nhau, mật thiết như là anh em, máu thịt của nhau.


Cả hai đến với nhau cùng nhau giao hòa cộng hưởng, dành cho nhau khoảnh khắc tuyệt diệu nhất của tuổi trẻ. Phải yêu sông lắm, thực sự gắn bó với sông, Tế Hanh mới có được kỉ niệm, và lưu giữ được những kỉ niệm đó, gửi gắm được vào những dòng thơ tuyệt vời, giàu hình ảnh đến như vậy.


Đoạn thơ khép lại:


Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả

Kẻ sớm hôm chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển

Vẫn trở về lưu luyến bên sông


Từ “kẻ” được lặp đi lặp lại đến hai lần, nó vừa có ý nghĩa nhấn mạnh về sự chia xa, tản mát của bạn bè, vừa ẩn chứa sự tiếc nuối vô hạn của tác giả vì kỉniệm tuổi thơ nay đành gác lại, trả về thời gian, dĩ vãng.

Khi so sánh “lòng tôi như mưa nguồn gió biển” hẳn nỗi nhớ trong lòng tác giả đang cuộn lên dâng tràn dào dạt. Hình ảnh ấy giúp ta “thấy” được nỗi nhớvốn vô hình vô ảnh, giúp ta nắm bắt được tâm trạng, nỗi lòng nhớ nhung của tác giả khi nghĩ về dòng sông ở quê hương.


Đoạn thơ có cái gì như ngậm ngùi, chua xót, nuối tiếc những kỉ niệm ấu thơ. Không buồn sao được khi chuỗi ngày tươi đẹp gắn liền với dòng sông quê hương giờ không thể nào, không bao giờ có lại được. Tác giả tiếc như tự mình đánh mất một cái gì vô cùng quý giá, vô giá. Kỉ niệm với bao khoảnh khắc “khi bờ tre…”, “khi mặt nước…”, điệp từ “khi” chỉ ra bao khoảng thời gian giờ đành im lặng nghẹn ngào.


Đoạn thơ trên, với nghệ thuật đa dạng, phong phú đã ghi lại tấm lòng “nhớ con sông quê hương” của tác giả, và đó cũng đồng thời là nỗi nhớ, tình yêu nước thiết tha, sâu nặng của tác giả, người con đất Việt.


Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc

Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc

Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”

Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng

Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc

Tôi nhớ cả những người không quen biết…

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

Hình ảnh con sông quê mát rượi

Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới

Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông

Tình Bắc Nam chung chảy một dòng

Không gành thác nào ngăn cản được

Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước

Tôi sẽ về sông nước của quê hương

Tôi sẽ về sông nước của tình thương


Đối với Tế Hanh, quê hương luôn là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa… Dù ở phương trời nào lòng ông vẫn nhớ quê hương, nó luôn dạt dào, cháy bỏng trong ông khiến nhà thơ thấy được hình ảnh quê hương liên tục hiện ra. Quê hương chính là sức sống của ông, ở một khía cạnh nào đó, ta lại thấy tình yêu quê hương của Tế Hanh rất đa chiều và phức tạp. Lúc da diết, ngập tràn với “Nhớ con sông quê hương”, nhưng lúc khác lại cho người đọc thấy một hồn thơ trẻ trung phơi phới của “Quê hương”.


Nhưng dù ở góc độ, khía cạnh nào thì nó đều ẩn chứa một tình yêu, nỗi khát khao đoàn tụ, bày tỏ khát vọng gặp gỡ cụ thể. Không như thơ Huy Cận, Lưu Trọng Lư đầy chất mộng ảo, không như thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên hun hút sầu thương, thơ Tế Hanh trong sáng, khoẻ mạnh, đắm đuối rất thực. Bởi ông có một vùng quê bằng xương, bằng thịt, mà ông luôn dõi theo bằng đôi mắt rất thực, bằng trái tim có địa chỉ rõ ràng.


Có thể nói những bài thơ về quê hương trước và hai mươi năm sau Cách mạng Tháng Tám của Tế Hanh đã cất lên một tiếng ca trong trẻo, nồng nàn, thơ mộng về con sông hiền hòa đã. Mỗi chúng ta một lần nữa vui mừng khi được giao tiếp với một hồn thơ khoẻ mạnh, trong sáng song lại rất đỗi bình dị mà sâu sắc.

Nó không hề làm nặng đầu ta với những bóng dáng siêu hình hay những vô thức u minh, nó chắp cánh mộng mơ, bồi đắp cho mỗi chúng ta tình yêu quê hương thắm thiết, là điểm trở về bình yên của ta trong cuộc đời nhiều bươn trải, cũng là sự thôi thúc ta vươn lên.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 9 Bài văn phân tích tác phẩm Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh (Ngữ văn 11) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Nội dung cần có của bài phân tích?
  3. top 3 Bài tham khảo số 2
  4. top 4 Bài tham khảo số 3
  5. top 5 Bài tham khảo số 4
  6. top 6 Bài tham khảo số 5
  7. top 7 Bài tham khảo số 6
  8. top 8 Bài tham khảo số 7
  9. top 9 Bài tham khảo số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy