Bài thuyết trình mâm cỗ Trung thu "Hồn Việt"
Kính thưa các vị đại biểu.
Kính thưa Ban giám khảo, các thầy,cô giáo cùng toàn thể các bạn!
Từ ngàn xưa, người Việt Nam, mỗi lần đến Tết Trung thu, ông bà, cha mẹ lại gửi gắm rất nhiều tình cảm và nỗi niềm vào những mâm cỗ để con trẻ được phá cỗ trông trăng. Những sản vật bình dị, dân dã, cây nhà lá vườn dưới bàn tay khéo léo cộng với tất cả tình yêu thương dành cho con cháu, các bà các mẹ đã làm nên những mâm cỗ trông trăng đẹp mắt, giàu phong vị và đậm đà ý nghĩa. Còn đây là Mâm cỗ Trung thu của chúng em - những hoc sinh trường XX, những chủ nhân tương lai của đất Thăng Long ngàn năm văn vật – là sự tiếp nối truyền thồng ngàn xưa của ông cha. Chúng em đã mang đến Lễ hội Trung thu năm nay mâm cỗ với chủ đề “Hồn Việt”.
Đây: Một Khuê Văn Các được dựng nên từ sản phẩm của bột gạo, bột ngô, những tinh tuý của đồng đất quê hương cùng biết bao khát vọng vươn tới tương lai bằng việc rèn đức luyện tài với tư tưởng “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Cũng như xưa kia cha ông ta đã gửi gắm mong ước đó qua hình tượng “ Ông tiến sĩ giấy”. Và đây là những em thiếu nhi – những mần non tương lai của đất nước phát huy những truyền thống đó để xây dựng một đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới như lời dạy của Bác Hồ.
Nuôi dưỡng những ước mơ đó, chính là những sản vật của đồng quê và sự kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc. Là hoa trái vườn nhà thảo thơm với bưởi vàng, hồng đỏ, chuối xanh.... Là những hạt cốm dẻo thơm đựơc chắt chiu từ đất đai ruộng đồng hai sương một nắng. Và đây là những tích trò trong đêm hội Trăng rằm như múa lân, rước đèn... cũng được tái hiện lại.
Tất cả, tất cả đều được làm nên từ mâm cỗ bình dị này, chúng em muốn nói lời cảm ơn sâu sắc tới tổ tiên của người Việt. Cảm ơn ban Tổ chức đã cho chúng em có cơ hội để được cùng bày cỗ Trung thu và chia sẻ niềm vui đón Tết trăng rằm cùng bè bạn trên đất Rồng thiêng trong những ngày rộn ràng mừng Thăng Long một ngàn năm tuổi này.