Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 2
Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam in trong tập nắng trong vườn (năm 1938) với những hình ảnh nhỏ nhặt, bình thường nhưng ẩn chứa trong đó là cả cuộc đời, những số phận nghèo khổ, tăm tối trong xã hội đô hộ phong kiến lúc bấy giờ. Tác phẩm đi sâu vào miêu tả tâm lí nhân vật trước những hoàn cảnh ấy. Đặc biệt hình ảnh con tàu, đại diện cho một nền công nghệ hiện đại, là tượng đài của sự tiến hóa vượt bậc của xã hội. Sự xuất hiện của con tàu như một điểm sáng rực rỡ, một điểm nhấn để tách rời hai thế giới khác biệt, giữa một bên là nền văn minh tiên tiến, cuộc sống con người no đủ và một bên vẫn là cuộc sống lạc hậu, nghèo khó. Tác phẩm đã làm rõ nét khung cảnh mịt mờ ấy.
Hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện, giữa những cảnh hoang sơ, tàn lụi, và đầy u ám của một xã hội thu nhỏ. Chuyến tàu đêm như một thế giới hoàn toàn khác biệt, là niềm mơ ước và khát vọng của những người nghèo khổ. Những ánh đèn lập lòe, những tiếng ồn ã náo động như đánh thức mọi giác quan, khiến tất cả mọi người như lạc vào một xã hội mới với một niềm mong ước thầm lặng. Đồng thời hình ảnh hai chị em Liên, An và các nhân vật khác như đứa trẻ bới rác, mẹ con chị Tí hàng nước, bà cụ Thi điên say rượu, bác phở Siêu, vợ chồng con cái nhà xẩm mù… góp phần tô đậm bức tranh cuộc sống khốn khó và tẻ nhạt. Cốt truyện dường như xoay quanh cuộc sống khốn khó, nghèo nàn của cư dân phố huyện.
Bóng tối dần bao trùm phố huyện, mang trong đó là thanh âm của sự tĩnh mịch, đây u ám, lạnh lẽo. Tác giả đã khéo léo sử dụng những hình ảnh miêu tả từng tiếng động nhỏ nhất “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng”, “tiếng muỗi vo ve trong bóng tối”, hay cả những hình ảnh đang dần chìm vào trong bóng tối tĩnh mịch “chị Tí với hàng nước sơ xài”, “bác Siêu với gánh phở bập bùng ánh lửa”, “gia đình bác Xẩm mù với mảnh chiếu trải ra đất”,… Tất cả những âm thanh, hình ảnh đấy nhưng càng tô đậm thêm cái màu sắc hoang vắng, cô liêu của bóng đêm nơi phố huyện.
Thạch Lam đã lấy hình ảnh hai đứa trẻ chờ đón đoàn tàu, chờ đón một niềm vui nhỏ bé một cách đầy chi tiết và tỉ mỉ. Nó không đơn giản là để việc bán hàng của hai chị em được thuận lợi mà kèm theo đó là sự khao khát, mong mỏi được ngắm nhìn đoàn tàu sang trọng. Sự tẻ nhạt, lặng lẽ của hai đứa trẻ đang háo hức đợi chờ đoàn tàu lăn bánh qua phố huyện để thấy được sự đối lập giữa tâm trạng, cuộc sống của nhân vật với hình ảnh náo động, nhộn nhịp của đoàn tàu.
Đoàn tàu như là hình ảnh hoạt động cuối cùng của đêm khuya, đối với hai chị em Liên và An hình ảnh con tàu như một thế giới mơ ước, có những ánh đèn xanh đó, có những âm thanh vui nhộn khác hẳn với những hình ảnh tẻ nhạt được lặp đi lặp lại mà hai chị em vẫn thường thấy.Từ rất xa tiếng còi tàu đã hú vang khắp phố và ánh đèn của người gác đường tàu. Tiếp theo là Liên trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi, rồi nghe thấy tiếng còi xe lửa trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi. Sau đó, hai chị em nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, kèm theo một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ. Thế rồi, tàu rầm rộ đi tới, các toa đèn sáng trưng, những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh. Cuối cùng là cảnh tàu đi xa dần mất hút trong đêm tối mênh mông, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt, cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre...
Qua ánh nhìn của tác giả, hình ảnh đoàn tàu lăn bánh qua phố huyện rất nhanh chóng, nhưng đã lại cảm xúc đầy nuối tiếc của hai đứa trẻ. Qua hình ảnh đoàn tàu còn gợi lên nhiều mong ước đẹp đẽ của hai đứa trẻ thơ lớn lên giữa cuộc sống nghèo khó, tẻ nhạt.
Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” đã để lại cho người đọc tâm trạng thương cảm cho những số phận con người tẻ nhạt, bất hạnh nhưng vẫn luôn khát vọng về một cuộc sống tương lai tươi sáng hơn. Hình ảnh đoàn tàu như một điểm nhấn thoáng xuất hiện rồi thoáng vụt mất như một niềm vui nhỏ bé, niềm ước mong không bao giờ tắt.