Top 10 Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Thạch Lam là một nhà văn tiêu biểu của nền Văn học Việt Nam. Văn chương Thạch Lam trong sáng giản dị mà thâm trầm sâu sắc. Điều đó được thể hiện qua truyện ... xem thêm...ngắn "Hai đứa trẻ" được giới thiệu trong chương trình Ngữ Văn lớp 11. Hôm nay, Toplist xin chia sẻ tới bạn đọc một số bài văn cảm nhận chi tiết đặc sắc nhất tác phẩm - đó là hình ảnh đoàn tàu trong truyện:
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 1
Hình ảnh đoàn tàu ở cuối tác phẩm được coi là một chi tiết giàu ý nghĩa, góp phần làm nên thành công của truyện ngắn này. Đây là một hình ảnh được dựng xây để thấy được một số khía cạnh khác nhau của đời sống hiện thực. Hình ảnh con tàu trong Hai đứa trẻ mang mơ ước của chị em Liên về một phố thị đầy phồn hoa, nơi không còn những tù túng, quẩn quanh như Cẩm Giàng.
Hình ảnh sự tàn lụi cuối ngày được mở ra đầu câu chuyện, khi tiếng trống thu không cất lên. Phố huyện nghèo như đón nhận những huyên náo vui nhộn cuối cùng của một ngày khi con tàu xuất hiện. Hình ảnh hai chị em Liên trong Hai đứa trẻ hiện lên bừng lên trong chốc lát. Thạch Lam đã sử dụng ngòi bút tài hoa của mình để khắc họa hình ảnh đoàn tàu trong hai đứa trẻ với những chi tiết như anh đèn xanh lét của đèn ghi, tiếng còi xa lắm của xe lửa, tiếng dồn dập, tiếng xe rít, làn khói trắng với tiếng khách ồn ào huyên náo. Những âm thanh ấy mang lại hi vọng của nhiều người trong cuộc sống mưu sinh.
Từ hình tượng hai chị em Liên, đến gia đình bác Xẩm, quán phổ bác Siêu cho đến hai mẹ con chị Tí đợi tàu… tất cả họ đều mong ngóng sự xuất hiện của đoàn tàu. Với chị em Liên, hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ còn là những kí ức tuổi thơ. Có thể nói, chính sự xuất hiện của con tàu đã mang đến kí ức và niềm mơ ước.
Khi tàu đã về ga, An hỏi Liên “Tàu hôm nay không đông chị nhỉ?”Một câu hỏi tưởng như rất đỗi bình thường nhưng lại là khiến người đọc suy ngẫm rất nhiều. Hành khách ít đồng nghĩa với việc nhu cầu ít đi, nguồn cung cũng sẽ giảm, là nỗi trăn trở của những người bán hàng như bác Siêu, như gia đình hát Xẩm… Vài ba quán cơm trước đây tấp nập sáng trưng ánh điện đến nửa đêm, nhưng giờ đây đều im lìm và đóng cửa. Vợ chồng bác Xẩm đã ngủ gục trên manh chiếu và mẹ con chị Tí thì đã về từ khi nào, chị em Liên cũng không bán thêm được xu nào. Ấy vậy nhưng ai cũng mong những chuyến tàu này, nó mang đến hy vọng, đem đến ánh sáng xua đi bóng tối của sự tù túng quẩn quanh.
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 2
Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam in trong tập nắng trong vườn (năm 1938) với những hình ảnh nhỏ nhặt, bình thường nhưng ẩn chứa trong đó là cả cuộc đời, những số phận nghèo khổ, tăm tối trong xã hội đô hộ phong kiến lúc bấy giờ. Tác phẩm đi sâu vào miêu tả tâm lí nhân vật trước những hoàn cảnh ấy. Đặc biệt hình ảnh con tàu, đại diện cho một nền công nghệ hiện đại, là tượng đài của sự tiến hóa vượt bậc của xã hội. Sự xuất hiện của con tàu như một điểm sáng rực rỡ, một điểm nhấn để tách rời hai thế giới khác biệt, giữa một bên là nền văn minh tiên tiến, cuộc sống con người no đủ và một bên vẫn là cuộc sống lạc hậu, nghèo khó. Tác phẩm đã làm rõ nét khung cảnh mịt mờ ấy.
Hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện, giữa những cảnh hoang sơ, tàn lụi, và đầy u ám của một xã hội thu nhỏ. Chuyến tàu đêm như một thế giới hoàn toàn khác biệt, là niềm mơ ước và khát vọng của những người nghèo khổ. Những ánh đèn lập lòe, những tiếng ồn ã náo động như đánh thức mọi giác quan, khiến tất cả mọi người như lạc vào một xã hội mới với một niềm mong ước thầm lặng. Đồng thời hình ảnh hai chị em Liên, An và các nhân vật khác như đứa trẻ bới rác, mẹ con chị Tí hàng nước, bà cụ Thi điên say rượu, bác phở Siêu, vợ chồng con cái nhà xẩm mù… góp phần tô đậm bức tranh cuộc sống khốn khó và tẻ nhạt. Cốt truyện dường như xoay quanh cuộc sống khốn khó, nghèo nàn của cư dân phố huyện.
Bóng tối dần bao trùm phố huyện, mang trong đó là thanh âm của sự tĩnh mịch, đây u ám, lạnh lẽo. Tác giả đã khéo léo sử dụng những hình ảnh miêu tả từng tiếng động nhỏ nhất “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng”, “tiếng muỗi vo ve trong bóng tối”, hay cả những hình ảnh đang dần chìm vào trong bóng tối tĩnh mịch “chị Tí với hàng nước sơ xài”, “bác Siêu với gánh phở bập bùng ánh lửa”, “gia đình bác Xẩm mù với mảnh chiếu trải ra đất”,… Tất cả những âm thanh, hình ảnh đấy nhưng càng tô đậm thêm cái màu sắc hoang vắng, cô liêu của bóng đêm nơi phố huyện.
Thạch Lam đã lấy hình ảnh hai đứa trẻ chờ đón đoàn tàu, chờ đón một niềm vui nhỏ bé một cách đầy chi tiết và tỉ mỉ. Nó không đơn giản là để việc bán hàng của hai chị em được thuận lợi mà kèm theo đó là sự khao khát, mong mỏi được ngắm nhìn đoàn tàu sang trọng. Sự tẻ nhạt, lặng lẽ của hai đứa trẻ đang háo hức đợi chờ đoàn tàu lăn bánh qua phố huyện để thấy được sự đối lập giữa tâm trạng, cuộc sống của nhân vật với hình ảnh náo động, nhộn nhịp của đoàn tàu.
Đoàn tàu như là hình ảnh hoạt động cuối cùng của đêm khuya, đối với hai chị em Liên và An hình ảnh con tàu như một thế giới mơ ước, có những ánh đèn xanh đó, có những âm thanh vui nhộn khác hẳn với những hình ảnh tẻ nhạt được lặp đi lặp lại mà hai chị em vẫn thường thấy.Từ rất xa tiếng còi tàu đã hú vang khắp phố và ánh đèn của người gác đường tàu. Tiếp theo là Liên trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi, rồi nghe thấy tiếng còi xe lửa trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi. Sau đó, hai chị em nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, kèm theo một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ. Thế rồi, tàu rầm rộ đi tới, các toa đèn sáng trưng, những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh. Cuối cùng là cảnh tàu đi xa dần mất hút trong đêm tối mênh mông, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt, cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre...
Qua ánh nhìn của tác giả, hình ảnh đoàn tàu lăn bánh qua phố huyện rất nhanh chóng, nhưng đã lại cảm xúc đầy nuối tiếc của hai đứa trẻ. Qua hình ảnh đoàn tàu còn gợi lên nhiều mong ước đẹp đẽ của hai đứa trẻ thơ lớn lên giữa cuộc sống nghèo khó, tẻ nhạt.
Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” đã để lại cho người đọc tâm trạng thương cảm cho những số phận con người tẻ nhạt, bất hạnh nhưng vẫn luôn khát vọng về một cuộc sống tương lai tươi sáng hơn. Hình ảnh đoàn tàu như một điểm nhấn thoáng xuất hiện rồi thoáng vụt mất như một niềm vui nhỏ bé, niềm ước mong không bao giờ tắt.
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 3
Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam được coi là “một bài thơ trữ tình đượm buồn”. Đây là một truyện ngắn độc đáo có sự kết hợp của chất tự sự và chất trữ tình. Sự xuất hiện của hình ảnh đoàn tàu ở cuối tác phẩm được coi là một chi tiết giàu ý nghĩa, góp phần làm nên thành công của truyện ngắn này.
Đoàn tàu xuất hiện trong hoàn cảnh đầy tăm tối của những kiếp người mỏi mòn nơi phố huyện mà cuộc sống của họ đang chìm ngập trong bóng tối. Tuy nhiên chừng ấy người trong bóng tối vẫn “mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Với hai chị em Liên thì sự mong mỏi ấy rõ ràng, cụ thể hơn. Chúng chờ tàu từ chiều cho đến khuya để được thấy đoàn tàu và ngày nào cũng thế. Khi nhìn thấy đoàn tàu chạy qua phố huyện thì dường như chúng mới được sống trọn vẹn một ngày.
Từ xa, hình ảnh đoàn tàu đã hiện lên với “ngọn lửa xanh biếc như trời”,với “tiếng còi vọng lại theo ngọn gió xa xôi”. Rồi đoàn tàu đến gần trong âm thanh dồn dập, ồn ào, rầm rộ, tiếng ghi rít mạnh lên. Khói bừng sáng, đèn sáng trưng chiếu sáng xuống mặt đường. Một thứ âm thanh mạnh mẽ và huyên náo hẳn. Một thứ ánh sáng lấp lánh, rực rỡ ngập tràn phố huyện. Những đoàn tàu đi qua trong khoảnh khắc rồi dần dần mất hút vào khoảng sâu của đêm tối. Tiếng vang động nhỏ dần rồi tắt hẳn, trả lại phố huyện nét vẻ vốn có của nó.
Chi tiết đoàn tàu xuất hiện đã góp phần soi rõ tâm trạng các nhân vật, đặc biệt là chị em Liên. Hai chị em đã chờ tàu trong niềm thiết tha, khắc khoải rồi đón tàu trong niềm háo hức, say mê, tiễn tàu trong niềm nuối tiếc, bâng khuâng. Chúng chờ tàu không phải vì tò mò, không phải để bán hàng, không đợi người quen mà là để được nghe âm thanh, được nhìn ánh sáng và được sống với một thế giới khác.
Đây còn là chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng, góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Đoàn tàu là hình ảnh biểu trưng cho quá khứ. Nó chạy về từ Hà Nội, từ miền kí ức tuổi thơ thể hiện ước mơ và khát vọng của chị em Liên. Đó là ước mơ được quay trở về quá khứ, sống một cuộc sống tươi đẹp như quá khứ đã qua. Khi hiện tại cuộc sống làm con người không thỏa mãn, người ta thường có xu hướng quay trở lại quá khứ, đặc biệt là quá khứ tươi đẹp. Đặt trong mối quan hệ với hiện tại, đoàn tàu là một thế giới khác hẳn với cuộc sống tràn đầy bóng tối, tẻ nhạt, đơn điệu nơi phố huyện nghèo. Thế giới rực rỡ ánh sáng, ngập tràn âm thanh, chứa đựng bao điều mới mẻ, thú vị. Và thế giới ấy còn giúp những người dân nơi phố huyện nhận ra còn có một cuộc sống đáng sống hơn nơi phố huyện nghèo - cái ao đời phẳng lặng kia. Chi tiết đoàn tàu xuất hiện còn khơi dậy khát vọng và ước mơ của chị em Liên, của những người dân phố huyện về một tương lai sáng lạn. Nó đánh thức khát vọng mơ hồ trong cõi vô thức của hai tâm hồn thơ dại: khát vọng vượt thoát, khát vọng đổi thay, khát vọng kiếm tìm. Nhưng rồi đoàn tàu ấy lại biến mất. Ước mơ thoát khỏi hiện tại vốn đã rất mong manh, xa xôi. Hình ảnh đoàn tàu như niềm vui, tia hy vọng chợt lóe lên rồi vụt tắt. Tất cả trở nên mơ hồ hơn và càng khắc sâu vào nỗi khổ của chừng ấy con người nơi phố huyện nghèo.
Chi tiết nhỏ nhưng đã trở thành điểm sáng tư tưởng cho tác phẩm. Nó thể hiện lòng nhân đạo, niềm xót thương vô hạn đối với những kiếp người tàn lụi, vô vọng và bế tắc. Từ đó Thạch Lam muốn thức tỉnh những con người đang sống trong cái ao đời phẳng lặng, tù đọng một khát vọng sống, khát vọng vượt thoát, khát vọng đổi thay. Chính Thạch Lam cũng khao khát muốn đem đến cho họ tia ánh sáng của sự sống để văn chương trở thành “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực”
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 4
Thạch Lam là nhà văn, người chiến sĩ trên mọi thời đại, chính vì vậy ông luôn hiểu được những mong muốn ước mong của những người dân nghèo, cảm thông và thấu hiểu được điều đó ông đã sáng tác lên tác phẩm Hai đứa trẻ để qua đó người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, con người và những ước mơ nhỏ nhoi của những đứa trẻ nơi đây. Hình ảnh chuyến tàu đêm là tia sáng để gợi lên cho người đọc nhiều cảm xúc.
Hình ảnh chuyến tàu đêm trong tác phẩm đã thể hiện một ước nguyện to lớn, và nó để lại trong trái tim người đọc nhiều cảm xúc, trước tiên khi để hình ảnh chuyến tàu đêm xuất hiện, tác giả đã miêu tả về cuộc sống, nghèo khổ, nơi phố huyện tiêu điều, con người đang phải lo từng ngày về cuộc sống của mình. Nơi đây cuộc sống tiêu tàn, cảnh phố huyện về chiều cũng làm cho người đọc cảm nhận được trái tim sâu rộng của tác giả, khi hướng tới những số phận bất hạnh, hẩm hiu. Chính cuộc sống nghèo đói này làm cho họ luôn mong muốn có được một điều gì đó nảy nở ra để cho họ bừng sáng, dù đó chỉ là trong phút chốc.
Ban ngày con người nơi đây cũng luôn phải đối mặt với những gian khổ, để có thể kiếm miếng cơm manh áo cho mình, ban đêm đây là khoảng thời gian để họ nghỉ ngơi thì mọi người lại tấp nập với cuộc sống của mình, cảnh chợ hoang sơ, vãn chợ chiều, nó tàn lụi, con người lại lao đầu vào một công việc mới, có người đi hát xẩm, có người đi bán cháo, tất cả họ vẫn đang bận bịu với công việc đang diễn ra. Cả hình ảnh hai đứa trẻ trong câu chuyện cũng để lại cho người đọc nhiều cảm xúc, bởi tình cảm của nó đối với nơi phố huyện hoang tàn, nó luôn phải đối mặt với những cảnh đời khó khăn. Trước đây hai đứa trẻ này đã được sống một cuộc sống sung sướng trên thành phố, được uống những thứ nước xanh đỏ tím vàng… Tất cả đang trở thành quá khứ, nhiều khi cảm xúc của chúng muốn quay lại một cuộc sống như xưa, nơi đây hiện tại mà hai đứa trẻ này đang sống quá nghèo đói, đó là lý do mà hai đứa trẻ luôn chờ đợi hình ảnh chuyến tàu đêm.
Nơi phố huyện nghèo, cảnh vật vào ban đêm dường như tối tăm, và nó đã trở nên tiêu điều, mong muốn muốn tìm được một nguồn ánh sáng mới, có thể soi sáng con đường cho họ, đây là những điều vô cùng có ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Cảnh phố huyện vẫn đang diễn ra, nhưng nó không phải là một cuộc sống đầy đủ, mà con người vẫn đang phải cố gắng để có thể lo cho chính cuộc sống của mình. Hình ảnh chuyến tàu đêm, không chỉ đem lại cho họ một nguồn sáng mới, họ có thể mong ước một tương lai tươi sáng hơn, đó là những mong ước nhỏ nhoi, chính vì vậy Liên và An luôn chờ đợi để có thể chứng kiến chuyến tàu đêm.
Đối với cảnh phố huyện về đêm nó chỉ có những âm thanh của những con côn trùng như ếch ngoài đồng… hay những tiếng hát dong, những tiếng hát xẩm của những người đang kiếm sống, chính vì vậy, họ luôn mong muốn có một điều gì đó lạ lạ để cho họ có thêm niềm hy vọng mới về chính cuộc đời của mình. Đây là những giây phút mà họ ngập tràn trong một ánh sáng lớn, nó không còn là hình ảnh sáng lập lòe của những chiếc đèn dầu nữ, chính vì vậy, hình ảnh chuyến tàu đêm đã thu hút sự chú ý, và mong đợi của tất cả mọi người. Nhất là đối với Liên và An, hai đứa trẻ này trước đây đã được sống nơi phồn hoa đô thị, được chứng kiến những nơi giàu sang, những ánh sáng lộng lẫy, được thưởng thức những cốc nước xanh đỏ… Chính vì vậy chuyến tàu này cũng mang lại cho hai chị em những hoài niệm về một thời đã qua.
Khi chiếc tàu đến, nó tạo nên một không khí ấm áp hơn, lúc này đã có sự huyên náo của những tiếng nói, tiếng cười của con người, họ đang mong chờ một luồng sáng mới để cho tâm hồn của họ ngập tràn trong một không gian, rực rỡ và tươi vui, nhộn nhịp hơn. Những người dân nơi đây, họ đã phải chịu những cuộc sống cực khổ, chính vì vậy họ luôn mong muốn có một tia hy vọng mới về chính cuộc đời của họ. Trong bóng đêm đang dần che phủ lấy toàn bộ không gian nơi phố huyện, chỉ còn lại là những tiếng leo lắt, những tiếng kêu thảm thiết của những người xin ăn, của những người kiếm tiền bằng cách hát dong, của những người đi bán hàng… Tất cả cuộc sống của họ vẫn đang chật vật, và họ phải kiếm từng đồng để cuộc sống của họ khấm khá hơn.
Mong đợi từng giây phút đoàn tàu đi đến, nhưng khi nó đi khỏi nơi đây tất cả dường như lại trở lại y như cũ, nó tối tăm, và con người lại bắt đầu với công việc của mình, mỗi người một công việc, mặc dù về đêm nhưng họ vẫn lao động miệt mài, chính cuộc sống khiến họ phải vất vả như vậy, họ mong đợi có điều gì đó tốt hơn sẽ đến, họ mong chờ nguồn sáng mới, một cuộc sống tốt hơn. Đoàn tàu mang lại cho họ tia hy vọng về cuộc sống, cũng chính là động lực để họ tiếp thêm cho chính cuộc đời của mình. Hiu hắt trước không gian tối tăm, hoang vu, và tiêu điều của phố huyện, họ luôn mong đợi có được một điều mới sẽ đến.
Khi đoàn tàu đi khỏi nơi đây tất cả lại trở về đúng vị trí của mình, bây giờ không còn tiếng còi, của đoàn tàu, không còn những tia sáng rực rỡ, nữa, mà leo lắt chỉ còn ngọn lửa của chiếc đèn dầu. Nhưng khi đoàn tàu đi họ lại mang trong mình những dòng tâm trạng của sự nuối tiếc, con tàu đã mang lại cho họ một ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn, chính vì vậy khi nó đi nó để lại cho con người một sự nuối tiếc lớn lao, và cho con người những cảm giác rất hụt hẫng. Đoàn tàu đem lại cho họ giây phút được hòa nhập, con người đang phát ra những tiếng nói tiếng cười, trước lúc đó thì không gian nơi đây thực sự rất yên tĩnh và nó lạnh lẽo trong cảnh tiêu điều. Những đoàn tàu vẫn để lại cho họ nhiều tia hy vọng để có được một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 5
“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một trong những truyện ngắn trữ tình có nhiều chi tiết vụn vặt, vô nghĩa nhưng kì thực lại là tác phẩm đạt trình độ cao về diễn tả tâm trạng nhân vật. Nội dung truyện ngắn chủ yếu đi sâu vào miêu tả những cảnh đời thường, số phận nghèo khổ, tối tăm trong xã hội cũ. Qua đó tác giả muốn gửi gắm một cách kín đáo nhẹ nhàng nhưng không kém phần thấm thía tư tưởng nhân đạo đáng quý.
Toàn thiên truyện tác giả tập trung vào những chi tiết nhỏ nhặt, vụn vỡ tưởng như rời rạc nhưng lại có một sức gợi cực tả. Khi tái hiện lên một bức tranh làng quê nơi phố huyện nghèo nàn với sự leo lét của những ánh đèn, sự tối tắm của không gian, sự quẩn quanh của cuộc sống. Nhưng có lẽ hình ảnh đoàn tàu ở cuối thiên truyện là hình ảnh nổi bật rõ nét nhất toàn bài. Hình ảnh đoàn tàu mang rất nhiều lớp nghĩa khác nhau, tưởng chừng nhỏ giản đơn nhưng chất chứa trong đó bao bài học, tư tưởng cao cả của một nhà văn trữ tình lãng mạn tinh tế bậc nhất. Qua đó thể hiện được ước mơ, niềm tin và khát vọng của những kiếp người nghèo khổ.
Buổi chiều nơi phố huyện mở ra bằng những đường nét đầy ảm đạm, cô quạnh báo hiệu một ngày sắp tàn theo đúng như nghĩa của nó. Với những âm thanh, hình ảnh: tiếng trống thu không trên cái chòi huyện nhỏ, những đám mây hồng như hòn than, dãy tre làng đen lại... nhưng không kém phần nên thơ trữ tình. Hai nhân vật chính ở đây là hai chị em Liên và An.
Sau một ngày làm việc vất vả cực nhọc. Con người nơi đây mới bắt đầu cuộc sống với những gánh phở, những chén nước nguội lạnh, mảnh chiếu trải đất kéo đàn... tất cả thoáng hiện lơn đơn lẻ, lặng lẽ, nhần chìm trong bóng tối. Cảnh chiều đêm buông xuống được tác giả miêu tả làm cho nền hình ảnh đoàn tàu xuất hiện.
Trên nền trời tối tăm của khung cảnh đó tác giả miêu tả đoàn tàu và thói quen đón đoàn tàu của hai đứa trẻ thật cho tiết, tỉ mỉ. Lí do đợi tàu của hai đứa trẻ bao gồm cả việc chờ tàu đến để bán hàng cho các hành khách trên tàu xuống mua bán. Cái đó chính là cái thỏa mãn niềm khao khát, mong mỏi được ngắm nhìn tàu của hai chị em Liên. Hai chị em Liên đã sống một ngày vô cùng mệt mỏi và tẻ nhạt. Chúng chỉ bán được vài món hàng bao diêm, gói thuốc lá, xà phòng... Đến tối thì kiếm hàng và đếm lại số tiền ít ỏi đó. Hai đứa trẻ trơ trọi trong bóng tối, trên chiếc chõng cũ sắp gãy giữa không khí oi bức và tiếng muỗi kêu ran. Chỉ có một người đến với các em, là bà cụ Thi, một bà già hơi điên tối tối thường ghé mua rượu hàng các em.
Các em chờ tàu đêm chạy ngang qua trong tâm trạng vô cùng háo hức. Sự xuất hiện của hàng nước chị Tí, gánh phở bác Siêu... là cái mốc để các em đi đếm thời gian đang xích lại gần với chuyến tàu. Cả hai chị em đều buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn cố gắng ngồi chờ chuyến tàu.
Hai chị em cố thức chỉ vì muốn được nhìn chuyến tàu đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Với hai đứa trẻ của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Có lẽ chính vì thế mà hình ảnh chuyến tàu được Thạch Lam tập trung miêu tả một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng theo trình tự thời gian, qua tâm trạng chờ mong của hai nhân vật Liên và An.
Đoàn tàu chưa tới nhưng đã được báo trước từ xa với ánh đèn của người gác ghi và tiếng còi tàu theo gió vẳng lại. Tiếp theo là Liên tưởng trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi, rồi nghe thấy tiếng còi tàu xe lửa trong đêm khuya.
Kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi. Sau đó, hai chị em nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, kèm theo một làn khói bừng sáng trắng đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ. Thế rồi, đồng và kền lấp lánh. Cuối cùng là cảnh tàu đi xa dần mất hút trong đêm tối mênh mông, để lại những đốm than bay tung trên đường sắt, cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre...
Cánh quan sát, miêu tả của Thanh Lam rất tinh tế và giàu tính nghệ thuật. Tác giả quan sát, miêu tả hình ảnh đoàn tàu đêm từ Hà Nội về theo trình tự lúc tàu từ xa, lúc tàu đến rồi xa dần bằng nhiều giác quan cùng với rất nhiều sắc thái cảm giác; bằng sự đan xen giữa hồi ức và thực tại. Chuyến tàu đi qua phố huyện chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng đã để lại cho hai đứa trẻ bao nhiêu cảm xúc và nuối tiếc. Phố huyện rầm rộ, ồn ào lên trong chốc lát rồi lại chìm sâu vào bóng đêm yên tĩnh. Gần như đã thành nếp, những người dân phố huyện chỉ chấm dứt hoạt động khi chuyến tàu đêm đã đi xa.
Đối với chị em Liên, đoàn tàu đến từ Hà Nội gợi lại những kỉ niệm đẹp. Liên lặng lẽ mơ tưởng đến Hà Nội xa xăm..., nơi hai chị em đã sống thời thơ ấu êm ấm và sung sướng khi thầy chưa mất việc. Đó là cuộc sống ở một thời xa, hoàn toàn khác với cuộc sống ở phố huyện buồn tẻ và nghèo nàn này.
Đoàn tàu còn lại hình ảnh của tương lai, nó khiến người ta hình dung ra một thế giới giàu sang, đông đúc, nhộn nhịp, đầy âm thanh và ánh sáng. Việc Liên và An đón đợi đoàn tàu xuất phát từ nhu cầu bức thiết về tinh thần muốn thoát cuộc sống buồn chán hiện tại và được sống trong một thế giới mới tươi đẹp hơn. Đối với người đọc, vẻ đẹp của đoàn tàu và thái độ háo hức, sung sướng đến lặng người của hai đứa trẻ khi ngắm đoàn tàu không chỉ đem đến một thoáng vui và gợi thật nhiều bâng khuâng thương cảm.
Đúng là hai đứa trẻ vui vì niềm khát, đợi chờ vừa được thỏa mãn. Nhưng đoàn tàu ấy lại thuộc một thế giới quá xa xôi và nó càng sáng rực vui vẻ, huyên náo bao nhiêu thì càng làm cho cảnh sống nơi phố huyện trở nên tăm tối, buồn tẻ và chìm lặng bấy nhiêu. Chỉ có hình ảnh đoàn tàu lướt qua hằng đêm mà những người dân phố huyện ai cũng nôn nao chờ đợi. Nhưng qua đó ta cũng thấy trong đó sự len lỏi niềm tin vào một cuộc sống tẻ nhạt, tầm thường.
Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đã vẽ nên một khung cảnh nghèo nàn nơi phố huyện vào thời khắc sắp tàn. Ở đó hiện lên những kiếp người nhỏ bé nghèo khổ nhưng trong tâm hồn họ ta thấy niềm tin mãnh liệt về một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai tươi sáng. Và trên hết ta còn thấy ở đó tấm lòng xót thương nhân đạo cao cả của nhà văn Thạch Lam.
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 6
Thạch Lam nhà văn có những cách nhìn chân thực và thực tế về cuộc sống của những con người nghèo khổ trong xã hội, một bức tranh phố huyện nghèo khổ xác xơ, nơi đây con người đang vật lộn, chống chọi với với nghèo đói. Hình ảnh chuyến tàu xuất hiện xua tan đi màn đêm u tối và mang lại một chút niềm tin, hi vọng về một tương lai đổi mới dù chỉ là thoáng qua.
Con tàu là phương tiện di chuyển xuất hiện từ thế kỷ 19 do thực dân Pháp xây dựng và sử dụng.Sự xuất hiện của tuyến đường sắt và những con tàu hoạt động ngày đêm mang lại nhiều thay đổi cho cuộc sống và xã hội. Đoạn trích Hai đứa trẻ tác giả Thạch Lam đã thành công trong việc sử dụng con tàu giúp truyền tải nhiều thông điệp về cuộc sống.
Tác giả đã quan sát những hoạt động của con người cả ngày và đêm, ban ngày con người phải lăn lộn kiếm sống qua ngày. Ban đêm là thời gian yên tĩnh nhưng vẫn còn rất nhiều mảnh đời vất vả nào là người đi hát xẩm, bán cháo, còn có cả trẻ em, đó là hai chị em Liên và An. Cuộc sống trước đây của hai chị em vốn sung túc trên thành phố nhưng hiện thực cả hai đối mặt với sự nghèo đói và chính vì vậy lúc nào hai chị em cũng trông chờ chuyến tàu đêm.
Phố huyện nghèo xơ xác, buổi tối cảnh vật cũng trở nên tiêu điều và tối tăm bởi không có ánh đèn, chỉ có âm thanh của những con côn trùng, tiếng người rao, những ánh đèn dầu như trở nên quá quen thuộc. Mỗi người ai cũng trông chờ một thứ ánh sáng mới để giúp họ vượt qua khó khăn, ánh sáng từ đoàn tàu mang lại nhiều hi vọng, đó là lý do mà cả hai chị em dù rất buồn ngủ nhưng đều cố thức đến nửa đêm.
Ánh sáng của đoàn tàu đến giúp con người nghèo nơi đây bừng tỉnh thoát khỏi hiện thực của cuộc sống, chuyến tàu đêm như một niềm hi vọng cho tất các cư dân nơi này cho dù nó có nhỏ nhoi, chốc lát nhưng lại vô cùng quan trọng, ý nghĩa.
Hình ảnh con tàu trong tác phẩm đều có những nghĩa riêng biệt vô cùng độc đáo đó là tả thực và mang hình ảnh tượng trưng. Ngoài ta thực một chuyến tàu đêm xuất hiện và biến mất, thứ ánh sáng của đoàn tàu mang lại một thế giới khác cho hai chị em, một thế giới “vui vẻ và huyên náo” hơn rất nhiều so với thực tại của cuộc sống. Đó là sự đối lập mà hai chị em có thể cảm nhận, rõ ràng trong tâm hồn Liên luôn khao khát mong muốn thay đổi thực tế cuộc sống u ám và tối tăm này.
Hình ảnh đoàn tàu đến với biết bao nhiêu niềm vui, vạn vật cũng trở nên đổi khác và rời đi không còn những tia sáng rực rỡ mà thay vào đó là những chiếc đèn dầu heo hắt tất cả để lại sự tiếc nuối,hụt hẫng con tàu rời ga và nhanh chóng biến mất trong màn đêm cũng đã mang đi nhiều ước vọng của những con người nơi đây.
Mặc dù đoàn tàu xuất hiện chỉ trong chốc lát nhưng lại là biểu tượng vô cùng quan trọng. Đoàn tàu mang lại thứ ánh sáng huyền diệu soi rõ mọi thứ và xua tan màn đêm, để lại biết nhiều niềm hi vọng, mong ước về cuộc sống tươi đẹp và đổi mới hơn trong tương lai.
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 7
Con tàu là sản phẩm của nền văn minh phương Tây, xuất hiện ở Việt Nam trong bối cảnh người Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa Đông Dương. Sự xuất hiện của nó không chỉ làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, mà còn đem đến cho văn chương Việt Nam một nguồn thi liệu mới. Giờ đây, bên cạnh hình ảnh con thuyền - bến sông, trong văn chương nước nhà đã có thêm hình ảnh sân ga - con tàu. Giữa rất nhiều sáng tác trước 1945, chúng ta thấy truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã miêu tả thành công hình tượng con tàu - hình tượng mở ra nhiều khía cạnh khác nhau của hiện thực đời sống xã hội đương thời.
Trước hết, hình tượng con tàu được nhà văn miêu tả nhằm thể hiện tình trạng tàn lụi của cuộc sống. Cuộc sống "đang cùn đi, gỉ đi" (Nam Cao) vốn là một chủ đề phổ biến trong văn chương trước cách mạng tháng Tám. Với mỗi nhà văn, chủ đề này sẽ được thể hiện theo từng cách khác nhau. Trong Hai đứa trẻ, hiện thực cuộc sống được nhà văn Thạch Lam quan sát qua tình huống con tàu về ga. Như đã biết, bối cảnh câu chuyện Hai đứa trẻ là khu phố huyện nghèo. Ở đây có đường sắt chạy qua, có sân ga để con tàu theo lịch trình hằng đêm về đón và trả khách. Con tàu vô hình trung đã trở thành một phần cuộc sống của khu phố huyện. Nó là niềm hy vọng của nhiều người trong cuộc mưu sinh. Bởi vậy, đêm đêm, mọi người vẫn thức để đợi con tàu về ga. Với chị em Liên, việc đợi tàu chủ yếu vì một lí do khác. Trong tác phẩm, hình tượng con tàu được miêu tả qua cái nhìn của chị em Liên. Nghệ thuật miêu tả của nhà văn theo lối từ xa đến gần. Khi con tàu sắp về đến sân ga, nó được nhận ra qua "ngọn lửa xanh biếc" và tiếng còi "trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi". Gần hơn, con tàu hiện ra với "một làn khói bừng sáng trắng", với "các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống lòng đường". Mọi hình ảnh, âm thanh, ánh sáng… của đoàn tàu đều được hai chị em Liên quan sát kỹ lưỡng. An nói với Liên: "Tàu hôm nay không đông chị nhỉ". Câu nói này chỉ ra hai hiện thực. Thứ nhất, chị em Liên vẫn hằng đêm thức đợi tàu. Thứ hai, so với trước, chuyến tàu hôm nay vắng khách hơn. Ở một hoàn cảnh khác, chuyện đông khách, vắng khách sẽ là chuyện bình thường. Nhưng trong trường hợp này, nhận xét của An có ý nghĩa khắc sâu chủ đề tư tưởng "cuộc sống đang tàn lụi" của nhà văn. Để thấy rõ điều này, cần phải đặt câu nói của An trong hệ thống những câu văn khác của tác phẩm. Chúng tôi muốn nói tới ba câu văn, đoạn văn sau:
- "Hôm nay, ngày phiên mà bán hàng cũng chẳng ăn thua gì".
- "Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?".
- "Trước kia, ở sân ga, có mấy hàng cơm mở đón khách, đèn sáng cho đến nửa đêm. Nhưng bây giờ họ đóng cửa cả rồi, cũng im lặng tối đen như ngoài phố".
Câu thứ nhất là cảm nghĩ của Liên, câu thứ hai là lời chị Tý, còn đoạn trích dẫn thứ ba là miêu tả của nhà văn về những hàng quán ở sân ga. Suốt một ngày chợ phiên mà Liên bán hàng "chẳng ăn thua gì". Khách hàng chị Tý không ra mua hàng đều đặn như mọi khi. Cảnh những hàng quán ở sân ga thật tàn tạ. Cái tấp nập "đèn sáng cho đến nửa đêm" giờ chỉ còn là dĩ vãng. Hiện thực trước mắt thật u buồn: những hàng cơm cửa đóng then cài, chìm nghỉm giữa bóng đêm dày nặng. Liên kết những hình ảnh, chi tiết nói trên, chúng ta nhận ra chủ ý nghệ thuật của Thạch Lam. Nhà văn không triết lý kiểu như Nam Cao mà để các hình thức nghệ thuật tự "lên tiếng". Văn Thạch Lam nhẹ nhàng mà sâu sắc là vì vậy.
Hình tượng con tàu ngoài ý nghĩa tả thực còn mang ý nghĩa biểu trưng. Tính chất biểu trưng của nó được xác nhận qua luồng ánh sáng rực rỡ. Trong cảm nhận của những tâm hồn thơ trẻ như Liên và An, ánh sáng con tàu gợi về một thế giới khác "vui vẻ và huyên náo" hơn. Nó đối lập với cái u buồn, thinh lặng của không gian phố huyện. "Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu". Trên nền cảm nhận về sự đối lập của hai thứ ánh sáng đó, tâm hồn Liên nảy sinh những khát khao về sự đổi thay cuộc sống. Rõ ràng, những đứa trẻ như Liên, An đã mất đi cái hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ. Thay vào đó là nỗi buồn, là sự tự cố gắng để hy vọng vào một ngày mai. Chuyện hai chị em cố thức để đợi tàu chính là vì cái lẽ ấy. Ta hiểu vì sao khi con tàu vừa rời khỏi sân ga, Liên lập tức "lặng theo mơ tưởng". Tâm hồn Liên đang tìm về với thế giới của ánh sáng rực rỡ và âm thanh huyên náo. Khi viết câu văn "Liên lặng theo mơ tưởng", Thạch Lam hình như cũng đang đau đáu về một sự đổi thay!
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 8
Cảnh tàu đêm khiến bạn liên tưởng đến điều gì thú vị? Còn đối với tôi, cảnh tàu khiến tôi nhớ đến những hoàn cảnh cơ cực, khó khăn của người dân. Ai đã một lần đọc tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam, chắc cũng sẽ không quên được hình ảnh đoàn tàu. Đoàn tàu để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc. Nó như một tia sáng khiến người ta tin tưởng hơn vào tương lai tươi sáng ngày mai.
Hai đứa trẻ là câu chuyện của hai nhân vật Liên và An. Liên và An vốn là những đứa trẻ có cuộc sống sung túc, đầy đủ trên phố Hà Nội. Nhưng do gia đình làm ăn sa sút khiến gia đình nhỏ phải về sống trong khu phố huyện xập xệ. Cuộc sống khó khăn khiến người ta nhìn nhận cuộc sống ở nhiều góc cạnh hơn. Buổi chiều tà, những đứa trẻ thi nhau nhặt nhạnh những thứ còn sót lại sau buổi chợ. Đó là những con người nghèo khổ, tìm mọi cách để mưu sinh qua ngày. Đó là mẹ con chị Tí, bác Siêu, bác Xẩm bị cái nghèo bào mòn. Nhưng hơn tất cả, trong họ vẫn sáng lên tia hy vọng về cuộc sống ngày mai. Chuyến tàu đêm là hoạt động cuối cùng của một ngày. Nó càng tiếp thêm niềm tin cho con người nơi phố huyện nhỏ.
Thạch Lam kể chuyến tàu đêm là hoạt động bình thường và thường xuyên diễn ra. Thời gian có báo trước, vào lúc 9 giờ mỗi tối và “đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”. Con người ta vì nhiều mỏi mệt mà quên đi nhiều thứ. Nhưng chuyến tàu cuối cùng lại luôn khiến họ chờ đợi. Phải chăng, họ hy vọng có một vài người khách xuống mua giúp họ món hàng? Đoàn tàu chưa xuất hiện nhưng cũng đã có những dấu hiệu báo trước. Nhiều chi tiết nhỏ được nhắc đến “ngọn lửa xanh biếc”, “tiếng còi xe lửa”, “tiếng xe rít mạnh vào ghi”… Ngoài ra còn có “làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa”, “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”. Phải là người có cái nhìn tinh tế lắm mới thấy được điềm báo này. Nó chưa quá chói lóa, cũng chưa hẳn là ồn ào. Thay vào đó, những dấu hiệu được nâng cao cấp độ từ xa đến gần, từ nhỏ đến lớn. Mọi thứ như có ý thôi thúc, giục giã cảnh vật bừng tỉnh sau ngày dài mệt mỏi. Giữa hình ảnh chị em Liên và An, rồi đứa trẻ bới rác cùng vợ chồng con cái nhà hát xẩm… Tất cả tạo nên bức tranh khắc họa đậm nét cuộc sống người dân nơi phố huyện nghèo.
Đoàn tàu tiến mỗi lúc một gần. Đoàn tàu vụt qua trong chớp nhoáng. Đó là chuyến tàu mà cả hai chờ đợi, buồn ngủ đến ríu cả mắt vẫn chờ. Đoàn tàu được Liên và An ngắm nhìn và quan sát thật tỉ mỉ. “Các toa đèn sáng trung”, “toa hạng trên sang trọng lố nhố những người”, “các cửa kính sáng”… Chuyến tàu không đông như mọi hôm. Đoàn tàu đến mang thêm nhiều tia sáng đến với phố huyện nghèo, xua đi cái tăm tối vốn có của nó.
Rồi, chuyến tàu đó cũng nhanh chóng chạy qua. Nó để lại “những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt”. “Cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng”. Tất thảy đều khiến chị em Liên cảm thấy đầy tiếc nuối.
Chuyến tàu đêm đến mang theo thứ ánh sáng diệu kỳ mà con người nơi phố huyện hằng mơ ước. Và rồi, nó đi, để lại nhiều niềm tiếc nuối cho chính họ. Ẩn sau sau những giá trị thực của một tác phẩm, đó còn là giá trị nhân văn cao cả.
Nhờ có chi tiết đoàn tàu, câu chuyện tưởng chừng như nhạt nhẽo lại có sức hút lạ thường. Cuộc sống cơ cực, tàn tạ ban chiều kết thúc bằng ánh lửa của đoàn tàu. Như muốn gợi nhắc chúng ta rằng dù có cực nhọc, mệt mỏi thì cuối đường hầm vẫn là một tương lai tươi sáng. Nhờ có chi tiết này, Thạch Lam đã khắc họa thành công tâm trạng của nhân vật, nhất là Liên và An. Niềm say mê cùng nỗi mong chờ khắc khoải của chị em khi tàu đến. Và cả sự hụt hẫng, tiếc nuối khi tàu rời đi… Cái cảm giác đó nghe lạ lắm. Chờ tàu không phải để thỏa mãn trí tò mò, mà là để được lắng nghe âm thanh, ánh sáng ở một thế giới khác.
Đoàn tàu mang nhiều hàm ý biểu tượng, giúp Thạch Lam thể hiện chủ đề tác phẩm. Nếu ai để ý sẽ biết rằng, đoàn tàu đó chạy từ Hà Nội về. Đối với chị em Liên và An, Hà Nội là nơi chứa nhiều kỷ niệm. Là nơi cả hai đã sống những ngày tháng hạnh phúc. Hai chị em ngắm nhìn đoàn tàu như muốn hồi tưởng về quá khứ. Đây cũng là điều rất bình thường. Bởi lẽ, khi hiện thực đời sống không khiến con người ta hài lòng, người ta thường có nhu cầu tìm về quá khứ. Nhất là những kí ức đẹp đẽ thời xưa, khoảnh khắc không thể nào quên được.
Đoàn tàu rầm rộ kéo đến xua tan cái không khí tĩnh lặng, mờ nhòe của phố huyện. Một thế giới tràn ngập ánh sáng, âm thanh và sự náo nhiệt. Ở đó có những con người mới khắp muôn phương đổ về. Chuyến tàu đêm đem theo nhiều hy vọng, nhiều ước mong và một tương lai tươi sáng. Người dân phố huyện càng thêm tin tưởng rằng, đằng sau những khổ ải mà họ phải chịu là cả tương lai tươi sáng. Từ đó, nó trở thành mục đích mà họ phấn đấu đạt được mỗi ngày. Nhìn lại hiện thực đời sống, người ta thấy cuộc sống của người dân phố huyện còn thiếu thốn quá nhiều. Và dường như cái khát khao đổi thay đói còn quá xa vời. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đoàn tàu chạy qua đêm cũng đã tiếp thêm nguồn động lực cho con người cố gắng.
Xét trên phương diện của tác giả, đó còn là niềm cảm thương sâu sắc của ông đối với nhân vật. Được biết, đây là câu chuyện có thật trên quê hương ông. Cho nên, ta có thể hiểu, ông đang hy vọng cuộc sống thực tại của người dân cũng có thêm nhiều điều tuyệt đẹp. Thạch Lam muốn thức tỉnh những con người đang dần ngủ quên trong ao tù nước đọng. Để rồi khơi dậy bên trong họ khát khao sống hạnh phúc, thay đổi cuộc đời.
Hai đứa trẻ kết thúc bằng chuyến tàu đêm đầy suy tư. Chuyến tàu gợi nhắc kỷ niệm, chuyến tàu đem theo niềm tin và hy vọng vào tương lai phía trước. Càng đọc và suy ngẫm, mỗi chúng ta lại có những cảm xúc riêng. Về phần mình, tôi cảm thấy bản thân cần phải phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn. Cần cố gắng để đạt được những mục tiêu đã định. Từng ngày, từng ngày hoàn thiện bản thân hơn. Hãy luôn để bản thân trong tương lai luôn là bản sao hoàn hảo hơn của hiện tại.
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 9
Ánh sáng và bóng tối là hai yếu tố quan trọng của cuộc sống, luôn tồn tại song hành với nhau. Trong các tác phẩm văn học, ánh sáng và bóng tối được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm xây dựng tình huống để truyền tải chủ đề của tác phẩm. Hình ảnh đoàn tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam chính là hình ảnh đại diện cho ánh sáng. Chuyến tàu đã đem ánh sáng, không khí vui tươi tới xua tan đi cái tăm tối, ảm đạm và xua tan đi tâm hồn lạnh lẽo của con người nơi phố huyện.
Thạch Lam quê ở Hà Nội, sinh ra trong một gia đình công chức gốc quan lại trong giai đoạn đất nước sa sút. Tuổi thơ ông may mắn, phải chuyển chỗ ở nhiều nơi. Những buổi đầu viết văn, Thạch Lam tham gia vào nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông được biết tới là một cây bút thiên về tình cảm, viết về những cảm xúc của chính bản thân mình trước số phận hẩm hiu, đau khổ của người nghèo nhất là người phụ nữ trong xã hội cũ nát, sống vất vả, chịu đựng, thầm lặng và trong đó có cả sự hy sinh.
Những tác phẩm của Thạch Lam có chứa nhiều những yếu tố hiện thực, tuy nhiên những nhân vật của ông không dữ dội, hay tăm tối như các nhân vật của các nhà văn khác mà luôn ẩn chứa lòng nhân ái và những vẻ đẹp tâm hồn trong các tác phẩm của ông. Lê Quang Hưng nhận xét: "Thế giới nhân vật của Thạch Lam phần lớn là những con người ở địa vị thấp bé có cuộc sống nghèo khổ vất vả thường nói trong nhịp sống đơn điệu nhàm tẻ. Quả thực đúng như vậy, khi đọc những tác phẩm của ông, ta nhận thấy sự yêu thương và quý trọng giữa người với người.
Hai đứa trẻ là một truyện ngắn trích trong tập "nắng trong vườn". Tác phẩm thể hiện khát vọng của ông về một cuộc sống tươi sáng, người dân không phải chịu sống khổ cực, vất vả với những cảm xúc tinh tế, nhạy cảm, đầy rung động. Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét: "Truyện ngắn Hai đứa trẻ có một hương vị thật là man mác. Nó gợi một nỗi niềm về quá khứ đồng thời cũng gióng lên một cái gì còn ở trong tương lai. Đọc Hai đứa trẻ thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín".
Hai đứa trẻ là câu chuyện kể về hai nhân vật có tên Liên và An. Trước kia Liên và An đều là những đứa trẻ có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Nhưng do làm ăn sa sút khiến cho gia đình nhỏ phải chuyển về sống tại một phố huyện nhỏ xập xệ. Cuộc sống khó khăn khiến người ta nhìn nhận cuộc sống ở nhiều góc cạnh, những đứa trẻ nơi phố huyện nghèo phải nhặt những thứ sót lại sau buổi chợ. Đó là những con người nghèo khổ, tìm mọi cách để mưu sinh qua ngày trong đó có chị em Liên và An. Nhưng điểm chung của họ đó là vẫn sáng ngời hy vọng về tương lai. Mỗi ngày hai chị em Liên đều chờ chuyến tàu cuối cùng từ Hà Nội về mới đi ngủ. Chuyến tàu đêm là hoạt động cuối cùng của một ngày. Nó mang ánh sáng hạnh phúc về nơi phố huyện nghèo.
Trong tác phẩm, chuyến tàu đêm được miêu tả là hoạt động hằng ngày với thời gian là chín giờ mỗi tối " đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya". Có thể con người ta vì nhiều điều mệt mỏi, bộn bề trong cuộc sống mà quên đi nhiều thứ. Nhưng chuyến tàu cuối cùng lại là thứ khiến họ chờ đợi không thể nào quên. Phải chăng họ hy vọng có một vài người khách xuống mua giúp họ một vài món hàng hay họ hy vọng sự ồn ào tấp nập xua tan đi cái lạnh lẽo ảm đạm nơi đây. Trước khi đoàn tàu xuất hiện, có một vài tín hiệu "ngọn lửa xanh biếc", "tiếng còi xe lửa", "tiếng xe rít mạnh vào ghi", " làn khói bừng sáng trắng đằng xa", "tiếng hành khách ồn ào khe khẽ". Phải có một sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ mới viết được những câu văn hay như thế. Những dấu hiệu càng ngày càng như thúc giục, cảnh vật như bừng tỉnh, xen vào đó là hình ảnh chị em Liên, An, đứa trẻ bới rác, vợ chồng con cái nhà hát xẩm... tất cả khắc họa nên bức tranh mang đậm nét cuộc sống người dân nơi phố huyện nghèo.
Đoàn tàu tiến mỗi lúc một gần. Đoàn tàu vụt qua trong chớp nhoáng, đó là chuyến tàu mà tất cả đều đang chờ đợi, có buồn ngủ ríu mắt vẫn cố gắng chờ. Đoàn tàu được hai đứa trẻ ngắm nhìn, quan sát thật tỉ mỉ. "Các toa đèn sáng trưng", "toa hạng trên sang trọng lố nhố những người", "các cửa kính sáng".... Chuyến tàu không đông như mọi hôm. Đoàn tàu tới mang thêm nhiều tia sáng đến với phố huyện nghèo, xua đi cái tăm tối nơi đây. Chuyến tàu đến nhanh nhưng cũng vội đi, để lại "những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt". "Cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng", hai chị em Liên đều cảm thấy tiếc nuối.Hình ảnh đoàn tàu xuất hiện như ánh đèn soi rõ tâm trạng các nhân vật, đặc biệt là chị em Liên. Hai chị em chờ tàu trong niềm thiết tha, khắc khoải, đón tàu tới trong niềm háo hức say mê. Chúng chờ tàu không phải vì tò mò, không vì bán hàng mà để được nghe những âm thanh, thấy những hình ảnh quen thuộc trước kia mà chúng đã từng sống.
Hình ảnh đoàn tàu chạy về từ Hà Nội biểu trưng cho quá khứ. Chuyến tàu mang những ký ức tuổi thơ thể hiện ước mơ và khát vọng của chị em Liên. Đó là ước mơ được quay về quá khứ sống một cuộc đời tươi đẹp như trước kia. Khi hiện tại không làm con người ta thỏa mãn, con người thường hồi tưởng về những chuyện trong quá khứ, đặc biệt là quá khứ tươi đẹp, hai đứa trẻ cũng vậy. Đoàn tàu là một thế giới đối lập với thực tại đang diễn ra tại phố huyện nghèo. Thế giới ấy có ánh sáng rực rỡ, ngập tràn âm thanh, chứa đựng bao điều mới mẻ, thú vị giúp người dân phố huyện trong đó có hai chị em Liên. Hình ảnh đoàn tàu khơi dậy khát vọng vượt lên tăm tối, khát vọng đổi thay. Nhưng khi đoàn tàu biến mất, trả lại cái cảnh ảm đạm nơi phố huyện, đoàn tàu đi cũng chở ước mơ đi mất, hình ảnh đoàn tàu như niềm vui, ánh sáng hy vọng chợt loé lên rồi vụt tắt.
Đỗ Đức Hiếu nhận xét: "Có thể thấy ở Hai đứa trẻ truyện của xung đột giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối hay nghèo nàn và cô đơn, ánh sáng chỉ là ước mơ thoáng qua". Chuyến tàu đêm đến mang theo thứ ánh sáng diệu kỳ mà con người nơi phố huyện hằng mơ ước. Ẩn sau những giá trị thực của một tác phẩm, nó còn mang giá trị nhân văn cao cả.
Chuyến tàu khiến câu chuyện trở lên có sức hút lạ thường. Trong cuộc sống cơ cực, tàn tạ kết thúc bằng ánh sáng của đoàn tàu, chi tiết đoàn tàu như muốn gợi nhắc chúng ta dù có cực nhọc, mệt mỏi thì cuối đường hầm sẽ là ánh sáng đang chờ đợi. Thạch Lam đã thành công khắc hoạ hình tượng nhân vật Liên và An. Tác giả thể hiện niềm cảm thương sâu sắc tới hai đứa trẻ tội nghiệp. Có lẽ chính tuổi thơ cơ cực của ông nên đã là cảm hứng để ông viết.Hình ảnh đoàn tàu không chỉ là đoàn tàu đơn thuần, nó còn là chuyến tàu chở ước mơ, mang ánh sáng cho cuộc đời những con người sống trong cảnh tăm tối. Chuyến tàu giúp họ có niềm tin, dám ước mơ về một tương lai tốt đẹp.
-
Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 10
Thạch Lam là nhà văn xuất sắc trước Cách mạng tháng Tám. Những việc hết sức bình thường trong đời sống đã được nhà văn miêu tả một cách chân thực, sâu sắc, gợi nên nhiều nghĩ suy. Truyện ngắn Hai đứa trẻ, với hình ảnh đoàn tàu đi qua phố huyện chỉ vài ba phút trong đêm là hình ảnh đầy ý nghĩa.
Giữa một buổi chiều là buồn tẻ, “tiếng trống thu không” vang lên “từng tiếng một” để gợi buổi chiều. Rồi màn đêm dần dần đến mà dấu hiệu là “dãy tre làng đen lại” và “bóng tối ngập đầy dần cái buồn của buổi chiều quê thấm thìa và tâm hồn ngây thơ” trong đôi mắt của Liên. Phố huyện về đêm gần như vắng tanh, chỉ có vài “ngọn đèn lay đọng trên chõng hàng của chị Tí”, gánh phở bác Siêu, vợ chồng bác xẩm. Tuy “buồn ngủ rức cả mắt”, chị em Liên vẫn có thức, để bán hàng với hi vọng “may ra còn có một vài người mua”. Song “Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu, đó là hoạt động cuối cùng của đêm khuya”.
Thạch Lam khá am hiểu tình cảm của người dân nghèo nơi phố huyện nhỏ này. Đoàn tàu đến là hoạt động náo nhiệt nhất của đêm khuya, đem đến cho mọi người cái hi vọng được nhìn thấy “một chút thế giới khác”. Nhà văn đã miêu tả đoàn tàu đêm một cách chi tiết và trân trọng. Đó cũng chính là sự trân trọng ước muốn của con người.
Nhà văn đã miêu tả từ những dấu hiệu đầu tiên: “Mấy người làm công ở hiệu khách đi đón bà chủ ở tỉnh về”, “hai ba người cầm đèn lồng lung lay các bóng dài”, “đèn ghi đã ra”. Con tàu từ xa đang tiến đến với “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra ngọn gió xa xôi”. Dấu hiệu ấy khiến mọi người xôn xao; tiếng bác Siêu báo đèn ghi đã ra, tiếng của Liên gọi em An.
Và chuyến tàu đến: “Tiếng còi đã rít lên, và rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vượt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh sáng cả xuống đường”. Trước mắt Liên “những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Chuyến tàu đi qua, “để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt”, “cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo lên trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”.
Thạch Lam đã quan sát và miêu tả bằng những chi tiết khá sâu nét. Ánh sáng, màu sắc, âm thanh, hoạt động được thể hiện phù hợp và đầy sức gợi cảm trong đêm tối.
Vì sao chị em Liên và mọi người lại háo hức chờ đón đoàn tàu như vậy? Chuyến tàu về gợi cho “hai đứa trẻ” cảm xúc gì? Phải sành tâm lí trẻ thơ lắm mới có được dòng miêu tả như vậy. Đoàn tàu đi qua gợi lên trong các em nhiều ý nghĩa lắm. Hình ảnh con tàu gợi lại trong chị em Liên trong dòng mơ tưởng về “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”, nơi các em đã sống một thời êm ấm và sung sướng. Đó là một thế giới khác, một thế giới đã qua, khác hẳn nơi phố huyện buồn tẻ và nghèo nàn. Đó là thế giới của ước mơ và không biết bao giờ còn có dịp trở lại.
Thạch Lam đã dẫn người đọc cùng ông về một phố huyện nghèo nàn, buồn tẻ và đơn điệu, cùng ông cảm thông với cuộc sống của cả một lớp người, sống không có hi vọng vào ngày mai, nếu có chăng là nhìn thấy thoáng qua sự ồn ào, vẻ sang trọng của người khác. Phố huyện bây giờ, khi đoàn tàu đã đi xa, “chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn”, chỉ còn “vợ chồng bác xẩm ngủ gục trên manh chiếu tự bao giờ”, và “hình ảnh thế giới quanh mình, mờ mờ đi trong đôi mắt” của Liên. Phải chăng dưới ngòi bút của Thạch Lam, cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì? Không, dù chưa lạ được gì cho con người nghèo khổ, Thạch Lam đã góp một tiếng nói cảm thông, đã nhen nhóm trong họ một chút hi vọng để vượt lên trên cái tẻ nhạt, tầm thường của cuộc sống. Miêu tả cả một lớp người và tâm trạng của họ như thế, chúng ta thấy được lòng trắc ẩn của nhà văn trước số phận của con người. Vì thế, truyện ngắn Hai đứa trẻ là một truyện ngắn hay, gợi lên trong người đọc nhiều nghĩ suy trước số phận con người, nhất là những con người nhỏ bé.