Bài văn cảm nhận hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ số 9

Ánh sáng và bóng tối là hai yếu tố quan trọng của cuộc sống, luôn tồn tại song hành với nhau. Trong các tác phẩm văn học, ánh sáng và bóng tối được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm xây dựng tình huống để truyền tải chủ đề của tác phẩm. Hình ảnh đoàn tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam chính là hình ảnh đại diện cho ánh sáng. Chuyến tàu đã đem ánh sáng, không khí vui tươi tới xua tan đi cái tăm tối, ảm đạm và xua tan đi tâm hồn lạnh lẽo của con người nơi phố huyện.


Thạch Lam quê ở Hà Nội, sinh ra trong một gia đình công chức gốc quan lại trong giai đoạn đất nước sa sút. Tuổi thơ ông may mắn, phải chuyển chỗ ở nhiều nơi. Những buổi đầu viết văn, Thạch Lam tham gia vào nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông được biết tới là một cây bút thiên về tình cảm, viết về những cảm xúc của chính bản thân mình trước số phận hẩm hiu, đau khổ của người nghèo nhất là người phụ nữ trong xã hội cũ nát, sống vất vả, chịu đựng, thầm lặng và trong đó có cả sự hy sinh.


Những tác phẩm của Thạch Lam có chứa nhiều những yếu tố hiện thực, tuy nhiên những nhân vật của ông không dữ dội, hay tăm tối như các nhân vật của các nhà văn khác mà luôn ẩn chứa lòng nhân ái và những vẻ đẹp tâm hồn trong các tác phẩm của ông. Lê Quang Hưng nhận xét: "Thế giới nhân vật của Thạch Lam phần lớn là những con người ở địa vị thấp bé có cuộc sống nghèo khổ vất vả thường nói trong nhịp sống đơn điệu nhàm tẻ. Quả thực đúng như vậy, khi đọc những tác phẩm của ông, ta nhận thấy sự yêu thương và quý trọng giữa người với người.


Hai đứa trẻ là một truyện ngắn trích trong tập "nắng trong vườn". Tác phẩm thể hiện khát vọng của ông về một cuộc sống tươi sáng, người dân không phải chịu sống khổ cực, vất vả với những cảm xúc tinh tế, nhạy cảm, đầy rung động. Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét: "Truyện ngắn Hai đứa trẻ có một hương vị thật là man mác. Nó gợi một nỗi niềm về quá khứ đồng thời cũng gióng lên một cái gì còn ở trong tương lai. Đọc Hai đứa trẻ thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín".


Hai đứa trẻ là câu chuyện kể về hai nhân vật có tên Liên và An. Trước kia Liên và An đều là những đứa trẻ có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Nhưng do làm ăn sa sút khiến cho gia đình nhỏ phải chuyển về sống tại một phố huyện nhỏ xập xệ. Cuộc sống khó khăn khiến người ta nhìn nhận cuộc sống ở nhiều góc cạnh, những đứa trẻ nơi phố huyện nghèo phải nhặt những thứ sót lại sau buổi chợ. Đó là những con người nghèo khổ, tìm mọi cách để mưu sinh qua ngày trong đó có chị em Liên và An. Nhưng điểm chung của họ đó là vẫn sáng ngời hy vọng về tương lai. Mỗi ngày hai chị em Liên đều chờ chuyến tàu cuối cùng từ Hà Nội về mới đi ngủ. Chuyến tàu đêm là hoạt động cuối cùng của một ngày. Nó mang ánh sáng hạnh phúc về nơi phố huyện nghèo.

Trong tác phẩm, chuyến tàu đêm được miêu tả là hoạt động hằng ngày với thời gian là chín giờ mỗi tối " đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya". Có thể con người ta vì nhiều điều mệt mỏi, bộn bề trong cuộc sống mà quên đi nhiều thứ. Nhưng chuyến tàu cuối cùng lại là thứ khiến họ chờ đợi không thể nào quên. Phải chăng họ hy vọng có một vài người khách xuống mua giúp họ một vài món hàng hay họ hy vọng sự ồn ào tấp nập xua tan đi cái lạnh lẽo ảm đạm nơi đây. Trước khi đoàn tàu xuất hiện, có một vài tín hiệu "ngọn lửa xanh biếc", "tiếng còi xe lửa", "tiếng xe rít mạnh vào ghi", " làn khói bừng sáng trắng đằng xa", "tiếng hành khách ồn ào khe khẽ". Phải có một sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ mới viết được những câu văn hay như thế. Những dấu hiệu càng ngày càng như thúc giục, cảnh vật như bừng tỉnh, xen vào đó là hình ảnh chị em Liên, An, đứa trẻ bới rác, vợ chồng con cái nhà hát xẩm... tất cả khắc họa nên bức tranh mang đậm nét cuộc sống người dân nơi phố huyện nghèo.

Đoàn tàu tiến mỗi lúc một gần. Đoàn tàu vụt qua trong chớp nhoáng, đó là chuyến tàu mà tất cả đều đang chờ đợi, có buồn ngủ ríu mắt vẫn cố gắng chờ. Đoàn tàu được hai đứa trẻ ngắm nhìn, quan sát thật tỉ mỉ. "Các toa đèn sáng trưng", "toa hạng trên sang trọng lố nhố những người", "các cửa kính sáng".... Chuyến tàu không đông như mọi hôm. Đoàn tàu tới mang thêm nhiều tia sáng đến với phố huyện nghèo, xua đi cái tăm tối nơi đây. Chuyến tàu đến nhanh nhưng cũng vội đi, để lại "những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt". "Cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng", hai chị em Liên đều cảm thấy tiếc nuối.


Hình ảnh đoàn tàu xuất hiện như ánh đèn soi rõ tâm trạng các nhân vật, đặc biệt là chị em Liên. Hai chị em chờ tàu trong niềm thiết tha, khắc khoải, đón tàu tới trong niềm háo hức say mê. Chúng chờ tàu không phải vì tò mò, không vì bán hàng mà để được nghe những âm thanh, thấy những hình ảnh quen thuộc trước kia mà chúng đã từng sống.

Hình ảnh đoàn tàu chạy về từ Hà Nội biểu trưng cho quá khứ. Chuyến tàu mang những ký ức tuổi thơ thể hiện ước mơ và khát vọng của chị em Liên. Đó là ước mơ được quay về quá khứ sống một cuộc đời tươi đẹp như trước kia. Khi hiện tại không làm con người ta thỏa mãn, con người thường hồi tưởng về những chuyện trong quá khứ, đặc biệt là quá khứ tươi đẹp, hai đứa trẻ cũng vậy. Đoàn tàu là một thế giới đối lập với thực tại đang diễn ra tại phố huyện nghèo. Thế giới ấy có ánh sáng rực rỡ, ngập tràn âm thanh, chứa đựng bao điều mới mẻ, thú vị giúp người dân phố huyện trong đó có hai chị em Liên. Hình ảnh đoàn tàu khơi dậy khát vọng vượt lên tăm tối, khát vọng đổi thay. Nhưng khi đoàn tàu biến mất, trả lại cái cảnh ảm đạm nơi phố huyện, đoàn tàu đi cũng chở ước mơ đi mất, hình ảnh đoàn tàu như niềm vui, ánh sáng hy vọng chợt loé lên rồi vụt tắt.

Đỗ Đức Hiếu nhận xét: "Có thể thấy ở Hai đứa trẻ truyện của xung đột giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối hay nghèo nàn và cô đơn, ánh sáng chỉ là ước mơ thoáng qua". Chuyến tàu đêm đến mang theo thứ ánh sáng diệu kỳ mà con người nơi phố huyện hằng mơ ước. Ẩn sau những giá trị thực của một tác phẩm, nó còn mang giá trị nhân văn cao cả.

Chuyến tàu khiến câu chuyện trở lên có sức hút lạ thường. Trong cuộc sống cơ cực, tàn tạ kết thúc bằng ánh sáng của đoàn tàu, chi tiết đoàn tàu như muốn gợi nhắc chúng ta dù có cực nhọc, mệt mỏi thì cuối đường hầm sẽ là ánh sáng đang chờ đợi. Thạch Lam đã thành công khắc hoạ hình tượng nhân vật Liên và An. Tác giả thể hiện niềm cảm thương sâu sắc tới hai đứa trẻ tội nghiệp. Có lẽ chính tuổi thơ cơ cực của ông nên đã là cảm hứng để ông viết.


Hình ảnh đoàn tàu không chỉ là đoàn tàu đơn thuần, nó còn là chuyến tàu chở ước mơ, mang ánh sáng cho cuộc đời những con người sống trong cảnh tăm tối. Chuyến tàu giúp họ có niềm tin, dám ước mơ về một tương lai tốt đẹp.

Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy