Bài văn cảm nhận về hình ảnh bà Tú trong bài "Thương vợ" số 8
Trong sự nghiệp thơ ca phong phú, đa dạng của Tú Xương, “Thương vợ” được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất. Cái hay của bài thơ là đã thể hiện được một cách thấm thía, cảm động thái độ trân trọng, tri ân của nhà thơ đối với sự hi sinh, tảo tần của vợ. Quan trọng hơn, từ tác phẩm này người ta thấy hiện lên bức chân dung về người phụ nữ Việt Nam với những nét phẩm chất điển hình qua hình tượng bà Tú.
Bà Tú tên tật là Phạm Thị Mẫn, xuất thân dòng dõi nho gia “con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”. Bà nhẫn nại, cam phận làm người vợ thảo hiền, làm chỗ dựa tinh thần cho cuộc đời Tú Xương – một trí thức không gặp thời, long đong trên con đường sự nghiệp.Có lẽ vì thế mà hình tượng người vợ trở thành đề tài quen thuộc trong thơ của Tú Xương. Những bài thơ của ông viết về vợ thường mang nhiều sắc điệu: có khi là lời thủ thỉ tâm tình, lời bông đùa hóm hỉnh, cũng có lúc là nỗi niềm chua chát, xót xa nhưng bao trùm tất cả vẫn là thái độ trân trọng cảm thông, sự hàm ơn chân thành.Nói đến người phụ nữ truyền thống là nhắc đến không gian gia đình, ở đó người vợ có vai trò quan trọng trong việc thu vén, chăm lo sự nghiệp, danh vị của chồng. Bà Tú cũng không phải là ngoại lệ, nhưng vào buổi Tây, Tàu nhốn nháo, không còn đâu cái cảnh thơ mộng “bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ”, bà Tú cũng phải cuốn theo guồng quay của cuộc đời phiền tạp, dạt theo cuộc bươn chải với đổi chác, bán mua:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Hình tượng bà Tú hiện lên không phải từ dáng vóc, hình hài mà từ không gian và thời gian công việc. “Quanh năm” không chỉ là độ dài thời lượng mà còn gợi ra cái vòng vô kì hạn của thời gian, nó chứng tỏ cuộc mưu sinh không có hồi kết thúc. Không gian “mom sông” vừa có giá trị tả thực – là doi đất nhô hẳn ra lòng sông, vừa gợi lên không gian sinh tồn bấp bênh, chông chênh.
Cái cách nói “năm con với một chồng” nghe có vẻ hài hước vì người ta ai lại đếm chồng, ai lại xếp chồng ngang hàng con như thế. Nhưng ông Tú đã tự cười mình, trách mình vậy đấy. Tự cho mình là gánh nặng mà bà Tú phải cố gồng hết sức để gánh thêm, tự cho mình là kẻ ăn bám vợ. Thương vợ bao nhiêu lại buồn cho mình bấy nhiêu. Bi kịch này không dễ gì thổ lộ bởi nó làm mất mặt nam nhi lắm. Nhưng ông Tú lại muốn ghi công vợ nên sẵn sàng khuất lấp sau người phụ nữ, sẵn sàng tự kết mình vào hàng những kẻ vô tích sự, ăn bám vợ. Thế mới biết tấm lòng của ông chồng sâu nặng và chân thành đến mức nào. Ca dao xưa khi nói tới hình tượng người phụ nữ thường liên tưởng tới hình ảnh con cò:
“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”
Tú Xương đã vận dụng sáng tạo chất liệu ca dao trong hai câu thơ:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Nhà thơ vừa tiếp thu, vận dụng văn học dân gian lại vừa có những sáng tạo độc đáo. Với việc dùng từ “thân cò”, tác giả vừa thể hiện danh phận khiêm nhường vừa làm nổi rõ số kiếp lận đận của bà Tú. Trong cấu trúc cú pháp của câu thơ, biện pháp đảo ngữ đã được sử dụng nhằm nhấn mạnh, gia tăng tính chất âm thầm nhọc nhằn trong công việc của bà Tú. Nếu như hình ảnh “đò đông” thể hiện tính chất bấp bênh trong cuộc mưu sinh thì từ láy “eo sèo” đã diễn tả sinh động sự ồn ào, nhốn nháo, phức tạp, nhục nhằn trong công việc hằng ngày mà bà Tú phải chịu đựng.Không chỉ tần tảo, lam làm, chịu thương chịu khó, bà Tú trong “Thương vợ” của Tú Xương còn là con người bổn phận vị tha, lấy hi sinh làm hạnh phúc và lẽ sống của mình.Hóa thân vào nhân vật bà Tú, nhà thơ đã nói hộ nỗi niềm tâm sự của vợ, đó là thái độ chín chắn trước duyên phận, độ lượng trước gia cảnh.
Hiện lên trong tâm trí người đọc là hình ảnh một người phụ nữ lặng lẽ an phận, ráng sức lo toan, không trách phận than thân, không phiền lòng phẫn chí. Việc vận dụng thành ngữ số từ “một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa” làm cho lời thơ trở nên cô đúc. Lời kể công, kể khổ của Tú Xương dành cho vợ trở nên trĩu nặng hơn, day dứt hơn. Sự cam chịu và đức hi sinh của bà Tú như càng nổi bật hơn.
Tấm lòng thương vợ, ơn vợ không chỉ dừng lại ở việc hiểu, chia sẻ, xót xa, tri ân vợ mà bật ra thành hành động, thành ngôn ngữ trực tiếp. Đó chính là lời chửi đổng cuối bài thơ. Người cất lên tiếng chửi chính là ông Tú. Trước hết là ông chửi thói đời bạc bẽo. Thói đời ở đây là những nếp quen đáng chê trách mặc nhiên cứ được công nhận và chấp nhận. Những đạo “tam tòng”, những “phu xướng phụ tùy”, những định kiến hẹp hòi “trọng nam khinh nữ”…đã khiến cho người phụ nữ xưa phải khổ. Cũng khiến cho những người đàn ông thương vợ như ông Tú không thể “đồng cam cộng khổ” cùng bà một cách thiết thực hơn. Dẫu muốn, chàng Nho sĩ kia cũng không thể “lặn lội thân cò” hay “eo sèo” buôn bán cùng vợ được. Nên chỉ có thể trách mình, ghét mình là kẻ vô tích sự, là “chồng hờ hững”.
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
“Thói đời” ở đây phải chăng là sản phẩm của buổi giao thời đã tạo ra những người chồng hờ hững, để rồi người phụ nữ phải mang gánh nặng trụ cột gia đình. Câu thơ thể hiện nỗi dằn vặt, thái độ chân thành tự trách mình của nhà thơ đồng thời bộc lộ tâm trạng bất lực trong bi kịch tinh thần của người trí thức: trở thành người thừa ngay trong chính gia đình của mình.
Nhưng đằng sau tiếng chửi mình, chửi đời ấy, chửi xã hội ấy, chúng ta thấy những giọt nước mắt của nỗi đau, của tâm trạng phẫn uất, của bi kịch Tú Xương bật ra qua câu chữ. Hẳn là uất ức lắm mới phải bật lên thành tiếng. Hẳn là giận, đau lắm mới không thể giấu trong lòng. Điều gì biến ông Tú thành kẻ “có cũng như không”? Điều gì biến ông thành kẻ ăn bám con, ăn bám vợ? Bởi Hán học đến thời mạt vận. Bởi thi cử lộn tùng phèo những giá trị thực. Thế là cả đời đi thi rốt cuộc chỉ có cái Tú tài dở dang dang dở. Thế nên tâm sự phẫn uất mới bật lên thành tiếng chửi. Nhưng đó không phải chỉ là lời của một Tú Xương mà còn là bi kịch của một thế hệ. Nói thương vợ là trách mình, là tê tái, đau đớn thương mình là vì vậy.
Có thể nói với “Thương vợ”, Tú Xương đã khắc hoạ rõ nét và sống động hình tượng bà Tú, người vợ tảo tần với những nét phẩm chất điển hình của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Đằng sau tiếng thơ là tiếng lòng tri ân trân trọng, cảm thông đồng thời là nỗi day dứt khôn nguôi của nhà thơ đối với người vợ thảo hiền. Đọc Thương vợ ta mới hiểu thấu lòng ông Tú. Hóa ra đằng sau con người phóng túng ăn chơi kia là cả một chiều sâu tâm trạng. Hóa ra đằng sau tiếng cười trào phúng bật lên thành tiếng là cả nỗi đau thé thái nhân tình. Thương vợ khép lại, nhưng nỗi niềm của Tú Xương hẳn còn đọng lại mãi mai sau. Nỗi đau của thời cuộc còn day dứt nhưng đã là bài toán có lời giải trong xã hội hiện nay. Chỉ có nỗi niềm thương vợ thì vẫn còn mang giá trị nhân sinh trong cuộc sống hiện tại này.