Bài văn cảm nhận về nhân vật cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám số 3
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vô cùng phong phú, giàu có. Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người đọc chính là truyện cổ tích Tấm Cám. Tác phẩm đã cho thấy những vẻ đẹp khác nhau của cô Tấm: thảo hiền, chăm chỉ,… và phẫn nộ trước sự độc ác của mẹ Cám. Tác phẩm để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng người đọc.
Trước hết tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc về một cô Tấm hiền lành, chăm chỉ, ngoan ngoãn nhưng số phận bất hạnh, chịu nhiều bất công. Tấm là con người vô cùng chăm chỉ, lương thiện, đôn hậu: công việc trong nhà một tay Tấm làm lụng, quán xuyến, Cám chỉ biết rong chơi lêu lổng. Cô cần mẫn nên khi mẹ Cám treo phần thưởng là chiếc yếm đỏ bằng sự nhanh nhẹn khéo léo cô đã nhanh chóng bắt đầy giỏ tép. Không chỉ vậy, có người bạn là bống cô còn nhường cơm cho bống, nuôi bống lớn lên,… Đọc đến đây ai lại không xúc động trước tấm lòng lương thiện của cô trước những sinh linh bé nhỏ. Nhưng vẫn như ông cha ta xưa vẫn quan niệm, người hiền lành ắt sẽ có được hạnh phúc, nàng Tấm đã lấy được vua, trở thành hoàng hậu. Đây là phần thưởng xứng đáng cho tấm lòng lương thiện, trong sáng của nàng.
Nhưng cuộc đời Tấm lại chịu nhiều bất hạnh, bất công. “Mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi”, như vậy ngay từ nhỏ Tâm đã không được sống trong tình yêu thương đủ đầy của cả cha và mẹ. Và đau xót hơn cô phải sống chung với dì ghẻ, một người vô cùng độc ác. Mụ hành hạ, bắt Tấm làm việc từ sáng đến đêm. Còn Cám thì lừa Tấm để trút hết giỏ tép, tranh phần thưởng với Tấm. Phần thưởng cái yếm đào bị mất, Tấm khóc không chỉ vì bị mất phần thưởng mà còn khóc bởi một chút tình cảm, hơi ấm gia đình, sự công bằng cũng bị cướp mất đi. Không dừng lại ở đó Tấm còn bị mất cả người bạn thân thiết - cá bống. Số phận nàng Tấm vô cùng bất hạnh, bị tước đoạt mọi quyền lợi, tước đoạt hết cả vật chất lẫn tinh thần. Tấm chính là đại diện tiêu biểu cho số phận của những con người thấp cổ bé họng trong xã hội xưa.
Đau đớn và xót xa hơn Tấm còn bị mẹ con Cám tước đi mạng sống hết lần này đến lần khác, nhưng nàng không cam chịu mà vùng lên đấu tranh. Cô hóa thành chim vàng anh, bay vào cung vua, nhắc nhở, cảnh cáo Cám: “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch, phơi áo chồng tao, thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”. Bị giết hại nàng biến thành cây xoan đào, thành khung cửi, thành quả thị. Nàng kiên cường, bất khuất không chịu khuất phục trước cái xấu, cái ác. Hành trình đó cho thấy quá trình đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng của cái thiện với cái ác, đồng thời những lần hóa thân của Tấm cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của cái thiện, nó không thể bị cái ác tiêu diệt. Sau quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ, Tấm đã trở về, lấy lại hạnh phúc của mình và trừng trị những kẻ độc ác. Hành trình đấu tranh của Tấm cũng cho thấy một chân lí: hạnh phúc chỉ có được khi ta biết dũng cảm dành và giữ chúng. Hạnh phúc trở về với Tấm chính là món quà quý giá cho tấm lòng thủy chung, cho sự dũng cảm của cô.
Bên cạnh nhân vật Tấm hiền thục, thảo hiền mang nhiều phẩm chất đẹp đẽ thì phía bên kia lại có tuyến nhân vật vô cùng độc ác, nhẫn tâm chính là mẹ con nhà Cám. Cám là kẻ lười biếng, chỉ ham chơi, không bao giờ giúp đỡ những công việc trong gia đình giúp Tấm. Không chỉ vậy Cám còn là một kẻ xảo trá, lừa Tấm hụp nước cho sâu rồi cướp mất giỏ tép Tấm chăm chỉ bắt được. Chính Cám là người cướp đi phần thưởng quý giá đầu tiên của Tấm. Cám còn nghe lời mẹ, gây ra bao nhiêu điều độc ác với Tấm, thậm chí giết Tấm. Lòng dạ của Cám vô cùng thâm hiểm.
Và người độc ác nhất phải kể đến chính là mụ dì ghẻ, mụ là chính là đầu mối gây nên mọi đau khổ cho Tấm. Chính mụ dì ghẻ đã dừng thứ để Cám lộng hành, chính mụ ta bắt Tấm làm việc ngày đêm, không chỉ vậy mụ còn đang tâm giết Bống – người bạn duy nhất của Tấm. Mụ lần lượt cướp hết đi niềm vui tinh thần của Tấm, ngay cả nhu cầu đi xem hội mụ cũng tìm cách tước đoạt nốt. Mụ quả là một người phụ nữ xấu xa.
Những tưởng sau khi Tấm làm hoàng hậu, mụ ta sẽ không tìm cách hại Tấm nữa. Nhưng không phải vậy, chặng sau của câu chuyện tội ác của mụ còn nhân lên gấp bội. Mụ là người bày mưu để Tấm về và giết chết Tấm với kế sách chị chết, em thay và quả thực ý định của mụ đã thành hiện thực. Nhưng điều mụ không ngờ nhất chính là sức sống mãnh liệt của Tấm, Tấm biến thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, mụ đều xui Cám giết chết, hoặc đốt chết đi. Mụ không từ mọi thủ đoạn để loại bỏ sự sống của Tấm, cốt sao cho con gái mụ được yên ổn làm hoàng hậu. Quả thật, xưa nay hiếm có người nào lại độc ác, thâm hiểm đến vậy, mụ đã giết Tấm những bốn lần, mỗi lần thủ đoạn lại tàn ác hơn. Mụ đã mất hết nhân tính, tình người, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Mụ lại đại diện tiêu biểu cho kẻ ác trong xã hội lúc bấy giờ. Và theo quan niệm của cha ông ta, những kẻ bất nhân tất sẽ phải nhận quả báo, báo ứng và mụ ta cùng đứa con cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy. Sau tất cả những hành vi tội lỗi của mình cả hai nhân vật đều phải trả giá bằng cái chết. Đây là trừng phạt thích đáng nhất cho những kẻ chuyên đi gây tai họa, tàn nhẫn với người khác.
Để tạo nên thành công của tác phẩm, ta không thể không nhắc đến những nét đặc sắc về nghệ thuật. Tác phẩm có cốt truyện hết sức kịch tính, tình tiết phát triển hợp lí, gây hứng thú cho người đọc. Ngoài ra còn phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, mỗi nhân vật thực hiện chức năng riêng, thể hiện một loại người trong xã hội. Các yếu tố thần kì, nhân vật phù trợ, những câu vần vè đan xen trong tác phẩm cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của truyện cổ tích Tấm Cám.
Đọc những dòng cuối cùng của tác phẩm, người đọc không thể nào quên một cô Tấm lương thiện, có ý chí đấu tranh, bằng sự kiên trì, bền bỉ đã cấp bến bờ hạnh phúc; còn những kẻ bất lương như mẹ con Cám đã phải chịu hình phạt xứng đáng. Qua tác phẩm chúng ta còn thấy rõ hơn ý nghĩa, triết lí của cha ông ta: “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.