Top 10 Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân (lớp 7) hay nhất

Bình An 15406 0 Báo lỗi

Nói dối là nói sai sự thật, cố ý làm người khác hiểu lầm sự thật. Đó là hành động không trung thực, là căn bệnh của nhiều người trong xã hội ngày nay. Bất kỳ ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 1

    Cuộc đời mỗi chúng ta là một hành trình rộng lớn. Trong hành trình ấy, con người ta không thể cô độc một mình mà phải hòa vào cả xã hội. Một trong những sức mạnh gắn kết con người với con người chính là sự chân thành, trung thực. Điều đó cũng có nghĩa nói dối có hại cho bản thân mỗi người.


    Nói dối là nói sai sự thật, cố ý làm người khác hiểu lầm sự thật. Nói dối là hành động không trung thực, là căn bệnh của nhiều phần tử trong xã hội ngày nay. Bất kỳ đối tượng nào, lứa tuổi nào cũng có thể nói dối. Nói dối thực sự có hại cho chính bản thân.


    “Giấy không thể gói được lửa”, nói dối lần đầu có thể trót lọt, không ai phát hiện ra nhưng có lần thứ nhất sẽ có những lần sau. Dần dần nó sẽ hình thành thói quen xấu. Và khi mọi người phát hiện được sự thật, niềm tin của họ ngay lập tức suy giảm và nếu bạn vẫn tiếp tục nói dối, niềm tin ấy sẽ biến mất. Ngược lại, mỗi lần bạn nói gì đó, bạn sẽ nhận lại thái độ nghi ngờ, thậm chí không tin tưởng từ người nghe.


    Nói dối đưa bạn vào tình trạng thấp thỏm, lo âu khi bản thân luôn che giấu một điều gì đó, sợ bị phát hiện. Nói dối khiến đạo đức cá nhân đi xuống, mất đi tín nghiệm của người khác. Trong cuộc sống, ta có thể dễ dang nhìn thấy tác hại của việc nói dối. Không ít học sinh đi học muộn, thiếu bài tập về nhà dùng lời nói dối để che giấu khuyết điểm của mình, lần đầu thầy cô sẽ khoan dung cho qua. Nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, học sinh đó không những hình thành thói quen xấu mà thầy cô, bạn bè cũng dần mất đi niềm tin. Trong một công ty, cá nhân này lại đi lấy cắp ý tưởng của cá nhân khác, nói dối lãnh đạo rằng đó là của mình. Ban đầu, người đó chắc chắn sẽ nhận được lời khen, phần thưởng. Nhưng sau đó, họ không dùng thực lực để phát huy, mọi người sẽ nghi ngờ, dần dần người nói dối ấy sẽ mất đi vị trí của mình.


    Cả thế giới đã từng phải ngỡ ngàng trước một vụ dối trá trong nghiên cứu khoa của một nhà khoa học người Hàn Quốc. Nguyên nhân là nói dối. Giáo sư Hwang Woo Suk, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc nổi tiếng thế giới nhờ các công trình nghiên cứu nhân bản người. Đặc biệt là nghiên cứu về tế bào mầm. Nhưng sau đó, qua các cuộc điều tra, người ta phát hiện ra các nghiên cứu của ông Hwang đều không có thật. Ông nhận rất nhiều tiền từ nhà nước, mọi người đã tin ông, nhưng chỉ đưa ra kết quả giả. Hậu quả ông bị mất việc, mất lòng tin của mọi người, mất danh dự và phải đền bù lại tiền cho nhà nước. Còn rất nhiều dẫn chứng có thật khác.


    Không có lời nói dối nào hoàn hảo đến mức tuyệt đối, cũng không có sự dối trá nào mãi mãi không bị phát hiện. Có những lời nói dối mang đến mục đích tốt đẹp, như lời nói dối của bác sĩ với bệnh nhân nan y để họ yên tâm, lạc quan hơn vào sự sống còn lại. Lời nói dối ấy phải vì mọi người, vì nhân văn mới thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, nói dối sẽ không đem lại kết quả tốt cho bản thân. Mối quan hệ giữa người với người cần có niềm tin và sự chân thành. Mỗi cá nhân cần nhận thức tác hại của lời nói dối để từ đó biết giữ và rèn cho mình tính trung thực, chính trực. Tạo dựng được niềm tin nơi mọi người là một yếu tố cần thiết và quan trọng để chúng ta hòa mình vào cuộc sống, hoàn thiện và phát triển bản thân, đồng thời cùng chung tay góp phần đưa xã hội đi lên.


    “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Cuộc sống là của tất cả chúng ta nên ai cũng có trách nhiệm bảo vệ và phát triển nó. Đừng nói dối để nhận lại hậu quả khôn lường cho chính mình. Con đường thành công sẽ không xuất hiện cho những người sống mà dùng lời nói dối để đối đãi mọi người xung quanh.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Top 2

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 2

    Trung thực, thật thà luôn là đức tính vô cùng đáng quý của mỗi người trong cuộc sống, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác nhau, chúng ta luôn gặp phải những lời nói dối. Đa phần những lời dối trá đó đều mang hại và hoàn toàn sai trái, và thật đúng khi nói rằng: Nói dối có hại cho bản thân.


    Nói dối là nói những lời không chân thật, sai lệch với sự thật đối khi trái hẳn với thực tế một cách vô tình hoặc cố ý. Thực tế cuộc sống, ta đã gặp nhiều trường hợp con người nói dối có chủ đích, đó là lời bác sĩ nói dối bệnh nhân ung thư về bệnh tình của anh ta, rằng bệnh của anh không đáng lo ngại và anh hãy lạc quan lên, sắp được ra viện rồi... Ở đây, lời nói dối nhằm mục đích giúp người bệnh có tâm lí thoải mái hơn khi chữa bệnh, không căng thẳng, lo lắng, tránh ảnh hưởng đến việc điều trị. Lại có những lời nói dối thể hiện tình yêu thương và sự vị tha, đó là lời của người mẹ nghèo, đói đến xơ xác nhưng vẫn cố gắng chịu đựng mỉm cười nói với những đứa con "Mẹ ăn no rồi!" để nhường cho con phần cơm còn lại. Những lời nói dối này không nhằm mục đích xấu mà đây chỉ là một phương pháp làm giảm đi gánh nặng tâm lí cho người nghe mà thôi.


    Trái lại, có nhiều lời nói dối nhằm mục đích không tốt: Một cậu bé nói dối cha mẹ bỏ học đi chơi; học sinh vì mải chơi chưa làm bài tập hay học bài cũ, liền nói dối bị quên vở; một cô bé xin tiền mẹ nói dối là đi học thêm nhưng thực chất là lấy tiền đi xem phim;... còn muôn vàn những kiểu nói dối khác nhau nữa mà chúng ta không thể kể xiết. Trong những trường hợp này, người nói dối nhằm mục đích che đậy tội lỗi và đều mang ý xấu. Bên cạnh đó, có những lời nói dối còn trắng trợn và đáng sợ hơn nhằm đổi trắng thay đen, nhằm hãm hại và đẩy người khác vào bước đường cùng. Việc nói dối nhiều lần sẽ thành thói xấu khó bỏ, khiến con người "tặc lưỡi" cho qua, lâu dần sẽ trở thành "căn bệnh" khó chữa và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có hại cho bản thân và ảnh hưởng xấu đến người khác.


    Vậy tại sao nói dối có hại cho bản thân? Trước hết, có thể thấy nói dối để che giấu những điều sai trái, lỗi lầm có thể giúp con người thoát khỏi những tình huống bất lợi tức thời nhưng về lâu dài sẽ trở thành thói xấu, mang hại cho bản thân người nói dối. Người xưa có câu "Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra" ý chỉ dù có che đậy kĩ càng bằng những lời nói dối hoàn hảo đến đâu, sẽ có một ngày sự thật sẽ được phơi bày ra và khi đó người nói dối sẽ là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Bản thân người đó sẽ không nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của những người xung quanh và khi gặp bất kì khó khăn nào trong học tập hay trong công việc và cuộc sống nói chung, cũng sẽ không nhận được bất kì sự giúp đỡ hay hỗ trợ nào từ người khác. Dần dần, bạn sẽ bị tách biệt, bị cô lập khỏi thế giới và thật bất hạnh cho những người nào gặp phải trường hợp như vậy. Không chỉ có vậy, một khi ta đã làm sai chuyện gì, ta vẫn không thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi, dằn vặt, day dứt lương tâm, tâm lí sẽ luôn hoảng loạn và không yên ổn. Liệu chúng ta có thể yên tâm sống một cuộc sống lúc nào cũng trong trạng thái nơm nớp lo sợ hay không?


    Đối với những lời nói dối mang tính chất trêu chọc, nhằm thỏa mãn thú vui nào đó của bản thân mình cũng thật sự nguy hiểm. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ câu chuyện Cậu bé chăn cừu, cậu bé đột nhiên nảy ra ý muốn trêu chọc các bác nông dân nên hai lần nói dối có sói đến ăn cừu của mình khiến cho mọi người đang bận rộn làm các công việc của mình vội vàng chạy đến giúp cậu đuổi sói. Chứng kiến cảnh các bác nông dân như vậy, cậu ta thích chí ôm bụng cười nhưng khi đến lần thứ ba, khi sói đến thật, cậu bé gào khản cổ nhưng chẳng có một ai tin và đến cứu vì họ đã mất niềm tin ở cậu. Và hậu quả là sói đã ăn thịt hết đàn cừu của cậu và từ đó trở đi, cậu bé không bao giờ được mọi người tin tưởng nữa. Qua câu chuyện này, người xưa muốn khuyên răn chúng ta, bất kể là chuyện gì cũng không được nói sai sự thật bởi một lần nói dối sẽ làm người khác không tin tưởng bạn nữa, và về sau nếu có nói thật, mọi người cũng sẽ luôn nghi ngờ bạn.


    Hầu hết, những lời nói dối đều mang lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và đều là những lời nói dối có hại cho bản thân cũng như những người xung quanh. Nếu vậy, chúng ta cần làm gì để bản thân không nói dối? Trước hết, chúng ta cần tự mình nhận thức rõ ràng về tác hại của việc nói dối cũng như hậu quả xấu mà nó mang lại. Bên cạnh đó, rèn luyện cho mình đức tính trung thực, ngay thẳng, thật thà, không nói sai sự thật, đặc biệt là không dựng chuyện, bịa chuyện để nói xấu hay bôi nhọ người khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng cần sáng suốt, biết cân nhắc để nói năng hay ứng xử cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng trường hợp để có những ứng xử linh hoạt.


    Như vậy, nói dối có hại cho bản thân là ý kiến vô cùng đúng đắn và nói dối còn có hại cho người khác nữa, bởi vậy chúng ta cần rèn luyện cho mình đức tính trung thực và cần lên án những lời nói hay hành vi dối trá để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Top 3

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 3

    Xưa kia ông cha ta thường hay có câu “Lời nói gói vàng” thể hiện sự trân trọng lời nói của mình và đề cao giá trị của bản thân thông qua lời ăn tiếng nói. Nhưng ngày nay trọng lượng, giá trị ấy ngày càng giảm đi rất nhiều và gây ra một số vấn đề chính là sự nói dối. Và từ lời nói dối ấy đã trở thành một thói quen tật xấu của con người hiện nay. Lời nói của mỗi con người chính là sự phát ngôn cho những suy nghĩ, quan điểm, tình cảm của chính bản thân. Lời nói là phương tiện biểu đạt tâm hồn thơ ca của con người.


    Lời nói giúp con người đến gần với nhau hơn, bằng cách giao tiếp rồi sau đó cảm nhận bằng tâm hồn. Như vậy lời nói trở thành công cụ rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Thế mà, người ta vẫn lợi dụng công cụ đó làm bóp méo và làm cho nó trở thành lời nói dối cho bản thân. Nói dối là cách nói không đúng sự thật, người nói dối nhằm mục đích che dấu chân tướng, sự thật và bao biện cho những hành động xấu phục vụ mục đích riêng của bản thân.


    Ngày nay, con người càng trở nên thực dụng và nghiêm trọng hơn mà con người lại không nhận thức được hết tác hại khôn lường từ việc nói dối lẫn bề mặt và cái sâu xa của vấn đề. Nói dối là một thói quen xấu và cũng là một căn bênh chung của xã hội ngày nay. Nói dối chính là một hành động không trung thực, khiến cho người khác hiểu lầm về những lời nói của bản thân theo chiều hướng khác. Những hành vi ấy có khả năng khiến cho những người xung quanh bạn không còn tin vào mình nữa. Chẳng hạn như trong công việc, có rất nhiều người không hề học tập nhưng vẫn được kết quả tốt, không bao giờ tự cố gắng và đi lên bằng chính sức mạnh của mình.


    Ấy vậy mà họ luôn có những tấm bằng đẹp, giỏi. Chính vì thế mà thời gian gần đây thường xảy ra vấn nạn bằng giả, học giả đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Thế nhưng điều đáng buồn rằng những con người nói dối ấy luôn nắm giữ những chức vụ rất cao trong cơ quan, làm cho bộ máy hoạt động thêm cồng kềnh. Đó chính là sự bất bình đẳng của con người. Khi ta nói dối, ta mất sự thiện lương và trung thực, mất lòng tin và cả sự kính trọng của mọi người dành cho bản thân mình. Hơn thế, lời nói dối có khi khiến chúng ta mất cả tính yêu thương bởi tình yêu nào trên thế gian này luôn cần sự trân thành và thủy chung.


    Hết lần này đến lần đến ta lừa dối những người yêu thương mình rồi đến một ngày họ sẽ không còn tin tưởng mình nữa, thậm chí còn rời xa ta vì bị tổn thương bởi sự lừa lọc và dối trá ấy. Trong cuộc sống hiện tại, lời nói dối dần trở thành một thứ rất phổ biến. Người nói dối vì lợi ích mà lừa lọc người khác như những người bán hàng đã tâng bốc những sản phẩm của chính mình với khách hàng nhưng thực chất giá trị sử dụng của nó không đúng sự biết bao nhiêu sự lừa đảo trắng trợn để chiếm đoạt tài sản của người khác.


    Trước hết mình hãy sống thật với chính mình, không hạ thấp giá trị của lời nói khiến chúng mất đi trọng lượng. Hãy cảnh tỉnh những kẻ gian dối, cho họ biết lời nói của họ nguy hiểm đến nhường nào. Trong thực tế, đôi khi không phải lời nói dối cũng có hại ngược lại nó còn khiến con người trở nên mạnh mẽ, hướng đến ánh sáng và làm những điều có ích hơn. Tuy vậy, ranh giới của chúng thật mong manh, mỗi con người nên tự chủ trước những lời nói dối ấy.


    Như vậy, nói dối có tác hại rất lớn đối với con người. Chúng ta có thể đạt được mục đích hiện tại nhưng lại để những hậu quả những vết sẹo lớn mãi vè sau. Các bạn đừng nên nói dối và hãy sống chấn thành.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Top 4

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 4

    Nói dối là lời nói không đúng sự thật, không thật lòng, không trung thực hay tự bịa ra một sự việc, một câu chuyện nào đó khiến cho người khác hiểu nhầm. Những lời nói dối dù là vô tình hay cố ý đều gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà nhất là chính bản thân người nói dối, về nhân cách, uy tín làm cho người khác không còn tin mình nữa.


    Nói dối gây mất niềm tin giữa người với người, phá hỏng và làm xấu đi các mối quan hệ. Nhân cách của người nói dối trong mắt người khác cũng trở nên méo mó, dị dạng. Những lời nói dối ban đầu có thể đánh lừa người khác nhưng cái kim trong bọc lâu ngày rồi sẽ hé lộ, đến lúc ấy chẳng những lời nói dối của bạn mà toàn bộ con người bạn cũng sẽ bị nghi ngờ. Những ai nói dối thường xuyên thì xem như là một tật xấu mà họ đang nắm giữ, niềm tin mà người khác dành cho bạn đã không còn nguyên vẹn như ban đầu. Khác với những lời nói dối vô hại, có những người nói dối để đánh lừa người khác, nhằm đạt mục đích của mình.


    Nếu như nói dối nhiều lần thì chính những người nói dối phải sống trong chính những câu chuyện mà họ đặt ra và điều quan trọng hơn là bản thân người nói dối sẽ không còn được thanh thản ở trong tâm hồn nữa mà khiến cho đạo đức của bản thân ngày càng đi xuống. Nói dối bao giờ cũng là điều không nên làm, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, nói dối không hẳn là xấu hoàn toàn. Ví dụ như một bác sĩ nói dối sự thật về bệnh án cho bệnh nhân biết nhằm giúp họ sống lạc quan, yêu đời hơn.


    Trong một ngày người ta điếm không hết những lời nói từ bản thân trên thế giới này cả. Họ biến lời nói dối thành câu cửa miệng thành công cụ để kiếm ăn, họ có thể đánh đổi tất cả để được lời nói dối. Riêng bản thân, những thế hệ tương lai của đất nước nên làm gì để khắc phục những lời nói dối ấy? Cũng như câu ông bà ta thương hay nói, người nói dối như nước rửa chân không thể dùng uống được. Những lời nói không chỉ hại người khác mà còn hại cho chính bản thân mình. Nói dối không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp, chỉ khi ra thành thật với nhau và với chính mình mới có thể thực sự bình an trong tâm hồn.


    Việc nói dối trong đa số trường hợp đều không tốt với mục đích nào đó để đánh lừa người quen, mặc dù đôi khi lời nói dối cũng tốt kể cả cho người nói và người nghe nhưng đa số trường hợp sẽ khiến bản thân người nói dối mang cảm giác, tâm lý nặng trĩu khi luôn phải nghĩ mình nói dối sao để ứng phó lại làm cho tâm hồn không được nhẹ nhàng thoải mái. Chính vì điều ấy, bản thân bạn tuyệt đối không nói dối nhé cho dù lời nói thẳng sẽ khó nghe, làm người nghe khó chịu nhưng thà mất lòng trước còn hơn được lòng sau.


    Chúng tôi vừa gửi đến các bài văn văn mẫu tham khảo chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân được tác giả biên soạn giúp học sinh viết tập làm văn hay và điểm cao. Hy vọng rằng các bạn tham khảo ý và có bài viết thật tốt trong kiểm tra hoặc thi cuối kỳ.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Top 5

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 5

    Thói quen xấu, lúc đầu chỉ như một người khách qua đường, về sau trở thành một người bạn trong nhà và cuối cùng là một ông chủ nhà khó tính. Những thói quen xấu nếu không được khắc phục sẽ để lại những hậu quả to lớn. Bởi vậy mà, nói dối rất có hại cho bản thân.Nói dối là khi bạn nói sai sự thật, che giấu những việc mình đã làm hoặc thậm chí là đổ lỗi cho người khác.


    Người ta thường hay nói dối khi đó là một việc làm sai trái và sợ bị trách phạt. Thói quen nói dối ấy, ta gặp rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Một đứa trẻ nói dối mẹ để đi chơi, một học sinh nói dối cô giáo để che đậy việc không làm bài tập. Không chỉ có trẻ con, người lớn cũng mắc phải tật xấu này. Ta vẫn gặp trong xã hội những người làm sai mà không chịu nhận lỗi, quan chức tham nhũng nhưng lại lừa dối nhân dân, cha mẹ dùng tiền để mua điểm cho con nhưng lại dối trá cả dư luận. Những trường hợp như vậy, ta không phải la hiếm gặp.


    Vậy nói dối liệu có hại gì cho bản thân?Nói dối trước hết tạo cho bản thân thành một thói quen xấu. Lần đầu tiên nói dối, ta còn thấy ngượng ngùng xấu hổ. Nhưng khi đã đến lần thứ hai thứ ba, ta trở nên chai lì, ta thấy nói dối là một điều dĩ nhiên. Rất nhiều những đứa trẻ đã bị huỷ hoại cả tâm hồn chỉ vì tật xấu này. Bởi sau này, nói đôi hình thành nên một nhân cách xấu, bởi trẻ đã quen với việc không trung thực. Lâu dài hơn, một xã hội mà đạo đức bị suy thoái, thì dù kinh tế có mạnh đến đâu cũng không thể bền vững. Hay nói cách khác, thói quen nói dối chính là liều thuốc nổ phá huỷ cuộc sống mỗi người sau này.


    Nói dối còn có hại cho bản thân, vì nó làm ta mất đi sự tin tưởng của người đối diện. Một lần bất tín, vạn lần bất tin. Một lời nói dối thôi nhưng đã khiến người ta có cái nhìn khác về bạn. Những lần sau, khi bạn muốn nói gì, họ cũng dè chừng và hoài nghi. Bạn đã từng nghe đến câu chuyện về chú bé chăn cừu? Một lần nói dối sói giết chết bầy cừu, người nông dân đã giúp chú. Nhưng những lần sau, khi sói ăn cừu thật, thì không ai còn muốn giúp nữa. Bởi họ đã mất lòng tin. Bạn thấy đấy, trong xã hội này, nếu ta để mất lòng tin của người khác, người chịu thiệt sẽ chỉ là ta. Ta không nhận được sự giúp đỡ, quan tâm sẻ chia. Bạn đã thấy nói dối có hại cho chính bản thân mình.


    Tuy nhiên, cũng có những lời nói dối là đúng lúc. Một bác sĩ nói dối với bệnh nhân về bệnh tình của họ để họ lạc quan hơn mà sống tiếp. Những vị tướng sĩ trấn an lòng dân bởi những lời nói dối về tương lai tốt đẹp phía trước. Đó liệu có là những lời nói dối có hại? Nói thật hay nói dối, còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, đó là sự linh hoạt của mỗi người. Cái quan trọng là ta giữ cho mình được lương tâm trong sạch, luôn hướng về làm đẹp cuộc đời. Như vậy, nói thật hay nói dối cũng không còn quan trọng.


    Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần rèn luyện cho bản thân đức tính trung thực, luôn dũng cảm đối diện với cuộc sống, với bản thân mình. Lời nói thật với bố mẹ, với thầy cô, khi sai thì sẵn sàng nhận lỗi. Có như vậy, ta mới bồi đắp cho nhân cách của mình trở nên tốt đẹp, ta mới được mọi người yêu quý kính trọng.Mỗi chúng ta cần phải nhận ra rằng, nói dối rất có hại cho bản thân. Một lời nói dối có thể gây chuyện xấu đến nhiều năm sau này. Bạn sẽ từ bỏ thói quen xấu ấy chứ?

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Top 6

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 6

    Thomas Fuller từng phát biểu rằng: "Lời nói dối không có chân, nhưng tai tiếng thì có cánh". Thật vậy, lời nói dối không "giết" con người ta bằng dao bằng súng, nó giết con người ta bằng những tiếng xấu và chê bai. Con người ta không nên nói dối bởi nói dối có hại cho bản thân.


    Nói dối là nói sai sự thật. Lời nói dối thường mục đích che đậy một điều gì đó nhằm bảo vệ chính bản thân mình. Nói dối là một thói quen rất xấu và cũng là căn bệnh chung của xã hội ngày hôm nay. Chúng ta không nên và cũng không được nói dối. Nói dối có hại cho bản thân, khiến chúng ta mất niềm tin của mọi người.


    Con người ta đôi lần trong cuộc sống đôi lần vẫn khó tránh khỏi những lời nói dối vì mục đích nhất định nào đó. Nhưng theo thói quen, nói dối sẽ hình thành nên bản năng con người, khiến con người luôn tìm mọi lời lẽ để bao biện và che đậy cho chính mình. Lời nói dối một đôi lần có thể trở nên vô hại, song nhiều lần như thế sẽ trở thành một căn bệnh gây nguy hiểm khó lường.


    Nói dối có hại cho bản thân. Trước hết, trong học tập. Nói dối trong học tập là một hành vi xấu, cần được nghiêm khắc phê bình. Nói dối trong học tập là lừa thầy dối bạn, là những lời biện minh tráo trở sau mỗi vi phạm, là thái độ quay cóp gian lận trong kiểm tra, thi cử,... Nói dối trong học tập khiến cho người học sinh không có tâm thế chủ động trong học tập, sống trong sự dằn vặt của bản thân. Nói dối hình thành nên nhân cách xấu của người học sinh, làm môi trường học tập trở nên mất công bình, khiến người học sinh đó bị xa lánh.


    Nói dối trong học tập là một hành động không nên, nói dối trong cuộc sống càng không nên tồn tại. Xã hội đầy rẫy những sự bon chen, lời nói dối đôi khi trở thành nhát dao đâm chính bản thân mình. Ở nước ta đã từng có biết bao nhiêu kĩ sư, cử nhân nhưng chính bản thân họ có những khi không hề đi học bằng chính những chất xám của mình mà năng lực của họ chỉ được chứng mình qua tấm bằng đại học, thạc sĩ. Để tới khi đi làm tại các công ty thì họ hoàn toàn không thể bắt nhịp được với nhịp làm việc của những người làm cùng với mình. Một đất nước mà sự dối trá đầy rẫy và phổ biến đến thế chắc chắn rằng sự hợp tác mở rộng với bạn bè quốc tế sẽ rất khó khăn, đặc biệt trong thời buổi hội nhập như hôm nay thì nói dối vô hình chung tự cắt đứt cơ hội của chính mình.


    Nói dối nhiều sẽ hình thành thói quen, thói quen nhiều hình thành lên tính cách, tính cách tạo nên con người. Một người nói dối sẽ đánh mất niềm tin nơi người khác. Chúng ta có lẽ ai cũng từng nghe tới câu chuyện của một chú bé chăn cừu vì muốn trêu chọc mọi người nên đã nói dối rằng có sói. Sau nhiều lần như vậy thì mọi người bắt đầu không còn tin tưởng chú nữa. Điều đó đã dần tới hậu quả đáng buồn là khi có bầy sói thật tới thì không còn ai tin vào những tiếng kêu giúp của chú nữa. Một kết quả thảm bại sẽ là điều con người ta nhận được sau mỗi lời nói dối. Niềm tin bị đánh mất đồng nghĩa rằng ta sẽ bị ruồng bỏ, xa lánh.


    Nói dối có hại với bản thân. Nói dối cũng có hại với mọi người. Nói dối là hành vi xấu mà mỗi người cần nên tránh và loại bỏ. Chỉ khi chúng ta luyện tâp cho mình được những thói quen tốt với những cố gắng khắc phục điểm yếu của mình thì chúng ta mới nắm trong tay được những người bạn đích thực ở bên cạnh của mình và được làm việc trong môi trường công bằng, văn minh. Tuy nhiên trong cuộc sống cũng có những lời nói dối vô hại, ngược lại như một liều thuốc an ủi tinh thần con người - những lời nói giảm về tình trạng bệnh nhân cũng chính là cách bác sĩ gieo niềm tin cho người bệnh sống và tiếp tục cố gắng.


    Nói dối có hại cho bản thân - đó là một chân lí cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Hãy sống thật với mình, với người và với đời. Đừng để con rắn gian dối len lỏi vào tâm hồn chúng ta, chúng ngày ngày sẽ gặm nhấm nhân cách con người, đẩy chúng ta tách biệt riêng với đồng loại.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  7. Top 7

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 7

    Lời ăn tiếng nói hằng ngày không chỉ là phương tiện giao tiếp mà thông qua đó còn thể hiện nhân cách của con người. Qua lời nói chân thành ta sẽ được mọi người yêu quý, thân thiết, nhưng ngược lại với những lời nói dối sẽ khiến mọi người xa lánh, ác cảm. Do vậy, nói dối có hại cho bản thân.


    Nói dối là không đúng sự thật. Hiểu theo cách khác, nói dối chính là thái độ thiếu trung thực với người đang giao tiếp vì một mục đích gì đó. Nói dối có hại cho bản thân chính là lời nhắc nhở mỗi người phải luôn trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Khi chúng ta nói dối mà người khác biết được sự thật, người đó sẽ mất niềm tin, sự tin tưởng của chúng ta. Mà ông cha ta đã dặn "một lần bất tín, vạn lần bất tin", chữ "tín" khó xây dựng bao lâu thì "bất tin" lại dễ dàng bị huỷ hoại bấy nhiêu. Lời nói phải được dựa trên cơ sở của sự chân thật.


    Do vậy, khi ta nói dối, người khác sẽ có cảm nhận ta là người giải dối, không chân thành, từ đó sẽ không còn được mọi người yêu quý, kính trọng, không được sẻ chia, tâm sự. Chúng ta sẽ thấy cô đơn, lạc lõng trong chính cuộc sống của chúng ta. Còn nỗi niềm bất hạnh, khổ đau nào bằng sự cô đơn, không ai bên cạnh. Trong bất kể chuyện lớn bé của cuộc sống, chúng ta không nên nói dối bởi điều đó sẽ gây ra những hậu quả khôn lường với cuộc sống của chính chúng ta và của người khác.


    Một bài học đắt giá cho việc nói dối chính là câu chuyện của chú chăn cừu. Cậu đã cố tình nói dối với các bác nông dân rằng có sói tới ba lần để thoả mãn sự thích thú của cậu, nhưng lại khiến cho các bác nông dân vất vả, lo lắng. Để rồi, khi sói thật sự xuất hiện thì lúc này, chú kêu lên thì chẳng còn ai tin vào cậu nữa và kết quả là cả đàn cừu của cậu đã bị sói ăn mất. Đặc biệt, khi chúng ta nói dối thường xuyên, ta có thể sẽ trở thành kẻ lừa gạt của chính mình. Bởi khi nói dối nhiều quá, đến mức nhớ lại không biết điều ấy là sự thật hay là sư giả dối, gây hoang mang, nhầm lẫn cho chính mình. Và đó chính là khi ta đang đánh mất chính mình.


    Khi chúng ta nói dối nhiều lần, chúng ta không còn tin vào các giá trị đạo đức tốt đẹp nữa, từ đó khiến ta dêc dàng bị suy đồi về đạo đức, khiến ta khó có thể trở thành một người tử tế. Nhiều người vẫn chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của việc nói dối, coi nói dối là việc bình thường, là trò giải trí, mua vui. Đây là quan niệm sai lầm, ảnh hưởng lớn tới hành động cụ thể của con người.


    Do vậy, cần nghiêm khắc phê phán việc nói xấu, sửa đổi tật xâu đó ngay lập tức. Tuy nhiên ta cần linh hoạt trong việc lựa chọn cách nói nói trung thực hay nói dối cho phù hợp hoàn cảnh. Không phải lúc nào nói dối cũng là có hại và ngược lại. Một Người bác sĩ nói dối bệnh nhân bị bệnh nan y của mình là anh vẫn khỏe, với mong muốn bệnh nhân đó có tinh thần thoải mái, có những tháng ngày cuối đời thật hạnh phúc. Trường hợp này có lẽ ta không nên trách vị bác sĩ ấy mà nên thông cảm với họ vì mục đích cuối cùng thật sự chính đáng, tốt đẹp và có ý nghĩa.


    Trong cuộc sống ta, đôi khi phải cân nhắc, suy nghĩ nên nói thật hay nói dối để tốt nhất cho mọi người. Do vậy, cần cân nhắc kĩ mặt lợi mặt hại của việc nói dối để đưa ra quyết định phù hợp nhất.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  8. Top 8

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 8

    Cuộc sống là cả một quá trình rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm, bài học để hoàn thiện bản thân hơn. Có những thói hư tật xấu mà con người cần tránh và loại bỏ như nói dối. Nói dối là có hại cho bản thân.


    Trước tiên ta hiểu nói dối là một hành động làm sai hoặc làm thay đổi nội dung của những sự việc, câu chuyện khi truyền đạt cho người khác nghe. Người nói dối thường có chủ ý muốn cho dấu sự thật đối với người nghe. Khi một người nói dối, họ thường có lí do riêng tư. Nhưng bất kể là vì kí do nào đi chăng nữa, nói dối vẫn là một việc không nên làm vì nó mang lại nhiều hậu quả không lường trước được.


    Nói dối khiến mọi người mất niềm tin vào bạn và dần dần không ai tin tưởng bạn nữa. Người đã nói dối trót lọt một lần, ắt sẽ có lần sau. Vì họ tin rằng chẳng ai biết cả. Nhưng "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", bạn nói dối điều gì, sớm hay muộn cũng sẽ bị bại lộ. Mà khi đã bị phát hiện, "một lần bất tín" là "vạn lần bất tin". Như cậu bé trong câu chuyện cổ xưa, vì một trò đùa vô tâm nhưng lại khiến nhân dân xung quanh mất niềm tin vào cậu. Đến khi có sói tới thật thì không một ai tới giúp cậu nữa cả. Đó là cái giá phải trả cho lời nói dối.


    Hơn thế, nói dối còn khiến bản thân trở nên tồi hơn, luôn trong tình trạng lo lắng vì bị phát hiện. Người có bí mật không muốn ai biết luôn lo lắng và tìm cách giấu giếm đi chuyện ấy. Ngày ngày lo lắng, khiến tâm hồn con người bất an, họ chẳng còn tâm trạng để hướng đến những điều tốt đẹp hơn, cao cả hơn. Tự đó mà đánh mất những cơ hội của bản thân. Tâm hồn không thanh thản, làm việc gì cũng khó. Điều đấy chứng tỏ vì sao những người mưu mô dù có cố gắng đến mấy cũng không thể thành công bằng người ngay thẳng.


    Và cuối cùng, nói dối khiến cộng đồng thêm xấu hơn. Thử tưởng tượng xem, khi mọi người sống với nhau đều đeo lên một lớp mặt nạ, mấy phút trước dùng mặt nạ này, sau lại dùng mặt nạ khác. Thật sự không thể biết người bên ta, nâng đỡ ta có thực tâm hay không. Điều ấy khiến con người mất đi niềm tin vào thế giới xung quanh, tự thu mình lại trong vỏ ốc an toàn, người và người ngày càng xa nhau. Điều ấy dẫn đến một xã hội vô cảm, nơi mà người ta luôn tránh liên quan đến nhau.

    Tuy nhiên đôi khi nói dối lại là một việc làm cần thiết. Đó là đối diện với bệnh tình nghiêm trọng của bệnh nhân, muốn người ấy có tinh thần tốt để vượt qua khó khăn, sống có ý nghĩa hơn trong những ngày còn lại. Người bác sĩ khi ấy nói dối là một việc làm vô cùng cao cả và sáng suốt. Khi ấy, nói dối là một nguồn sinh khí tốt đẹp, có thể thay đổi cuộc sống của cả một con người.


    Và như vậy, nói dối là xấu nhưng lời nói dối với mục đích tốt đẹp sẽ là một điều đáng trân trọng. Nhưng để phân biệt được ranh giới giữa hai điều ấy, người ta phải có bản lĩnh vững vàng và một trí tuệ đủ lớn. Để làm được, cần một quá trình rèn luyện, tích lũy lâu dài trong chính những trải nghiệm của cá nhân. Là học sinh còn đang trên ghế nhà trường, trên hết vẫn phải trung thực và không nên nói dối.


    Nói dối thực sự rất có hại cho bản thân. Là một học sinh, một công dân tốt phải luôn sống trung thực thật thà để có được thành công. Nhưng đôi khi phải khéo léo, nói những lời khiến người khác tốt hơn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  9. Top 9

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 9

    Đất nước Việt Nam ta được biết đến là một đất nước có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, không chỉ vậy con người nơi đây cũng rất thiên thiện và trung thực. Trong cuộc sống có vô vàn những điều khó khăn, thử thách đang chờ đợi mỗi chúng ta ở phía trước, đôi lúc con người với nhau vẫn chưa thật sự trung thực, vẫn có người nói dối, chính vì vậy nói dối có hại cho con người.


    Có một câu chuyện như thế này, chỉ vì một lời nói dối mà đã xảy ra những sự việc rất đau lòng và thiệt hại rất nhiều về vật chất của người khác. Có một cậu bé đi chăn cừu, khi đang đi trên cánh đồng cỏ, cậu nảy ra một ý định trêu mọi người là có sói đến bắt cừu thế là lúc mọi người đi đến nơi không thấy sói đâu, tất cả mọi người bảo cậu bé trêu quá rồi đó, ngày hôm sau có một con sói đến thật cậu chạy về báo tin, nhưng không ai tin cả chỉ vì họ nghĩ cậu đang nói dối, và những con sói đã ăn hết bầy cừu. Một câu chuyện ngắn nhưng nó thể hiện được tác hại của việc nói dối.


    Nói dối không chỉ hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh, nói dối được một lần chắc chắn sẽ có lần thứ 2, thứ 3, nếu ta không sửa đổi mà cứ tiếp tục nói dối như vậy. Ngay trong lớp học bình thường chúng ta đôi khi vẫn bắt gặp những tình huống nói dối, như sau mỗi bài kiểm tra có kết quả biết điểm thấp, lại sợ bố mẹ mắng nên khi về nhà bạn đó đã nói dối là không có bài kiểm tra. Những câu nói dối đó dần dần sẽ tạo ra một thói quen rất có hại cho con người, có hại nhưng vẫn rất nhiều người mắc phải.


    Hay câu chuyện cậu bé bu-ra-ti-nô cứ mỗi lần nói dối mũi cậu bé lại dài ra, đó cách để chữa trị bệnh hay nói dối cho cậu bé người gỗ. Đó là một căn bệnh cần được chữa trị ngay.


    Qua những câu chuyện trên các bạn có thể hiểu, nói dối là nói những điều sai sự thật, những chuyện không có thực được người khác bịa đặt ra hoặc kể lại bị sai lệch hoàn toàn với bản chất của sự việc.


    Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa như ngày nay, công nghệ trở nên thông minh và tinh vi hơn, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cuộc sống cũng trở nên gay gắt nên nói dối cũng có bài bản và tinh vi hơn.


    Một trong những cách nói dối xảy ra nhiều ở các gia đình đó chính là tình trạng con em chúng ta xin tiền đi học thêm, trong khi lại cầm tiền đi vào quán game chơi điện tử dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra như các em xa đọa vào các con đường tệ nạn, bỏ bê việc học hành.


    Chính vì vậy đẩy lùi và triệt để bệnh nói dối thì cần đến sự kết hợp trong nền giáo dục với gia đình. Như ta đã biết gia đình chính là nơi sinh thành dạy cho ta những điều mà chưa chắc trên lớp đã dạy cho chúng ta, các gia đình cần có các biện pháp trị triệt để căn bệnh nói dối này để các em có nhân cách của một con người trong sạch.


    Sau qua tìm hiểu như vậy đặc biệt là các bậc cha mẹ cần quán triệt cho con em mình, dạy cho con mình không được nói dối, nó sẽ hại đầu tiên chính là bản thân mình và rồi ảnh hưởng đến mọi người, hạ thấp uy tín của bản thân xuống trước lòng tin của tập thể. Sự tín nhiệm đươc mọi người mới giao cho những công việc quan trọng, đừng chỉ vì một lời nói dối làm cho sự tín nhiệm ấy bị mất đi. Mỗi chúng ta không thể xây dựng ngày một ngày hai mà nó còn cần cả một quá trình, trong nháy mắt vì hành động sai trái đó mà phá vỡ sụp đổ mọi thứ.


    Đôi khi nói dối chưa chắc đã có hại trong một số trường hợp, như trong bệnh viện khi chẩn đoán căn bệnh cho một bệnh nhân phát hiện họ chỉ sống được mấy tháng thôi thì các bác sỹ không dám nói tình trạng căn bệnh cho bệnh nhân biết mà chỉ dám nói với người nhà, để bệnh nhân có thêm tinh thần lạc quan hơn, không lo nghĩ cho bệnh tật trong quãng thời gian đó.


    Ông cha ta có nhiều câu tục ngữ, ca dao để lại dạy cho con cháu những cách sống trung thực, thật thà như “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối”, “ăn cho ngay, ở cho lành”, “bán mướp đắng giả làm bầu, bán mạt cưa giả làm cám” chính là thói lừa lọc, dối gian trong cuộc sống hàng ngày đôi khi chúng ta bắt gặp. Cho thấy các cụ để lại trong kho tàng văn học vô số câu ca dao, tục ngữ hay. Đúng với bản chất mỗi con người trong xã hội, chúng ta hãy cùng nhau đấu tranh đẩy lùi mọi thói hư tật xấu để tiến tới một xã hội văn minh, trong sáng và lành mạnh.


    Sống thế nào để cho mọi người tin tưởng và tín nhiệm cao, đừng để mọi người xung quanh chỉ trỏ, nói xấu sau lưng. Miệng đời độc ác lắm nó có thể đẩy con người ta vào chốn tối tăm, khiến mọi người kỳ thị, tránh né không muốn nói chuyện cùng.

    Theo đạo phật ta có câu “người nói dối cũng giống như nước rửa chân không thể dùng uống được” qua câu đó thể hiện sự bẩn thỉu của những câu nói dối, nói dối vừa hại cho người khác, hại cho bản thân, và người nói trái với lương tâm, dần tạo ra một thế giới dối trá do mình tạo thành.


    Hãy vì cuộc sống hiện tại và cả trong tương lai, xóa bỏ chứng nói dối để chúng không còn hại cho con người, để người và người tin tưởng, trung thực với nhau trong cuộc sống, một cuộc sống tươi đẹp, làm những điều thiện và tốt đẹp cho chính mình, cho cả mọi người xung quanh mỗi chúng ta.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  10. Top 10

    Bài văn chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân số 10

    Albert Camus đã từng nói: “Sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt. Sự giả dối thì ngược lại, là ánh chiều hôm tươi đẹp bao trùm lên mọi vật”. Câu nói trên đã gợi cho người đọc những suy tư về tác hại của lời nói dối.


    “Nói dối” là hành vi cố tình cung cấp thông tin sai với sự thật về vấn đề nào đó để đạt được mục đích mà họ mong muốn - thường là không chính đáng. Có hai khía cạnh của nói dối: lời nói dối với mục đích xấu và lời nói dối với mục đích tốt. Những lời nói dối với mục đích xấu xa thường mang tính vụ lợi cho bản thân người nói. Trong truyện ngắn Chí Phèo, nhân vật Bá Kiến đã dùng những lời nói dối trá để đối phó Chí Phèo - lúc này vừa mới ở tù ra. Bá Kiến giở giọng đường mật, nhận chí là họ hàng. Trách mắng Lý Cường - con trai của mình trước mặt Chí với mục đích vỗ về hắn. Sau đó, còn sai người giết gà, mua rượu thiết đãi và cho thêm đồng bạc để Chí về uống rượu. Chỉ như vậy, Bá Kiến đã thành công mua chuộc Chí thành tay sai cho mình.

    Nói dối gây mất niềm tin giữa người với người, phá hỏng và làm xấu đi các mối quan hệ. Nhân cách của người nói dối trong mắt người khác cũng trở nên méo mó. Những lời nói dối ban đầu có thể đánh lừa người khác nhưng cái kim trong bọc lâu ngày rồi sẽ hé lộ, đến lúc ấy chẳng những lời nói dối của bạn mà toàn bộ con người bạn cũng sẽ bị nghi ngờ. Những ai nói dối thường xuyên thì xem như là một tật xấu mà họ đang nắm giữ, niềm tin mà người khác dành cho bạn đã không còn nguyên vẹn như ban đầu.

    Khác với những lời nói dối vô hại, có những người nói dối để đánh lừa người khác, nhằm đạt mục đích của mình. Nếu như nói dối nhiều lần thì chính những người nói dối phải sống trong chính những câu chuyện mà họ đặt ra và điều quan trọng hơn là bản thân người nói dối sẽ không còn được thanh thản ở trong tâm hồn nữa mà khiến cho đạo đức của bản thân ngày càng đi xuống.

    Trong một ngày người ta đếm không hết những lời nói từ bản thân trên thế giới này cả. Họ biến lời nói dối thành câu cửa miệng thành công cụ để kiếm ăn, họ có thể đánh đổi tất cả để được lời nói dối. Cũng như câu ông bà ta thường hay nói, người nói dối như nước rửa chân không thể dùng uống được. Những lời nói không chỉ hại người khác mà còn hại cho chính bản thân mình.

    Nói dối bao giờ cũng là điều không nên làm, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, nói dối không hẳn là xấu hoàn toàn. Ví dụ như một bác sĩ nói dối sự thật về bệnh án cho bệnh nhân biết nhằm giúp họ sống lạc quan, yêu đời hơn. Những lời nói dối như vậy có thể dễ dàng thông cảm được.

    Việc nói dối trong đa số trường hợp đều không tốt với mục đích nào đó để đánh lừa người quen, mặc dù đôi khi lời nói dối cũng tốt kể cả cho người nói và người nghe nhưng đa số trường hợp sẽ khiến bản thân người nói dối mang cảm giác, tâm lý nặng trĩu khi luôn phải nghĩ mình nói dối sao để ứng phó lại làm cho tâm hồn không được nhẹ nhàng thoải mái. Chính vì điều ấy, bản thân bạn tuyệt đối không nói dối nhé cho dù lời nói thẳng sẽ khó nghe, làm người nghe khó chịu nhưng thà mất lòng trước còn hơn được lòng sau.Nhưng không phải lời nói dối nào cũng bất hảo.


    Đôi khi, lời nói dối lại xuất phát từ một tấm lòng yêu thương che chở. Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” vì thương con, và để con cảm nhận được tình yêu của cha dành cho con, Vũ Nương đã lấy cái bóng của mình để chỉ cho con trai đây là cha nó. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều vị bác sĩ tuyến đầu đã phải rời xa gia đình trong suốt nhiều tháng. Khi trò chuyện với những đứa con của mình, họ luôn nghe được những câu hỏi như: “Bao giờ bố/mẹ về?”. Và không ít lần, họ đã trả lời rằng “Hết dịch bố/mẹ sẽ về” mà trong lòng không biết bao giờ dịch bệnh sẽ được đẩy lùi. Thì ra, đôi khi, những lời nói dối cũng đem đến hạnh phúc cho người khác. Nhưng chỉ khi lời nói ấy được xuất phát từ một trái tim yêu thương chân thành.

    Trong cuộc sống hiện đại, dường như nói dối đã trở thành một căn bệnh phổ biến. Những đứa trẻ nói dối cha mẹ để đi chơi game. Học trò nói dối thầy cô để trốn tiết. Chồng nói dối vợ để đi nhậu với bạn bè… Đó đều là những lời nói dối đem đến những hậu quả xấu. Những lời nói dối sẽ khiến cho những người xung quanh không còn tin tưởng vào chúng ta. Mỗi người cần nhận thức được rằng: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”.


    Đối với một học sinh như tôi, tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của sự thật và tác hại của thói giả dối. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng trung thực trong những việc làm nhỏ nhất. Để tương lai có thể trở thành một người có ích đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy