Bài văn phân tích bi kịch của Trương Ba số 2

Kịch Lưu Quang Vũ nổi tiếng là những vở kịch mang chiều sâu triết lí và luôn luôn đặt người đọc vào trong tâm thế cần phải đối thoại, luôn luôn đặt ra những câu hỏi và khiến người đọc phải trăn trở, không thể yên lòng. Vở kịch Hồn Trương Ba da thịt được xem là tác phẩm kịch vĩ đại nhất trong sự nghiệp Lưu Quang Vũ mà ở đó bi kịch của hồn Trương Ba là bi kịch của bất kì một cá thể nào trên cõi đời này, mang tính nhân văn và những chiều sâu tư tưởng lớn. Hồn Trương Ba là tượng đài nhân vật bất hủ trong sự nghiệp viết kịch của Lưu Quang Vũ, và hình tượng ấy, được nhà văn xây dựng mang trong mình những bi kịch của con người muôn thời đại, không phân kim cổ không biệt đông tây.


Mà đau đớn nhất là bi kịch bị tha hóa của hồn Trương Ba. Trương Ba vốn là người làm vườn hiền lành, tốt bụng có lối sống trong sạch và tâm hồn thanh cao, thú vui đánh cơ và niềm yêu say với thiên nhiên cây cỏ chính là minh chứng rõ nhất ta nhìn thấy ở nhân vật này thế nhưng từ khi sống trong xác của anh hàng thịt thì người làm vườn hiền lành lương thiện ấy dần thay đổi, dần trở nên bạo lực, bị tha hóa vào những ham thú vật chất xô bồ, không mấy lành mạnh đứng đắn. Thông qua lời xác anh hàng thịt, sự thay đổi ấy hiện ra ngay khi Trương Ba đứng gần vợ xác anh hàng thịt: tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại… Đó là phần bản năng rất bình thường của con người trỗi dậy, nhưng vốn dĩ những biểu hiện và hành động ấy không thuộc về Trương Ba một kẻ có tâm hồn cao khiết, thanh sạch bởi những thú vui tao nhã. Thêm nữa, Trương Ba cũng không còn là người cha hiền , cương nhu với con như trước kia, mà trong thân xác của anh hàng thịt vì quá tức giận mà Trương Ba đã mượn sức của người hàng thịt để đánh con trai đến tóe máu mũi. Với những người thân trong gia đình, vốn quen thuộc với hình ảnh một Trương Ba ngay thẳng, chính trực, hiền từ, thanh cao thì sự thay đổi tiêu cực mang tính chất tha hóa rõ rệt ấy của Trương Ba là đòn giáng tinh thần làm suy sụp và đau khổ chính những người thân yêu. Chứng kiến sự thay đổi, sự tha hóa ấy, không khỏi đớn đau nặng lòng. Đau đớn và dằn vặt hơn là bản thân Trương Ba nhìn thấy sự đổi khác ngày một lớn, và mức độ sa lầy càng một khủng khiếp trầm trọng đến mức chính ông cũng tự cảm thấy ghê sợ, thất vọng, đau khổ vì sự tha hóa ấy. Trương Ba trở nên tha hóa, mang một bản chất khác khi ông sống trong môi trường xô bồ, bát nháo và đầy bản năng nhục dục mà xác hàng thịt mang lại. Thế nhưng xác thịt âm u đui mù ấy lại có thể sai khiến ông thực hiện những hành vi trái lương tâm, trái với bản tính lương thiện lành thiện của hồn Trương Ba. Trong cuộc đối đáp với xác hàng thịt, sự tức giận của hồn Trương Ba khi liên tục phải đuối lý trước lí lẽ ti tiện của xác hàng thịt đã cho thấy phần nào sự chấp nhận, thua cuộc về mặt lý của hồn Trương Ba với xác hàng thịt, khi những triết lý sách vở và những lý tưởng mà ông theo đuổi không còn đủ sức để chối cãi những lí lẽ mà xác hàng thịt tạo ra. Bi kịch bị tha hóa của Trương Ba có lẽ là bi kịch đau đớn và cũng đầy tính chất đối thoại nhất với độc giả khi chứng kiến. Mỗi người khi tồn tại trên thế gian này, thực chất đều thay đổi, sự thay đổi có thể dựa trên hoàn cảnh, hoặc thay đổi từ nội tại bản thân. Nhưng ở đây, với Trương Ba đó là bi kịch đánh mất chính mình, tha hóa và đắm chìm chính mình vào trong môi trường xấu xa, đó cũng là sự đánh mất phần người để rơi xuống vực sâu thăm thẳm của phần “con”. Và văn học ra đời là để níu giữ phần người và để phần con không sa vào vũng bùn lầy ấy.


Tha hóa và nhận thức được sâu sắc sự tha hóa của bản thân đã là một cực hình với Trương Ba, nhưng thông qua cuộc đối thoại với người thân trong gia đình, Trương Ba còn rơi vào một bi kịch đau đớn hơn, đó là đánh mất điểm tựa cộng đồng, điểm tựa từ gia đình - điểm tựa mà bất cứ ai trên cõi đời này đều cần có. Thậm chí, bi kịch của Trương Ba còn đau đớn là bởi sự khước từ, sự xua đuổi và xa lánh mà ông phải chịu đựng không đến từ những người xa lạ mà đến từ chính những người thân yêu trong gia đình. Trước những thay đổi nhanh của Trương Ba, người vợ của ông đã vô cùng buồn bã và muốn bỏ đi để mặc Trương Ba với mối quan hệ không rõ ràng với vợ người hàng thịt: ông đâu còn là ông đâu, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa.


Cái Gái, người cháu luôn yêu thương Trương Ba cũng kiên quyết chối bỏ người ông hiện giờ xuất hiện trước mặt nó, tâm hồn giản đơn của đứa trẻ cũng nhận biết những sự thay đổi từ Trương Ba, bởi người ông hiền dịu, người làm vườn yêu thiên nhiên và đầy tinh tế nghệ thuật khi chăm sóc các loài cây của trước kia giờ lại trở thành tội đồ phá hoại những mầm cây non, những cây sâm quý giá. Thậm chí cái Tị còn gọi Trương Ba là lão đồ tể, xua đuổi Trương Ba với thái độ quyết liệt: "Ông xấu lắm, ác lắm. Cút đi! Lão đồ tể, cút đi". Chị con dâu là người hiểu và kính trọng Trương Ba nhất cũng không tránh khỏi những thất vọng khi nhìn thấy người cha mà mình vốn yêu thương kính trọng một đổi khác, một lệch lạc đi, dù "biết thầy của bây giờ khổ hơn xưa nhiều lắm nhưng trước cảnh gia đình sắp tan hoang chị con dâu đã không giấu được sự thất vọng" khi …..Nỗi đau của người thân yêu cũng là sự giằng xé làm tan nát tâm hồn Trương Ba, gia đình là điểm tựa và là nơi không bao giờ quay lưng với mỗi người, thế nhưng Trương Ba lại đang bị chối bỏ trong chính mạch nguồn yêu thương nhất.


Và cuối cùng, điều làm nên giá trị và tính biểu tượng của bi kịch hồn Trương Ba chính là bởi bi kịch này cũng là bi kịch có tính phổ quát của toàn nhân loại, không phân kim cổ không biệt đông tây muôn thế hệ đều phải trải qua trong hành trình nỗ lực để hai tiếng con người được viết hoa. Ở trong tác phẩm, Trương Ba phải chịu đựng bi kịch không được sống là chính mình, phải sống đầy giả dối và đớn đau khi bên trong một đằng bên ngoài một nẻo. Nếu như chọn sự sống, thì hồn Trương Ba tiếp tục phải sống trong thân xác hàng thịt mà ông căm ghét, bị mọi người từ chối, xa lánh, vị tha hóa dần và trở nên xấu xa hơn. Giữa cuộc giằng xé quyết liệt dữ dội của nội tâm và ngoại giới, giữa vấn đề có tính quy luật muôn thuở là sống và chết, giữa việc được sống là mình hay chỉ đơn giản là tồn tại. Trương Ba cuối cùng quyết định trả lại thân xác cho anh hàng thịt, và ra đi trong sự thanh thản vì ít ra, khi ấy ông được sống là chính mình, được trở về với một Trương Ba lương thiện, tâm hồn thanh cao, một người làm vườn mà mọi người yêu quý, mến mộ, không phải đay nghiến dằn vặt mình trong sự tha hóa kiệt cùng tội lỗi nữa. Cũng từ đó, Lưu Quang Vũ gửi đến người đọc một thông điệp, sự sống là quý giá, nhưng sư sống là vô giá khi bạn được sống là chính mình chứ không phải bằng việc đeo trên mình chiếc mặt nạ của kẻ khác. Đó không phải là sống, đó chỉ là sự tồn tại không hơn, và vì thế cuộc đời chỉ tù đọng như một ao đời bằng phẳng dễ dãi.


Bi kịch của hồn Trương Ba được Lưu Quang Vũ khái quát không chỉ là bi kịch cá nhân, mà là bi kịch lớn của con người thời đại, vì thế nhà viết kịch không chỉ đặt ra được câu hỏi lớn mang tầm nhân loại, mà còn khơi gợi được sự đồng cảm, sự lắng nghe và đối thoại vì vấn đề ông nêu ra là vấn đề chung của tồn tại con người.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy