Bài văn phân tích bi kịch của Trương Ba số 6

Hồn Trương Ba da hàng thịt một tác phẩm được viết vào năm 1981 và công diễn năm 1984 trong không khí đổi mới của đất nước và sự chuyển mình của văn học. Là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của nhà viết kịch tài hoa, nhà thơ Lưu Quang Vũ, được công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch hiện đại có cái nhìn mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề, ý nghĩa tư tưởng, triết lí đầy sâu sắc. Tất cả những triết lí sống nhân văn cao đẹp ấy đều được khắc họa rõ ràng qua tấn bi kịch mang tên: Hồn Trương Ba da hàng thịt.


Tình huống kịch của Lưu Quang Vũ bắt đầu từ một cốt truyện dân gian. Sau khi bị Nam Tào bắt chết nhầm và phải sống một cuộc đời mới trong thân xác vay mượn của anh hàng thịt mới chết. Hồn Trương Ba đã gặp vô số tình huống éo le, bi đát, những mâu thuẫn gay gắt giữa một tâm hồn thanh khiết và thân thể phạm tục này. Sự mâu thuẫn này đạt đỉnh điểm khi linh hồn cao khiết dần bị xâm phạm và biến chất, nhận thức được điều đó hồn Trương Ba dần trở nên chán ghét kiếp sống nhờ, sống tạm bợ “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo” này. Bởi ông còn bị chính người vợ, con dâu và cháu gái, bạn bè của mình khước từ và ghê sợ. Sự tuyệt vọng, mệt mỏi đã khiến linh hồn thanh cao của Trương Ba muốn được giải thoát và được sống cuộc đời của chính mình. Ông đã chọn cái chết để bảo vệ tâm hồn mình. Tất cả những điều đó được trích từ cảnh thứ bảy, cảnh cuối cùng của vở kịch.


Qua đoạn trích, tấn bi kịch của hồn Trương Ba lần lượt được hiện ra, thức tỉnh người đọc về những giá trị nhân văn sâu sắc triết lí sống cao đẹp mà Lưu Quang Vũ mang đến. Tấn bi kịch đầu tiên của hồn Trương Ba trong thân xác của anh hàng thịt là sự biến chất của tâm hồn, sự thay đổi theo một cách mà chính bản thân Trương Ba, người thân của ông cũng chẳng còn nhận ra ông nữa. Từ những sai lầm của người nhà Trời, Trương Ba cũng được sống lại, nhưng sống trong thân xác của anh hàng thịt. Một thân xác được miêu tả như một biểu tượng đáng ghê sợ được hình thành từ một hoàn cảnh sống dung tục: hình dáng kềnh càng thô lỗ tới cái dạ dày đòi hỏi mỗi bữa ăn tám chín bát cơm, thèm ăn ngon, thèm rượu thịt... cho đến cái những dục vọng xấu xa. Mà tất cả những điều ấy một người chăm sóc cây cảnh, nhẹ nhàng từ tốn trong cử chỉ, một người nâng niu từng nhành cây, nụ hoa cũng dần trở nên tha hóa. Trương Ba không còn là ông của ngày xưa nữa. Một linh hồn thanh khiết giờ đây bị thua lý luận của một thân xác phàm tục này ư? Một người từng được bạn bè yêu quý, con cháu kính nể mà giờ đây lại dựa vào “bàn tay giết lợn” thô bạo này đánh con của mình ư? Không, “tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc !” Nhưng làm sao bây giờ khi ông nhìn đời bằng đôi mắt của thân xác này, cảm nhận thế giới qua những giác quan này. Đó chính là tấn bi kịch mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt. Lưu Quang Vũ đã đặt ra một vấn đề khiến độc giả phải thổn thức và suy ngẫm. Một con người khi muốn sống phải bất chấp mọi giá ư? Dù rằng không được là chính mình như cách hồn Trương Ba đang dần đánh mất đi cái bản tính lương thiện ấy? Sống bằng bất cứ giá nào thì liệu có hạnh phúc không, và con người sẽ trở thành ai, sẽ ra sao khi không được sống theo cách của mình? Cái đẹp cái tốt dù có thế nào thì khi sống lâu cùng sự dung tục cũng có ngày bị mai một, cũng như con người cũng sẽ mất đi cái lương thiện để thỏa mãn những ham muốn tầm thường. Để rồi khi đi sai lệch với đạo đức ta lại đổ lỗi lên thân xác để gột rửa đi sự vấy bẩn trong linh hồn ư? Điều đó cũng được nhà viết kịch tài hoa này đề cập đầy rõ ràng: Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mai khổ sở, nhếch nhác…


Tấn bi kịch thứ hai trong cuộc đời sống chắp vá, sống nhờ của hồn Trương Ba là bị khước từ và xa lánh. Bởi tới người vợ mà ông trân trọng cũng muốn từ bỏ ông mà đi. Hồn ông đã gây ra đau khổ và mệt mỏi cho chính người thân của mình rồi đấy ư? “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa… Có lẽ tôi phải đi… đi biệt…Để ông được thảnh thơi với cô vợ người hàng thịt…Còn hơn là thế này…” Và có phải ngay cái khoảnh khắc mà Trương Ba nằm xuống và được an táng có phải còn tốt hơn là sống lại mà đau khổ cho mọi người như lúc này hay không? Chính cái thể xác thô kệch này đã khiến cho cái Gái gọi người ông đáng kính trọng của nó bằng “lão đồ tể”. Một sự phũ nhận dứt khoát đến nghiệt ngã của trẻ thơ. Ngay cả người con dâu hiếu thảo ngày trước dù có thương cho hoàn cảnh nghiệt ngã bây giờ của thầy mình cũng phải nói thật lòng mình: “Thầy ngày một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc, nhòa mờ dần đi”. Chỉ còn lại một Trương Ba thô lỗ, phàm tục trong thân xác to bè, trong đôi tay giết lợn này mà thôi. Cả đứa con trai thực dụng cũng chẳng còn tôn trọng ông nữa: “Cha bây giờ không còn là cha trước đây nữa. Cha tôi hồi đó không bao giờ đánh tôi nên tôi rất kính trọng ông. Cha bây giờ cũng gian dối, đang sống nhờ bằng cái ác ăn cắp của người khác đó thôi”.


Tất cả nỗi niềm và cảm xúc xuất phát từ tấm chân tình của những người ông thương chính là một bi kịch trong việc tồn tại vô giá trị này. Chỉ còn là đau đớn, bất lực và bị chối bỏ mà thôi. Sự đau khổ ấy của hồn Trương Ba cũng chính là ý thức rõ ràng bi kịch của chính mình. Ông sẽ không quyết định sai lầm nữa. Hồn của ông sẽ không phải sống trong cơ thể tạm bợ của anh hàng thịt hay cu Tị nữa, dù rằng đó đồng nghĩa với việc hồn của ông sẽ không là gì nữa. Còn hơn là “tôi sẽ bơ vơ lạc lòng, hoặc sẽ trở nên thảm hại đáng ghét như kẻ tham lam, một kẻ lí ra phải chết từ lâu mà vẫn cứ sống”. “Không mượn thân xác ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…” Sự dứt khoát ấy như một lời khẳng định của tác giả: “Có những cái sai không thể sửa được chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm”. Cái kết của cuộc đời Trương Ba là một khúc nhạc ngân vang đầy ý nghĩa và làm đẹp cho đời. Dù mất đi nhưng vẫn được mọi người nhớ đến và kính trọng còn hơn là bất chấp sống mà gây đau khổ và thêm sai lầm.


Tóm lại, đoạn trích hồn Trương Ba da hàng thịt mang đậm những triết lí nhân văn sâu sắc. Bi kịch của nhân vật gần gũi với những vấn đề của xã hội ngày nay. Một người vì quyền và lợi ích của mình mà bất chấp tất cả thì đến cuối cùng những điều đó có thật sự gọi là hạnh phúc hay không? Con người nếu bất chấp mà sống vì mục tiêu không đúng đắn rồi cũng phải tự trả giá cho lựa chọn của chính mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy