Bài văn phân tích cảnh đợi tàu của chị em Liên số 7

Hai đứa trẻ là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Thạch Lam. Từ những chuyện dường như không có gì đáng kể, nhà văn đã đề cập một cách tinh tế, kín đáo mà sâu sắc những vấn đề thiết thực đối với con người và xã hội. Ngòi bút Thạch Lam đã dành cho những số kiếp lầm than một tình cảm xót thương. Và đặc biệt chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện trở thành hình ảnh đầy ý nghĩa, phần nào thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Những ai đã đọc Hai đứa trẻ chắc không quên hình ảnh này vì chính nó là biểu hiện của nỗi khát khao cho những người như chị em Liên. Hình ảnh chị em Liên đêm đêm cố thức đợi tàu trở thành nỗi ám ảnh trong lòng người khi gấp lại trang cuối tác phẩm.


(Vì sao cố thức để đợi tàu?) Bối cảnh cho chuyến tàu đêm xuất hiện là cuộc sống quẩn quanh nơi phố huyện trong thời gian chiều về tối và khuya vắng. Từ buổi chiều với nỗi buồn man mác, cảnh vật cứ đi dần vào màn đêm với bóng tối dày đặc đè nặng lên bao mảnh đời đáng thương. Cuộc sống buồn chán, một nỗi buồn chán mơ hồ, không nguyên cớ cứ đan kín, tràn ngập nỗi niềm thấm thía.


– Trong đêm tối mênh mông của ga xép quạnh quẽ, các nhân vật hiện ra như những mảnh đời nhỏ bé, âm thầm. Các nhân vật yên lặng nhiều hơn cử động, nghĩ nhiều hơn nói. Họ tựa hồ như cái bóng âm thầm trong bóng đêm rộng lớn vô cùng. Họ đang hiện ra trong cái bóng đêm của kiếp người, hiện ra trong cái bóng tối lờ mờ của những ngọn đèn không đủ sáng. Trong thế giới lặng thầm và có nguy cơ chìm khuất ấy liệu có gì khuấy động và níu giữ được không. Ấy có thể chỉ là đoàn tàu! Trên nền cảnh ấy, Thạch Lam đã khắc họa thấm thía tâm trạng khắc khoải đợi chuyến tàu đêm của hai đứa trẻ.


– Liên và An đã có những ngày hạnh phúc khi gia đình còn sung túc ở Hà Nội. Giờ đây cuộc sống của chúng thiếu hẳn ánh sáng và niềm vui. Ngày lại ngày chúng quanh quẩn bên cửa hàng tạp hóa, bán cho khách những món hàng lặt vặt không hề thay đổi: bao diêm, phong thuốc lá, bánh xà phòng, cuộn chỉ, cây kim. Chiều chiều, trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng, Liên ngồi kiểm lại những đồng tiền vụn thu được trong ngày giữa tiếng muỗi vo ve. Cuộc đời của hai đứa trẻ đơn điệu, nhàm chán làm cho chúng chưa lớn đã sớm già nua, tàn tạ như chiếc chõng tre mà chúng bê ra ngoài cửa hàng ngồi mỗi chiều để thấm thía nỗi buồn tẻ nơi phố huyện. Hằng ngày chỉ quanh quẩn lặp lại với ngần ấy người tàn tạ, khốn khổ.


Những đứa trẻ ngây thơ bé bỏng ấy biết làm gì để thay đổi số phận của chúng. Chúng chẳng thể làm được gì ngoài việc quay về bốn phía, ngẩng lên nhìn trời cao tìm mọi nguồn sáng tưởng như cuộc đời đỡ tăm tối hơn. Mỗi nguồn sáng xuất hiện như mốc thời gian đưa chúng đến gần với cái điều mà chúng mong đợi, khát khao nhất: chuyến tàu chở ánh sáng từ Hà Nội, dừng lại ở ga xép phố huyện trong chốc lát. Chúng đã chờ đợi chuyến tàu suốt một ngày buồn tẻ của mình. Khắc khoải chờ từ lúc bóng chiều âm thầm đổ xuống, từ lúc tiếng trống vang lên và chân trời phía tây rực lên như lò than hồng. Chúng vui mừng khi thấy chị Tí thắp lên ngọn đèn hoa kì trên chõng nước, khi đốm lửa ở gánh phở của bác Siêu hiện ra, gia đình bác xẩm lục tục kéo ra. Với các em, đó là những bước đi cụ thể của thời gian đưa hai chị em nhích dần đến với chuyến tàu, đến với niềm vui mong đợi. Mỗi đêm chỉ có một chuyến tàu từ Hà Nội về. Mỗi chuyến tàu chỉ dừng ở ga xép ít phút…nên không thể bỏ lỡ. Bởi thế, cả Liên và An dù đã buồn ngủ ríu mắt vẫn cố chống đỡ cơn buồn ngủ tự nhiên của trẻ, vẫn kiên nhẫn đợi chờ. Sự chờ đợi thật tha thiết, cảm động.


Có một nguyên cớ sâu xa từ đáy tâm hồn của hai đứa trẻ. Chính nhà văn Thạch Lam đã xót thương cho những cuộc đời bé nhỏ này, chính cảm xúc trìu mến muốn hóa thân vào nhân vật đã khiến nhà văn cảm thông, lắng nghe khát vọng âm thầm với tất cả tình thương. Đó cũng chính là một quãng đời Thạch Lam như lời người chị đã viết “Tôi không ngờ em Sáu có trí nhớ dai thế, như truyện em tôi tả hai chị em thức đợi chuyến tàu đêm qua rồi mới đi ngủ. Năm đó tôi mới có chín tuổi, em tôi lên tám”. Thạch Lam thấu hiểu và trân trọng nỗi chờ đợi ấy nên đã dành những trang viết sinh động, miêu tả tỉ mỉ hình ảnh chuyến tàu. Chuyến tàu tuy còn ở trong màn đêm nhưng tự nó báo trước bằng tiếng còi từ xa vọng lại trong đêm khuya kéo dài theo ngọn gió xa xôi. Trước đó, người bẻ ghi đã ra với chiếc đèn có ánh lửa xanh biếc sát mặt đất chập chờn như ma trơi. Người chờ tàu đã xôn xao. Hai người trong hiệu khách cầm đèn lồng lung lay cái bóng dài đi đón bà chủ ở tỉnh về.


– Đoàn tàu được đón từ xa với ngọn đèn xanh biếc và tiếng còi vang lại. Rồi đoàn tàu “rầm rộ đi tới”, tiếng còi rít lên. Âm thanh của còi tàu, của bánh xe rít trên đường ray, tiếng ồn ào của hành khách át đi bản hòa tấu đều đều buồn tẻ của phố huyện. Con tàu tác động một ấn tượng mạnh mẽ, đưa cả phố huyện ra khỏi cảnh sống tăm tối, tù đọng, u uẩn dù chỉ trong chốc lát. Vì vậy con tàu trở thành nhu cầu, thành niềm khao khát chờ đợi của người dân phố nghèo. Khi tàu đến An đã “nhỏm dậy” “tỉnh cả người” và Liên “dắt em đứng dậy” để quan sát kĩ từng chi tiết “tiếng dồn dập” đến làn khói trắng rồi những “toa”, “người”, “đồng và kền” lấp lánh. Hình như hai chị em muốn thu lấy tất cả hình ảnh, âm thanh, ánh sáng của đoàn tàu. Hai đứa trẻ bị đoàn tàu hút hồn. Đoàn tàu tiếp tục cuộc hành trình. Hai đứa trẻ như bị hút theo những đốm lửa than bay tung trên đường sắt, cái chấm nhỏ của đèn xanh treo ở toa cuối xa dần rồi khuất hẳn sau lũy tre làng…Giờ đây, tương phản với đoàn tàu rực sáng như sao băng vừa vụt qua lại là màn đêm và cuộc sống tẻ nhạt của phố huyện.


– Từ cái nhìn rồi mơ tưởng trông theo con tàu đã khuất, phải chăng những con người nơi phố huyện đang có khát vọng muốn thoát ra cái không khí tối tăm, bế tắc, nuôi niềm hi vọng về một cái gì khác với thế giới buồn chán. Đoàn tàu như tia chớp. Tàu đến rồi đi, nó thuộc về một thế giới khác với luồng ánh sáng chói lòa, với âm thanh vang vọng. Chuyến tàu còn mang nét xa xăm, là giấc mơ huyền ảo, là niềm khát khao, là nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Người ta có thể đói nghèo nhưng không thể không có những ước mơ, không thể thiếu những ước ao, hoài vọng.


Không chỉ là cuộc sống xơ xác quạnh hiu với những nhân vật nhỏ bé trong vùng ánh sáng tù mù, Thạch Lam còn muốn khắc sâu ấn tượng về chuyến tàu khi đề cập đến tâm trạng thiết tha của hai tâm hồn ngây thơ. Liên phải cố gượng để thức khuya, còn An vì chờ đợi quá lâu trong không khí phố huyện buồn tẻ đã không thể thức được nữa, gối đầu lên tay chị, mi mắt sắp sửa rơi xuống còn dặn với “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. Sự chờ đợi thật tha thiết. Tác giả muốn nói với người đọc về những tâm hồn trẻ thơ khao khát ánh sáng đến mức độ nào.


(Ý nghĩa biểu tượng của đoàn tàu) – Đoàn tàu tượng trưng cho một niềm vui, niềm chờ đợi nơi phố huyện, những kiếp sống nhỏ nhoi như chị Tý, …Cố thức để nhìn chuyến tàu đi qua, vì để có một cái gì đó khác thường. Đoàn tàu là niềm vui duy nhất để giải tỏa tâm lí sau một ngày đơn điệu và buồn chán. Ánh sáng, sự giàu sang, náo nhiệt…đã đem lại cho những con người tội nghiệp một chút dư vị, dư âm lạ. Con tàu với âm thanh, ánh sáng và màu sắc khác lạ tượng trưng cho “một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái quầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Phải chăng đó là “niềm mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Với người dân phố huyện đoàn tàu là hơi hướng mới lạ của một thế giới rực rỡ, kiêu sa văn minh và hạnh phúc đối lập với sự tối tăm, lạc hậu của phố huyện. Nó khơi dậy ánh sáng, niềm tin, ước mơ về cuộc sống mới tốt đẹp, hạnh phúc, no đủ.


– Đoàn tàu ấy là hiện thân của dĩ vãng, hoài niệm đẹp đẽ. “Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo”. Liên và An đã từng sống nhưng ngày phong lưu ở Hà Nội…Con tàu là hiện thân của ánh sáng kỉ niệm thời thơ ấu mà Liên còn lưu giữ, nâng niu. Với chị em Liên đó là tia hồi quang gợi nhớ về Hà Nội với quá khứ êm đềm, hạnh phúc, là niềm an ủi duy nhất để chị em Liên không đắm trong công việc mưu sinh làm cằn cỗi, khô héo tâm hồn. Con tàu nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua đó cho ta thấy những con người phố huyện tuy nghèo nhưng họ vẫn sống chân thành, yêu tha thiết cuộc sống. Thạch Lam trân trọng, nâng niu khát vọng vươn ra ánh sáng, vượt thoát khỏi cuộc sống tù túng, quẩn quanh, không cam chịu hiện tại tầm thường, nhạt nhẽo đang vây quanh của người dân phố huyện. Qua đó ông gửi gắm thông điệp: đừng bao giờ để cuộc sống bị nhấn chìm, hãy sống cho ra sống, phải có khát vọng xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Đó chính là giá trị nhân văn, nhân bản đáng quý của truyện ngắn này.


– So với toàn truyện, Thạch Lam đã dành vài đoạn rất ngắn để tả đoàn tàu. Thật ra không đối xứng và chính sự không đối xứng này góp phần thể hiện ý nghĩa tác phẩm. Tâm trạng thiết tha đợi tàu là bằng chứng nói lên cuộc sống người dân phố huyện quá mòn mỏi, buồn chán, tội nghiệp. Đây là chủ đề nhức nhối trong các trang viết của Nam Cao. Phải chăng tất cả đang sống trong cái ao đời bằng phẳng với nhịp điệu quanh quẩn như bài thơ của Huy Cận.


Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu

Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người

Vì quá quen nên quá đỗi buồn cười

Môi nhắc lại cũng chỉ ngần ấy chuyện


May sao cuộc sống vẫn còn một chút sáng rực, huyên náo đêm đêm để đem theo niềm vui. Những người dân phố huyện vẫn chờ đợi và hi vọng một cái gì sẽ đến như chúng ta đã bao nhiêu lần chờ đợi trong đời. Ai chẳng chờ đợi hy vọng chuyến tàu cuộc đời mình nên đọc “Hai đứa trẻ” ta thấy dư vang nỗi lòng Thạch Lam. Đó chính là niềm xót thương vô hạn đối với những kiếp người không bao giờ biết ánh sáng và hạnh phúc. Riêng đối với Liên, nhà văn muốn nói với chúng ta rằng chuyến tàu luôn luôn đánh thức tâm hồn cô, vẫn cùng cô hướng tới tương lai, biết vượt qua cái tẻ nhạt hàng ngày để ước mơ. Đó là tấm lòng đồng cảm của tác giả, như một tiếng nói tha thiết hãy cứu lấy cuộc sống con người, đặc biệt là những đứa trẻ.


Qua những cuộc đời, qua tâm trạng đợi tàu đó Thạch Lam làm sống dậy những số phận của một thời, họ không hẳn là những kiếp người bị áp bức bóc lột. Nhưng từ cuộc đời ấy Thạch Lam gợi cho người đọc sự thương cảm, trân trọng ước mong vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn của họ. Vì vậy tác phẩm vừa có giá trị hiện thực vừa có giá trị nhân đạo.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy