Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong "Chiếc thuyền ngoài xa" số 7

“Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm cái hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người”. Đó là quan niệm cao đẹp của Nguyễn Minh Châu – một trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học nước ta hiện nay, là vị khai quốc công thần của triều đại văn học mới. Với cái nhìn hiện thực đa chiều, ông đã truyền tải được cảm hứng thế sự cùng với những triết lí nhân sinh sâu sắc qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Nhan đề của tác phẩm đã làm hiện lên một hình ảnh tượng trưng của nghệ thuật – thứ nghệ thuật đạt đến sự hoàn mĩ và thánh thiện. Tuy nhiên, nghệ thuật thôi là chưa đủ, một tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó gắn liền với hiện thực đời sống, thể hiện được tấm lòng của nhà văn vì những giá trị tốt đẹp của con người và bảo vệ con người chống lại những cái ác cái xấu. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo mà truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” hướng đến.


Truyện kể về chuyến đi thực tế của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh đang tìm kiếm nguồn cảm hứng cho một bộ lịch năm mới tại một vùng biển miền Trung. Tại đây, anh đã phát hiện được một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà tưởng chừng như đây là lần duy nhất trong cả cuộc đời cầm máy của mình. Nhưng đằng sau cái khoảnh khắc đẹp vô ngần ấy lại là một cảnh tượng nghiệt ngã về hiện thực của cuộc sống, cảnh người chồng vì giải tỏa những đau khổ của bản thân mà đánh đập vợ mình một cách thô bạo. Và câu chuyện đầy cảm động của người đàn bà hàng chài đã khiến người nghệ sĩ nhiếp ảnh chiêm nghiệm được nhiều điều sâu sắc của cuộc sống. Tất cả đều được thể hiện qua cái nhìn đầy nhân đạo của nhà văn Nguyễn Minh Châu.


Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng với những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc đời.


Trước hết, giá trị nhân đạo của “Chiếc thuyền ngoài xa” được biểu hiện qua sự cảm thông của nhà văn trước cuộc sống nghèo khổ của những con người vùng biển. Hình ảnh người đàn bà hàng chài chính là hiện thân của sự nghèo khổ vất vả, một con người lao động lam lũ nhọc nhằn “khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngái và dường như buồn ngủ”. Dường như cuộc mưu sinh đầy sóng gió cùng những bất hạnh cay đắng trong cuộc đời đã lấy đi của chị tất cả sinh lực và nguồn vui. Nguyễn Minh Châu cảm thông cho số phận bất hạnh của người đàn bà hàng chài, trong câu chuyện về cuộc đời mình, chị đã nhận thức rất rõ về sự kém may mắn của bản thân : “Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai của một hàng chài”.


Cuộc đời lam lũ vất vả vì gánh nặng mưu sinh bế tắc quần quật, vì hơn chục con người chen chúc trên một chiếc thuyền chật hẹp giữa biển cả đầy sóng gió tăm tối. Có lúc biển động hàng tháng, thuyền không ra khơi được, thức ăn duy nhất qua ngày cũng toàn là cây xương rồng luộc chấm muối. Nhà văn còn xót thương trước tình cảnh người đàn bà hàng chài thường xuyên phải chịu những trận đòn nhục nhã “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Qua đó nhà văn đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ hành động vũ phu của người chồng. Chỉ vì nghèo khổ và để giải tỏa nỗi đau của bản thân mà anh đã không hề thương tiếc đánh đập vợ mình một cách thô bạo. Nhà văn đã giúp người đọc nhận rõ một vấn nạn nhức nhối vẫn luôn là một mảng tối tồn tại trong xã hội, tình trạng bạo lực gia đình. Đâu đó trong cuộc sống xung quanh ta vẫn còn sự lộng hành của cái ác, cái xấu. Tác phẩm như một hồi chuông báo động về cái ác, một hồi chuông cảnh tỉnh và kêu gọi đấu tranh cho sự tồn tại của cái thiện. Đó chính là một trong những biểu hiện về giá trị nhân đạo của tác phẩm.


Không chỉ là niềm cảm thông và sự phê phán mà giá trị nhân đạo còn được thể hiện ở sự khẳng định, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người. Sau năm 1975, cuộc sống hiện ra nhiều chiều, nhiều mặt đối lập, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào hiện thực để nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa dạng, nhiều chiều. Có như vậy, ông mới phát hiện ra được những vẻ đẹp còn khuất lấp trong cái lấm láp bụi bặm của đời thường. Mặc dù bị chồng ngược đãi, đánh đập dã man nhưng chị vẫn luôn nhẫn nhục chịu đựng, không hề kêu van, không hề chống trả hay thậm chí là tìm cách trốn chạy. Ta có thể thấy, đằng sau vẻ cam chịu nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài này là cả một con người sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, hiểu chồng thương con vô bờ bến. Bằng một cái nhìn đa dạng, nhiều chiều và sâu sắc, Nguyễn Minh Châu đã giúp ta cảm nhận được một tấm lòng vị tha và giàu đức hi sinh tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam. Chị thông cảm và bênh vực cho người chồng vũ phu của mình :“Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”, chị hiểu rằng chồng đánh mình cũng vì những lẽ riêng rất đời thường. Khi phải sống trong một không gian chật hẹp, tù đọng, con cái nheo nhóc giữa tình cảnh đói nghèo lạc hậu, và đặc biệt là trên thuyền cần có một người đàn ông để chèo chống khi biển động phong ba bão táp.


Cũng chính vì như thế nên chị đã chịu đựng những đau đớn của bản thân để giúp người chồng khốn khổ vơi đi những u uất dồn nén chất chứa trong lòng. Nhà văn còn ca ngợi tình mẫu tử sâu nặng, đức hy sinh cao cả của một người mẹ chấp nhận đau khổ bởi một lẽ đương nhiên là chị sống cho con chứ đâu phải cho mình. Chị yêu cầu chồng đánh mình ở góc khuất sau chiếc xe tăng hỏng để tránh cho tâm hồn non nớt của các con bị tổn thương. Rõ ràng đó là một cách xử sự vô cùng nhân bản. Người đàn bà hàng chài còn rất biết tìm cho mình những niềm vui hạnh phúc dẫu rất nhỏ nhoi trong cuộc sống đầy khó khăn. Ở chị vững bền một niềm tin một tình yêu và sự lạc quan vào cuộc sống. Ta cảm nhận được điều đó khi bắt gặp nụ cười chợt ửng sáng trên khuôn mặt rỗ chằng chịt của chị khi nghĩ đến “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận”, niềm vui của chị là khi nhìn đàn con ăn no. Dù cho cuộc sống có ngang trái khốn cùng như thế nào đi chăng nữa nhưng chị vẫn nâng niu trân trọng từng chút hạnh phúc nhỏ nhoi mà mình có được. Đó cũng là thái độ trân trọng ca ngợi, cái nhìn hết sức nhân đạo của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với con người.


Giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” còn thể hiện ngay trong quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu: “Nghệ thuật chân chính phải gắn với cuộc và vì cuộc đời, vì con người”. Cũng như nghệ sĩ Phùng đã chiêm nghiệm ra được hiện thực cuộc sống đằng sau bức ảnh nghệ thuật đẹp đẽ kia. Từ đó nhà văn đã đặt ra vấn đề về số phận và hạnh phúc của con người. Ông thấy trong cuộc sống có cả ánh sáng và bóng tối, nước mắt và nụ cười, bề nổi và bề chìm, khổ đau và hạnh phúc. Và giải pháp được đặt ra phải gắn liền với thực tiễn chứ không phải chỉ là những lí thuyết đẹp đẽ. Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thật cuộc đời lại ở rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người.


Bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều, lời văn giản dị mà sâu sắc đa nghĩa, cùng với tình huống truyện độc đáo có ý nghĩa khám phá phát hiện về đời sống, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện được giá trị nhân đạo của “Chiếc thuyền ngoài xa”. Đó là tấm lòng yêu thương, trân trọng, cảm thông, trăn trở của nhà văn trong việc phát hiện đời sống và con người ở bình diện đạo đức thế sự. Nhà văn còn giúp chúng ta hiểu được phải biết nâng niu quý trọng những giá trị tốt đẹp của con người, giữ vững niềm tin vào cuộc sống.

Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong
Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong "Chiếc thuyền ngoài xa" số 7
Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong
Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong "Chiếc thuyền ngoài xa" số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy