Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 1

Từ xưa đến nay, tình yêu luôn là nguồn cảm hứng của biết bao thi nhân. Tuy nhiên mỗi nhà thơ lại có một cách thể hiện khác nhau. Nó có thể đậm chất triết lý như trong thơ Tagore hay tha thiết, cháy bỏng như thơ của Xuân Diệu. Với bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh là một tình yêu đầy những âu lo, trăn trở và khát khao hạnh phúc đời thường của người phụ nữ…


Nếu như tác phẩm tự sự thường phản ánh tư tưởng, tình cảm của tác giả thông qua việc tái hiện khách quan hiện thực đời sống thông qua tình huống truyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết… thì thơ ca đi vào phản ánh thế giới tâm hồn con người trước rung cảm tinh tế sâu sắc, trước cuộc sống muôn màu. Vì thế Lê Quý Đôn nói: “thơ ca khởi phát từ lòng người”. Có thể nói, bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh đã thể hiện rõ nét điều đó. Tác phẩm này được viết vào năm 1967, khi tác giả có chuyến đi thực tế tại biển Diêm Điền. Đứng trước những con sóng nối tiếp, vô tận của biển cả, Xuân Quỳnh đã nhận thấy sự đồng điệu giữa những cung bậc, trạng thái của sóng với cung bậc tình cảm, khát vọng trong tâm hồn của người phụ nữ khi yêu.


Bài thơ “Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” - tập thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Trong tác phẩm này, nhà thơ đã sử dụng hai hình tượng “sóng” và “em” có khi tách biệt, có khi thống nhất, có khi lại hòa vào làm một để diễn tả vẻ đẹp trong tình yêu của tâm hồn người phụ nữ. Đồng thời, Xuân Quỳnh đã đem đến một quan niệm mới mẻ, nhân văn về tình yêu, về con người trong những năm tháng chống Mỹ đầy khốc liệt.


Khổ thơ thứ năm là khổ thơ có số lượng câu thơ nhiều nhất trong “Sóng”. Sáu câu thơ đứng giữa thi phẩm như một đợt sóng lòng cồn lên cao nhất từ tâm điểm của tác phẩm trong đó bốn câu thơ đầu là nỗi nhớ bờ âm ỉ, tha thiết của con sóng:


“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”


Tác giả đã sử dụng điệp từ “con sóng” lặp lại liên tiếp nhiều lần. Qua đó không chỉ tạo một giọng thơ sôi nổi phù hợp với mạch cảm xúc mà còn nhấn mạnh hình tượng con sóng đang cuộn chảy, trào dâng trong nỗi nhớ. Dưới ngòi bút tinh tế của nữ thi sĩ, những con sóng ấy trở nên có hồn hơn, chất chứa những suy tư, tình cảm như một con người thực sự. Đó là nỗi nhớ da diết, nỗi nhớ cồn cào về bến đỗ thân thương “bờ”. Bằng biện pháp nhân hóa đặc sắc với động từ “nhớ”, người đọc dường như có thể cảm nhận được một nỗi niềm đau đáu ẩn hiện trong hình hài con sóng biển. Đặc biệt hơn nữa, Xuân Quỳnh còn sử dụng cặp từ đối lập giàu sức gợi “trên mặt nước” - “dưới lòng sâu”, “ngày” - “đêm” vừa tạo nên cấu trúc song hành, đối xứng vừa khiến cho ngôn ngữ thơ cân xứng hài hòa, nhạc điệu thơ nhịp nhàng nhưng trên hết là để nhấn mạnh nỗi “nhớ bờ” khôn nguôi của sóng.


Dù ở bất cứ nơi đâu, dù đang ngủ yên dưới lòng biển sâu thẳm hay vận động trên đại dương bao la thì con sóng vẫn luôn “nhớ bờ”, vẫn luôn hướng về nơi phương xa, về nơi dừng chân bình yên của mình. Nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong hình tượng con sóng và nó dường như bao trùm lấy cả không gian mênh mông của biển cả, kéo dài miên man không dứt theo thời gian. Dù trong ngày êm ả hay đêm vắng lặng, con sóng vẫn thao thức “không ngủ được”. Nữ thi sĩ tiếp tục sử dụng biện pháp nhân hóa đầy tinh tế, giàu tính biểu cảm. Nỗi “nhớ bờ” ấy phải cồn cào, da diết như thế nào mới có thể khiến con sóng “không ngủ được”? Không còn là thứ vô tri, vô giác nữa mà con sóng ấy từ lâu đã mang trong mình cả một tâm hồn, một tâm hồn biết “nhớ”, biết “không ngủ được” vì nỗi trăn trở. Đọc những câu thơ này, người ta không chỉ cảm nhận được những âm điệu sôi nổi, mãnh liệt của sóng mà còn hình dung được những con sóng đang trào dâng giữa biển cả với nỗi nhớ bao trùm cả không gian, kéo dài theo thời gian. Từ nỗi nhớ của sóng, Xuân Quỳnh đã bày tỏ nỗi nhớ của “em” một cách đầy tự tin, trực tiếp:


“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”


Nếu người phụ nữ trước khi chỉ dám bày tỏ nỗi nhớ một cách gián tiếp thì người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh đã phá vỡ rào cản mà chủ động, trực tiếp khẳng định tình yêu của mình. Ở đây Xuân Quỳnh đã dùng từ “lòng” thật chính xác để diễn tả tình cảm của người phụ nữ với tình yêu. Lòng là chốn sâu kín nhất của tâm hồn, lòng là kết tinh của tình cảm được chưng cất trong một thời gian dài qua biết bao thử thách. Vì vậy mà tấm lòng ấy không chút hời hợt mà là gan, là ruột của người phụ nữ. “Lòng em nhớ đến anh” là câu nói khẳng định giản dị, chân thành mà nồng nàn, da diết và đầy táo bạo. Điều này chứng tỏ nỗi nhớ và tình yêu của người phụ nữ phải rất cháy bỏng, tha thiết và mãnh liệt mới có thể có đủ can đảm để khẳng định được tấm lòng của mình một cách chủ động như vậy. Đây cũng chính là vẻ đẹp của tình yêu tự do, hiện đại. Để rồi nỗi nhớ ấy không chỉ còn là ở cảm xúc hay ý thức mà nó đã trở thành nỗi nhớ của tiềm thức: “Cả trong mơ còn thức”.


Nếu chỉ hiểu theo nhận thức của lí trí thông thường thì khi mơ là đang ngủ mà trạng thái ngủ là hoàn toàn đối lập với trạng thái thức. Cho nên “cả trong mơ còn thức” là điều rất vô lý, trái với nhận thức thông thường. Tuy vậy nhưng câu thơ vẫn được ngợi ca và đón nhận. Tại sao lại như vậy? Có lẽ là bởi nó được lý giải bởi quy luật của tình yêu. Trong tình yêu, mọi thứ vô lý đều có thể trở thành hợp lý và ở đây cũng vậy. Có lẽ chỉ người đã và đang sống trong nỗi nhớ của tình yêu mới có thể cảm nhận trọn vẹn những cung bậc cảm xúc ấy. Có thể nói, Xuân Quỳnh đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc mà mới mẻ về tình yêu trong tâm hồn người phụ nữ. Đây cũng là trạng thái tình cảm tiêu biểu cho những ai đã, đang và sẽ yêu. Và đằng sau nỗi nhớ “anh” tha thiết ấy là một lời khẳng định đầy mạnh mẽ cho một tình yêu sâu sắc và cao đẹp.


Ở khổ thơ thứ sáu, ta lại bắt gặp một vẻ đẹp của người phụ nữ khi yêu: đó là lòng thủy chung, son sắt. Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh không chỉ mạnh mẽ vươn ra biển lớn tìm tình yêu mới trọn vẹn hơn, đẹp đẽ hơn mà còn là một người con gái thủy chung với tình cảm của mình, tuy sẵn sàng bỏ lại mọi thứ nhưng khi tìm được bến bờ hạnh phúc lại một lòng một dạ với người mình yêu:


“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương”


Trước hết ở hai câu thơ đầu, chúng ta thấy cách diễn đạt của Xuân Quỳnh thật thú vị:


“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam”


Trong cách nói quen thuộc của người Việt Nam, người ta thường chỉ nói “xuôi Nam ngược Bắc”. Thế nhưng Xuân Quỳnh lại viết “xuôi Bắc ngược Nam”. Tại sao tác giả không viết theo quy luật thông thường mà bất ngờ đảo ngược như vậy? Lúc ấy, phương Nam là tiền tuyến, miền Bắc là hậu phương mà ta thường nói xuôi về tiến tuyến, ngược về hậu phương. Điều này khẳng định rõ hơn những gian nan, tất tả, ngược xuôi cách trở éo le mà “em” phải đối diện. Phải chăng, nhà thơ còn muốn khẳng định cho dù vạn vật luôn đổi thay, cuộc đời luôn điên đảo, lòng người dễ thay đen đổi trắng, dễ biến ngược thành xuôi, thì người phụ nữ vẫn luôn thủy chung son sắt trong tình yêu. Nhà thơ còn sử dụng nghệ thuật điệp cấu trúc “dẫu…” nhằm khẳng định sự mạnh mẽ, táo bạo và chân thành của người phụ nữ khi yêu. Dù có phải trải qua tất cả những thay đổi thăng trầm, người phụ nữ vẫn luôn thủy chung với tình yêu và hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Dường như Xuân Quỳnh muốn phủ nhận tất cả những khó khăn, trái ngang để yêu – một tình yêu đích thực mà người phụ nữ khao khát có được. Khép lại trong lòng người đọc là hai câu thơ:


“Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương”


Lời thơ đọc lên thấy tiếng lòng da diết của người phụ nữ khi yêu. Ta không nghe thấy tiếng lòng của sóng chỉ nghe thấy tiếng lòng của em. Xuân Quỳnh đã khẳng định một cách chân thành, mạnh mẽ: Dù ra Bắc hay vào Nam, dù đi ngược hay về xuôi, dù lên rừng hay xuống biển, dù ở bất cứ nơi đâu, dù có đi tới chân trời góc bể, dù em có phải cách xa đến chừng nào thì em vẫn luôn nghĩ về anh, luôn hướng về anh. Và dù trời đất vũ trụ có bốn phương, tám hướng thì trái tim em chỉ có một phương duy nhất - phương anh. Dấu “-” đặt giữa câu thơ, tách hai chữ “một phương” riêng thành một vế. Chính điều đó đã tạo nên điểm nhấn, sâu lắng, nồng nàn của xúc cảm thơ. Xuân Quỳnh quả thực đã rất tự tin và chân thành bày tỏ tình cảm thủy chung của mình trước anh. Đó là sự tự tin của người phụ nữ bản lĩnh dám yêu và cũng dám đi đến tận cùng để đạt tình yêu của cuộc đời.


Tấm lòng thủy chung trong tình yêu là vẻ đẹp gắn liền với truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Đồng thời đây cũng là phẩm chất quan trọng của tình yêu đích thực, của hạnh phúc đời thường. Ca ngợi về tấm lòng thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu đã khẳng định giá trị nhân văn cao đẹp trong thơ Xuân Quỳnh. Để có được tình yêu vừa sôi nổi thiết tha, mãnh liệt vừa trong sáng thủy chung thì con sóng phải vượt qua đại dương mênh mông để đến với “bờ anh”.


“Ở ngoài kia đại dương

...

Dù muôn vời cách trở”


Người phụ nữ đang yêu tin vào tình yêu sẽ đến bến bờ hạnh phúc dù trải qua bao khó khăn thử thách. Đúng vậy! Một tình yêu chân chính, đích thực, một niềm tin mãnh liệt vào tình yêu sẽ giúp họ vượt qua bao sóng gió cuộc đời cập đến bến bờ tương lai của hạnh phúc. Hãy nhìn vào hiện thực như trở thành quy luật, dù gió có ở thật xa nơi bãi bờ thì nó cũng sẽ tìm đến những bãi cát dài dù trải qua thật nhiều khó khăn. Tình yêu của em dù gặp biết bao trở ngại em vẫn vượt qua để đến bên anh, đến một mái ấm gia đình như Chế Lan Viên từng viết:


“Cây nối đầu cây chạy đến em

Đếm cây hoài lại mọc cây thêm

Tình anh làm cái cây sau chót

Về tới quê em mọc tận thềm”


Ba khổ thơ với nỗi nhớ, sự trăn trở và tấm lòng chung thủy son sắt cùng với phép lặp, nhân hóa, ẩn dụ, sử dụng cách nói ngược với những hình ảnh đối lập đã khẳng định niềm tin mãnh liệt vào tình yêu, tình yêu đẹp sẽ vượt qua mọi thử thách. Tha thiết với tình yêu, khao khát sống mãi trường tồn với tình yêu nhà thơ đã có chút khắc khoải, lo âu về sự tan chảy của thời gian, đời người cũng mong manh và hạnh phúc của trái tim yêu Xuân Quỳnh cũng vậy. Nhưng nhớ da diết, yêu thương nồng nàn luôn đồng hành với nỗi lo âu khắc khoải:


“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”


Đời người trăm năm ngỡ dài thăm thẳm nhưng con tàu thời gian cứ vun vút lao đi không chờ đợi chúng ta. Bằng sự chiêm nghiệm của một trái tim đầy nhạy cảm nhà thơ nhận ra vũ trụ mãi vĩnh hằng - cuộc đời con người thì hữu hạn


“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua”


Lo lắng tình yêu đổ vỡ, phai nhạt, khi đứng trước sự chảy trôi của thời gian. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn luôn tin vào tương lai của tình yêu, vào ý nghĩa đích thực của tình yêu


“Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”


“Sóng” là một tác phẩm thành công vang dội của Xuân Quỳnh. Bài thơ bộc lộ tất cả những cung bậc trong tình yêu, thể hiện tình cảm son sắt, thủy chung, tha thiết, cao thượng cùng bao nỗi nhớ thương, niềm tin yêu vào tình yêu cao cả không chấp nhận một tình yêu tầm thường và nhỏ hẹp. Khát vọng một tình yêu cao đẹp thủy chung. Phải có một tâm hồn thủy chung thì mới có những vần thơ đẹp và lung linh đến vậy. Xuân Quỳnh đã góp một hơi thở đắm say, một tiếng sóng đẹp đẽ làm tươi thắm thêm cho thi đàn hiện đại Việt Nam.

Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 1
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 1

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy