Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 11

Tình yêu là những rung động, là những tình cảm hết sức thiêng liêng và mặc định ở con người chúng ta, ai đó đã nói rằng chỉ có khúc gỗ mới không có tình yêu mà thôi. Cũng từ điều ấy mà tình yêu trở thành một đề tài sáng tác yêu thích của biết bao nhà văn, nhà thơ và mỗi nhà văn, nhà thơ sẽ có cách tiếp cận tình yêu theo cách riêng của mình. Một trong những tác phẩm nổi bật của đề tài này là bài thơ “Sóng” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và có lẽ hay nhất là ba khổ thơ năm, sáu và bảy của bài thơ.


Trong khổ thơ thứ năm của bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh đã viết:


“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”


“Con sóng dưới lòng sâu” và “con sóng trên mặt nước” là hai cung bậc cảm xúc và biểu hiện phong phú nỗi nhớ của “em” dành cho “anh”. Cũng như con sóng dễ dàng nhận thấy khi xuất hiện trên mặt biển và không dễ để nhìn ra khi nằm trong lòng đại dương, “sóng dưới lòng sâu” là biểu hiện cho nỗi nhớ thầm trong trái tim còn “sóng trên mặt nước” là biểu hiện của nỗi nhớ được thể hiện ra ngoài. Nỗi nhớ “anh” ấy của “em” mới bồi hồi, khắc khoải và mãnh liệt đến nhường nào.


Đặc biệt hai câu thơ “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong thơ còn thức” đã diễn tả một cách xúc động và chân thực nỗi lòng và tâm tư của người con gái đang yêu bằng một tình yêu trong sáng nhưng không kém phần mãnh liệt. “Em” nhớ “anh” cả “trong mơ” và “còn thức”, từ giấc ngủ say nồng cho tới đời thực. Câu thơ “Cả trong mơ còn thức” vừa diễn tả trạng thái khi trong mộng và khi trong đời thực của “em” vừa diễn tả cái thức ngay trong giấc mơ. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn với nhau thế nhưng điều ấy đã thể hiện tình cảm chân thật, sâu sắc nhất trong tâm tư, cõi lòng của người con gái đang yêu. Tiếp theo Xuân Quỳnh viết:


“Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương.”


Con người chúng ta có thể đi về phương bắc hay phương nam tuỳ theo sở thích, nguyện vọng của bản thân mình, thế nhưng đối với “em” thì chỉ có “anh” là phương hướng duy nhất trong cuộc đời. Một lần nữa, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh lại sử dụng kết cấu trùng điệp để tăng tiến nỗi nhớ người thương của mình. Nếu phương bắc và phương nam là hai phương hướng của tự nhiên, đất trời thì “phương anh” là phương hướng duy nhất trong trái tim “em”, khiến em luôn luôn hướng về. Tình yêu của nữ thi sĩ mới thành thật, cháy bỏng và da diết làm sao. Đối với một người con gái, những dòng thơ hay chính là những dòng bộc bạch của trái tim ấy có vẻ hơi táo bạo, nhưng chính sự táo bạo và đắm say tình yêu ấy của Xuân Quỳnh đã giúp nữ thi sĩ cất cánh trong tình yêu. Những dòng thơ trên của Xuân Quỳnh cũng chính là tâm tư, là tiếng nói tha thiết cháy bỏng của trái tim người con gái với nỗi nhớ người mình thương trong tình yêu.


Một tình yêu chân chính đối với nhiều người là một tình yêu vừa sôi nổi thiết tha,vừa mãnh liệt lại vừa trong sáng và thuỷ chung, và qua “Sóng”, Xuân Quỳnh đã khẳng định lại với người đọc một lần nữa tính đúng đắn của quan niệm ấy. Đối với Xuân Quỳnh, tình yêu không phải là một thứ tình cảm phù du, huyền ảo, lúc nào cũng ngập trong những bong bóng màu hường và những viễn cảnh lãng mạn, tốt đẹp mà tình yêu là một thứ tình cảm trần tục gắn với đời thường, do đó mà những trắc trở, khó khăn trong tình yêu là không thể nào tránh khỏi. Do vậy, một tình yêu đẹp là một tình yêu cần đến những phẩm chất thuỷ chung, son sắt, ý chí nghị lực và sự tin tưởng vào đối phương một cách sâu sắc đẻ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách, đi đến bến bờ hạnh phúc trong tình yêu. Xuân Quỳnh đã thể hiện điều này qua những dòng thơ sau:


“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”


Từ một hiện tượng có thật và có phần nghịch lí trong tự nhiên là gió từ đất liền thổi ra nhưng những con sóng không hoàn toàn bị gió thổi ra xa ngoài khơi mà vẫn rì rào vỗ từng cơn sóng vào bờ, Xuân Quỳnh đã liên tưởng và dùng hình ảnh này để miêu tả tình yêu của bản thân mình. Đó là cho dù trong tình yêu có gặp nhiều gian nan, thử thách thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể ngăn được tình yêu của nữ thi sĩ dành cho người thương của mình, bà sẽ cố gắng và kiên trì đến cùng để đi đến cái đích hạnh phúc trong tình yêu của mình, cũng như sóng “Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vàn cách trở.”


Đã có rất nhiều nhà văn nhà thơ với rất nhiều tác phẩm viết về đề tài tình yêu muôn thuở, thế nhưng nữ thi sĩ Xuân Quỳnh vẫn rất xuất sắc khi ghi dấu ấn trong lòng thơ ca với tác phẩm “Sóng” của mình, bài thơ mà đã để lại trong lòng độc giả nhiều cung bậc cảm xúc và tình cảm dâng trào.

Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 11
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 11

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy