Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 3

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh luôn thể hiện một phong cách riêng độc đáo. Đó là tiếng thơ của một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành và khao khát yêu thương. "Sóng" chính là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh. Tâm hồn người phụ nữ nặng tình, thủy chung, mãnh liệt khi yêu ấy được thể hiện sâu sắc nhất qua khổ 5, 6 và 7 trong bài thơ “Sóng”.


Thơ Xuân Quỳnh rất giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư được tạo tác nên từ giọng thơ đằm thắm của một người phụ nữ rất mực hiền hậu. Bài thơ “Sóng” là tâm sự, nỗi lòng sâu kín của nhà thơ trong bộn bề suy nghĩ về tình yêu. Trong khổ thơ, 5, 6 và 7 với những ngôn từ giản dị, hình ảnh đối lập, đa chiều và giàu sức liên tưởng đã thể hiện rõ nhất những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ: nghĩa tình, thủy chung. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã từng bày tỏ:


“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”


Quả thực, thi sĩ luôn mượn cảnh để bày tỏ nỗi lòng. Nỗi lòng thi nhân luôn nhuốm trong từng động thái tinh vi nhất của cảnh vật. Xuân Quỳnh đã mượn hình ảnh con sóng làm biểu tượng cho tâm hồn người phụ nữ và thay người phụ nữ tuyên ngôn tình yêu. Tình yêu vốn không có công thức. Trong thơ Xuân Quỳnh cũng vậy, tình yêu là sự bí ẩn ngọt ngào và quyến rũ:


“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”


Con sóng tồn tại ở hai không gian là “lòng sâu” và “trên mặt nước” khẳng định tình yêu của người phụ nữ dù tự đáy tâm hồn hay ngoài mặt đều dạt dào và liên tục không ngừng nghỉ.


Thán từ “ôi” vang nên đầy mãnh liệt và diệu kì. Chính tác giả cũng ngạc nhiên mà phải cảm thán rằng: nỗi nhớ bờ của con sóng ám ảnh, vần vũ trong lòng đến mức “ngày đêm không ngủ”. Có bao giờ con sóng trôi dạt dào đâu? Có bao giờ nỗi nhớ của em về anh có thể chấm dứt đâu? Trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”, nhà thơ Minh Huệ đã viết:


“Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh”


Ở đây, sự chủ động “không ngủ” của Bác mà chúng ta đã từng bắt gặp trong thơ Minh Huệ là vì nặng lòng với nước. Còn sự chủ động “ngày đêm không ngủ” trong thơ Xuân Quỳnh chỉ mang tính tình cảm cá nhân. Song ấy là nỗi lòng chung của hàng triệu người phụ nữ chịu cảnh chia xa, là vẻ đẹp ngọt ngào của con người khi yêu nên bài thơ mới có sức thu hút và ý nghĩa tới vậy.


Sự nhớ nhung đẩy nên cao trào khi “cả trong mơ còn thức” để mà nhớ. Nỗi nhớ cũng quần đảo không ngừng trong khoảnh khắc nhân vật thiếp đi. Thế mới thấy tình yêu của tác giả với người thương sâu sắc đến mấy. Khắc họa vẻ đẹp chung thủy của người phụ nữ khi yêu, Xuân Quỳnh không dùng lời thề nguyền đêm trăng hay chén rượu bôi, kỉ vật duyên mà nhà thơ thể hiện bằng những lời thủ thỉ hết sức tự nhiên, đằm thắm, chân thành:


“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương”


Hai cặp từ đối lập “nam - bắc” và “xuôi - ngược” và biện pháp điệp cấu trúc đã bao quát toàn bộ không gian đất nước Việt Nam và vũ trụ và nhấn mạnh thêm ý thơ. Từ “nghĩ” không chỉ nhấn mạnh tới suy nghĩ đơn thuần trong đầu óc con người mà nhắc tới cả ý chí, niềm tin và khát vọng.


Trong trời bể sâu rộng ấy, người con gái vẫn giữ nguyên bến đỗ duy nhất, đó là “phương” anh. Tác giả phát hiện ra thêm một phương trời rất độc đáo, mới lạ, ấy là phương anh. Chính điều ấy đã khiến bài thơ thêm nét dễ thương, chân thật, nữ tính hơn. Khổ thơ đã làm rõ nhất vẻ đẹp thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu. Nó không chỉ là vẻ đẹp có ở riêng Xuân Quỳnh mà còn là vẻ đẹp chung của con người Việt Nam. Cuối cùng, sức vượt trùng khơi của con sóng để tìm về bờ đã chiến thắng tất cả:


“Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”


Sóng ngàn năm vẫn sẽ vỗ bờ. Đại dương rộng thật đấy, lắm bão giông thật đấy nhưng sóng có ngày sẽ đến được đích. Từ chỉ số lượng “trăm nghìn” nhấn mạnh vào tình cảm dào dạt, đong đầy của tình yêu. Người phụ nữ trong thơ thêm một lần nữa nhất mạnh triết lí mà ông cha xưa nhắc tới:


“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo

Ngũ lục sông cũng lội

Thất bát đèo cũng qua”


Qua đây, Xuân Quỳnh đưa đến chúng ta một chân lý trong tình yêu: Dù có bao nhiêu khó khăn, chỉ cần con người giữ vững trái tim yêu thương, nhất định có ngày sẽ đoàn tụ. Những câu thơ làm ấm lòng biết bao con người phải chịu nỗi đau chia lìa. Tình yêu của Xuân Quỳnh đã vượt qua mọi giới hạn, luôn cháy bỏng và đầy nữ tính. Vì thế, nó vượt lên tình cảm cá nhân cá thể mà trở nên thánh thiện, thuần khiết hơn.


Tuy chỉ là ba khổ thơ năm chữ ngắn, sóng Xuân Quỳnh đã truyền cho người đọc cảm hứng thiết tha về tình yêu đôi lứa. Tình yêu ấy vẫn sống mãi cùng thời gian và trong lòng những con người biết yêu.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 3

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy