Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 9
Xuân Quỳnh là nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nổi bật trong thơ Xuân Quỳnh là chùm thơ viết về tình yêu. Trong đó bạn đọc yêu thơ chị chắc chắn sẽ biết đến bài thơ “Sóng”. Khi nói về nét truyền thống của người con gái trong tình yêu, khổ thơ năm, sáu và bảy đã làm tròn nhiệm vụ của mình:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Có tình yêu nào mà không phải trải qua nỗi nhớ. Dù ở không gian “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước”, dù “ngày” hay “đêm” thì con sóng vẫn nhớ “đến bờ” mà thao thức bồn chồn đến nỗi “không ngủ được”. Xuân Quỳnh đã lấy không gian và thời gian để đo đếm nỗi nhớ trong tình yêu. Nhưng nào ai có thể đong đếm hết được nỗi nhớ? Nếu sóng nhớ đến bờ thì em cũng nhớ đến anh. Nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong tâm trí của “em”. Ngay đến trong giấc mơ cũng chẳng thể nào ngừng được. Nỗi nhớ đong đầy khắp cả không gian, thời gian và trong tiềm thức. Giống như ca dao đã từng diễn tả nỗi nhớ của những người yêu nhau:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa như ngồi đống than?”
Hay như trong bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
Nỗi nhớ trong tình yêu đã không còn xa lạ gì, nhưng cách diễn tả của Xuân Quỳnh lại thật đặc biệt. Bên cạnh những quan niệm mới mẻ trong tình yêu, Xuân Quỳnh vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Đó chính là tấm lòng thủy chung của người con gái khi yêu. Hình ảnh thơ đối lập “xuôi” và “ngược”, “phương Bắc”’ và “phương Nam” được nhà thơ sử dụng với dụng ý nghệ thuật sâu sắc. Thông thường, người ta thường nói “ngược về phương Bắc” và “xuôi về phương Nam”. Nhưng ở đây Xuân Quỳnh lại dùng cách nói ngược lại để thể hiện dụng ý nghệ thuật. Dù cuộc đời có luôn biến chuyển không ngừng, đôi ta phải trả qua nhiều sóng gió, vạn vật có luôn đổi thay. Thì đối với “em”, ở bất cứ “nơi nào” - cụm từ phiếm chỉ, không xác định rõ không gian, thời gian, vẫn hướng về “phương anh” - một phương duy nhất. Tấm lòng của “em” vẫn luôn nguyên vẹn dành cho “anh”, hướng đến “anh”.
Không chỉ vậy, Xuân Quỳnh còn diễn tả một niềm tin mãnh liệt trong tình yêu. Ở ngoài đại dương xa xôi đó, có trăm ngàn con sóng vỗ. Nhưng cuối cùng, con sóng nào cũng tìm được đến bến bờ của mình. Cũng giống như “em” và “anh, dù cuộc đời phải trải qua muôn ngàn sóng gió, có đôi lúc phải cách xa nhau. Thì đến cuối cùng, “em” và “anh” vẫn sẽ gặp lại nhau. Và tình cảm của đôi ta sẽ mãi mãi tồn tại:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi”
Khổ thơ thứ bảy không chỉ là một lời khẳng định niềm tin cho tình yêu. Mà đó cũng là một lời an ủi, động viên những người đang yêu nhau, hãy có thêm sức mạnh để vượt qua muôn ngàn “cách trở”, tìm về với bến bờ hạnh phúc.
Đọc “Sóng” của Xuân Quỳnh, người đọc dường như thêm trân trọng tình yêu. Và dù người phụ nữ của Xuân Quỳnh trong tình yêu có mạnh mẽ đến đâu, họ vẫn giữ gìn được những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa.