Bài văn phân tích nguyên lí "Tảng băng trôi" trong "Ông già và biển cả" số 5

“Ông già và biển cả” là kiệt tác của nền văn học thế giới, đây cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật của nhà văn Hê-minh-uê theo nguyên lí tảng băng trôi. Cuộc rượt đuổi, chinh phục đầy căng thẳng, hấp dẫn của ông lão Santiago với con cá kiếm được tái hiện trong tác phẩm chỉ là phẩn nổi của tảng băng, phần ý nghĩa sâu sắc nhất của tác phẩm bị chìm sâu xuống tạo thành những khoảng trống văn học, nơi độc giả có thể thỏa sức tìm tòi, cảm nhận.


Tảng băng trôi với ba phần nổi, bảy phần chìm trong đó phần bề nổi có thể dễ dàng nhận biết, cảm nhận nhưng để hiểu hết được phần chìm chúng ta cần cố gắng khám phá, tìm tòi ở bề sâu bản chất của tảng băng ấy. Trong tác phẩm Ông già và biển cả phần nổi của tảng băng trôi chinh là hành trình ra khơi trong 84 ngày đêm của ông lão Santiago và cuộc rượt đuổi, chinh phục đầy mệt mỏi với con cá kiếm khổng lồ. Sau nhiều ngày đuổi bắt, cuối cùng bằng kinh nghiệm và sự quyết tâm ông lão cũng đã bắt được con cá và mang về đất liền, tuy chỉ còn lại bộ khung xương khổng lồ của con cá khi đến bờ do cá mập tấn công nhưng đó là thành quả lớn lao, đáng trân trọng của ông lão trong chuyến ra khơi cuối cùng của cuộc đời mình.


Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của tác phẩm chính là ở phần chìm của tảng băng. Cuộc đuổi bắt đầy căng thẳng, mệt mỏi của ông lão đánh cá cũng chính là cuộc đời của mỗi người khi miệt mài tìm kiếm và chinh phục những khát vọng nhưng thật khó có thể tới được cái đích hoàn hảo mà mình mong muốn. Ông lão Santiago đã mất 84 ngày đêm để săn đuổi và chinh phục con cá kiếm khổng lồ, đó là thành quả đáng tự hào song ông lại không thể mang con cá kiếm về bờ mà chỉ mang được bộ khung xương khổng lồ của nó. Trong cuộc sống con người cũng vậy, chúng ta thường tự đặt ra nhiều mục tiêu, nhiều cái đích để cố gắng thực hiện, tuy nhiên không phải lúc nào mọi cố gắng cũng được đền đáp bằng những thành quả hoàn hảo như ta mong muốn. Tuy không hoàn hảo nhưng đó là kết tinh của những hi vọng, cố gắng nên dẫu kết quả như thế nào vẫn vô cùng ý nghĩa và đáng được trân trọng.


Mỗi người có một lí tưởng, một khát vọng riêng do đó những thứ giá trị, ý nghĩa với người này chưa chắc đã có giá trị với người khác. Trong tác phẩm, con cá kiếm chính là thành quả lớn lao mà Santiago đạt được sau cuộc chiến không cân sức với tự nhiên, nên dẫu chỉ còn lại bộ xương thì vẫn là thứ quý giá nhất mà ông lão đạt được trong cuộc đời mình, còn đối với những du khách thì đó chỉ là bộ xương cá hoàn toàn không có giá trị.


Cuộc chiến không cân sức của ông lão Santiago và con cá kiếm khổng lồ cũng chính là hành trình chinh phục tự nhiên đầy thử thách của con người. Ông lão và con cá không chỉ là những cá thể độc lập trong câu chuyện mà còn là biểu tượng lớn lao của cái đẹp. Nếu ông lão là biểu tượng cho những nét đẹp về ý chí, nghị lực bên trong con người thì con cá kiếm chính là hiện thân cho những vẻ đẹp kì vĩ của tự nhiên.


Qua việc tìm hiểu, khám phá phần chìm của tác phẩm ta cảm nhận thấm thía được nhiều triết lí sâu sắc về cuộc đời, đồng thời thấy được tài năng nghệ thuật thiên tài của Hê-minh-uê.

Bài văn phân tích nguyên lí
Bài văn phân tích nguyên lí "Tảng băng trôi" trong "Ông già và biển cả" số 5
Bài văn phân tích nguyên lí
Bài văn phân tích nguyên lí "Tảng băng trôi" trong "Ông già và biển cả" số 5

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy