Bài văn phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao số 5

Bá Kiến là một trong số những nhân vật điển hình xuất sắc, được xây dựng đặc biệt thành công của văn học hiện thực nói chung và của Nam Cao nói riêng. Trong tiểu thuyết Tắt đèn, khi xây dựng thành nhân vật địa chủ nghị Quế keo kiệt, thô lỗ, Ngô Tất Tô đã mô tả khá rõ gia cảnh, rồi đến những hành động và cử chỉ của hắn. Nhưng đối với bá Kiến, Nam Cao không hề tái diện mạo, chỉ nói đến giọng nói ngọt nhạt, tiếng quát rất sang và cái cười Tào Tháo mà y tự phụ hơn đời. Bằng vài chi tiết, nhà văn đã tạo cho bá Kiến những nét độc đáo, khiến người đọc khó quên. Tuy vậy, nhân vật này trở thành sống động chủ yếu do năng lực miêu tả nội tâm sắc sảo của tác giả.


Nhà văn để cho bá Kiến xuất hiện lần đầu trước độc giả đúng lúc Chí Phèo say rượu, đến cổng nhà hắn rạch mặt ăn vạ. Cảnh tượng thật hỗn loạn, huyên náo. Thoáng nhìn qua, bá Kiến đã hiểu cơ sự, hắn nhanh chóng tìm ra được kế sách thích hợp nhất để đối phó. Với sự từng trải, bá Kiên biết rất rõ tác hại của đám đông đang tụ tập kia. Bố con bá Kiến thêm mất mặt, nếu để dân làng chứng kiến hành động thô lỗ của Chí.


Cụ bá cũng thừa biết tâm lí của những thằng đầu bò như Chí Phèo: đám đông kia chính là hậu thuẫn, kích thích để nó hung hăng hơn. Cũng cần phải có thời gian để Chí Phèo tỉnh rượu, đỡ táo tợn. Vả lại, nếu còn đám đông, bá Kiến khó có thể diễn thành công mánh khóe mua chuộc, dụ dỗ. Muốn dụ dỗ ắt phải nhún nhường. Đường đường là một cụ bá hét ra lửa mà để đám dân đen chứng kiến cảnh phải ngọt nhạt với thằng cùng đinh thì còn ra thể thống gì?


Bởi vậy, việc đầu tiên bá Kiến tìm cách giải tán đám đông. Trước hết, hắn quát mấy bà vợ và đuổi vào nhà. Những người đến xem không thể không hiểu đây là cụ đuổi khéo mình. Tiếp theo, quay sang bọn người làng, dịu giọng hơn một chút, y bảo: “Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?".


Đến đây tất nhiên không ai nói gì, họ lảng dần đi. Cho dù có tò mò, muốn biết sự tình, nhưng họ vẫn nể, vẫn sợ cụ bá. Vả lại, ngay vợ cụ cũng phải vào nhà rồi... Đến khi chỉ còn trơ lại Chí Phèo, cụ bắt đầu giở giọng đường mật, gọi đầy tớ cũ của mình - nay đã bị biến thành con vật gớm ghiếc - bằng anh, vồn vã mời Chí vào nhà uống nước. Chưa đủ, cụ tiên chỉ làng Vũ Đại còn nhận có họ hàng với anh cùng đinh khốn khổ này, rồi giết gà, mua rượu cho hắn uống, rồi còn đãi thêm đồng bạc để về uống thuốc.


Cách cư xử ấy, chứng tỏ cụ bá lõi đời đã đi guốc vào bụng dạ Chí Phèo lúc này: vừa ưa phỉnh nịnh, vừa hám cái lợi trước mắt. Rốt cuộc, cụ bá khôn róc đời chuyển bại thành thắng, đạt được cả hai mục đích: vừa tạm dập tắt ngọn lửa hờn căm trong con người Chí, vừa chuẩn bị biến Chí thành tay sai lợi hại. Như vậy, chỉ qua một tình huống, một pha rạch mặt ăn vạ của Chí Phèo, cái xảo quyệt, lọc lõi của tên cường hào bá Kiến được thể hiện một cách sinh động và đầy ấn tượng.

Già đời đục khoét, đè đầu cưỡi cổ nông dân, bá Kiến đã rút được nhiều kinh nghiệm phong phú, trong cái nghề Làm việc quan. Phải biết thế nào là mềm nắn, rắn buông. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn, đập ghế, đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vứt trả lại năm hào "vì thương anh túng quá”. Nhiều khi trị không được thì bá Kiến lại dùng, vì cũng phải có những thằng đầu bò chứ? Không có những thằng đầu bò lấy đâu ai trị những thằng đầu bò?


Cái nham hiểm ghê người của nhân vật này còn ở chỗ tìm cách làm cho lũ đàn em, hoặc đám dân làng sinh chuyện, tức là chém giết, đốt phá lẫn nhau để hắn có dịp mà ăn! Bên cạnh việc khắc họa sinh động bản chất xảo quyệt, gian hùng của bá Kiến, Nam Cao không quên vạch trần nhân cách bỉ ổi của tiên chỉ làng Vũ Đại trong những mối quan hệ kín đáo.

Khi cần đặc tả sự đê tiện và thói dâm ô vô độ của tên cường hào này, nhà văn đã bỏ qua nhiều chi tiết rất cụ thể và phong phú của nguyên mẫu lí Bính ở làng Đại Hoàng quê ông. Ngay cái việc gỡ gạc của cụ lí đối với người đàn bà vắng chồng, lại có tiền, lẫn máu ghen tuông của hắn cũng chỉ được lướt qua.


Tác giả chỉ đề mấy dòng tả ý nghĩ của cụ bá về người vợ thứ tư trẻ đẹp ngồn ngộn sức sống (Nhìn thì thích nhưng mà tưng tức lạ. Khác gì nhai miếng thịt bò lựt sựt khi rụng gần hết răng). Chỉ một vài chi tiết, nhưng nhờ sự chọn lọc, nên vẫn đủ sức khắc sâu trong người đọc về một nhân cách thảm hại.


Như vậy, bá Kiến vừa mang bản chất chung của giai cấp địa chủ cường hào, vừa có những nét riêng sinh động, không giống bất cứ một nhân vật địa chủ nào trong văn học đương thời. Điều đó giải thích vì sao hắn luôn được chúng ta nhắc đến, khi cần ám chỉ một kẻ có quyền, có chức, nham hiểm và gian hùng. Nhân vật này ghi nhận trình độ xây dựng nhân vật điển hình bậc thầy của Nam Cao.


Bài văn phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn
Bài văn phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao số 5
Bài văn phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn
Bài văn phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao số 5

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy