Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện "Tấm Cám" số 4

Nhiều năm trước đây, lời bài thơ “Nghĩ về Tấm Cám” của Nguyễn Ngọc Hưng gây xôn xao dư luận vì góc nhìn mới mẻ của nhà thơ về nhân vật Cám trong truyện cổ tích “Tấm Cám”:


“Bao nhiêu nàng Cám trên đời
Vẫn tin tiếng lục lạc rơi phía mình…”


Bản thân nhân vật Cám trong truyện cũng gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, xét theo ý nghĩa răn dạy của văn học dân gian, nhân vật Cám trong truyện cổ tích “Tấm Cám” là minh chứng cho bài học đạo lí sống ở đời của cha ông ta.


Truyện cổ tích là thể loại thuộc văn học dân gian, có tính hư cấu, lưu giữ thông qua hình thức truyền miệng và rất gần gũi với đời sống người dân Việt Nam. Truyện cổ tích giống như những bài học đạo lí mà ông cha muốn truyền đạt lại cho con cháu, nó ẩn sâu sau ý nghĩa nội dung truyện và có tác dụng làm trong sạch xã hội, bồi dưỡng phẩm chất con người, đấu tranh cho cái bất công, xấu xa.


Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vô cùng đồ sộ với nhiều truyện dị bản đã góp phần giải thích nhiều hiện tượng, vấn đề trong xã hội. Tuy rằng truyện cổ tích có tuổi đời hàng trăm năm song vì tính đề cập tới các vấn đề nhức nhối trong xã hội nên nó luôn bảo toàn tính thời sự cho tới ngày này.


Truyện cổ tích “Tấm Cám” là một trong những truyện vô cùng quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, từ trẻ thơ tới người già. Nhân vật Tấm, dì ghẻ, Cám, nhà vua, bà cụ… đã trở thành những tuyến nhân vật khác nhau, sống động tới mức gần như hiện hữu trong đời sống thực tế của chúng ta.


Câu chuyện xoay quanh những tình huống, những hành động, hội thoại xoay quanh ba nhân vật chính là Tấm, dì ghẻ và Cám. Trong đó, Cám là nhân vật tương phản, đại diện cho thế lực xấu xa, ác độc trong xã hội. Qua nhân vật này, nhân dân lao động muốn nhắc lại chân lí “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” và quy luật nhân quả “Ác giả ác báo” trong xã hội.


Cám là người con gái tuổi đôi mươi song không hề có chút nữ tính, đằm thắm mà ngược lại do được nuông chiều nên chỉ biết ăn diện, lười biếng, ích kỉ. Trái lại, Tấm là cô gái hiền lành, nết na, biết cam chịu. Tấm càng tốt đẹp bao nhiêu thì Cám lại xấu xa, tồi tệ bấy nhiêu.


Cám là kẻ gian xảo. Cám luôn ghen tỵ với chị Tấm, nhiều lần tìm cách lừa lọc để chiếm hết thành quả của Tấm. Để có được yếm đào đẹp, Cám đợi Tấm xúc đầy giỏ tép rồi giảo hoạt lừa Tấm “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị nấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng” thế rồi nhân cơ hội đó Cám nhanh chóng cũng đã trút hết giỏ tép sang giỏ mình đem về nhà.


Không muốn cho Tấm đi trẩy hội, mẹ con Cám lúc này đây cũng đã lại bàn nhau trộn thóc với gạo bắt Tấm ngồi nhặt. Mẹ con Cám trở thành tầng lớp bóc lột, đại diện cho chế độ cường quyền trong xã hội.


Hơn hết, Cám là người độc ác. Những hành động độc ác của mẹ con Cám với Tấm bắt đầu từ khi Tấm còn nhỏ. Mẹ con Cám luôn tìm mọi cách hành hạ, bắt ép Tấm làm việc. Thấy Tấm có người bạn mới là Bống, Cám liền xui dì ghẻ bắt Bống ăn thịt. Thực chất mẹ con Cám không coi Tấm là một thành viên trong gia đình. Khi Tấm trở thành hoàng hậu, Cám vẫn dè bỉu, ghanh ghét tìm cách hãm hại Tấm, không cho Tấm có được hạnh phúc.


Mẹ con Cám bàn nhau lừa Tấm chèo cây hái cau rồi chặt đổ cây khiến Tấm mất đi tính mạng. Mẹ con Cám giết người hợp pháp bằng cách ngụy trang thành một vụ tai nạn. Mẹ con Cám còn cố giết hại Tấm nhiều lần nữa khi Tấm hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị… để hoàn toàn hủy hoại linh hồn Tấm. Như vậy, mẹ con Cám là những kẻ độc ác, xấu xa, dã man nhất trong xã hội. Và có lẽ Cám còn là sản phẩm thế hệ mới của cái tà đạo. Cám còn quái thai, bệnh hoạn hơn cả mẹ đẻ của mình.


Chính vì những lẽ đó mà cuối cùng Cám phải chịu kết cục thích đáng. Sự trả thù của Tấm là cách mà người xưa lên tiếng mạnh mẽ nhất trước cái xấu. Đúng như quy luật nhân quả, Cám bị Tấm lừa lại chỉ vì mong muốn được đẹp như Tấm của Cám. Cám chết trong cái nóng của nước sôi dưới hố đất giống như một địa ngục trần gian trừng phạt kẻ xấu xa, độc ác.


Cám phải chịu nỗi đau xác thịt chia làm nhiều mảnh, không toàn thây mà Tấm từng trải qua nay Cám cũng phải trải qua. Người ta phê phán hành động của Tấm là quá tàn ác, nhưng bản thân tôi chỉ thấy một cô Cám ứng linh lên người quy luật nhân quả tự nhiên ở đời. Nhân dân ta đã rất công bằng!


Tóm lại, truyện cổ tích “Tấm Cám” có vai trò giáo dục sâu sắc. Cám chính là nhân vật luôn nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết sống hướng thiện, tránh làm điều ác. Mâu thuẫn, xung đột trong truyện là mâu thuẫn giữa thiện và ác, kết cục của Cám là lời khẳng định cho chân lí xấu xa luôn thua chính nghĩa.

Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện
Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện "Tấm Cám" số 4
Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện
Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện "Tấm Cám" số 4

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy