Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện "Tấm Cám" số 8
Truyện “Tấm Cám” là một truyện cổ tích thần kì rất quen thuộc trong nhân dân ta. Nhiều nước bên Tây, bên Đông Nam Á cũng có những truyện kể tương tự như truyện “Tấm Cám”.
Người ác trong truyện này là hai mẹ con Cám. Cái xấu của Cám là ở bản tính lừa gạt. Cám lừa chị Tấm để trút hết tôm tép, chạy về nhà trước, chỉ cốt được lợi cho mình, mặc cho cô chị khốn khổ mang giỏ không về nhà, chịu sự đánh đập nhiếc móc của bà dì ghẻ. Sau hành động ấy, Cám trở thành cô bé nghe theo mẹ mà lao vào những tội ác. Không nghĩ ra được những mưu mẹo, nhưng đã thực hành những mưu mẹo ấy thì cũng đáng giận, đáng ghét rồi. Bà mẹ Cám thì thật là gian ác và tai ngược.
Bà ta cố tìm cách hại Tấm, hết cách này sang cách khác. Ta có cảm tưởng bà ta đứng sẵn đâu đó, hễ thấy Tấm ló đầu ra là để hành hạ, để không cho Tấm được xuất hiện giây phút nào trong cuộc sống nữa. Lừa cho Tấm đi chăn trâu xa để mẹ con ở nhà ăn thịt bống. Bắt tấm nhặt thóc lẫn với gạo để giam Tấm lại trong nhà. Xui Tấm trèo cau để chặt cây cho Tấm ngã. Cho con gái mặc quần áo giả dạng Tấm để lừa hoàng tử. Rồi lại xui làm thịt chim vàng anh, xui chặt cây xoan đào, xui đốt khung cửi cốt làm cho Tấm phải hết đường tái sinh.
Mụ ta là hiện thân của cái ác, cái ác đội lốt người. Tại sao bà ta ác như vậy? Một phần, vì bà ta là dì ghẻ. Ca dao có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương - Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng? Bà ta muốn cho con mình sung sướng để được sướng lây. Bà ta không biết rằng làm như thế chỉ đẩy cô Cám vào cảnh khổ.
Cám tuy được hưởng nhiều thứ của Tấm, nhưng lúc nào cũng bị tiếng nguyền rủa dội vào tai. Đó là một hình phạt đối với Cám. Cuối cùng Cám chết và mẹ Cám cũng chết theo. Trời, Bụt đã trừng phạt mẹ con họ. Tấm chỉ chết tạm thời, chỉ là một sự hoá thân, chết mà vẫn sống. Còn mẹ con Cám thì chết vĩnh viễn, chết mãi mãi, chết trong sự khinh ghét của chúng ta, của mọi người.
Truyện cổ tích “Tấm Cám” còn hay ở chỗ: Trong truyện, cuộc sống của đất nước Việt Nam ta được hiện lên rất sinh động. Trong truyện có cảnh mò cua bắt ốc, cảnh chăn trâu, có quán nước bán hàng, có những hội hè đình đám, có đám giỗ cha, có cơi trầu mời khách. Thật là một đất nước có nhiều phong tục đẹp. Không một truyện cổ tích nào có nhiều hiện tượng phong tục phong phú như truyện này. Các loài vật, các cây cỏ, các dụng cụ đều được đưa vào trong truyện.
Có con cá nhỏ bé hiền lành như con cá bống, có con chim nhảy nhót như chim vàng anh. Có con chim sẻ nhặt thóc, có khung cửi kẽo cà kẽo kẹt, có ông hoàng tử khi ở trong cung sang trọng, khi ra ngồi quán nước với bà lão bình dân… Thật là rất Việt Nam. Cả một đất nước hiền lành, đủ cả con người, cả chốn cung đình, cả nơi thôn dã, cùng với bao nhiêu sắc màu, cảnh vật thiên nhiên. Học truyện “Tấm Cám”, nên biết điều đó, cũng như phải nhớ ý nghĩa của truyện là: “ở hiền gặp lành”.
Truyện “Tấm Cám” còn có một điều hay nữa mà rất nhiều truyện cổ tích không có hoặc có rất ít. Đó là khi kể chuyện, người ta dẫn thêm những câu ca, câu hát. Đấy là một đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam. Những lời văn gây một không khí sinh động cho câu chuyện thêm phần đằm thắm. Hãy đọc lại những câu rất vui như của gà: “Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho”. Hoặc những câu rất cảm động như: “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chui vào tay áo”. Cái hồn cổ tích, cái chất Việt Nam nằm trong những câu ca, điệu nói ấy.