Bài văn phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ "Cảnh ngày hè" số 6
Nguyễn Trãi nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông để lại sự nghiệp văn học đồ sộ, phong phú. Qua hệ thống tác phẩm phong phú người đọc đã phần nào cảm nhận được vẻ đẹp trong tâm hồn nhân cách của Nguyễn Trãi. Vẻ đẹp tâm hồn đó được thể hiện trong nhiều bài thơ, và ta không thể không nhắc đến bài Cảnh ngày hè. Tác phẩm đã cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống sâu sắc và hơn hết là tấm lòng lo cho dân, cho nước ngay cả trong lúc rảnh rỗi cũng không thôi cháy bỏng.
Trước hết, Nguyễn Trãi là người có lòng yêu thiên nhiên sâu sắc, vẻ đẹp tâm hồn đó ẩn sau bức tranh thiên nhiên mùa hè rực rỡ màu sắc và ngập tràn sức sống. Tình yêu được thể hiện ngay trong câu thơ mở đầu:
Rồi hóng mát thuở ngày trường.
Nguyễn Trãi hiện lên trong tâm thế thảnh thơi, thư thái trước thiên nhiên. Đây là một trong những ngày nhàn rỗi hiếm hoi trong suốt cả cuộc đời bộn bề công việc của ông. Chính trong khoảnh khắc nhàn tản ấy ông dành cho thiên nhiên, hòa mình vào vạn vật. Qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên sâu sắc của ông.
Không chỉ vậy, tình yêu thiên nhiên còn thể hiện ở cách cảm nhận thiên nhiên, cuộc sống hết sức tinh tế. Năm câu thơ tiếp, Nguyễn Trãi hiện lên là một người có tấm lòng tha thiết yêu thiên, cuộc sống:
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Ông đã rộng mở tâm hồn mình, vận dụng tất cả các giác quan để cảm nhận những chuyển động tế vi nhất của vạn vật xung quanh. Bằng thị giác, nhà thơ ngắm nhìn màu sắc của thiên nhiên: xanh của hoa hòe, đỏ của hoa lựu và ánh nắng đã nhạt của trời chiều. Bằng thính giác, bằng tất cả sự tinh tế ông lắng nghe tiếng ve ngân – thứ âm thanh đặc trưng của mùa hè, từng đàn ve ngân vang khúc ca mùa hạ; không chỉ vậy còn là tiếng “lao xao” của cuộc sống, của những làng chài. Ngoài ra, ông cảm nhận bằng khứu giác, những đóa sen ngát hương, một thứ hương thơm thanh nhã, cao sang ngập đầy trong không gian.
Bằng những cảm nhận hết sức tinh tế, tác giả đã gửi gắm tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mãnh liệt. Nếu không có tình yêu thiên nhiên, có lẽ ông đã không cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên sâu sắc đến vậy, không thể lắng nghe, đồng điệu với niềm vui cuộc sống ấm no, yên bình của những người dân quê.
Trong giây phút đắm say trước vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp cuộc sống thanh bình, ấm no, nhân cách của một con người hết lòng vì nước lại được một lần nữa thể hiện qua hai câu thơ kết bài:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Tình yêu thiên nhiên, yêu đời của ông luôn gắn bó mật thiết với lòng yêu nước, thiết tha với nhân dân. Đọc thơ Nguyễn Trãi, cũng như trong chính cuộc đời ông, ta hiếm khi thấy ông thực sự có được phút giây nhàn nhã, thanh thản. Đúng như một nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Ở đây, Ức trai tự dành cho mình quyền “rồi hóng mát thuở ngày trường” bởi niềm mơ ước, bởi mục đích lớn nhất của đời ông đã được thực hiện: dân ấm no, hạnh phúc”.
Câu lục ngôn kết lại bài thơ, ngắn gọn nhưng hàm súc, giàu ý nghĩa. Mong ước của Nguyễn Trãi thật giản dị mà vô cùng cao quý. Tác giả mong muốn có được cây đàn của vua Ngu Thuấn để gảy khúc Nam phong ca ngợi cuộc sống thái bình. Đồng thời ông cũng mong muốn triều đại của chúng ta cũng giống triều đại vua Ngu Thuấn thái bình, người dân của triều đại chúng ta cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đủ đầy. Suốt cuộc đời Nguyễn Trãi, ông luôn mong cho dân ấm no, hạnh phúc, khát vọng ấy cho thấy tấm lòng ưu ái với dân, với nước trong con người Ức trai. Điều này ông đã nhiều lần tâm sự trong các bài thơ:
“Bui có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ trung”.
“Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn
Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền”.
Cảnh ngày hè đã việt hóa thơ Đường một cách sáng tạo và điêu luyện, kết tinh ở câu lục ngôn cuối bài, ngắn gọn, hàm súc mà giàu ý nghĩa. Ngôn ngữ giản dị, dùng nhiều từ Việt cổ, từ ngữ dân dã, dễ hiểu. Sử dụng linh hoạt các động từ, từ tượng thanh diễn tả thiên nhiên và cuộc sống con người. Hình ảnh thơ sống động, phong phú.
Qua bài thơ ngắn gọn, hàm súc ta không chỉ thấy một Nguyễn Trãi có tình yêu thiên nhiên với những cảm nhận hết sức tinh tế về thế giới xung quanh. Mà nổi bật hơn, đẹp đẽ hơn tính là tấm lòng ưu ái, luôn ngày đêm lo cho dân cho nước. Điểm kết tụ trong thơ Nguyễn Trãi là vì dân, cho dân. Cả cuộc đời ông cống hiến cũng chỉ cho nhân dân.