Bài văn phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ "Cảnh ngày hè" số 7

Nguyễn Trãi đã để lại cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm vô giá. Trong đó, “Cảnh ngày hè” là bài số 43 thuộc chùm thơ “Bảo kính cảnh giới” trong “Quốc âm thi tập” đã cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp trong tâm hồn của thi sĩ.

Trước hết, nét đẹp trong tâm hồn của nhà thơ đã được thể hiện qua tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống với bức tranh thiên nhiên và cuộc sống cảnh ngày hè được khắc họa thật sinh động.


Câu thơ mở đầu đọc lên nghe thật êm đềm gợi một cuộc sống yên bình, thư thái: “Rồi hóng mát thuở ngày trường”. Từ “rồi” ở đây có nghĩa là rảnh rỗi, nhàn hạ. Rảnh rỗi trong suốt “ngày trường” có nghĩa là ngày dài, để ngồi “hóng mát” - một hoạt động an nhàn, tĩnh tại, thư thái. Từ đó ta thấy được tâm thế an nhàn, thảnh thơi của tác giả. Nguyễn Trãi đã một đời bận rộn, tận tâm vì đất nước, chính lúc này là những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi của cuộc đời.


Nhờ có vậy, ông được gần gũi với thiên nhiên hơn. Bức tranh cảnh ngày hè nổi lên với bức tranh thiên nhiên ngày hè rực rỡ:


“Hoè lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”


Nhà thơ cảm thấy say mê, thích thú trước vẻ đẹp của thiên nhiên ngày hè. Cây hoa hòe có sức sống mãnh liệt giờ tán là xanh che phủ cả khoảng không gian. Cùng với sắc đỏ của cây thạch lựu tô đậm thêm cho khung cảnh. Ao sen tỏa hương ngan ngát bay theo làn gió. Tác giả đã sử dụng các động từ: “rợp, đùn, tiễn” khiến cho người đọc thấy được cảm giác sức sống trỗi dậy của cảnh vật mùa hè. Không chỉ là bức tranh thiên nhiên, mà đó còn là bức tranh cuộc sống:


“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”


Việc sử dụng nhiều từ Hán Việt như “ngư phủ, cầm ve, tịch dương” kết hợp nhuần nhuyễn với những từ thuần Việt như “lao xao”, dắng dỏi” tạo nên vẻ đẹp vừa mộc mạc, bình dị, vừa trang trọng tao nhã. Đó là âm thanh từ làng chợ cá, của tiếng ve râm ran mỗi độ hè về. Thứ âm thanh của một cuộc sống yên bình.


Không chỉ dừng lại ở đó, vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ con được thể hiện qua tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc:


“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”


Nguyễn Trãi đã mượn điển tích tiếng đàn của Ngu Thuấn để giãi bày khát khao mãnh liệt. Ông mong ước có cây đàn để đánh lên khúc “Nam Phong” cho nhân dân nơi nơi được “giàu đủ” - ấm no và hạnh phúc. Đó chính là cái đẹp trong tâm hồn Nguyễn Trãi. Dù ở hoàn cảnh nào, ông vẫn nặng lòng với nhân dân, đất nước của mình.


Tóm lại, bài thơ “Cảnh ngày hè” đã giúp độc giả hiểu hơn về nét đẹp trong tâm hồn của Nguyễn Trãi - một con người lúc nào cũng nặng lòng với dân với nước. Vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ đã hiện lên thật trọn vẹn, để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.

Bài văn phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ
Bài văn phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ "Cảnh ngày hè" số 7
Bài văn phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ
Bài văn phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ "Cảnh ngày hè" số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy