Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Thánh Gióng" số 4
Từ lâu, những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích đã trở thành một món ăn tinh thần đối với trẻ thơ, giáo dục chúng những bài học đầu tiên về lẽ sống ở đời. Những bài học đó được truyền từ đời này sang đời khác và vẫn luôn, mãi là nét đẹp văn hóa quý giá mà dân tộc ta cần phải gìn giữ. Truyện Thánh Gióng cũng là một câu chuyện như thế, chuyện kể về một người anh hùng dũng cảm, có công lớn giết giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi dân tộc.
Thánh Gióng là câu chuyện truyền thuyết rất hấp dẫn mang màu sắc ly kỳ với các yếu tố hoang đường, kỳ ảo nhưng lại có sức cuốn hút thật đặc biệt. Nó vừa thể hiện được nguyện ước lớn lao với những mong muốn thầm kín của dân gian vừa khẳng định sức mạnh, tình yêu quê hương đất nước của những người con đất Việt.
Bắt đầu câu chuyện, sự ra đời của Thánh Gióng thật lạ lẫm và khác người. Một cặp vợ chồng hiếm muộn mãi chẳng thể có được một mụn con. Khi đi làm đồng, người vợ thấy một dấu chân to, ướm thử bàn chân mình vào đó và về nhà thụ thai. Sau đó, bà sinh ra một người con trai vô cùng kháu khỉnh, bụ bẫm nhưng lên đến ba tuổi mà đứa bé vẫn chẳng biết nói, biết cười.
Ấy vậy, câu nói đầu tiên mà đứa trẻ nói ra lại chẳng phải là những lời gọi cha, gọi mẹ như bao đứa trẻ thông thường khác. Câu nói đầu tiên đó là câu nói đòi đi đánh giặc, thể hiện ý chí anh hùng, tấm lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng xả thân vì việc nghĩa, vì sự sống còn của dân tộc. Sau câu nói đặc biệt ấy, Thánh Gióng vươn vai và trở thành một chàng trai lớn nhanh như thổi với vóc dáng khôi ngô, cao to, tuấn tú. Hoặc áo giáp lên mình, chàng cưỡi ngựa, phi ra chiến trường, lao vào quân giặc.
Chỉ với một cái vươn vai mà từ một cậu bé ba tuổi không biết nói, không biết cười, Thánh Gióng trở thành một chàng trai khỏe mạnh, dũng cảm giống như thần thái của một người vị thần. Điều đó thể hiện mong ước từ ngàn đời nay của nhân dân ta: có một vị anh hùng tài giỏi luôn luôn ra tay hiệp nghĩa để giúp cuộc sống của người dân có được sự yên bình, ấm no và hạnh phúc.
Thánh Gióng khoác lên mình bộ quần áo sắt, cưỡi ngựa và cầm roi sắt ra chiến trường để viết ngoại xâm gian ác. Đó là hành động của một vị anh hùng thực sự với tài năng và trí dũng vẹn toàn. Đi đến đâu, quân giặc tan tác đến đó, nhìn thấy chàng, chúng khiếp vía cúi đầu mà bỏ chạy không dám ngoảnh lại. Chàng đánh giặc đến nỗi chiếc roi sắt trên tay bị gãy làm đôi, không còn vũ khí chiến đấu, chàng nhổ những khóm tre để làm vũ khí giết giặc. Đây lại là biểu hiện của sự thông minh, nhanh trí và gan dạ của người anh hùng. Nhờ đó mà đất nước đã sạch bóng quân thù, cuộc sống bình an của nhân dân đã được trả lại một cách trọn vẹn nhất.
Sau khi giết giặc, trên quê hương chẳng còn bóng quân thù, Thánh Gióng cưỡi ngựa lên đỉnh núi Sóc Sơn, quay về nhìn quê mẹ lần cuối và cả người cả ngựa cùng bay về trời. Điều này thể hiện rằng chàng không phải là một người trần mắt thịt mà chính là con của trời, được phải xuống để giúp nhân dân ta đánh giặc ngoại xâm.
Tuy đây chỉ là một câu chuyện mang nhiều yếu tố kỳ ảo và không có chứng cứ xác thực nhưng hình ảnh Thánh Gióng lại là tượng trưng cho nghị lực và ý chí của nhân dân ta trong những cuộc kháng chiến đấu tranh để bảo vệ độc lập cho dân tộc và ấm no cho nhân dân. Thánh Gióng được coi là huyền thoại bất tử về một vị anh hùng được người dân Việt Nam ca tụng và yêu mến. Đối với chúng ta, hơn thế nữa, Thánh Gióng còn là một tấm gương của sự dũng cảm, ý chí và lòng quyết tâm đầy mãnh liệt.
Truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng vô cùng ly kỳ, hấp dẫn đã đem đến nhiều bài học ý nghĩa để từ đó ta nhận ra những giá trị trân quý trọng cuộc sống hiện đại ngày nay. Truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm sẽ luôn là lý tưởng để ta có thể bảo vệ cuộc sống Hòa Bình, hạnh phúc mà ông cha ta đã dày công gìn giữ như ngày hôm nay…