Chùa Kem Bắc Giang
Vùng đất Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nổi tiếng với Dải Nham Biền, theo quan niệm dân gian Dải Nham Biền nhìn tượng trưng như hai con ngựa đứng bên nhau… từ xa trông về thấy khoảng cách giữa hai con ngựa hình thành lên một thung lũng nhỏ gọi là ải Nham Sơn mà phía trong khe núi, đầu ải Nham Sơn dãy núi Nham Biền có ngôi chùa cổ, tên chữ là Sùng Nham Tự, tên Nôm là chùa Kem.
Chùa Kem (hay còn gọi là Sùng Nham tự) là một ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi, nép mình bên dãy núi Nham Biền của xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Vẻ đẹp trang nghiêm của ngôi cổ tự này còn gắn liền với bao thăng trầm lịch sử, nhưng gần như chùa không được nhiều người biết đến bởi sự "ẩn mình" trong bảo tàng chứng tích văn hoá cũng như lánh xa trần thế trong cõi tu thanh khiết...
Đầu thế kỷ XX, chùa Kem thuộc xã Hương Tảo, tổng Hương Tảo, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang (nay thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Ngôi chùa cách trung tâm thành phố Bắc Giang chừng 12 km về phía Nam. Chùa Kem được xây dựng ở địa thế rất đẹp, ba mặt có núi chở che ôm ấp tựa như cánh sen ôm lấy đài sen, kề bên có dòng suối nhỏ quanh co uốn khúc, phía trước xa xa là dòng sông Cầu xanh mát chảy qua. Tất cả tạo nên một cảnh sắc sơn thủy hữu tình.
Chùa Kem được khởi dựng vào năm Đinh Hợi (ước định là một trong các năm 1527, 1587, 1647). Vị sư Tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế vốn theo dòng Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử do Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông sáng lập. Đến đời vua Lê Hy Tông, nên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1682), bà Nguyễn Thị Đế, hiệu Diệu Nghiêm công dức tu bổ tòa Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Ngày 14 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), khởi công xây tháp Thanh Phong ở núi Đẩu Sơn; dựng một tòa nhà cho sư Từ Hải soạn Kinh, một dãy ký túc xá đủ chỗ cho hàng trăm tăng, ni, phật tử hằng năm về an cư kết hạ, tụng kinh niệm Phật. Năm Thành Thái thứ 18 (1906), sư trụ trì hiệu là Đàm Tích cùng các phật từ hưng công trùng tu tòa Tiền đường và Thượng điện.
Chùa Kem hiện nay được tạo bởi năm hạng mục công trình chính: Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Tổ, Vườn Tháp và Nhà Mẫu. Các hạng mục công trình được tạo dựng theo lối kiến trúc cổ, đan xen phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng (Thế kỷ thứ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX- XX).
Cùng Song tồn với kiến trúc cổ chùa Kem hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Hệ thống tượng thờ, đồ thờ, di sản Hán Nôm (hoành phi, câu đối, bia đá…) có giá trị nghiên cứu lịch sử- văn hóa và mỹ thuật truyền thống dân tộc. Ngoài giá trị về kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, chùa Kem còn là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1884, Nguyễn Cao, (tên đầy đủ là Nguyễn Thế Cao, hiệu Trác Hiên, người làng Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) cùng nghĩa quân đã về đây xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp. Đặc biệt trong giai đoạn 1906- 1908, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân trong khu vực chùa. Ông đã cho đắp lũy, làm nhà, tổ chức huấn luyện quân binh, xây dựng nơi đây thành căn cứ địa chống thực dân Pháp. Ngày nay, dấu tích đó vẫn còn như: Tường lũy, nền Nhà Quan, Giếng Quan, Cột cờ, Trạm Gác… Năm 1950, tại chùa Kem diễn ra cuộc họp Đại biểu quân sự liên xã Quang Trung- Yên Lư bàn kế hoạch chống càn. Năm 1951- 1952, chùa là địa điểm sơ cứu, nuôi dưỡng thương bệnh binh. Lễ hội chùa Kem được tổ chức vào ngày 21 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Với những giá trị lịch sử- văn hóa tiêu biểu, chùa Kem là một trong 23 điểm di tích và cụm di tích thuộc Di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 (Quyết định số 548/ QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính Phủ).
Địa chỉ: Nham Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang