Top 10 Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Bắc Giang

Thu Hoai 1841 0 Báo lỗi

Chùa ở Bắc Giang khá nổi tiếng bởi đây là một trong những vùng đất linh thiêng, hội tụ nhiều ngôi chùa cổ với tuổi đời hàng trăm năm. Ngoài vẻ đẹp của kiến ... xem thêm...

  1. Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay thuộc địa phận hành chính của xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Là một trong những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng nhất của miền Kinh Bắc, chùa có tên gọi chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Sơn Tự, gọi tắt là chùa Bổ hay Tứ Ân Tự. Chùa toạ lạc ở vị trí phong thuỷ đắc địa, nằm về phía Bắc của chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy núi Bổ Đà, xa xa là dòng sông Cầu thơ mộng.


    Chùa bắt đầu có từ thời nhà Lý và được xây dựng lại dưới triều vua Lê Dụ Tông. Hiện nay khu di tích chùa Bổ Đà gồm rất nhiều hạng mục lớn nhỏ trong đó có 4 hạng mục chính, đó là Chùa Cao, am Tam Đức, Chùa Tứ Ân, Vườn Tháp.


    Chùa được xây dựng bằng các vật liệu như gạch nung, ngói, tiểu sành…Tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Vườn tháp chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất trong cả nước, gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, có 97 ngôi tháp cổ có lịch sử hàng trăm năm là nơi tàng lưu tro cốt xá lỵ nhục thân của 1214 tăng ni phật tử thiền phái Lâm Tế trong cả nước. Các ngôi tháp đều được xây bằng gạch và đá, với kỹ thuật truyền thống bắt mạch vôi mật mía. Các ngôi tháp mộ xếp hàng hàng, lớp lớp và được xếp đặt theo những qui định riêng rất chặt chẽ của thiền môn.


    Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm trên nhiều loại hình và Bộ ván kinh Phật là một trong những Bộ kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam với hơn 2000 mộc bản, có ý nghĩa to lớn cho việc nghiên cứu khoa học.

    Địa chỉ:
    xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

    Chùa Bổ Đà
    Chùa Bổ Đà
    Chùa Bổ Đà
    Chùa Bổ Đà

  2. Chùa Vĩnh Nghiêm, còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là ngôi chùa cổ, là nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc lâm. Đã được UNESCO trao Bằng công nhận 3000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới.


    Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Năm 2015, chùa được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

    Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn). Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.


    Trên sân chùa có một bia đá to, gồm 6 mặt dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Ngay trước mặt tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 5 vị sư: Phù Lãng Trung pháp (hiệu Sa môn), Thông Duệ ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.

    Sau khi đã qua cổng tam quan, du khách có thể đi đến Toà tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ đệ nhị, Hai dãy hành lang đông tây. Mỗi một kiến trúc tại đây đều được tu sửa theo lối cổ xưa để không làm mất bản sắc văn hóa hàng ngàn năm. Năm 1964 chùa được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.


    Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch trong và ngoài nước tới dự.


    Địa chỉ: làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

    Chùa Vĩnh Nghiêm
    Chùa Vĩnh Nghiêm
    Chùa Vĩnh Nghiêm
    Chùa Vĩnh Nghiêm
  3. Tọa lạc trên đỉnh Non Vua, ngọn núi cao nhất trong dãy Nham Biền, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng là điểm dừng chân hấp dẫn, thiêng liêng mới trên chặng đường du lịch Bắc Giang của du khách thập phương.


    Di chuyển đến Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng khá thuận lợi, du khách di chuyển bằng xe máy, ô tô tới bãi đỗ ngang sườn núi, men theo đường đi bộ hơn 300 bậc đá rộng thênh thang lên Cổng Tam quan, cánh cổng trời bề thế của Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa, du khách được thưởng ngoạn khung cảnh đồng quê bát ngát và dòng sông Cầu uốn lượn, cái nôi văn hóa quan họ Bắc Giang.


    Qua Cổng Tam quan là sân Thiền viện rộng rãi, với các công trình nhà tổ, thiền đường, trai đường, thư quán, tượng Phật, hoa sen,... Hai bên sân là lầu chuông và lầu trống, được bố trí tạo thế cân xứng, hài hòa với Cổng Tam quan.


    Nổi bật chính giữa Thiền viện là Chính điện mang đậm kiến trúc văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam với nhiều họa tiết cầu kỳ, tinh xảo. Công trình tựa vào dãy Nham Biền, mặt trước hướng về phía đồng bằng ven sông Cầu, ôm quanh là núi rừng xanh mướt quanh năm. Tổng thể hạng mục Chính điện rộng hơn 3000 mét vuông, gồm hai tầng: Tầng 1 là nơi tổ chức các chương trình của Thiền viện, nơi học tập, giao lưu của các tăng ni, Phật tử và các chú tiểu tham gia khóa tu mùa hè thường niên của Thiền viện. Tầng 2 là nơi thờ tự, gồm hai gian cao rộng. Bước vào cửa điện, du khách ấn tượng trước tượng Phật Thích ca uy nghi dưới tán cây bồ đề. Không gian bên trong tĩnh lặng, bình yên, thanh tịnh lòng người. Hệ thống tranh vẽ trên tường đậm chất nghệ thuật, đa dạng màu sắc và giàu ý nghĩa nhân văn kể về cuộc đời của Đức Phật Thích ca. Gian sau của Chính điện là nơi thờ Tổ sư Đạt Ma và Tam Tổ Trúc Lâm nhà Trần là Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ Đồng Kiên Cương Pháp Loa và Trúc Lâm Đệ Tam Tổ Huyền Quang Lý Tái Đạo.


    Không gian Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng luôn hoan hỷ, an lành, chan hòa tiếng chim hót trong trẻo, xào xạc ríu ran bên dưới tán từng thông vi vút gió và thoảng hương hoa bốn mùa rực rỡ. Chuông chùa điểm tiếng vang vọng một vùng, ngân vang trong cõi tâm Phật của mỗi người con đức Phật hành hương.


    Địa chỉ: xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

    Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng
    Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng
    Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng
    Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng
  4. Chùa Phúc Quang có từ thế kỷ XVIII, còn gọi chùa Quang Phúc. Tên chữ: Phúc Quang Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1989). Chùa Phúc Quang chỉ cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 20km. Chùa được xây dựng dưới thời vua Lê Cảnh Hưng (năm 1723) và được xem là một trong những chùa Bắc Giang cổ nhất. Từ năm 1989 chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.


    Bên trong chùa còn lưu giữ khoảng 90 pho tượng Phật quý. Chùa có tổng thể 35 gian, thiết kế theo lối “nội công ngoại quốc”. Năm 2014, chùa được tu bổ lại gồm có khu vực Chùa chính và nhà Thảo xá. Tổng diện tích khoảng hơn 1000m2.


    Chùa Phúc Quang thu hút nhiều tăng ni, Phật tử và nhiều khách du lịch tới thăm quan, lễ bái, nhất là vào ngày mồng 1 và ngày Rằm.


    Địa chỉ: xã Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang

    Chùa Phúc Quang
    Chùa Phúc Quang
    Chùa Phúc Quang
    Chùa Phúc Quang
  5. Chùa có tên là “Đoan Minh Tự”. Năm tạo dựng chùa hiện chưa xác định được chính xác. Căn cứ văn khắc trên hiện vật bài trí trong chùa cho thấy: Năm Giáp Thân (1584) mua rồng đá; năm Canh Thân (1610) chùa được tu sửa lại. Như vậy, chùa Thổ Hà được xây dựng từ rất sớm.


    Chùa Thổ Hà hiện nay không còn kiến trúc nguyên vẹn như ngày đầu khởi tạo. Gác chuông chùa tiêu thổ kháng chiến năm 1946. Kiến trúc chùa hiện nay xây dựng theo bình đồ nội công ngoại quốc quy mô lớn, bao gồm: Tòa tiền đường 5 gian, 2 chái; thượng điện 5 gian; tòa mặt động 5 gian, 2 chái; hai dãy hành lang mỗi dãy 10 gian; nhà tổ 6 gian, 2 chái xây phía sau tòa tam bảo (cách tòa tam bảo một khoảng sân gạch). Trong tam bảo chùa bài trí hệ thống tượng Phật, hoành phi, câu đối tương đối hoàn chỉnh, được sơn thếp lộng lẫy.


    Từ tòa tam bảo theo hai dãy hành lang dẫn tới động tiên, đây là một công trình kiến trúc hiếm có. Động tiên ghi lại đầy đủ hình ảnh Thích Ca từ lúc mới sinh ra, trưởng thành và khi rời bỏ kinh thành vào động tu hành đắc đạo. Cùng với hệ thống tượng Phật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, chùa Thổ Hà còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Bia đá tạo năm Thịnh Đức nguyên niên (1653), sấu đá thế kỷ XVII, rồng đá niên đại năm Đại Chính thứ 5 (1534). Chùa Thổ Hà được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994.


    Địa chỉ: Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang

    Chùa Thổ Hà
    Chùa Thổ Hà
    Chùa Thổ Hà
    Chùa Thổ Hà
  6. Chùa Kim Tràng có tên chữ là Chân Linh Ứng tự, Linh Ứng tự. Di tích thuộc xã Việt Lập, huyện Tân Yên. Theo nguồn tài liệu hiện còn lưu giữ ở chùa cho biết, chùa Kim Tràng được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII) và được tu sửa vào thời Nguyễn với quy mô khá lớn. Vì vậy, trong dân gian còn lưu truyền câu ca:


    “Thứ nhất là chùa Đức La

    Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”


    Chùa Kim Tràng hiện nay có bình đồ kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc, quy mô đồ sộ gồm các hạng mục như Tam bảo, hai dãy Hành lang, phía sau là Nhà tổ và Nhà khách. Ngoài vườn là các tháp mộ đặt xá lỵ các sư tổ của chùa từ khi xây dựng đến nay. Tam bảo gồm 5 gian tòa Tiền đường và tòa Thượng điện 3 gian. Hai dãy Hành lang mỗi dãy 6 gian. Phía sau là Nhà tổ 5 gian và Nhà khách 5 gian. Tất cả các hạng mục công trình đều được dựng bằng các vật liệu truyền thống. Trên các kết cấu gỗ như con chồng, cốn và trụ kẻ, hoành đều trang trí bằng cách chạm lộng những hoạt cảnh sinh động như hình rồng, lân, quy đang quấn quýt bên nhau. Đặc biệt, ở Nhà tổ nay vẫn còn bảo lưu khá nguyên vẹn kiến trúc cổ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), đó là các mảng chạm khắc đề tài vân mây, hình lân, hình trái đào tiên…


    Trải qua hơn 200 năm, chùa Kim Tràng hiện nay còn bảo lưu được hệ thống tượng thờ bằng chất liệu gỗ và đất. Phía sau Nhà tổ có đặt tượng thờ các sư tổ của chùa từ khi khởi dựng chùa gồm 7 pho tượng. Ở khu vườn là 8 tháp mộ của các vị sư tổ của chùa. Ngoài ra, chùa Kim Tràng còn bảo lưu được các hiện vật khác có giá trị như chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1880), bát hương,…


    Hằng năm, hội lệ chùa được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Đây cũng là ngày giỗ tổ khai sơn ở chùa Kim Tràng nên chùa mở hội, trong ngày hội có tổ chức các trò chơi truyền thống như: Vật, cướp cầu, chơi đu,… Năm 1991, chùa Kim Tràng được Bộ Văn hóa-Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật (Quyết định số 154-QĐ ngày 25 tháng 01 năm 1991).


    Địa chỉ: thôn Kim Tràng, xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang

    Chùa Kim Tràng
    Chùa Kim Tràng
    Chùa Kim Tràng
    Chùa Kim Tràng
  7. Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử hướng lên chùa Đồng có tổng diện tích rộng lớn lên đến 13.022,7 ha rừng và đất rừng. Các phân khu được chia đều để xây dựng những địa điểm đẹp mắt, với khu rừng bao quanh khu di tích gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (6.022,5 ha), phân khu phục hồi sinh thái và phân khu sử dụng cho hoạt động hành chính dịch vụ (7.000,2 ha).


    Du khách sẽ di chuyển đến các địa điểm thuộc các cụm chùa độc lập nằm trên đỉnh Tây Yên Tử như: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng,… Các chùa này đều được xây dựng từ lâu đời với kiến trúc chấm phá độc đáo, mang lại vẻ đẹp tâm linh vô cùng ấn tượng. Trong đó tâm điểm là khu vực chùa Hạ có vị trí đẹp, thường xuyên diễn ra các lễ hội tôn giáo kết hợp với nhà hàng, quảng trường, khách sạn, cáp treo, khu nghỉ dưỡng,…


    Khu vực chùa Trung được xây dựng giữa núi Yên Tử có nhiều đài vọng cảnh, cáp treo, lối đi bộ lên chùa Thượng, nhà hàng, trung tâm mua sắm. Chùa Thượng nằm ở trên cao là đích đến của quá trình leo núi giúp vãn cảnh cực đẹp. Di tích trọng yếu của Tây Yên Tử là chùa Am Vãi được xây dựng trên độ cao 700m với nhiều công trình như giếng Cổ, dấu chân Phật, hang Gạo, hang Tiền, bàn Cờ Tiên… Tổng diện tích của chùa lên tới 1065ha.


    Địa chỉ: Sơn Động, Bắc Giang

    Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử
    Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử
    Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử
    Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử
  8. Vùng đất Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nổi tiếng với Dải Nham Biền, theo quan niệm dân gian Dải Nham Biền nhìn tượng trưng như hai con ngựa đứng bên nhau… từ xa trông về thấy khoảng cách giữa hai con ngựa hình thành lên một thung lũng nhỏ gọi là ải Nham Sơn mà phía trong khe núi, đầu ải Nham Sơn dãy núi Nham Biền có ngôi chùa cổ, tên chữ là Sùng Nham Tự, tên Nôm là chùa Kem.


    Chùa Kem (hay còn gọi là Sùng Nham tự) là một ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi, nép mình bên dãy núi Nham Biền của xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Vẻ đẹp trang nghiêm của ngôi cổ tự này còn gắn liền với bao thăng trầm lịch sử, nhưng gần như chùa không được nhiều người biết đến bởi sự "ẩn mình" trong bảo tàng chứng tích văn hoá cũng như lánh xa trần thế trong cõi tu thanh khiết...


    Đầu thế kỷ XX, chùa Kem thuộc xã Hương Tảo, tổng Hương Tảo, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang (nay thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Ngôi chùa cách trung tâm thành phố Bắc Giang chừng 12 km về phía Nam. Chùa Kem được xây dựng ở địa thế rất đẹp, ba mặt có núi chở che ôm ấp tựa như cánh sen ôm lấy đài sen, kề bên có dòng suối nhỏ quanh co uốn khúc, phía trước xa xa là dòng sông Cầu xanh mát chảy qua. Tất cả tạo nên một cảnh sắc sơn thủy hữu tình.

    Chùa Kem được khởi dựng vào năm Đinh Hợi (ước định là một trong các năm 1527, 1587, 1647). Vị sư Tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế vốn theo dòng Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử do Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông sáng lập. Đến đời vua Lê Hy Tông, nên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1682), bà Nguyễn Thị Đế, hiệu Diệu Nghiêm công dức tu bổ tòa Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Ngày 14 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), khởi công xây tháp Thanh Phong ở núi Đẩu Sơn; dựng một tòa nhà cho sư Từ Hải soạn Kinh, một dãy ký túc xá đủ chỗ cho hàng trăm tăng, ni, phật tử hằng năm về an cư kết hạ, tụng kinh niệm Phật. Năm Thành Thái thứ 18 (1906), sư trụ trì hiệu là Đàm Tích cùng các phật từ hưng công trùng tu tòa Tiền đường và Thượng điện.


    Chùa Kem hiện nay được tạo bởi năm hạng mục công trình chính: Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Tổ, Vườn Tháp và Nhà Mẫu. Các hạng mục công trình được tạo dựng theo lối kiến trúc cổ, đan xen phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng (Thế kỷ thứ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX- XX).

    Cùng Song tồn với kiến trúc cổ chùa Kem hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Hệ thống tượng thờ, đồ thờ, di sản Hán Nôm (hoành phi, câu đối, bia đá…) có giá trị nghiên cứu lịch sử- văn hóa và mỹ thuật truyền thống dân tộc. Ngoài giá trị về kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, chùa Kem còn là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1884, Nguyễn Cao, (tên đầy đủ là Nguyễn Thế Cao, hiệu Trác Hiên, người làng Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) cùng nghĩa quân đã về đây xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp. Đặc biệt trong giai đoạn 1906- 1908, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân trong khu vực chùa. Ông đã cho đắp lũy, làm nhà, tổ chức huấn luyện quân binh, xây dựng nơi đây thành căn cứ địa chống thực dân Pháp. Ngày nay, dấu tích đó vẫn còn như: Tường lũy, nền Nhà Quan, Giếng Quan, Cột cờ, Trạm Gác… Năm 1950, tại chùa Kem diễn ra cuộc họp Đại biểu quân sự liên xã Quang Trung- Yên Lư bàn kế hoạch chống càn. Năm 1951- 1952, chùa là địa điểm sơ cứu, nuôi dưỡng thương bệnh binh. Lễ hội chùa Kem được tổ chức vào ngày 21 tháng 8 âm lịch hàng năm.

    Với những giá trị lịch sử- văn hóa tiêu biểu, chùa Kem là một trong 23 điểm di tích và cụm di tích thuộc Di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 (Quyết định số 548/ QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính Phủ).


    Địa chỉ: Nham Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang

    Chùa Kem Bắc Giang
    Chùa Kem Bắc Giang
    Chùa Kem Bắc Giang
    Chùa Kem Bắc Giang
  9. Chùa Khám Lạng thuộc thôn Bến, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Di tích nằm cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 20km về phía Đông Bắc.


    Chùa Khám Lạng được xây dựng từ thời Lý-Trần và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn lịch sử. Ngôi chùa nằm trong hệ thống các di tích cổ bên sườn Tây Yên Tử thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thế kỷ XIII. Tương truyền, chùa Khám Lạng xưa kia được xây dựng có quy mô bề thế. Dấu ấn còn lại minh chứng là hệ thống các cổ vật có niên đại thời Lê sơ đến thời Nguyễn như: Hương án đá, bệ tượng đá hình hoa sen, tượng Phật,... Hiện nay, công trình tôn giáo này gồm các hạng mục: Tam bảo, nhà tổ, nhà bếp, vườn tháp và khu vườn chùa bao quanh. Tam bảo gồm tòa tiền đường 5 gian và tòa thượng điện 3 gian tạo bình đồ kiến trúc hình chữ Đinh. Tòa tam bảo nay đã được tu bổ khang trang, tố hảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo của nhân dân địa phương.


    Hiện vật có giá trị tiêu biểu nổi bật tại chùa Khám Lạng là chiếc Hương án đá được tạo tác vào năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 (1432). Đây là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ thể hiện nghệ thuật chạm khắc trên đá độc đáo của các nghệ nhân dân gian. Hương án được tạo từ nhiều khối đá xanh ghép lại thành một khối lớn hình chữ nhật có kích thước dài 3.12m, rộng 1.4m, cao 1.2m và chia ra thành ba phần chính: mặt hương án, thân hương án, chân đế hương án. Với giá trị lịch sử văn hóa, giá trị mỹ thuật tiêu biểu nổi bật và tính độc đáo quý hiếm, hương án đá chùa Khám Lạng đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015 (Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015).


    Ngoài ra, trong chùa còn bảo lưu được một số đồ thờ, tượng Phật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật: Bệ tượng đá hoa sen niên đại Hồng Đức thứ 15 (1494), bia đá có niên hiệu Minh Mệnh thứ 11 (1830), hệ thống tượng cổ được tạo tác bằng chất liệu gỗ gồm hơn 20 pho, chuông đồng,… Hằng năm, hội lệ chùa Khám Lạng được tổ chức vào ngày 6, 7 tháng 3 âm lịch. Trong ngày hội lệ chùa, các du khách thập phương về đây lễ Phật, vãng cảnh chùa, tham gia các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc quê hương như chơi đu, chọi gà, đấu vật,… Năm 1999, chùa Khám Lạng được xếp hạng Di tích nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-BVHTT, ngày 02/8/1999 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).


    Địa chỉ: xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, Bắc Giang

    Chùa Khám Lạng
    Chùa Khám Lạng
    Chùa Khám Lạng
    Chùa Khám Lạng
  10. Chùa Vẽ tự là Huyền Khuê, xưa thuộc xã Nam Xương, tổng Thọ Xương, huyện Lạng Giang, nay thuộc phường Thọ Xương, TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Chùa Vẽ đã có hàng trăm năm, toạ lạc ở trung tâm làng Vẽ.


    Để tưởng nhớ công ơn của người dân hai làng nơi cánh đồng năm xưa đã giúp nghĩa quân vẽ thành giả chiến thắng giặc Minh, sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã đặt tên nơi vẽ thành cót là “làng Thành” và nơi cung cấp nhân công vẽ thành là “làng Vẽ” rồi cho dựng một ngôi chùa tại đây.


    Chùa Vẽ có kiến trúc kiểu “Nội công, ngoại quốc”, hệ thống thờ tự thuộc dòng Lâm tế Bắc tông, tượng phật điện ở đây bài trí hết sức tỉ mỉ, điêu khắc tinh xảo, trải qua gần 300 năm vẫn giữ nguyên được mầu sơn son thiếp vàng lộng lẫy.


    Hai bên hành lang của ngôi chùa có 18 pho tượng là các vị La Hán được làm rất tinh xảo trông như người thật. Phía sau chùa là vườn tháp nơi yên nghỉ của các nhà sư quá cố. Xét về mặt giá trị nghệ thuật của ngôi chùa, năm 1994, chùa Vẽ đã được Nhà nước công nhận là di tích nghệ thuật cấp quốc gia.


    Địa chỉ: xã Nam Xương, tổng Thọ Xương, huyện Lạng Giang, Bắc Giang

    Chùa Vẽ Bắc Giang
    Chùa Vẽ Bắc Giang
    Chùa Vẽ Bắc Giang
    Chùa Vẽ Bắc Giang



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy