Top 10 Ngôi chùa nổi tiếng nhất Hà Nội

Nguyễn Thắm 1357 0 Báo lỗi

Ở Hà Nội, có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, không chỉ vãn cảnh mà quanh năm du khách đến đây nườm nượp những mong cầu bình an cho gia đình, cuộc sống thịnh ... xem thêm...

  1. Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh hay còn gọi là Mẫu Liễu Hạnh, được biết đến như một trong những ngôi đền linh thiêng nổi tiếng ở Hà Nội để cầu tài, cầu lộc dịp đầu xuân, năm mới. Đầu năm từ ngày mùng 1, người dân và khách thập phương đã đổ về để cầu may mắn trong những ngày đầu năm mới. Ngoài ra, Phủ Tây Hồ còn sở hữu vị trí cũng như có nhiều hàng quán bán xuyên Tết nên sau khi lễ xong mọi người có thể ghé qua thưởng thức những món ngon như bánh tôm, bún ốc... Từ bên ngoài nhìn vào, du khách sẽ ấn tượng với cánh cổng tam quan đồ sộ, nguy nga, được chạm trổ tinh xảo với ba lối vào. Kiến trúc chính của phủ gồm 3 nếp Tam tòa thánh mẫu, trong đó Phủ chính có quy mô lớn nhất. Ngoài ra, còn có Điện Sơn Trang, lầu Cô, lầu Cậu, phương đình, tiền tế, hậu cung... Ở phủ nổi bật nhất là bức đại tự khắc dòng chữ “Thiên tiên trắc giáng” và bức hoành phi ở cửa cung đề: “Mẫu nghi thiên hạ” đã tỏ bày rõ tấm lòng chân thành và kính trọng đối với công chúa Liễu Hạnh của Phùng Khắc Khoan và nhân dân nơi đây.


    Bước vào phủ, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi phủ chính rộng lớn, được xây dựng tỉ mỉ công phu, vô cùng tráng lệ. Mặt trước phủ chính là cửa tam quan 2 tầng, trên mái có đề dòng chữ sắc nét “Tây Hồ hiển tích”. Phần thờ ở phủ cũng được chia làm ba lớp tương ứng với 3 nếp của tam quan. Lớp thứ nhất thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh và Hội đồng các quan. Lớp thứ hai thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu. Cuối cùng lớp thứ ba thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Cửa võng ở lớp thứ 3 đề đôi câu đối của bà chúa Liễu Hạnh và dòng chữ “Tây Hồ Phong Nguyệt”. Sâu trong phủ, nổi bật 3 pho tượng nữ thần. Mẫu thượng ngàn màu xanh tượng trưng cho rừng núi hùng vĩ, ngút ngàn, mẫu Thoải màu trắng tượng trưng cho dòng nước trong vắt, mát lành; mẫu Địa áo vàng tượng trưng cho đất đai màu mỡ. Sở dĩ phủ thờ ba vị thần để báo đáp công ơn của ba vị mẫu đã tạo nên cho chúng sinh muôn loài cội nguồn sống dồi dào, đủ đầy, ấm no. Đặc biệt, tượng mẫu ở cao nhất với nét mặt sáng ngời, rạng rỡ với đôi mắt tinh anh ban phước an lành và may mắn đến mọi nhà.

    Phủ Tây Hồ
    Phủ Tây Hồ
    Nhân dân đi lễ Phủ Tây Hồ mỗi dịp đầu năm
    Nhân dân đi lễ Phủ Tây Hồ mỗi dịp đầu năm

  2. Là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ là một phần không thể thiếu của hồn thiêng Hà Nội. Ngôi chùa tọa lạc tại số 73, phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 15. Vào thời vua Lê Thế Tông, nguyên xưa ở phường Cổ Vũ chưa có chùa nên nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Được biết sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ.


    Tam quan của chùa có ba tầng mái, nằm giữa là lầu chuông. Qua tam quan là một sân rộng lát gạch, lên 11 bậc là tới chánh điện cao, hình vuông, xung quanh có hành lang.Điện Phật gồm các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy được bày trí trang nghiêm. Ở phía trong cùng, ba vị Tam thế Phật được thờ trên bậc cao nhất. Gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình. Phía Đại Hùng Bảo Điện là nhà thờ Tổ, nơi thờ Lịch Đại Tổ Sư của Phật giáo Việt Nam.


    Vào sâu bên trong sân chùa là các dãy nhà dùng làm thư viện, giảng đường, nhà khách và tăng phòng. Điều đặc biệt, tên chùa cũng như nhiều câu đối trong chùa hầu hết đều được viết bằng chữ quốc ngữ phải chăng do vào khoảng giữa thế kỷ 20 chùa đã trở thành trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phân viện Nghiên cứu Phật học và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình cũng đặt ở đây.

    Chùa Quán Sứ
    Chùa Quán Sứ
    Chùa Quán Sứ
    Chùa Quán Sứ
  3. Chùa Trấn Quốc tọa lạc trên một bán đảo nhỏ phía đông bắc Hồ Tây, được xem là chốn cửa Phật linh thiêng nhất định phải đến viếng thăm dịp đầu năm của nhiều Phật tử đến hành lễ. Nhờ địa thế đẹp nên đến đây, các quý Phật tử, người dân ngoài việc thành tâm lễ Phật thì còn được tận hưởng chút cảm giác ngao du nước non với cảnh sắc của một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia giữa phố phường hiện đại. Chùa có vườn tháp cổ u tịch, có nhiều tượng Phật giá trị, đặc biệt là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn.


    Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu. Sau đó, trong khoảng thế kỉ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 - 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.


    Chùa thuộc hệ phái Bắc tông với kết cấu và kiến trúc theo nguyên tắc khắt khe của Phật Giáo gồm 3 ngôi chính: Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện nối với nhau thành hình chữ Công. Nhà Tiền đường có hướng về phía Tây, phía sau có nhà Tam bảo. Hai dãy hành lang nằm hai bên nhà thiêu hương và Thượng điện. Phía sau Thượng điện là gác chuông nằm trên trục sảnh đường chính với kiến trúc ba gian có mái chồng diêm. Nhà tổ nằm bên trái Thượng điện và bên trái là nhà bia hiện còn lưu giữ 14 tấm bia mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa.

    Chùa Trấn Quốc
    Chùa Trấn Quốc
    Chùa Trấn Quốc cổ kính bên mặt hồ yên bình
    Chùa Trấn Quốc cổ kính bên mặt hồ yên bình
  4. Đền Quán Thánh hay còn gọi là đền Trấn Vũ. Ngôi đền có vị trí đẹp, nằm đúng ngã tư giao giữa đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, nhìn sang Hồ Tây. Dịp đầu xuân hay mồng 1, ngày rằm hàng tháng, đền luôn tấp nập khách thập phương. Ngoài bức tượng đồng thờ thần Huyền Trân Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, nơi đây còn có quả chuông đồng trên gác tam quan với tiếng ngân đã đi vào lòng người dân Việt Nam qua câu thơ: "Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương".


    Ngay từ cổng đến, bạn sẽ bị ấn tượng bởi bốn cột trụ được trang trí với tượng hình phượng hoàng đấu lưng nhau và hai bên là các bức bình phong cổ. Xung quanh các cột trụ là cặp câu đối đỏ nổi bật. Bước vào bên trong, bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước không gian cổ kính của cổng tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế - trung tế - hậu cung theo phong cách kiến trúc kiểu Trung Quốc. Với những mảnh chạm khắc trên gỗ vô cùng độc đáo bên trong không gian hài hoà, kiến trúc trong đền có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cực kì cao.


    Nổi bật nhất trong đền Quán Thánh phải kể tới là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen với chiều cao gần 4m và nặng khoảng 4 tấn trên tảng đá cẩm thạch cao hơn 1m. Trong sự tích xưa, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần đã nhiều đánh đuổi ngoại xâm, giúp dân Thăng Long trừ tà ma yêu quái và trấn quản phương Bắc. Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền uy nghiêm nhưng hiền hậu, bình thản với đôi mắt nhìn thẳng. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo và phần nào khẳng định sự khéo léo và tài hoa trong kỹ thuật tạc tượng và đúc đồng của các nghệ nhân Việt Nam cách đây 3 thế kỷ.

    Đền Quán Thánh
    Đền Quán Thánh
    Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo
    Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo
  5. Chùa Hà là một ngôi chùa cổ, được xây dựng bởi tiền công đức từ thời vua Lý Nhân Tông (1054 - 1072). Chùa có tên tự là Thánh Đức Tự. Chùa Hà cùng với Đình Bối Hà kết lại tạo thành một cụm di tích có tên gọi là Đình - chùa Hà. Nơi đây nổi tiếng linh ứng khi cầu xin tình duyên. Chùa Hà Hà Nội được chia thành từng khu riêng biệt và có các ban thờ Phật, thờ Thánh Mẫu riêng. Hiện nay chùa Hà đang thờ rất nhiều vị thần phật như Đức Ông, Đức Thánh Hiền cùng các vị Phật và tam tòa Thánh Mẫu. Người ta tin rằng các vị thần này sẽ mang đến bình an, thuận lợi và tình duyên trọn vẹn nếu thành tâm khấn bái.


    Đã có rất nhiều câu chuyện kể lại về chuyện cầu tình duyên của những đôi nam nữ tại chùa Hà đã được toại nguyện, cả hai đều bên nhau hạnh phúc tới già. Thậm chí, có những người sau khi đi lễ chùa Hà Hà Nội khoảng 1 tháng về là có người yêu. Cũng có người kể rằng sau khi đi chùa Hà làm lễ cầu duyên thì nửa năm sau đã lấy được người như ý. Hay có những người sau khi chia tay người cũ vẫn còn vương vấn muốn quay về bên nhau sau khi cầu xin tại chùa Hà đã quay lại kết tóc se duyên nên vợ thành chồng. Hoặc nếu chưa gặp được người như ý thì sau khi làm lễ tại chùa cũng có thể vơi bớt đi muộn phiền và nỗi khổ vì “tình”. Những câu chuyện ấy được lan truyền từ người này đến người kia, từ nơi này qua nơi khác nên ngày càng có nhiều người tìm đến chùa Hà để cầu xin tình duyên.

    Chùa Hà
    Chùa Hà
    Chùa Hà nép mình dưới những gốc cây xanh mát
    Chùa Hà nép mình dưới những gốc cây xanh mát
  6. Chùa Phúc Khánh còn có tên là chùa Sở, tọa lạc tại số 382 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1988. Kiến trúc cổ kính, thanh tịnh của chùa cộng với sự nổi tiếng về dâng sao giải hạn đầu năm, mỗi năm có hàng trăm, hàng ngàn du khách, Phật tử ở khắp nơi đến lễ và cầu an ở đây. Đặc biệt, vào mỗi dịp chùa làm lễ giải hạn, người dân đông đến mức phải ngồi ngoài đường lễ từ xa.


    Chùa Phúc Khánh gồm công trình kiến trúc thờ Phật kiểu truyền thống và cũng giống như các ngôi chùa ở Bắc Bộ, chùa Phúc Khánh có thêm ban thờ Mẫu. Chùa Phúc Khánh thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tuy nằm trong khu dân cư đông đúc, chật hẹp nhưng chùa Phúc Khánh được đông đảo bà con và các phật tử tìm đến chiêm bái, cầu an. Chùa gồm công trình kiến trúc thờ Phật kiểu truyền thống: Tam quan mở 3 cửa vòm giữa là cửa lớn, hai bên nhỏ hơn. Trụ đắp hình con sấu quay đầu vào nhau. Sau Tam quan là sân chùa.


    Phật điện gồm Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường có 5 gian, chính giữa bờ nóc có đắp nổi hình cuốn thư 3 chữ Hán “Hoành Kim Điện” (Điện rồng vàng). Các vì kèo và kẻ đều được chạm trổ công phu đề tài là cúc điệp, tùng hạc, liên áp… Hậu cung gồm 3 gian làm khá đơn giản. Điện Mẫu, nhà Tổ cũng có kết cấu vì kèo quá gian. Nhà khách và nhà trai làm kiểu đầu hồi bít ốc. Bài trí thờ tự trong chùa được bố trí từ ngoài vào trong, ở Tiền đường có 2 bệ thờ tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác, 2 bệ thờ Đức ông và Giám trai. Tại Hậu cung đặt tượng Cửu Long, hai bên là tượng Phạm Thiên và Đế Thích, lớp tượng Quan Âm, tượng Phật Niêm Hoa, A Di Đà Tam tôn (A Di Đà, Quan Âm, Đại Thế Chí), Tam thế.

    Chùa Phúc Khánh
    Chùa Phúc Khánh
    Chùa Phúc Khánh, Hà Nội
    Chùa Phúc Khánh, Hà Nội
  7. Khu di tích Đình - Chùa - Bia Bà La Khê là di tích văn hóa ở làng La Khê, Phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Cụm di tích này bao gồm Đình La Khê và chùa Diên Khánh và Võ Quận Linh Từ (Nhà thờ Quận công Trần Chân) tại chùa Ngòi. Đình La Khê hay là Đình Bia Bà là ngôi đình được cho là xây dựng vào đầu thế kỷ 17 và được tu bổ lớn trong thế kỷ 18. Theo truyền thuyết, Đình thờ 2 vị thành hoàng là Hắc Diện Đại Vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa (gọi là nhị vị đại vương), được kể là đã giúp dân trừ ác và có nước để cày cấy, chăn nuôi và giúp vùng đất này trở nên trù phú.

    Khuôn viên của đình có diện tích 8000m2. Đình quay theo hướng Nam, chung quanh có tường bao và có giếng nước rộng trước cửa. Năm 1997 đã trùng tu nhà đại bái và năm 2002 tu sửa trung cung và hậu cung đình. Trong khu di tích đình Bia Bà có Bia Bà và Bia Thánh Sư, và trong đình còn lưu giữ được 28 sắc phong của các triều đại Quân chủ Việt Nam. Bia Bà thờ Bà Trần Thị Hiền - Hoàng phi đời Vua Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh). Bà sinh năm 1511 và mất ngày 16 tháng 11 năm 1538 (năm Mậu Tuất). Bà là người hiền đức có công với triều đình nhà Mạc và nhân dân địa phương. Trong đình có văn ghi bia bài điếu của vua Mạc Thái Tông năm 1539.

    Bia Thánh sư thờ 10 vị người Trung Hoa đời Minh sang dạy dân làm nghề lụa, đó là các ông: Lý Công, Trang Công, Trần Công... Đến đời nhà Nguyễn được sắc phong Dực Bảo Tôn Thần. Bia Bà và Bia Thánh Sư là hai di tích lịch sử văn hóa quý. Đình Bia Bà - La Khê được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1998.

    Bia Bà
    Bia Bà
    Đình Bia Bà - La Khê
    Đình Bia Bà - La Khê
  8. Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống pháp năm 1947, sau đó được phục dựng lại năm 1988 do Thượng Toạ Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hoà thượng Thích thanh Chân.


    Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến. Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù. Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông. Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Ở lối xuống hang có cổng lớn, trán cổng ghi 4 chữ Hương Tích động môn. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán (Nam thiên đệ nhất động) khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782). Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

    Đặc biệt, lễ hội chùa Hương kéo dài tới tháng ba bắt đầu khai hội từ ngày mồng 6 tháng Giêng. Nơi đây còn được mệnh danh là "lễ hội vui nhất trời Nam" bởi vì mỗi khi Hương Sơn vào hội nơi đây có khối lượng du khách xa gần từ khắp các nơi về dự lễ hội rất đông cộng với một không gian rộng lớn, thời gian tổ chức lễ hội kéo dài. Dù người đi đến tham quan chùa Hương vào bất cứ thời điểm nào cũng mang trong mình một cảm xúc an yên khó tả khi hành hương về cõi Phật. Ngoài việc thành tâm lễ Phật, du khách sẽ được thả mình vào cảnh trời mây non nước qua dòng suối Yến thơ mộng.

    Suối Yến chùa Hương
    Suối Yến chùa Hương
    Chùa Hương nhìn từ trên cao
    Chùa Hương nhìn từ trên cao
  9. Chùa Bà Đá là một ngôi chùa chưa được nhiều người biết đến do ngôi chùa nằm ở vị trí hơi khuất. Ngôi chùa nằm ở số 3, phố Nhà Thờ, Hà Nội gần Hồ Hoàn Kiếm. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1056 và còn có tên gọi khác là: Linh Quang Tự, Sùng Khánh Tự. Tuy chỉ là một ngôi chùa nhỏ nhưng nơi đây có cảnh quan rất đẹp với nhiều bức tượng gỗ. Hiện nay, chùa là trụ sở chính của Thành hội Phật Giáo Hà Nội. Ngôi chùa cũng có rất đông người dân ở Hà Nội về đây lễ chùa cầu bình an, may mắn.


    Được dựng trên nền tháp Báo Thiên nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa, chùa Bà Đá ngày nay là nơi đặt trụ sở của Thành hội Phật Giáo Hà Nội. Nằm giữa khu phố phồn hoa bậc nhất Hà Thành, chùa Bà Đá tên chữ là Linh Quang tự lọt thỏm trong ngỏ hẻm thông ra phố Nhà thờ. Tuy nhiên, du khách trong và ngoài nước khi đến đây đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng của chùa. Tiền đường xây theo kiểu chữ nhất, trung đường xây theo kiểu chữ đinh, được nối liền với nhau, tạo nên một khối kiến trúc vuông vắn với không gian thoáng đẹp. Bên trong chùa có đặt rất nhiều pho tượng cổ rất đẹp và quý.


    Kiến trúc độc đáo nhất của ngôi chùa này chính là mái hiên thấp được đỡ bằng bốn chiếc cột đá có kích thước khiêm nhường, tương xứng. Trên cột có các họa tiết chạm khắc rất tinh xảo và mềm mại, miêu tả cảnh bốn mùa và tứ quý.

    Chùa Bà Đá
    Chùa Bà Đá
    Các pho tượng quý trong chùa Bà Đá
    Các pho tượng quý trong chùa Bà Đá
  10. Chùa Kim Liên tọa lạc tại Quảng An, Tây Hồ. Ngôi chùa hàng trăm năm tuổi này có kiến trúc gỗ chạm khắc độc đáo, toát lên vẻ uy nghiêm và nổi tiếng linh thiêng. Chùa có diện tích rộng, không gian yên tĩnh, trong lành rất thích hợp để tĩnh tâm. Các ngày lễ Tết, mồng 1, rằm hàng tháng rất đông người dân, Phật tử về hành lễ cầu bình an và may mắn.


    Từ xa nhìn lại tam quan của chùa Kim Liên toát lên một vẻ đẹp thầm kín và kiêu hãnh với kiến trúc gỗ độc đáo: Một hàng bốn cột gỗ tròn, bên trên có hệ con sơn đua rộng ra phía tầng dưới, thu hẹp dần ở tầng tên đỡ bộ vì mái với những tàu đao vút cong. Đôi cột cái ở giữa to cao nâng dải mái vươn lên tạo thành cổng lớn, cao rộng hơn hai cổng hai bên. Kiến trúc tam quan của chùa còn có những bức chạm nổi trên mặt gỗ với hình rồng, hình hoa lá tinh xảo, uyển chuyển.

    Phong cách kiến trúc của chùa Kim Liên, có lẽ do ảnh hưởng từ nguồn cội là một vị trí cung điện và thờ một tôn thất nhà Lý, nên đượm dáng vẻ cung đình. Bố cục của chùa bao gồm một trục đối xứng từ tam quan đến nhà Tổ. Từ tam quan đi vào một khoảng sân dẫn vào ba nếp chùa xếp song song theo hình chữ "tam", thứ tự từ chùa Hạ, chùa Trung quay mặt về hướng Tây đến chùa Thượng quay mặt về phía Đông. Ba lớp chùa được liên kết với nhau bằng tường gạch để trần có trổ cửa sổ tròn lồng chữ nhà Phật.

    Cổng chùa Kim Liên
    Cổng chùa Kim Liên
    Chùa Kim Liên
    Chùa Kim Liên



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy