Top 10 Ngôi chùa linh thiêng gần Hà Nội để du xuân đầu năm

Thùy Linh 3445 0 Báo lỗi

Trải dài trên vùng đất hào hùng của miền Bắc Việt Nam, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là nơi hội tụ của những di tích lịch sử và tâm ... xem thêm...

  1. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử hiện nay nằm trên núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, Thành phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh. Thiền viện còn gọi là chùa Lân, được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi để tu hành. Trần Nhân Tông kế vị vua Trần Thánh Tông lên ngôi năm 1278, ngay sau đó ông phải đối với sự hung hãn của quân phương Bắc do Hốt Tất Liệt thống lĩnh tấn công xâm lược Đại Việt. Dưới sự chỉ đạo của hai vị vua Trần và sự cầm quân tài ba của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, quân Nguyên - Mông đã bị đẩy lui. Đến năm 1287, quân Nguyên - Mông quay lại xâm lược lại một lần nữa hai vua Trần cùng Trần Quốc Tuấn tiếp tục lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại một trong những đội quân mạnh nhất thế giới nhất bấy giờ. Sau khi dẹp giặc, an dân vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho Thái tử Trần Thuyên, lên làm Thái Thượng Hoàng và bắt đầu đi tìm con đường chính đạo tu hành. Ông chính là vị tổ sáng tạo và xây dựng lên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử linh thiêng mang đậm chất văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của người Việt.


    Hiện nay, quần thể khu di tích thắng cảnh Trúc Lâm Yên Tử là một địa điểm tâm linh lớn nổi tiếng trong cả nước. Hằng năm đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, lễ phật, tìm về cõi linh thiêng thư thái. Đỉnh thiêng Yên Tử nằm trên độ cao khoảng 1068 m so với mực nước biển. Để lên tới đỉnh chùa bạn phải vượt qua hơn 6000 bậc đá, băng qua cánh rừng trúc, rừng thông cao ngút ngàn. Ngày nay phục vụ cho du lịch vãn cảnh ban quản lý đã đầu từ cho vận hành hai hệ thống cáp treo giúp đi lại nhanh và thuận tiện hơn. Nhìn chung kiến trúc các ngôi chùa ở Trúc Lâm Yên Tử được xem là chuẩn mực của kiến trúc phật giáo được dựng lại y nguyên theo mô phỏng ban đầu. Cổng Tam quan hai tầng tám mái cân xứng đứng uy nghi phía trên cao, bước lên các bậc đá qua cổng tam quan bán sẽ tiến vào sân chính, sân lát gạch đỏ. Mái chùa được lợp ngói vẩy uốn cong hình đầu đao hướng thẳng lên trời.


    Địa chỉ: Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh

    Quần thể di tích Yên Tử
    Quần thể di tích Yên Tử
    Thiền viện Trúc lâm Yên tử
    Thiền viện Trúc lâm Yên tử

  2. Top o

    Chùa Hương

    Nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, đặc biệt là những dịp đầu Xuân năm mới, lễ chùa du xuân luôn là một hoạt động được ưa chuộng và một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Hành trình đến với chùa Hương không chỉ là hành trình về đất Phật, mà còn là dịp để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên trù phú. Khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch là thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương, đỉnh cao là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Vào dịp này bạn sẽ có cơ hội tham dự và hòa mình vào không khí tưng bừng cùng những hoạt động sinh hoạt văn hóa của lễ hội. Chùa Hương là một quần thể kiến trúc với nhiều đền, chùa, đình, điện.


    Bến Đục - Đền Trình - Chùa Thiên Trù - Động Hương Tích - Chùa Giải Oan là một trong những tuyến tham quan được nhiều du khách lựa chọn nhất. Với lịch trình này bạn có thể đi được hết những ngôi chùa chính và linh thiêng tại Chùa Hương. Bến Đục là địa điểm đầu tiên sau khi đi xe máy, ô tô bạn sẽ đi qua suối Yến để tới được đền, chùa trong khu di tích Hương Sơn. Đền Trình là ngôi đền đầu tiên bạn đến sau khi xuống đò. Đúng như tên gọi Đền Trình, khi tới Chùa Hương lễ phật bạn sẽ phải làm lễ tại Đền Trình để trình diện với các vị thần. Với lịch trình này thì ngoài các địa điểm chính kể trên thì nếu có thời gian bạn có thể đi thêm các chùa khác như chùa Hinh Bồng, động Đại Binh, chùa Tiên Sơn, đền Trấn Song cũng rất thuận tiện nhé!


    Địa chỉ: Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội

    Chùa Hương nằm trong danh sách những ngôi chùa gần Hà Nội nổi tiếng nhất
    Chùa Hương nằm trong danh sách những ngôi chùa gần Hà Nội nổi tiếng nhất
    Để vào Chùa Hương bạn sẽ phải đi thuyền qua suối Yến
    Để vào Chùa Hương bạn sẽ phải đi thuyền qua suối Yến
  3. Top o

    Chùa Phật Tích

    Chùa Phật Tích thuộc xã Phật Tích, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ân Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Trên cơ sở đó hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của đất nước (trung tâm Dâu - Luy Lâu). Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, làng đổi tên là Phật Tích và dời cả lên trên sườn núi. Bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh ngồi trên tòa sen cao 1,87 m, một tác phẩm điêu khắc đặc sắc của nền mỹ thuật nước nhà nói chung và nghệ thuật tạc tượng nói riêng. Đây là điểm nhấn độc đáo mà ai cũng nhớ đến khi nói về chùa Phật Tích.


    Hiện nay, chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị tam thế, 8 gian nhà Tổ và 7 gian nhà thờ Mẫu. Chùa Phật Tích Bắc Ninh có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi có kè bằng đá tảng dựng đứng như bức tường dài 58m, cao từ 3 - 5m, ở khoảng giữa tường là lối đi bằng đá rộng 5m có 80 bậc. Lễ hội Khán hoa mẫu đơn là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh, tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm theo ngôi chùa Phật Tích cùng với câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp tiên. Lễ hội chùa Phật Tích thường được tổ chức trong ba ngày, từ mồng 3 đến mồng 5 Tết âm lịch hàng năm, trong đó ngày chính hội là mồng 4. Từ ngày khai hội (mồng 3 tết), rất đông du khách đã kéo về chùa Phật Tích để lễ Phật, cầu bình an. Hàng vạn người có mặt tại đây đã khiến các lối lên chùa, tháp chuông, Đại phật tượng A di đà chật cứng.


    Địa chỉ: Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh

    Tượng phật A di đà cao 1,87m
    Tượng phật A di đà cao 1,87m
    Người dân đổ về lễ chùa đầu năm
    Người dân đổ về lễ chùa đầu năm
  4. Top o

    Chùa Tam Chúc

    Chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất nhất thế giới ngày nay được xây dựng trên nền ngôi chùa Tam Chúc cổ tự với niên đại hơn 1000 năm. Đây là ngôi chùa vô cùng đặc biệt, với cảnh quan mặt hướng hồ lưng tựa núi (Tiền Lục Nhạc - Hậu Thất Tình). Dù được rất nhiều thợ thủ công lành nghề của cả Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo thi công những vẫn mang đậm dấu ấn của phong cách chùa cổ Việt Nam. Chùa Tam Chúc hợp với chùa Bái Đính - Ninh Bình và chùa Hương tạo nên tam giác “trục du lịch tâm linh” lớn nhất nước, thuận lợi về mặt địa lý giao thông đi lại, tiềm năng trong phát triển du lịch. Một trục đường kết nối thành 3 điểm sẽ được xây dựng khi đó khoảng cách từ chùa Hương đến chùa Tam Chúc chỉ khoảng 20km.


    Tương truyền rằng Chùa Tam Chúc gắn liền với truyền thuyết về “Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh”. Theo đó, trên dãy núi nằm ở hướng Tây Nam hướng về chùa Hương có 99 ngọn núi. Trong đó có 7 ngọn núi gần với làng Tam Chúc nhất, được dân làng gọi là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”. Trên 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao tỏa sáng như ánh hào quang. Người người thấy ánh hào quang đó kéo đến núi Thất Tinh đục đẽo, chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày hòng lấy đi 7 ngôi sao. Trong 7 ngôi sao có 4 ngôi sao bị đốt nhiều nên đã mờ dần, chỉ còn lại 3 ngôi sao còn sót lại. Vì thế ngôi chùa “Thất Tinh” sau này được đổi tên thành chùa “Ba Sao” (Chùa Tam Chúc ngày nay).


    Địa chỉ: Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam

    Chùa Tam Chúc – chùa cổ ở chốn bồng lai
    Chùa Tam Chúc – chùa cổ ở chốn bồng lai
    Chùa Tam Chúc
    Chùa Tam Chúc
  5. Top o

    Chùa Bái Đính

    Chùa Bái Đính là một địa điểm tham quan du xuân không thể bỏ qua của du khách gần xa. Nhưng bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng quần thể chùa này đang nắm giữ nhiều kỷ lục không chỉ của Việt Nam mà còn cả khu vực Châu Á. Quần thể chùa Bái Đính hiện tại có diện tích 539ha, bao gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ có lịch sử hình thành từ thời nhà Đinh và 80ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003, cùng nhiều hạng mục khác. Bao bọc xung quanh chùa là những vòng cung núi đá vôi cao lớn, kỳ vĩ, hoà hợp với cảnh chùa tạo thành một công trình đồ sộ, trang nghiêm. Với quy mô hiện tại của chùa Bái Đính, hiếm có một ngôi chùa nào khác ở Việt Nam có thể sánh được.


    Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên toà sen và niệm hoa sen ở Chánh điện trong điện thờ Pháp chủ của chùa đã được Trung tâm kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất cả châu lục. Tượng cao 10m, nặng 100 tấn bằng đồng nguyên chất dát vàng, đặt trên bệ cao 1,5m là một trong những biểu tượng của chùa Bái Đính. Tọa lạc ở phía Tây điện Tam Thế thuộc khu chùa Bái Đính mới, Bảo tháp Xá lợi bao gồm 13 tầng tháp với chu vi theo hình lục giác là 24m và chiều cao 99m - một con số tượng trưng cho sự vĩnh cửu, tốt lành và may mắn. Bảo tháp được thiết kế và xây dựng theo phong cách hoàn toàn thuần Việt với kiến trúc mang đậm dấu ấn Phật giáo thời nhà Lý. Tầng cao nhất của tháp là nơi bảo tồn và thờ Xá Lợi của Phật được cung nghênh từ Ấn Độ về.

    Địa chỉ: Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình

    Vẻ đẹp của chùa Bái Đính
    Vẻ đẹp của chùa Bái Đính
    Chùa Bái Đính - Ninh Bình
    Chùa Bái Đính - Ninh Bình
  6. Tây Thiên là một trong những vùng đất tâm linh nổi tiếng ở miền bắc, với hàng ngàn người tìm tới đây mỗi năm để hành hương bái Phật, cầu bình an, tài lộc cho bản thân cùng gia đình. Nằm trên sườn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng một giờ lái xe, Tây Thiên là một vùng sơn thuỷ hữu tình với hệ động thực vật phong phú và khí hậu quanh năm dịu mát. Chính vì thế nên bạn có thể du lịch Tây Thiên Tam Đảo vào bất kì thời điểm nào trong năm, mỗi mùa là một trải nghiệm không giống nhau. Nhưng du xuân đầu năm, bạn sẽ được trẩy hội để cầu tài, cầu lộc cho cả năm may mắn và tham gia nhiều hoạt động văn hoá độc đáo.


    Với diện tích khoảng 148ha, quần thể di tích Tây Thiên nằm trong một vùng đa dạng sinh học với gần 500 loài thực vật và 300 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Tại Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi, kiêu hãnh vươn mình và tỏa bóng xuống những lối đi quanh co trong rừng. Một ngày ở nơi đây, người ta có thể thưởng thức được dư vị của bốn mùa trong một năm: Gió xuân mơn man lúc bình minh, nắng hạ ấm áp vào buổi trưa, tiết thu dìu dịu khi chiều về và cái se lạnh của mùa đông khi bóng tối đổ xuống. Tây Thiên Tam Đảo không chỉ hấp dẫn bởi phong cảnh thiên nhiên nên thơ trữ tình, núi non trùng điệp thơ mộng mà còn là điểm tâm linh linh thiêng ở miền Bắc. Nếu bạn đang có dự định ghé thăm khu danh thắng đẹp nhất của tỉnh Vĩnh Phúc này thì không thể bỏ qua nơi này.


    Địa chỉ: Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc

    Cổng vào chùa Tây Thiên
    Cổng vào chùa Tây Thiên
    Đi lễ đền, dâng hương cầu may
    Đi lễ đền, dâng hương cầu may
  7. Top o

    Chùa Ba Vàng

    Chùa Ba Vàng tọa lạc ở núi Ba Vàng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Nằm ở độ cao 340m, với địa thế đẹp hai bên là Thanh Long, Bạch Hổ chầu phục, phía trước là sông, phía sau là núi hai bên là rừng thông, chùa Ba Vàng đã trở thành một mỹ cảnh làm say lòng biết bao du khách. Thời điểm lý tưởng nhất để du Xuân tới chùa Ba Vàng là vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, là ngày diễn ra khai hội vô cùng đông vui và nhiều hoạt động hấp dẫn. Ngoài ra nếu bạn muốn vãn cảnh và thích không gian yên bình thì bạn có thể ghé chùa Ba Vàng vào những ngày thường trong năm. Không quá xô bồ tấp nập, bạn có thể tự do khám phá quang cảnh quanh chùa mà không phải chen lấn xô đẩy như những ngày lễ tết.

    Chùa Ba Vàng được xây dựng cách đây hơn 300 năm, từ triều vua Lê Dụ Tông 1706. Trải qua hàng trăm năm ngôi chùa đã được tu sửa tôn tạo lại nhiều lần. Ngày nay, ngôi chùa đã được khoác lên mình một vẻ đẹp tráng lệ nguy nga, ẩn chứa nhiều điều chờ con người khám phá. Mang vẻ đẹp đặc trưng của những ngôi chùa Bắc Bộ, chùa Ba Vàng được chia thành ba gian bái đường, một gian hậu cung với các ban thờ Phật, thờ Mẫu và thờ Đức Ông. Không những thế chùa Ba Vàng nổi tiếng với chính điện lớn nhất Việt Nam. Trước khi bước chân vào trong chùa bạn sẽ bị bất ngờ với hệ thống tượng pháp được thiết kế vô cùng độc đáo và lạ mắt với chiều cao đều trên 2m. Trong số những bức tượng đó bạn sẽ bị ấn tượng nhất với tượng Phật A Di Đà được làm bằng gỗ lớn nhất miền Bắc.


    Địa chỉ: Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh

    Chùa Ba Vàng
    Chùa Ba Vàng
    Cùng đường Tam bảo tại chùa Ba Vàng
    Cùng đường Tam bảo tại chùa Ba Vàng
  8. Top o

    Chùa Dâu

    Chùa Dâu tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km. Chùa có nhiều tên gọi như Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. Nơi đây là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Chùa Dâu đã được dân gian vinh danh là "đệ nhất cổ tự trời Nam". Theo ghi chép trong sách sử và bia đá, đây là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ Ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống. Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 (khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân nên gọi là chùa Pháp Vân và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa.


    Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Tại vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: Chùa Dâu thờ Pháp Vân "mây pháp", chùa Đậu thờ Pháp Vũ , "mưa pháp", chùa Tướng thờ Pháp Lôi , "sấm pháp", chùa Dàn thờ Pháp Điện "chớp pháp" và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần. Chùa Dâu là trung tâm trong hệ thống các chùa thờ Phật và thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), một nét độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Chùa Dâu trở thành trung tâm của Thiền phái Tì ni đa lưu chi - Thiền phái đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Lễ hội chùa Dâu hàng năm vào ngày tám tháng tư âm lịch. Trong ngày này, lễ hội chùa Dâu được tổ chức rất long trọng và quy mô, tuyến hành hương về nơi đất Phật.


    Địa chỉ: Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh

    Chùa Dâu
    Chùa Dâu
    Chùa Dâu
    Chùa Dâu
  9. Top o

    Chùa Keo

    Chùa Keo có tên là “Thần Quang Tự”, tọa lạc trên bờ sông Thái Bình tại làng Keo nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Dân gian còn gọi ngôi chùa ở Thái Bình là Keo trên, phân biệt với chùa Keo dưới ở Nam Định, theo dòng chảy của con sông. Ngôi chùa Keo ngày nay được xây dựng từ thời vua Lê Trung Hưng năm 1632 theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc” đặc trưng của kiến trúc chùa Việt Nam (có nghĩa là kiến trúc bên trong theo hình chữ Công, bên ngoài theo hình chữ Quốc). Toàn bộ khuôn viên chùa rộng hơn 41.500m2, gồm 16 tòa kiến trúc với 116 gian xây dựng. Trong khuôn viên chùa có 3 hồ lớn gồm hồ giữa tam quan ngoại và tam quan nội và hai hồ phía sau dãy hành lang đông và tây.


    Từ mặt đê đi xuống là tam quan ngoại. Men theo hồ sen hai bên tả, hữu là hai cổng tò vò, giữa là tam quan nội. Qua tam quan là khu thờ Phật gồm chùa ông Hộ, tòa thiêu hương và điện Phật. Phía trong khu thờ Phật là khu thờ Thánh thờ Thiền sư Không Lộ, vị đại sư thời nhà Lý. Cuối cùng là gác chuông 3 tầng nguy nga bề thế. Hai dãy hành lang Đông và Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông gồm hơn hàng chục gian là nơi để Phật tử sắp lễ và du khách nghỉ chân. Chùa Keo Thái Bình được đánh giá là công trình có qui mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam, bên cạnh đó là nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh kiến trúc “Nội công, ngoại quốc” thì việc chùa được xây dựng quay mặt ra hướng nam với điểm đầu là Tam quan ngoại và điểm cuối Gác chuông nằm trên một trục bắc - nam được xem là đường “thần đạo” trong phong thủy kiến trúc.


    Địa chỉ: Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình

    Chùa Keo Thái Bình
    Chùa Keo Thái Bình
    Chùa Keo
    Chùa Keo
  10. Top o

    Chùa Duyên Ninh

    Chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Đinh - Tiền Lê, thế kỷ X. Chùa Duyên Ninh được dân gian lưu truyền là một trong những ngôi chùa “cầu Duyên” nổi tiếng ở Việt Nam. Chùa Duyên Ninh còn có tên gọi khác là chùa Thủ tọa lạc ở thành Nội của Kinh đô Hoa Lư xưa, nay là thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Chùa nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt khu di tích cố đô Hoa Lư cũng chính là vũng lõi của Quần thể Danh thắng Tràng An. Chùa Duyên Ninh cùng với chùa Am Tiên, chùa Kim Ngân, chùa Cổ Am, chùa Nhất Trụ là những chùa cổ được xây dựng thời Đinh - Tiền Lê nằm trong khuôn viên kinh thành Hoa Lư còn tồn tại đến ngày nay. Cũng như chùa Nhất Trụ, chùa Duyên Ninh là nơi thờ phật và các nhà sư thế kỷ X như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh.


    Tương truyền, Chùa Duyên Ninh là nơi các công chúa thời Đinh - Tiền Lê thường qua lại. Tại đây, công chúa Lê Thị Phất Ngân con gái vua Lê Đại Hành và tướng công Lý Công Uẩn đã hẹn ước nên duyên vợ chồng và hạ sinh hoàng tử Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông) vào năm 1000. Sau này khi Lý Thái Tông trở về đây dẹp loạn Khai Quốc Vương đã đổi tên chùa thành chùa Duyên Ninh. Cuối đời, Hoàng hậu Phất Ngân đã về đây tu hành và trông coi mộ phần thân phụ là Hoàng đế Lê Đại Hành. Cũng tại ngôi chùa này, Hoàng hậu đã tác hợp cho nhiều đôi lứa thành đôi và từ đó Duyên Ninh trở thành ngôi chùa cầu duyên ở Cố đô Hoa Lư. Cầu duyên được hiểu là cầu cho duyên phận, duyên tình, duyên số... được như ý. Chữ duyên bao hàm sự may mắn, có yếu tố khách quan bên cạnh sự nỗ lực của con người. Chính vì vậy mà người ta thường đến đây để cầu duyên và cầu tự nếu hiếm muộn đường con cái.


    Địa chỉ: Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình

    Chùa Duyên Ninh
    Chùa Duyên Ninh
    Chùa Duyên Ninh
    Chùa Duyên Ninh



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy