Top 9 Ngôi chùa linh thiêng và cổ kính nhất Cần Thơ

Nguyễn Thùy 5322 0 Báo lỗi

Là một trong những thành phố có nhiều chùa chiền ở miền Tây Nam Bộ của nước ta, Cần Thơ luôn là địa danh hành hương quen thuộc của các đoàn phật tử và còn là ... xem thêm...

  1. Chùa Ông là một ngôi chùa cổ có lịch sử hình thành hơn 100 năm thuộc địa phận phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đây là ngôi chùa được xây dựng năm 1894 và mất 2 năm để hoàn thành. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tâm linh của đại bộ phận người Hoa nên có chút hơi hướng của văn hóa Trung Hoa đặc sắc. Diện mạo chùa Ông nổi bật giữa khu phố, các mảng kiến trúc trang trí đa màu sắc thu hút mọi ánh nhìn. Khuôn viên ngôi chùa khép kín được xây theo hình chữ Quốc có tường bao quanh, ở giữa là sân giếng rộng đón ánh sáng tự nhiên. Chùa không có cổng tam quan mà chỉ có một lối vào duy nhất, phía trên treo một bức hoành phi và trang trí đèn lồng đỏ. Hai bên đắp tượng linh vật có hình dáng giống con Nghê. Mái chùa ngắn dốc thẳng không có những đường cong tinh tế như mái chùa Việt truyền thống, toàn bộ mái được lợp ngói âm dương, trên bờ nóc có đắp nhiều hình con vật trang trí như: Lưỡng long chầu mặt nguyệt, cá chép hóa rồng, chim muông.


    Có nhiều ý nghĩa nhân văn, các mảng khảm bằng gốm tráng men rất sinh động, các hình tượng linh vật mang ý nghĩa cầu thái bình an lành và thịnh vượng lâu dài. Các hình rồng, phượng, ông nhật bà nguyệt còn là biểu tượng cho sự may mắn, cát tường bền lâu. Từ tổng thể đến chi tiết chùa Ông còn là một khối kiến trúc theo thuyết âm dương thống nhất. Toàn bộ kết cấu được đỡ bằng bộ khung gỗ vững chắc, hàng cột chính, cột quân, cột hiên nâng đỡ mái chùa, phía dưới chân cột được kê bởi các tảng đá tròn được đẽo gọt gọn gàng theo hình khối. Phần lớn nguyên liệu dựng chùa được người Hoa vận chuyển từ Quảng Đông sang, nhiều đồ thờ cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Đến thăm chùa Ông bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều nét văn hóa tôn giáo của người Hoa, cũng như thấy được tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Hoa đi làm ăn xa quê hương. Các giá trị văn hóa tinh thần của ngôi chùa đã làm nên nét riêng biệt độc đáo không giống bất kỳ công trình tôn giáo nào ở Việt Nam. Chùa Ông cũng có ý nghĩa to lớn trong việc làm đã dạng phong phú thêm văn hóa tôn giáo người Việt, tạo ra môi trường giao thoa với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa.


    Địa chỉ: Số 32 đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ.

    Chùa Ông
    Chùa Ông
    Chùa Ông, Cần Thơ
    Chùa Ông, Cần Thơ

  2. Chùa Nam Nhã (Nam Nhã Phật Đường) trực thuộc Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo. Ngôi chùa không chỉ đẹp bởi lối kiến trúc, mà còn bởi lịch sử của chùa gắn liền với nhiều hoạt động yêu nước của một số sĩ phu và người dân Việt Nam. Chùa Nam Nhã đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1991. Chùa do Nguyễn Giác Nguyên xây năm 1895, tiền thân nơi đây là một tiệm thuốc bắc có tên Nam Nhã Đường, sau được xây dựng lại và đổi tên thành Chùa Nam Nhã, vừa là nơi thờ phụng tín ngưỡng, vừa là trụ sở chính của phong trào Đông Du (1907 - 1940) do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi tập hơn, nuôi dưỡng phong trào yêu nước và sản sinh ra những bậc sĩ phu văn thân có lòng yêu nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm. Trong những năm khó khăn gian khổ của cách mạng, Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ đã chọn nơi đây làm địa điểm liên lạc với các tổ chức cách mạng trong toàn miền.


    Chùa Nam Nhã theo tông phái Minh Sư nên còn được gọi chùa Minh Sư thờ Tam giáo: Phật Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chùa Nam Nhã hay Đạo Minh Sư trước đây cũng như các chùa thờ Phật ở Việt Nam chủ trương ăn chay niệm Phật, nhưng lại không cạo đầu, không có sư sãi, không mặc áo nâu sòng. Chùa tập trung dạy Phật tử tu tâm dưỡng tánh, sống giản dị, “thiểu dục, tri túc”, tự lực sản xuất để tồn tại và phát triển. Cho đến nay, nếu đến viếng chùa Nam Nhã ngay dịp một lễ cúng nào đó, du khách vẫn cảm nhận được lối sống giản dị đó. Cho dù tấp nập người ra, kẻ vào nhưng lúc nào cũng thấy một không khí tĩnh lặng. Chùa Nam Nhã nằm trong khuôn viên rộng rãi được bao quanh bởi một khu vườn lớn với các cây cổ thủ rợp bóng mát, trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy. Gồm các hạng mục chính: Chính điện, nhà Đông lang và Tây lang, xung quanh bao bọc bởi công viên bờ kè, cổng, hàng rào. Tổng thể kiến trúc các hạng mục xây dựng cân đối, vững chãi, không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.


    Địa chỉ: Số 612 Cách mạng Tháng Tám, Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ.

    Chánh điện, Chùa Nam Nhã
    Chánh điện, Chùa Nam Nhã
    Chùa Nam Nhã
    Chùa Nam Nhã
  3. Munir Ansay là ngôi chùa Khmer lớn và đẹp nhất thành phố. Tên gọi chính thức theo tiếng Khmer là Menivansyaoama có nghĩa là viên ngọc sáng. Chùa có lối kiến trúc theo Phật giáo tiểu thừa, được thiết kế và xây dựng rất công phu, tỉ mỉ mang đậm phong cách kiến trúc Khmer Nam Bộ. Hiện nay chùa Munir Ansay còn là trụ sở của Hội đoàn kết sư sãi thành phố Cần Thơ. Chùa Munir Ansay là điểm du lịch nổi tiếng của thành phố, chùa Munir Ansay trong các mùa lễ hội lớn luôn nhộn nhịp, tấp nập người chiêm bái và cả du khách háo hức tìm đến chung vui. Đến Munirensay, du khách sẽ được ngắm một ngôi chùa với lối kiến trúc đậm chất “Angkor” của người Campuchia, được xây dựng gồm nhiều hạng mục khác nhau. Các hạng mục chính bao gồm chính điện, các dãy nhà tăng, nhà bếp, hội trường tiếp khách, tháp để tro cốt người chết, tháp Xá Lợi và cổng chính được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ theo lối tín ngưỡng các vị thần của người Khmer.


    Từ bên ngoài nhìn vào, bên trái sẽ là dãy nhà cho sư sãi, bên phải là hội trường để tiếp khách, dùng cơm và chính giữa chùa là chánh điện 2 tầng, phía trước chánh điện là tháp để Xá Lợi Phật. Khi vừa đặt chân đến cổng chùa, du khách cảm thấy ngôi chùa nổi bật lên một màu vàng rực rỡ, tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Cổng chùa được xây theo kiểu hình tháp tam bảo, ba ngôi tháp nằm song song trên cổng đứng sừng sững giữa không trung, giúp du khách cảm nhận được sự tôn nghiêm nơi thờ tự. Ba ngọn tháp này cũng được sơn màu vàng rực rỡ. Đây là màu sắc truyền thống thường được trang trí trong các ngôi chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù tọa lạc tại trung tâm thành phố nhưng sân chùa khá thoáng đãng, không gian rộng rãi và yên bình. Từ cổng nhìn vào, du khách sẽ bắt gặp một tòa bảo tháp màu vàng lộng lẫy đứng sừng sững giữa sân như bức bình phong che chắn cho khu vực chính điện.


    Địa chỉ: Số 36 đường Hòa Bình, An Cư, Ninh Kiều, Cần Thơ.

    Chùa Munir Ansay
    Chùa Munir Ansay
    Chùa Munir Ansay
    Chùa Munir Ansay
  4. Chùa Hội Linh còn gọi là Hội Linh Cổ Tự, thuộc hệ phái Bắc tông, là chỗ dựa tâm linh quan trọng của người dân Cần Thơ. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. Ngôi chùa cổ sở hữu hơn 100 pho tượng lớn nhỏ được tạo tác từ nhiều chất liệu như đồng, gỗ, xi măng, thạch cao… lâu đời, sống động và vô cùng tinh xảo. Đây là tài sản vô giá của Cần Thơ, thu hút nhiều du khách tìm đến tham quan và tìm hiểu. Chùa có đầy đủ cổng tam quan, chánh điện, hậu đường, giảng đường. Khi chúng ta đi từ ngoài vào sẽ đi qua Cổng tam quan nép mình dưới bóng cây bồ đề, một loại cây hay gặp ở nhà chùa, xung quanh là dãy tường rào hình cánh cung gồm một cổng chính và hai cổng phụ. Cổng chính vươn ra phía trước có hai lớp mái, các mái ngói của cổng chính và hai cổng phụ đều là mái cong được lợp bằng ngói âm dương màu xanh rất đẹp. Trên mái ngói cổng chính được điểm tô hình lưỡng long tranh châu, một loại hình trang trí rất thường gặp ở chùa, đình Nam Bộ.


    Bước vào chánh điện và nhà hậu tổ, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về nét kiến trúc khá độc đáo của các nghệ nhân. Toàn bộ mái chùa được phủ bởi ngói đỏ (nay đã rêu phong). Hệ thống vòm mái được nâng đỡ bởi 16 cột gỗ lim tròn (chánh điện) và 20 cột gỗ lim tròn (nhà hậu tổ), đường kính 25 cm có chân đế bằng đá tảng, chạm trổ hình hoa sen, trên mỗi cột đều có những liễn, đối. Các vì kèo trên chánh điện và nhà hậu tổ đều được làm theo kiểu nhà chính, các cây trỏng được gọt đẽo đặt trên khối hình vuông, hình thang, đầu trỏng có hình cánh dơi… Mặt tiền chánh điện được phân làm ba gian và có một lầu. Lầu được chia làm ba gian để thờ Phật Thích Ca, Quán Âm, và Địa Tạng. Mái lợp xi măng đúc thành hình vảy cá. Trên đỉnh là hình búp sen, bầu rượu, các đầu đao hình rồng, hoa lá uốn cong. Cũng giống như các ngôi chùa thuộc dòng Thiền tông Lâm tế khác, chùa Hội Linh là nơi thờ Phật Thích Ca, Di Lặc, Chuẩn Đề, Ngọc Hoàng, các vị Kim Cang…


    Địa chỉ: Số 314/36 Cách mạng Tháng Tám, Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ.

    Chánh điện Chùa Hội Linh
    Chánh điện Chùa Hội Linh
    Chùa Hội Linh
    Chùa Hội Linh
  5. Chùa Phật Học thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa trước đây là trụ sở của Hội Phật học Nam Việt tỉnh Cần Thơ, được Hội Phật học kiến tạo vào năm 1951. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Ba pho tượng lớn tôn trí ở trung tâm là tượng đức Phật A Di Đà, đức Phật Thích Ca và đức Phật Dược Sư. Chùa là nơi quy tụ đông đảo Phật tử đến sinh hoạt và nghe giảng pháp, cùng nhiều đoàn khách trong nước, nước ngoài tham quan, chiêm bái. Chùa có lịch sử lâu đời, trước đây là trụ sở của Hội Phật học Nam Việt tỉnh Cần Thơ, được Hội Phật học xây dựng vào năm 1951. Xưa chùa chỉ có 3 tầng, kiến trúc tương đối đơn giản. Đến năm 2012 - 2014, chùa được đại trùng tu thành tòa nhà 5 tầng, nằm uy nghi giữa lòng thành phố, đối diện chùa Khmer Munirensay. Kiến trúc chùa tương tự như nhiều kiểu chùa tiêu biểu ở khu vực miền Nam, với chánh điện lớn, có nhiều cửa ra vào, xung quanh là hành lang bao quanh, rộng rãi, thoáng mát. Từ ngoài nhìn vào là cổng chùa được xây cao, khoảng sân nhỏ với các cây cổ thụ rợp bóng mát và tôn trí nhiều tượng đức Phật.


    Chùa Phật Học gồm có một chánh điện thờ Phật khá rộng rãi, một gian thờ Tổ, một giảng đường (Chánh Trí) trong có thờ tượng Thiên Thu Thiên Nhãn và một gian để cốt của những Phật tử quá vãng. Với mỗi tầng, chùa đều bài trí trang nghiêm và thờ Phật khác nhau: đức Phật A Di Đà, đức Phật Thích Ca và đức Phật Dược Sư. Đến đây mọi người sẽ trút bỏ những lo toan, buồn phiền trong cuộc sống, thành tâm hướng Phật cầu an cho gia đình, người thân. Về lễ hội thì chùa thường niên tổ chức các Lễ Phật Đảng, Lễ Vu Lan… các ngày lễ tết, vào những ngày này chùa được trang trí rất đẹp mắt lộng lẫy, ngày rằm lớn thu hút đông đảo khách tham quan du lịch Cần Thơ cùng Phật tử nhiều nơi đổ về hành hương lễ Phật. Ngôi chùa theo ước nguyện ban đầu là một ngôi chùa Phật học. Dành cho các thiện nam tín nữ ở các nơi quay về tu tập phật pháp. Nơi đây thường tổ chức nhiều nghị sự về Phật pháp. Đặc biệt, chùa Phật học còn thường xuyên tổ chức các chương trình từ thiện khác nhau. Chùa hay nấu cơm chay tăng lễ miễn phí cho người nghèo, hay tặng quà cho các học sinh vùng sâu vùng xa. Vào các ngày kỳ thi đại học, chùa thường làm cơm chay phát miễn phí cho các thí sinh.


    Địa chỉ: Số 11 Hòa Bình, Ninh Kiều, Cần Thơ.

    Chùa Phật Hoc
    Chùa Phật Hoc
    Chùa Phật Học
    Chùa Phật Học
  6. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là một thiền viện thuộc hàng lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ. Thiền viện trúc lâm Phương Nam được khởi dựng từ tháng 7 năm 2013 và chính thức khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014, là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở Tây Nam Bộ với tổng diện tích lên đến 38.016 m vuông. Thiền viện theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên xâm lược. Khi đất nước thái bình, vua đã nhường ngôi lại cho con trai và một mình đến núi Yên Tử tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên tử. Vì là ngôi chùa thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử nên hầu hết các hạng mục đều mang đậm lối phong cách kiến trúc thuần Việt thời Lý - Trần. Đây là một nét đặc trưng rất rõ trong kiến trúc xây dựng của các ngôi Thiền Viện ở Việt Nam. Và đây cũng là yếu tố quan trọng để bất kỳ ai khi nhìn vào cũng đều phân biệt được với phong cách kiến trúc của những ngôi chùa Khmer Nam Tông hoặc Bắc Tông tại miền Tây Nam Bộ.


    Đến tham quan Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam Cần Thơ, đi một vòng quan sát từ ngoài vào trong, điểm nhấn đầu tiên của ngôi chùa là diện tích rất rộng với nhiều hạng mục lớn như: cổng tam quan, chính điện, tháp chuông, tháp trống, hậu điện… đều chung một sắc thái chung là màu ngói nâu đỏ với các cây cột gỗ chống lớn và phần nền được làm bằng đá khối nhìn rất vững chãi. Cổng tam quan cao rộng xây theo lối gác mái cong đầu đao lợp bằng ngói đỏ. Chính giữa cổng là tấm biển bằng gỗ khắc chữ nổi mạ vàng “Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam”, phía dưới tấm biển hai bên cổng là hai tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện) bên trái và tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác) bên phải. Nhìn chung, tam quan thiền viện rất bắt mắt trong ánh nhìn ban đầu khi toát lên hình ảnh vừa uy nghi, hiện đại nhưng rất truyền thống. Qua cổng bước vào trong là khoảng sân lát gạch đỏ tươi rộng rãi dẫn đến chính điện, du khách sẽ thấy 2 hàng tượng các vị La Hán bằng đá hoa cương đặt song song. Dưới chân mỗi bức tượng đều khắc tên những vị anh hùng có công bảo vệ và xây dựng đất nước.


    Địa chỉ: Ấp Mỹ Nhơn, Mỹ Khánh, Phong Điền, Cần Thơ.

    Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam
    Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam
    Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam
    Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam
  7. Thới Long Cổ Tự Cần Thơ có lịch sự gần 180 năm. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất tại Cần Thơ. Ngoài ra kiến trúc đậm nét riêng và nổi bật với màu sắc vàng rực rỡ. Đây là một ngôi chùa tiêu biểu tại Cần Thơ. Cổ tự có kiến trúc cổ xưa và tông màu chủ đạo là vàng. Đặc biệt chỉ cần chạy xe ngang qua, bạn sẽ phải chú ý vào màu vàng rực rỡ mà nó tỏa ra. Đặc biệt là từ ngoài nhìn vào sẽ thấy ngay tấm bảng sơn son thếp vàng “Thới Long Cổ Tự” và hàng chữ Hán tên chùa. Bước vào chánh điện ở giữa cũng đề bảng chữ Hán tên chùa. Ở trên cổng vào có họa tiết lưỡng long tranh châu. Hai cổng hai bên đều khắc chữ Hán ở mặt ngoài và chữ Việt ở mặt trong. Bên trái là chữ Trí Tuệ còn bên phải là chữ Từ Bi. Ở giữa sân trước chánh điện là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao khoảng 3m. Tượng khoác ảo khoác vàng mỏng, đưa bình cam lộ trút xuống đất. Xung quanh là nhiều chậu cây kiểng che khuất tầm nhìn với chánh điện.


    Bên phải chùa là đền thờ Vạn Ban Ngũ Hành. Cặp hai bên chánh điện là 2 tháp với 2 bức tượng Kim Cang bảo hộ chùa. Phía trên mái ngói chánh điện là những điêu khắc tỉ mỉ. Đặc biệt điêu khắc lưỡng long tranh châu tương tự mái ngói trên cổng vào. Ở mái phụ phần đỉnh đều có hình điêu khắc rồng và hoa sen. Đặc biệt nhưng cột trụ trước cổng chùa đều có chạm khắc những câu đối bằng chữ Hán khác nhau. Bên trên đều có nhiều họa tiết Hán tự. Bên trong chánh điện những cột chống đều có điêu khắc hình một con rồng quấn quanh. Ở giữa thờ tượng Phật A Di Đà mạ vàng. Hai bên là tượng Phật Văn Thù Bồ Tát và Quan Thế Âm Bộ Tát bằng gỗ đen. Đặc biệt tầng trên chánh điện khá rộng rãi và có 2 phòng cách biệt. Phần chánh điện bên trên vẫn thờ Phật A Di Đà. Phía dưới là các vị tổ sư và Đại Đức Thích Nhựt Tâm - Người có công rất lớn trong việc trùng tu lại Thới Long Cổ Tự.


    Địa chỉ: Số 120 Hùng Vương, Ninh Kiều, Cần Thơ.

    Chùa Thới Long Cổ Tự
    Chùa Thới Long Cổ Tự
    Chùa Thới Long Cổ Tự
    Chùa Thới Long Cổ Tự
  8. Trên một trong những con đường sầm uất của Cần Thơ, Chùa Quang Đức là một nơi để bạn lắng lòng mình lại và thưởng thức nét đẹp phật giáo. Hãy tận hưởng vẻ đẹp sang trọng của sự chạm khắc công phu, tinh tế của các khung cửa, cột trụ và các rèm che. Bên trong chánh điện chùa có không gian khá thoáng đãng. Gạch nơi chánh điện được lót sáng bóng rất sạch sẽ. Các tượng Phật được đặt ở trên cao, tỏa ánh hào quang soi rọi. Rất nhiều Phật tử, người dân hay đến chùa Quang Đức để thắp hương, cầu nguyện mọi điều tốt lành. Kiến trúc chùa theo hướng Hoằng Pháp và đậm nét chùa miền Nam. Chùa có chánh điện hai tầng, một bảo tháp bên hông. Những thiết kế bên trong chạm khắc khá tỉ mỉ từ những nét hoa văn trên mái, cột nhà đến những tượng Phật bên trong chùa.


    Bên ngoài khuôn viên chùa là một cổng sơn vàng với hàng chữ Chùa Quang Đứ. Nhìn lên tầng mái trên cùng là hàng chữ Hán tự tên chùa. Kiến trúc với màu đỏ vàng là chủ đạo. Phần mái ngói khắc hình rồng ở đỉnh một cách cầu kỳ. Chùa cũng có tam quan nhưng không làm cổng như các chùa khác (không có phần mái cổng). Mỗi cột trụ ở cổng đều có đề hán tự câu đối dài. Bước vào bên trong khuôn viên chùa bạn sẽ thấy tượng Phật Di Lặc án ngữ trước chánh điện. Bên phải là một tượng Phật Quan Âm Bồ Tát. Bước vào chánh điện là hình Phật và hình rồng chạm khắc, phía trên là bảng vàng hàng chữ Chùa Quang Đức. Bên trong là bàn thờ Phật A Di Đà với pho tượng Phật ngồi dát vàng. Bên trái khuôn viên là nơi đặt bảo tháp của chùa. Phía sau bảo tháp là bức tranh vàng về gốc bồ đề, hoa sen. Ngoài ra kèm theo là nhưng bài thơ về Phật pháp được dịch lại từ tiếng Hán. Đặc biệt mỗi ngày ở đây đều tổ chức pháp hội và giảng pháp. Riêng vào những dịp lễ lớn như Vu Lan, Phật Đản luôn tổ chức những lễ hội lớn hay thả cá phóng sinh.


    Địa chỉ: Số 146 Mậu Thân, An Phú, Ninh Kiều, Cần Thơ.

    Chùa Quang Đức
    Chùa Quang Đức
    Chùa Quang Đức
    Chùa Quang Đức
  9. Chùa Khánh Quang là một trong những ngôi chùa nổi tiếng Cần Thơ có lịch sử phát triển lâu đời nhất. Từ năm 1946, Viện Hóa đạo Ân Quang đề ra việc thành lập chùa Khánh Quang. Để triển khai, Hòa thượng Thích Thiện Hoa - viện trưởng của viện đã mời thầy Huệ Thành về Cần Thơ để chủ trì, lo liệu. Đầu những năm 1960, với sự hỗ trợ của một số Phật tử trong vùng, thầy Huệ Thành đã chọn mua được một khu đất nằm tại làng Tân An, thị xã Cần Thơ cũ. Năm 1966, chùa Khánh Quang chính thức được xây cất. Chùa được đặt tên là Khánh Quang với ý nghĩa tri ân hai vị cao tăng “đức cao vọng trọng” rất nổi tiếng vào nửa đầu thế kỷ 20 là Hòa thượng Khánh Anh và Hòa thượng Huệ Quang. Vào thời gian đầu, vì chưa đủ kinh phí nên chùa Khánh Quang chỉ được dựng tạm bằng vách gỗ, mái tôn, chủ yếu tạo ra một nơi để Phật tử trong vùng đến lễ bái.


    Là một trong những ngôi chùa Cần Thơ nổi tiếng, chùa Khánh Quang là nơi không chỉ Phật tử trong vùng tìm đến để chiêm bái Phật, cầu bình an mà còn thu hút cả nhiều khách hành hương từ phương xa. Đến với chùa Khánh Quang, du khách sẽ như bước vào một không gian khác, tạm thời bỏ lại những lo toan, xô bồ của cuộc sống để lòng trở nên thanh tịnh hơn, yên bình hơn. Thăm viếng chùa Khánh Quang, du khách có thể bái Phật, cầu an, cầu sức khỏe, cầu mọi việc thuận lợi hơn... Ngoài ra, du khách cũng được dịp tìm hiểu sâu hơn về quá trình thành lập và phát triển của chùa Khánh Quang nói riêng và Phật giáo Cần Thơ nói chung. Có rất nhiều địa điểm du lịch Cần Thơ hấp dẫn. Bên cạnh các danh thắng, di tích lịch sử văn hóa thì điểm đến tâm linh - tín ngưỡng luôn được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước lựa chọn. Nếu có dịp du lịch đến thành phố Cần Thơ, du khách có thể kết hợp tham quan, thăm viếng những ngôi chùa nổi tiếng, trong đó hiển nhiên là không thể bỏ qua chùa Khánh Quang - một trong những ngôi chùa Cần Thơ có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất.


    Địa chỉ: Số 97 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ.

    Chùa Khánh Quang
    Chùa Khánh Quang
    Chùa Khánh Quang
    Chùa Khánh Quang




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy