Top 12 Ngôi chùa nổi tiếng nhất Bắc Ninh thu hút du khách dịp Tết

Hà Pi 27955 0 Báo lỗi

Bắc Ninh - vùng đất Kinh Bắc với cái nôi truyền thống văn hóa lâu đời, nơi khai sinh ra Phật Giáo tại Việt Nam. Miền đất quan họ vì thế có rất nhiều những ngôi ... xem thêm...

  1. Chùa Dâu còn được biết đến với tên gọi là chùa Pháp Vân, chùa Diên Ứng, chùa Cả, Cổ Châu Tự, Duyên Ứng tự hay chùa Cổ Châu. Đây là một trong số các chùa đẹp ở Bắc Ninh nằm tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chùa cách thành phố Hà Nội khoảng 30km.


    Đây cũng là ngôi chùa được liệt vào danh sách những ngôi chùa cổ xưa nhất tại Việt Nam.

    Theo sử sách ghi lại thì chùa Dâu được xây dựng vào buổi đầu Công Nguyên. Vào năm 187 chùa được khởi công xây dựng, cho tới năm 226 thì hoàn thành. Tới năm 1313 chùa được xây dựng lại. Từ đó tới nay chùa Dâu cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu. Vào cuối thế kỷ thứ 6 một nhà sư từ Trung Quốc đã ghé qua chùa và lập nên một phái Thiền tại Việt Nam Và ngày 28/04/1962 chùa Dâu được Nhà xếp vào hạng di tích lịch sử.

    Về kế trúc ngôi chùa Dâu - Bắc Ninh này cũng giống như nhiều ngôi chùa khác tại Việt Nam được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Chùa gồm có bốn dãy nhà liên thông thành hình chữ nhật, bao quanh ba ngôi nhà chính là tiền đường, thiên hương và thượng điện. Mặc dù hiện nay tại chùa không còn hậu đường nữa nhưng du khách khi ghé thăm chùa vẫn có thể chiêm ngưỡng được bốn mươi gian nhà oản nằm tại hai bên tả hữu chùa.


    Điểm gây ấn tượng nhất của ngôi chùa Dâu nổi tiếng ở Bắc Ninh này đó chính là những pho tượng thờ. Tại gian giữa của chùa là một bức tượng Bà Dâu hay còn gọi là nữ thần Pháp Vân màu đồng hun có chiều cao 2m. Tượng có dáng vẻ uy nghi, trầm mặt, giữa trán tượng Phật là một nốt ruồi đậm. Hai bên bức tượng là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Ngoài ra tại chùa còn có cả tượng Bà Đậu do trước đây tượng đặt tại chùa Đậu (Bắc Ninh) nhưng chùa bị Pháp phá hủy nên bức tượng được chuyển về chùa Dâu để thờ phụng. Những bức tượng này đều có niên đại từ thế kỷ 18. Bên trái thượng điện là pho tượng của Mạc Đĩnh Chi. Bức tượng này có niên đại lâu hơn cả đã có từ thế kỷ 14.

    Ở giữa sân chùa Dâu ở Bắc Ninh là một cây tháp Hòa Phong được xây từ gạch cỡ lớn ngày xưa. Qua thời gian tòa tháp đã mất đi 6 tầng phía trên, giờ chỉ còn 3 tầng phía dưới, cao khoảng 17m. Tại mặt trước của tầng 2 có mặt bảng hiệu bằng đá được khắc chữ “Hòa Phong Tháp”. Trong tháp có đặt một quả chuông bằng đồng được đúc từ năm 1793 cùng một chiếc khánh đồng đúc năm 1817. Tại 4 góc tháp là 4 bức tượng Thiên Vương, mỗi bức cao 1,6m. Trước tháp phía bên phải có một tấm bia đá vuông được dựng vào năm 1738, bên trái là tượng cừu đá cao 0,8m và dài 1,33m.


    Hàng năm cứ vào dịp mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm chùa Dâu lại nô nức đón các vị quan khách gần xa đến để thăm thú và ngày hội chính cũng diễn ra vào đúng hôm đó. Hàng năm hội đều tổ chức lễ rước kiệu các tượng và tắm Phật thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách.

    Chùa Dâu
    Chùa Dâu

  2. Một trong số các chùa nổi tiếng ở Bắc Ninh chính là chùa Bút Tháp hay còn được gọi là Ninh Phúc tự hoặc chùa Nhạn Tháp. Chùa nằm tại thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Chùa nổi tiếng với bức tượng Phật Bồ Tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn được làm bằng gỗ. Đây cũng là bức tượng Phật bằng gỗ lớn nhất Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.


    Theo sử sách ghi lại thì ngôi chùa đẹp ở Bắc Ninh đã có từ thời vua Trần Thánh Tông, khi ấy trụ trì chùa chính là thiền sư Huyền Quang. Vị trụ trì đã cho xây dựng ngọn tháp đa cao 9 tầng được trang trí bằng hình hoa sen. Tuy nhiên đến nay thì ngọn tháp này không còn nữa.

    Vào năm 1633, Hòa thượng Chuyết Chuyết (1590 – 1644) quê tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa sang Việt Nam làm trụ trì. Đây cũng là thời kỳ mà chùa Bút Tháp đã trở nên rất nổi tiếng. Sau khi Hòa thượng Chuyết Chuyết viên tịch thì Thiền sư Minh Hạnh là học trò của ông lại tiếp tục thay ông nắm giữ vai trò là người trụ trì. Cũng vào thời gian này Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, hiệu Diên Viên về đây tu hành thấy chùa quá hư nát nên đã xin Chúa Trịnh Tráng cho tu sửa lại. Đến năm 1647 mới hoàn thành. Về cơ bản thì quy mô của chùa hiện tại cũng được xây dựng từ khi đó.

    Vào năm 1876 vua Tự Đức thấy nơi đây có một tòa tháp khổng lồ nên đặt tên là Bút Tháp mặc dù trên đỉnh vẫn để là tháp Bảo Nghiêm. Sau này chùa còn được trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1739, 1903, 1915, 1921, 1992 đến 1996.


    Xét về kiến trúc thì ngôi chùa này vẫn lưu giữ được cơ bản các di tích của thế kỷ XVII. Phật điện gồm có 10 nếp nhà nằm trên một trục dài 100m. Đi qua cửa tam quan là đến gác chuông hai tầng, tám mái.

    Chùa cũng giống chùa Dâu ngôi chùa Bắc Ninh có 3 dãy nhà là tiền đường, thiên hương và thượng điện tạo thành chữ “Công”. Bên trong chùa có đặt khá nhiều pho tượng, nổi bật nhất là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Bức tượng này được điêu khắc bởi điêu khắc gia họ Trương vào năm 1656. Bức tượng cao tới 3,7m, chiều ngang 2,1m và dày 1,15m. Tượng có tổng cộng 11 đầu, 831 tay với 42 tay lớn, 789 tay dài ngắn khác nhau.

    Ngoài ra tại chùa còn có 2 tác phẩm điêu khắc khác vô cùng nổi tiếng là tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại Tổ sư cùng tượng Thị Kính. Pho tượng Tuyết Sơn cũng là một trong các kiệt tác và có giá trị lịch. Bên cạnh đó, tại chùa còn có trên 70 pho tượng gỗ khác được tạc với nhiều tư thế hình dạng khác nhau.

    Về cơ bản chùa vẫn sử dụng kiến trúc khung gỗ chịu lực, nền được làm bằng đá nên khá chắc chắn. Đây không chỉ là một nơi thờ cúng tâm linh mà còn mang giá trị văn hóa và lịch sử ý nghĩa. Chùa đặc biệt có một quần thể kiến trúc độc đáo được thiết kế theo hình tháp cao dần lên, hàng năm nơi đây thu hút rất nhiều du khách đến thăm và cầu khấn mong điều lành đầu năm mới.

    Chùa Bút Tháp
    Chùa Bút Tháp
  3. Chùa Phật Tích còn có tên gọi là Vạn Phúc. chùa nằm tại núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đây là nơi lưu giữ bức tượng Phật bằng đá từ thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam.


    Chùa được xây dựng từ rất lâu đời vào năm Thái Bình thứ 4, tức 1057, dưới thời nhà Lý. Vào năm 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng thêm một tòa tháp cao. Khi tòa tháp này đổ lại làm lộ ra bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh nguyên khối bên ngoài được dát vàng. Để ghi nhận sự kiện kỳ lạ này người dân xóm Hỏa kê cạnh chùa đã đổi tên thành Phật Tích.

    Vào năm 1071 trong một lần du ngoạn tại vùng Phật Tích vua Lý Thánh Tông đã viết một chữ Phật và cho người khắc vào đá, đặt lên sườn núi. Còn vua Trần Nhân Tông thì lại cho xây dựng một thư viện lớn cùng cung Bảo Hoa. Vua Trần Nghệ Tông thì chọn đây làm nơi tổ chức cuộc thi Thái học sinh.

    Tới năm 1686 dưới thời vua Lê Huy Tông ngôi chùa này được cho xây dựng lại với quy mô lớn đổi tên thành Vạn Phúc Tự vô cùng tráng lệ, uy nghiêm. Tuy nhiên vẻ huy hoàng này tồn tại chỉ được khoảng 300 năm. Vào năm 1947 khi thực dân Pháp xâm lược đã cho đốt cháy ngôi chùa. Đến năm 1954 khi hòa bình lập lại chùa mới được khôi phục dần. Năm 1959 chùa được tái tạo lại 3 gian nhỏ để làm nơi đặt pho tượng A di đà bằng đá. Tới tháng 4/1962 thì chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.


    Chùa cũng được xây dựng theo lối kiến trúc của ngôi chùa lớn nhất Bắc Ninh là kiểu “nội công ngoại quốc”. Tại sân chùa có trồng một vườn hoa mẫu đơn rất đẹp, luôn nở hoa khoe sắc. Phía bên phải chùa là Miếu thờ Đức chúa – bà Trần Thị Ngọc An, đệ nhất cung tần chúa Trịnh Tráng. Bên trái là nhà thờ tổ đệ nhất thờ Chuyết CHuyết Lý Thiên Tộ.


    Hàng năm nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch tham quan và đến cúng bái. Hội cũng được diễn ra vào những ngày 4,5 tháng giêng đầu năm mới với rất nhiều những hoạt động như bắn pháo hoa, văn nghệ...

    Chùa Phật Tích
    Chùa Phật Tích
  4. Chùa thường gọi là chùa Tiêu xưa có tên là chùa Lục Tổ, tọa lạc ở sườn núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 20km về phía Bắc dọc theo quốc lộ 1A. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

    Chùa được dựng từ thời Lý. Chùa là nơi tu thiền và giảng pháp của nhiều cao tăng thời Lý, như Thiền sư Vạn Hạnh. Ở chùa có tấm bia đá cao 0,68m, ngang 0,40m, khắc bốn chữ: “Lý Gia Linh Thạch”. Sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993) giới thiệu chùa này xưa là nơi trụ trì của Thiền sư Vạn Hạnh đồng thời cũng là nơi sinh của vua Lý Thái Tổ. Sử xưa cho biết ở Viện Cảm Tuyền chùa Thiên Tâm có con chó đẻ con sắc trắng đốm đen thành hình hai chữ “Thiên tử” điều đó ứng với việc vua Lý Thái Tổ sinh năm Giáp Tuất rồi lên làm vua.Chùa được trùng tu nhiều lần.


    Cổng chùa hiện nay được xây năm 1986. Chùa xưa từng lưu giữ ván in sách Thiền uyển tập anh, một tác phẩm ghi chép về các danh tăng Việt Nam có giá trị về văn học, sử học, triết học.

    Đặc biệt chùa còn giữ tháp mộ và nhục thân Thiền sư Như Trí, viên tịch năm Quý Mão (1723), là người có công khắc in cuốn Thiền Uyển tập anh. Ngày 05 – 3 – 2004, nhục thân Ngài đã được PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho thỉnh chuyển về chùa Duệ Khánh, xã Nội Duệ (Bắc Ninh) để thực hiện dự án tu bổ – bảo quản.


    Công việc hoàn thành vào ngày 26 – 9 – 2004. Khi tu bổ các quy trình bọc vải, bó, hom, lót, thí, được thể hiện đầy đủ và thận trọng với 13 lớp sơn và thếp bạc. Pho tượng gốc nặng 34kg, chiều cao ngồi 78,5cm được đặt ở nhà Tổ trong một khám sơn son thếp vàng có hộp kính kín dày 10mm, chứa đầy khí nitơ để bảo vệ.

    Chùa Tiêu
    Chùa Tiêu
  5. Chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Quy mô ngôi chùa đã được khẳng định từ lâu. Chùa được mệnh danh là trung tâm Phật giáo, một kiệt tác thời nhà Lý.


    Ngôi chùa có kiến trúc vô cùng kì vĩ, to lớn với các nền gạch ngói hoa văn nổi những cánh sen được chạm trổ và điêu khắc tỉ mỉ, cẩn thận. Từng trau chuốt trong từng chi tiết đều thể hiện tài năng của người sáng tạo. Việc xây dựng ngôi chùa có quy mô đồ sộ, to lớn thể hiện sự ngưỡng vọng với nhà vua trước kia và đề cao Phật giáo. Mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa với những di tích lịch sử nổi tiếng với những con người thân thiện, hiếu khách luôn đón chào du khách mọi nơi đến tham quan và tìm hiểu.

    Chùa Dạm
    Chùa Dạm
  6. Chùa Lim thờ phật, thờ mẫu Liễu Hạnh. Ngày nay chùa thu nhỏ nhưng nhờ hội Lim mà chùa vẫn được đông khách thập phương đến lễ. Hội Lim là một trong những lễ hội lớn nhất tỉnh Bắc Ninh


    Hội Lim là hội của chùa Lim Bắc Ninh. Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc có nhiều công lao với triều đình được phong thưởng nhiều bổng lộc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông còn cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim.


    Do có nhiều công lao với hàng tổng và việc ông đặt hậu ở chùa Hồng ân nên khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậu Phật hàng tổng. Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký cho biết khá rõ lai lịch, công trạng và việc thờ phụng hậu hàng tổng Nguyễn Đình Diễn mỗi năm hai dịp vào “ngày sinh” và “ngày hóa” của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng ân trên núi Lim.


    Trải tháng năm lịch sử hội Lim đã có nhiều lớp văn hóa, trong đó người ta chỉ tổ chức tế lễ hậu thần vào một dịp là ngày 13 tháng giêng trùng với hội chùa Lim Bắc Ninh. Chính vì vậy mà có hội Lim và đây là hội hàng tổng.


    Hội chùa Lim Bắc Ninh được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km. Trong ngày lễ có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.

    Để hát thờ các liền anh, liền chị quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần. Hội chùa Lim đi vào lịch sử và tồn tại và phát triển cho đến ngày nay được hàng tổng chuẩn bị tập rượt rất chu đáo từ ngày 9 và 10, rồi được diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng giêng.


    Chính hội chùa Lim Bắc Ninh là ngày 13 với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Trong các nhà thờ họ Nguyễn, họ Đỗ ở làng Đình Cả, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.

    Về với Hội chùa Lim Bắc Ninh là về với một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật. Cách chơi hội của người quan họ vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo, mỗi cử chỉ giao tiếp đã mang trong nó một sắc thái văn hoá cao.

    Chùa Lim
    Chùa Lim
  7. Bách Môn còn có tên khác là chùa Linh Cảm là ngôi cổ tự được xây dựng từ thời nhà Lý để rồi trở thành một di sản văn hóa có bề dày lịch sử tín ngưỡng. Ngôi chùa xưa vô cùng đồ sộ kết cấu hình vuông mặt bằng gần 1.000m2, với 4 mặt tiền đường giống hệt nhau quay về tứ phương được người xưa kết hợp tài tình trong một tổng thể hoàn mỹ. Tuy nhiên công trình kiến trúc này đã bị phá hủy từ cách đây hơn nửa thế kỷ, nay cần phục dựng lại.


    Chùa tọa lạc ở thôn Long Khám, xã Việt Ðoàn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh được xây dựng từ thời nhà Lý trên sườn núi Khám Sơn. Trải gần một ngàn năm chùa được trùng tu nhiều lần trong đó đại trùng tu vào những năm 1556 và 1612. Ðến thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782), bà Chúa Chè - Tuyên phi Ðặng Thị Huệ khi thất sủng, đã về đây ăn chay cầu nguyện tìm sự yên tĩnh nơi cửa thiền. Bà đã sửa sang tu bổ chùa, kiến thiết quy mô theo quy cách trăm cửa mở ra bốn phía bên ngoài, thành một công trình đồ sộ với đủ cả bốn phương tám hướng để tu tâm tích đức. Từ đó trở thành một công trình kiến trúc văn hóa có tính độc đáo, nghệ thuật cao.


    Cách đây hơn 70 năm Bách Môn tự được một số nhà nghiên cứu Pháp đánh giá là ngôi chùa độc đáo bậc nhất Ðông Dương bởi bố cục độc nhất vô nhị. Căn cứ nền móng được khai quật đối chiếu với những thư tịch cổ, các tài liệu lưu trữ, tàng thư các nhà nghiên cứu khảo cổ nhận định, ngôi chùa Bách Môn xưa là một công trình kiến trúc vô cùng đồ sộ, hoành tráng.

    Chùa Bách Môn
    Chùa Bách Môn
  8. Chùa Hàm Long Bắc Ninh tọa lạc tại phường Nam Sơn – TP Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh (Trước đây thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc). Chùa được xây dựng vào thời Lý là nơi tu hành của Thiền sư Dương Không Lộ nằm trên sườn núi, địa thế rất đẹp. Chùa Hàm Long Bắc Ninh có những cây cổ thụ cực to và cũng là một trong những trường Hạ, là nơi đào tạo các nhà sư ở đất Bắc.


    Chùa có tên Hàm Long vì có núi Thần Long như một chiếc án thư che chắn cho ngôi chùa phía trước. Đường lên chùa đi qua những bậc đá chen giữa gốc cây, bụi cỏ rất thơ mộng. Hàng ngày vào buổi chiều các sư ở đây cho nấu một nồi cháo to, cúng thí thực cho Trùng và vong bị nhốt ở đây. Vào buổi sáng các nhà sư tụng kinh niệm Phật cúng vong rất cẩn thận. Các gia đình khi có người chết trùng sẽ đem vong đến gửi tại chùa nhờ nhà chùa Hàm Long Bắc Ninh cúng cho vong linh người quá cố.


    Khi đến gửi vong người ta đem đến một bức ảnh và những thông tin: Tên, tuổi, giờ mất, giờ liệm, giờ chôn cất người quá cố và nhà chùa ghi lại thông tin. Nhà sư cho lá bùa để gia đình đeo trong 3 năm để tránh tai họa. Người đem vong đi “gửi”, kiêng người cùng huyết thống trực hệ. Khi đi gửi vong thì “cứ lẳng lặng mà đi”, không được bàn ở nhà trước vì vong rất tinh khôn biết là đi gửi vong thì vong sẽ không đi theo nữa.


    Trong thời gian gửi vong (3 năm) thì gia đình không được cúng hay thắp hương gọi người quá cố vì có hương là có hồn, vong nghe thấy gọi tên mình và theo về, như vậy việc gửi thất bại. Chính vì vậy có trường hợp phải gửi đi gửi lại nhiều lần. Sau 3 năm khi “sang nhà mới” cho người chết và sau khi xin vong từ chùa về thì gia đình có thể cúng như bình thường.

    Hiểu một cách nôm na gửi vong vào chùa Hàm Long Bắc Ninh giống như đi tù trên dương thế. 3 năm phải ở chùa và ăn chay, không được trở về gia đình, cúng lễ không được nhận chính vì thế vong rất cực khổ.

    Theo quan điểm của đạo Phật sống chết là chuyện thường niên do nghiệp của mỗi người. Nghiệp có nghiệp riêng và nghiệp chung, nhưng nghiệp riêng vẫn giữ vai trò chi phối. Theo Hòa thượng Thích Thanh Dũng thì giữa tín ngưỡng với mê tin có lằn ranh rất nhỏ.
    Chùa Hàm Long
    Chùa Hàm Long
  9. Chùa nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Thuận Thành đã được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia như: Chùa Dâu xã Thanh Khương, Chùa Bút Tháp xã Đình Tổ, Lăng Kinh Dương Vương xã Đại Đồng Thành làng tranh Đông Hồ xã Song Hồ, Đền thờ lăng mộ Sĩ Nhiếp thôn Tam Á xã Gia Đông.


    Đây là vùng đất Siêu Loại cổ xưa hội tụ linh khí của trời đất đường thông khắp ngả nên đã được người xưa chọn làm thánh địa xây chùa.Theo một số di vật còn lại ở chùa và nghiên cứu cho thấy rằng chùa được xây dựng từ thời nhà Trần nổi tiếng linh thiêng trong vùng. Trải qua năm tháng Chùa bị đổ nát đến đây dân làng được ông Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái lộc hầu Lê Đình Chất trợ duyên công đức xây dựng gác chuông và tôn tạo lại tiền đường thờ Phật, xây tả hữu hành lang, xây nhà thiêu hương, tô lại tượng Phật. Nhờ đó quy mô của Chùa được mở rộng lộng lẫy trang nghiêm, khách thập phương nô nức đến chiêm bái lễ Phật đông như trẩy hội.


    Từ đó Chùa Linh Ứng lại trở thành vùng danh lam đệ nhất trong vùng, hàng năm cứ đến ngày mùng 7 tháng 4 âm lịch dân làng mở hội đón khách thập phương về chiêm bái. Vào giữa thế kỉ XX năm 1952, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn duy nhất 3 pho tượng đá trên nền chùa. Từ đó chùa trở nên hoang phế và đi vào quên lãng. Sau này giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, chùa lại được Đảng và nhà nước quan tâm. Ba pho tượng cổ bằng đá quý được khôi phục lại đưa vào gian chính. Dân làng Ngọc Khánh nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và khách thập phương trợ tư công đức đã xây dựng một tòa Tam Bảo, dựng cổng Tam Quan, trồng cây, lát gạch xây tường giúp cho cảnh chùa thêm khang trang. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại trên nền chùa cũ vào năm 1986.

    Trải qua hơn tám thế kỷ chùa Linh Ứng là một trong những di tích có lịch sử xây dựng khá sớm trên mảnh đất Bắc Ninh.Trải qua thời gian kiến trúc nghệ thuật của chùa đã thay đổi, không còn lưu giữ được nhiều dấu vết từ khi mới xây dựng xong lịch sử tồn tại của ngôi chùa vẫn là nguồn tư liệu quan trọng để ta tìm hiểu được sự tồn tại của phật giáo trên mảnh đất này.
    Chùa Linh Ứng
    Chùa Linh Ứng
  10. Chùa thường gọi là chùa Tổ tọa lạc ở xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa được xây dựng từ lâu đời. Chùa thờ Phật và thờ Bà Man Nương.


    Theo trích truyện Man Nương trong sách Chùa Việt Nam (Hà Nội, 1993) thì vào thời Sĩ Nhiếp có một cô gái tên là Man Nương đã có thai khi nhà sư Khâu Đà La vô tình bước qua mình. Đứa bé gái mà Man Nương sinh ra đã được nhà sư đặt vào thân một cây đa. Cây đa về sau bị đổ trôi xuống sông. Dân làng đã lấy gỗ của cây tạc thành các tượng nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện đem vào thờ trong bốn ngôi chùa ở vùng Dâu, tức các chùa Tứ Pháp.


    Có hai hội lễ ở chùa. Theo sách Từ điển Hội lễ Việt Nam (Hà Nội, 1993), ngày 17 tháng giêng tương truyền là ngày sinh của Man Nương là hội thi bánh dày nổi tiếng ở làng Dâu. Ngày mồng 8 tháng 4 (âm lịch) là hội lễ tắm tượng Phật Bà Tứ Pháp ở chùa Dâu. Trước và sau lễ đều có nghi thức rước tượng các Bà về chùa Tổ bái Phật Mẫu Man Nương.

    Chùa Phúc Nghiêm
    Chùa Phúc Nghiêm
  11. Chùa Đại Bi còn có tên là chùa Tổ hay chùa Tẩy tọa lạc trên bãi bồi cách bờ nam sông Đuống khoảng gần 1km, cách chân đê Đuống phía ngoài khoảng 100m nay thuộc thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.


    Ngoài thờ Phật chùa Đại Bi còn là nơi lưu giữ sâu sắc về Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang một nhà sư và cũng là một nhà thơ lớn thời Trần, người đã cùng với vua Trần Nhân Tôn, thiền sư Pháp Loa sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái Phật giáo mang đậm sắc thái Việt Nam.


    Theo các thư tịch cổ ngôi chùa vốn được Huyền Quang cho xây dựng vào năm Quý Mão (1305) trên khu đất đẹp phía tây nhà nhân dịp về quê thăm cha mẹ và đặt tên là “Đại Bi tự” với ý nghĩa: đức Phật đại từ đại bi, Quan Thế Âm Bồ Tát cứu được cha mẹ về với đạo Phật.

    Chùa Đại Bi
    đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, dấu ấn sớm nhất trên kiến trúc hiện nay là của thời Lê và Nguyễn. Ở trong khuôn viên của chùa còn có “đền thờ Tam Tổ” nơi thờ tam vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm là “Trần Nhân Tôn, Pháp Loa và Huyền Quang”.

    Sau chùa năm 2005 nhân dân mới phục dựng ngôi đình để thờ tam vị thành hoàng những danh tướng có công dẹp giặc Thục vào thời Hùng Vương thứ 18.

    Lễ hội chùa Đại Bi được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn từng nổi tiếng trong dân gian thu hút đông đảo khách thập phương đến dâng hương. Với nghi thức tế rước long trọng và nhiều tục trò độc đáo, được 4 làng thuộc tổng Vạn Ty cũ cùng tổ chức. Đó là các làng: Đạo Viện (Viền), Hương Trạch (Chằm), Phúc Lộc (Tẩy) và Châu Lỗ (làng Dù).

    Hiện nay chùa Đại Bi ở quê hương của nhà khoa bảng nổi danh thần đồng, bậc thiền sư tài năng đức độ Lý Đạo Tái – Huyên Quang vẫn đứng uy nghiêm trầm mặc giữa mênh mông sông nước của dòng sông Đuống.
    Chùa Đại Bi
    Chùa Đại Bi
  12. Chùa Tam Sơn tên chữ là Cảm Ứng tự thuộc làng Tam Sơn, xã Tam Sơn. thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tam Sơn là một làng có lịch sử lâu đời, nổi tiếng truyền thống văn hiến và cách mạng. " Tam Sơn ba núi sáu làng/ Chùa trên, chợ dưới rộn ràng đông vui".


    Gọi là Tam Sơn vì ba ngọn núi đột khởi ở giữa vùng đồng bằng: Núi Vường, núi Giữa và núi Chùa. Đây là ngôi làng duy nhất ở nước ta thời phong kiến có đủ "Tam Khôi" những người đạt học vị cao nhất trong khoa cử là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Đó là Trạng nguyên Nguyễn Quán Quang - vị Trạng nguyên khai khoa thi nhà nước phong kiến chính thức đặt học vị này. Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu, Bảng nhãn Ngô Thầm và Thám hoa Ngô Sách Tố.


    Thống kê các bậc khoa bảng ở Tam Sơn thì có tới 20 vị Tiến sĩ và hàng chục người đỗ Trung khoa và Tiểu khoa, hầu hết đều ra làm quan, cống hiến tài đức cho quê hương, đất nước. Tam Sơn là quê hương của đồng chí Ngô Gia Tự, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của Đảng, một trong những người có công sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam.

    Làng Tam Sơn chính là quê hương của phong trào thiếu niên nghìn việc tốt thời chống Mỹ. Chùa Tam Sơn là nơi đón tiếp Bác Hồ về thăm và chúc tết cán bộ, nhân dân địa phương vào đầu xuân Đinh Mùi (1967). Những truyền thống lịch sử và văn hiến tiêu biểu của làng Tam Sơn đã để lại dấu tích ở chùa Tam Sơn và lễ hội truyền thống của làng hàng năm được diễn ra tại chùa.


    Chùa Tam Sơn dựng trên đỉnh núi Tam Sơn nên cũng mang tên núi chùa. Những di tích và các tài liệu về ngôi chùa này cho biết: chùa có từ rất lâu đời, theo sách "Thiền uyển tập anh" - ( Nhà xuất bản Văn học - 1990 ) thì chùa được xây dựng từ cuối thời Tiền Lê, đầu thời Lý (khoảng thế kỉ thứ X - XI) lúc đầu có tên là chùa Ba Sơn và là trung tâm phật giáo lớn thời nhà Lý, nơi hành đạo của nhiều bậc cao tăng như Đa Bảo, Định Hương, Viên Chiếu, Bảo Tích, Minh Tâm, Vạn Hạnh...


    Đặc biệt chùa Tam Sơn là nơi trú ngụ và ăn học của Lý Công Uẩn dưới sự chỉ bảo của Thiền sư Vạn Hạnh để sau đó trở thành vua Lý Thái Tổ - vị vua khai mở nền văn minh Đại Việt. Đến năm 1063 vua Lý Thánh Tông cho xây dựng lại với quy mô lớn hơn và có tên chùa Cảm Ứng. Cũng là nơi các vị công chúa, cung phi, tôn nữ nhà Lý đến vãn cảnh.


    Hiện nay vẫn còn dấu vết Am hoa viên tương truyền là nơi công chúa Thuận Dương, Nguyên Phi Thuần Châu, Bảo Châu từng đến dạo chơi ở hành lang phí Tây của chùa. Nét độc đáo của chùa Tam Sơn không chỉ là nơi thờ phật mà còn thờ các danh nhân khoa bảng của quê hương, nơi qua lại hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự. Với những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, chùa Tam Sơn đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992.

    Lễ hội chùa Tam Sơn là hoạt động tâm linh và văn hóa cộng đồng, thể hiện tập trung và tiêu biểu truyền thống lịch sử văn hóa làng Tam Sơn. Lễ hội diễn ra từ ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng giêng âm lịch là lễ hội lớn nhất được dân làng chuẩn bị chu đáo và tiến hành rất trang nghiêm, trọng thể, vui tươi và sống động.

    Chùa Tam Sơn
    Chùa Tam Sơn



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy