Top 10 Ngôi chùa lớn nhất tại Việt Nam

Tâm Thanh 107 0 Báo lỗi

Việt Nam là một quốc gia nổi tiếng với những tín ngưỡng truyền thống và có rất nhiều tín đồ Phật giáo. Do đó, trải dọc khắp đất nước hình chữ S, bạn sẽ thấy ... xem thêm...

  1. Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và được biết đến như một trong những chùa lớn nhất thế giới. Diện tích chùa Tam Chúc lên đến 144ha trong tổng số diện tích 5.100ha của khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Quy mô lớn có sự kết hợp giữa tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng với nhiều dịch vụ và 6 phân khu chức năng gồm khu trung tâm đón tiếp, khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại Thị trấn Ba Sao.


    Chùa Tam Chúc thờ các vị Sư Tổ Đạt Ma, thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Khuông Việt, hòa thượng Thích Thanh Tứ, thiền sư Đỗ Pháp Thuận… Đây đều là những vị quốc sư nổi tiếng và có công phát triển Phật giáo Việt Nam. Trước cửa điện Tam Thế của chùa là cây bồ đề tuổi thọ 2.125 năm được chủ tịch Quốc hội Sri Lanka trao tặng và là báu vật của nước này.


    Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết "Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh".Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc. Chùa Tam Chúc mới hiện nay được xây dựng với các hạng mục cổng Tam Quan, Vườn cột kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và Tháp Ngọc. Chùa nằm ở phía Tây và nhìn ra hồ Tam Chúc. Khung cảnh thơ mộng và hữu tình của nơi đây được tạo thành từ địa thế tuyệt đẹp “tựa sơn hướng thủy” với hồ nước mênh mông trước mặt cùng dãy núi đá vôi hùng vĩ phía sau. Xung quanh có khu rừng tự nhiên với không gian thiền định, mang đến cho khách hành hương một cảm giác bình yên, bỏ lại những âu lo mượn phiền phía sau.


    Chùa Tam Chúc, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như thăm viếng, chiếm bái cầu bình an, ngồi thuyền ngắm cảnh, … Là một khu quần thể du lịch nổi tiếng, chùa Tam Chúc Hà Nam có nhiều điểm tham quan hấp dẫn bạn nhất định phải ghé qua, chẳng hạn: Cổng tam quan, nhà khách Thủy Đình, Vườn cột kinh, Đền Lảng Giang, Động Phúc Long, Núi Ngọc – Chùa Bà Đanh.

    Chùa Tam Chúc
    Chùa Tam Chúc
    Chùa Tam Chúc
    Chùa Tam Chúc

  2. Chùa Bái Đính nằm tại núi Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình là ngôi chùa rộng nhất nước ta. Chùa Bái Đính Ninh Bình có diện tích lên đến 539 ha, trong đó khu chùa Bái Đính mới rộng 80 ha và khu chùa cổ rộng 27 ha cùng các công trình khác. Tổng thể kiến trúc của Chùa Bái Đính ngày nay được xem như một quy chuẩn, thước đo chuẩn mực cho kiến trúc chùa cổ ở Việt Nam.


    Thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính Ninh Bình nằm ở cửa ngõ phía tây Cố đô Hoa Lư ngày trước. Chùa nằm yên bình nơi sườn núi Bái Đính với chung quanh là những thung lũng mênh mông và những hồ, đầm lăn tăn sóng gợn và những dãy núi đá vôi. Chùa Bái Đính đã tồn tại hơn 1000 năm qua giữa vùng đất cố đô này, gắn liền với với ba triều đại phong kiến lớn của nước ta giai đoạn trước, bao gồm nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Chùa được xây dựng từ năm 1136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Chung quanh chùa còn có vô vàn những công trình kiến trúc đẹp và có ý nghĩa tâm linh như Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Bàn thờ Thánh Cao Sơn...


    Chùa Bái Đính mới hiện nay có quy mô rộng hơn với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Cổng tam quan, Gác chuông, Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, Bảo tháp, Hành lang La Hán, v.v. Đồng thời, chùa cũng là nơi được vinh danh nhiều cái ‘nhất’ hiện nay, bao gồm: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chùa có chuông đồng lớn nhất Việt Nam, có Bảo tháp cao nhất châu Á, có khu chùa rộng nhất việt Nam, hành lang La Hán dài nhất châu Á,...


    Chùa Bái Đính là một trong những di tích tâm linh được nhiều người ưu ái ở vùng đất Ninh Bình. Không chỉ là nơi gắn liền với những tích xưa cũ về những ngày đầu đạo Phật du nhập vào nước ta, chùa còn sở hữu vô vàn những công trình có ý nghĩa cùng cảnh sắc hùng vĩ, thơ mộng. Nếu có dịp về với Ninh Bình vào những ngày đầu năm mới, đừng bỏ lỡ cơ hội được vãn cảnh Chùa Bái Đính bạn nhé.

    Chùa Bái Đính
    Chùa Bái Đính
    Chùa Bái Đính
    Chùa Bái Đính
  3. Chùa Hương nằm trong quần thể danh thắng Hương Sơn rộng lớn, tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa nằm trong quần thể danh thắng Hương Sơn trải trên một diện tích gần 4.000 ha. Diện tích chùa chiếm một phần nhỏ trong khu quần thể này. Được xây dựng vào những năm cuối của thế kỷ 17, tuy nhiên do ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa gần như đã bị phá hủy hoàn toàn, ngôi chùa như hiện tại là một phần được phục dựng và trùng tu dưới sự hướng dẫn của cố hòa thượng Thích Thanh Chân vào năm 1988.


    Được bao quanh bởi thung lũng suối Yến, cả quần thể chùa Hương gồm có chùa Ngoài và chùa Trong. Chùa Ngoài hay còn được gọi là chùa Trò, với tam quan được cất trên khoảng sân rộng lớn và tháp chuông được dựng ở sân thứ ba. Nếu như chùa Ngoài được cải tạo dưới bàn tay của con người, thì chùa Trong nằm trong động Hương Tích là tác phẩm tuyệt diệu của tạo hóa với những hang động cổ kỳ vĩ đẹp lay động lòng người. Đường lên thăm động Hương Tích du khách cần phải đi qua các bậc đá cheo leo, dân gian quan niệm rằng, có khổ ải mới đến được chân phương. Vì vậy nơi đây chưa bao giờ vì sự khó khăn của địa hình mà cản trở bước chân của các tín đồ đến đây hành hương. Động Hương Tích khi xưa còn là nơi vua chúa thường hay lui tới vãn cảnh, năm 1770 Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã lưu lại nơi đây 5 chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động”, từ đó danh xưng này được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.


    Chùa Hương thường thu hút đông đảo du khách thập phương vào mùa xuân, cao điểm là vào các tháng 2, 3 âm lịch do thời điểm này cảnh sắc và thời tiết đẹp nhất để du khách có thể vãng cảnh. Lễ hội chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm và kết thúc vào hạ tuần tháng 3 âm lịch. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc như hát chèo, hát văn bên cạnh đó còn có các cuộc thi mang tính thể thao như leo núi, đua thuyền,...Xưa kia, người dân mở hội chùa Hương với ý nghĩa khai sơn, mở rừng. Ngày nay, lễ hội chùa Hương còn mang ý nghĩa khai chùa, mở chùa để người dân đến đây cầu tài cầu lộc cầu bình an cho gia đình mình.


    Có thể nói, chùa Hương là chốn thanh tịnh mà đứa con Phật tử nào cũng muốn tìm về. Ngày nay, du lịch nước ta ngày càng rộng mở giao thương với thế giới, chùa Hương còn là một trong những điểm đến nổi bật thu hút du khách quốc tế đến đây tìm hiểu về văn hóa cũng như tham quan vãn cảnh chùa.

    Chùa Hương
    Chùa Hương
    Chùa Hương
    Chùa Hương
  4. Thiền Viện Trúc Lâm ẩn mình trên đỉnh núi Phụng Hoàng và được bao quanh bởi những cánh rừng thông xanh tươi với tầm nhìn ra hồ Tuyền Lâm bình dị, Thiền viện Trúc Lâm là một ốc đảo thanh bình trên đồi núi Đà Lạt. Tọa lạc trên đường Trúc Lâm Yên Tử, Phường 3, Tp. Đà Lạt thiền viện rộng 30 ha được xây dựng vào năm 1994 và là một trong ba thiền viện lớn nhất Việt Nam, thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử.


    Thiền viện Trúc Lâm gồm 4 tòa chính khu hòa thượng Viện trưởng, khu nội viện tăng, khu nội viện ni và khu ngoại viện. Thiền viện có kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của Phật giáo.Để đi vào trong thiền viện quý khách sẽ đi bộ hơn 140 bậc thang bằng đá vượt qua 3 cổng Tam Quan là Sơ quan, Trùng quan và Lao quan. Đây là ba cửa đại diện cho ba chân lý của đạo Phật Vô Thường, Vô Ngã và Khổ mà những người chân tu phải vượt qua để đạt được cảnh giới. Chính điện có diện tích khá rộng 192m, giữa Chánh Điện thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao khoảng 2m, tay phải cầm cành sen đưa lên, đây là hình ảnh của Đức Phật trong Pháp Hội Linh Sơn. Hai bên tượng Phật là bức họa Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử và Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Phía trên chính điện là bức phù điêu khắc họa hình ảnh về 8 tướng thị hiện của Đức Phật và các bao lam, án thờ bằng gỗ. Kiến trúc Chánh Điện được trang trí, trạm trổ tinh xảo, đẹp mắt.


    Xung quanh thiền viện được bao bọc bởi rừng thông bạt ngàn, núi đồi xanh mướt, và mặt hồ tĩnh lặng hòa cùng tiếng chuông chùa trầm bổng, giúp bạn rũ bỏ mọi phiền muộn và tìm lại cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh. Bên cạnh đó, ngôi thiền viện còn là địa điểm du lịch tâm linh khi đến Đà Lạt, bởi hệ thống cáp treo nối thẳng từ dưới chân đèo Prenn lên thiền viện, và vườn hoa quý với nhiều giống hoa độc đáo. Một điều thú vị khác Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt cũng sẵn sàng chào đón những vị khách muốn ở lại thiền viện vài ngày để tĩnh tâm, và tìm lại bản ngã của mình sau những căng thẳng ở chốn đô thành. Họ sẽ được sắp xếp lưu lại tại nhà khách dưới lưng chừng đồi, và sinh hoạt, ăn uống như những tăng ni trong chùa.


    Ngoài việc tìm hiểu về tâm linh và học thiền, bạn còn có thể trải nghiệm ẩm thực đặc sản tại Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt. Các món ăn chay tại đây không chỉ ngon miệng mà còn mang đến cảm giác thanh tịnh và sảng khoái cho cơ thể. Bạn có thể thưởng thức các món chay truyền thống như chả giò chay, mì xào chay và các món tráng miệng ngon lành. Ngoài ra, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt cũng mang đến cho bạn cơ hội để tìm hiểu về triết lý và phương pháp thiền của Đức Phật. Bạn có thể tham gia các khóa tu và học thiền dưới sự hướng dẫn của các vị giáo sư và tu sĩ có kinh nghiệm. Đây là cơ hội để bạn khám phá sâu hơn về tâm linh và rèn luyện lòng nhân từ và tĩnh lặng.

    Thiền viện Trúc Lâm
    Thiền viện Trúc Lâm
    Thiền viện Trúc Lâm
    Thiền viện Trúc Lâm
  5. Chùa Ba Vàng còn có tên gọi khác là Bảo Quang Tự, tọa lạc ở lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc địa phận phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa có vị trí rất đẹp khi nằm ở độ cao 340 mét, chùa rộng 21,8 ha với phong cảnh thiên nhiên hữu tình: phía trước là dòng sông, phía sau là dãy núi, bên cạnh là rừng thông xanh mướt. Cảnh sắc núi non hùng vĩ vây quanh chùa như rồng uốn khúc, hổ nằm chồm chỗm. Vì thế chùa Ba Vàng cùng chùa Long Tiên được coi là biểu tượng của tâm linh của đất mỏ.


    Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1706, dưới triều đại vua Lê Dụ Tông. Trải qua thăng trầm của lịch sử cùng giai đoạn tàn phá của chiến tranh, chùa Ba Vàng đã bị hư hại nghiêm trọng. Đến năm 1988, chùa đã được đầu tư tôn tạo, trùng tu lại gần như hoàn toàn bằng vật liệu gỗ. Năm 1993 Quảng Ninh đã quyết định xây dựng lại toàn bộ khuôn viên chùa, đến hiện tại chỉ còn lại một cây hương đá, một tấm bia linh vị thiền sư và những viên tảng kê chân cột là tồn tại cùng chiều dài lịch sử ngôi chùa này. Đến tháng 1 năm 2011, vì nhu cầu tu tập của các tăng ni, phật tử và hoằng dương Phật pháp nên chùa Ba Vàng đã được xây dựng lại một lần nữa với quy mô vô cùng rộng lớn. Nhờ vậy ngôi chùa đã trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất.


    Kiến trúc độc đáo tại chùa Ba Vàng với bức tượng Phật A Di Đà: Tượng tạc từ vật liệu gỗ, được mệnh danh là bức tượng to đẹp nhất của các chùa chiền miền Bắc. Hàng loạt các pho tượng vô cùng bề thế với độ cao trên 2m: Tượng Tam Thế, tượng Quan Âm...Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lớn nhất cao đến 10,8m: Được dựng trên tòa sen cao 2,8m, khối lượng 80 tấn. Bức tượng này hoàn toàn từ đá granite nguyên khối và được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ, kì công bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân.

    Khu vực giếng nước khổng lồ, không bao giờ cạn: Đây được dân gian truyền miệng là giếng thần gắn liền với sự tích chỉ cần uống một ngụm nước của giếng này thì sẽ tiêu tan mọi bệnh tật, sức khỏe bền lâu và viên mãn đến già. Lầu Chuông, lầu Trống: Gắn liền với những nét hoa văn tinh tế, chạm khắc tinh xảo. Không gian tại đây phù hợp để du khách thả hồn vào chốn thanh tịnh, trầm mặc. Vì đã trải qua nhiều lần trùng tu nên ngôi chùa Ba Vàng hiện nay có lối kiến trúc khá hiện đại, tuy nhiên vẫn giữ được màu sắc tâm linh đậm nét.


    Ngoài ra, chùa còn nổi tiếng với chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương, giếng thần, vườn xuân tâm linh và đài phun nước. Sau khi lễ Phật, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ xung quanh. Chắc chắn sẽ có những bức ảnh lưu niệm tuyệt vời. Vừa là trung tâm tôn giáo, điểm du lịch nổi tiếng; chùa Ba Vàng còn đón nhận những Phật tử xa xứ về hành hương, truyền dạy Phật pháp và cung cấp bài học về cuộc sống cho tăng ni và phật tử.

    Chùa Ba Vàng
    Chùa Ba Vàng
    Chùa Ba Vàng
    Chùa Ba Vàng
  6. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là một ngôi chùa nổi tiếng tọa lạc trên đỉnh núi Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Với vị trí đắc địa, chùa sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Từ trên cao, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, bãi biển Mỹ Khê thơ mộng cùng với biển xanh bao la xung quanh. Chùa được xây dựng vào năm 2004, có diện tích rộng khoảng 20 ha, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại. Tọa lạc trên một ngọn đồi, mang hình con rùa hướng ra biển, lưng tựa cánh rừng nguyên sinh của Khu bào tồn thiên nhiên Sơn Trà. Đây được xem là ngôi chùa lớn nhất của thành phố về cả mặt quy mô cũng như về mặt nghệ thuật.


    Các hạng mục kiến trúc được xây dựng với lối kiến trúc vô cùng tinh xảo. Trong đó, chính điện được lợp bằng mái ngói uốn cong có hình rồng, bao quanh nó là các trụ cột to vững chắc. 3 pho tượng: Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ở giữa, Quan Thế Âm Bồ Tát ở bên phải và Địa Tạng Vương Bồ Tát bên trái được chạm khắc vô cùng tinh tế, sống động. Bốn vị Thần Long Hộ Pháp và 18 vị La Hán cũng vậy. Điểm độc đáo và nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc chùa Linh Ứng Bãi Bụt chính là tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Đông Nam Á ( do UNESCo công nhận) với chiều cao 67 m, đường kính toàn sen 35 m. Bên trong lòng tượng có 12 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ các bức tượng Phật. Tượng đứng lựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển với đôi mắt hiền từ như ban trãi lòng từ bi cho chúng sinh.


    Nhờ tọa lạc ở một vị trí lý tưởng, xung quanh là không gian thanh mát, thanh tịnh với biển cả, núi rừng đã níu chân du khách thập phương. Ngay từ khi bước chân vào cổng, bạn sẽ cảm nhận được sự xanh mát với những hàng cây tỏa bóng mát. Và càng đến gần chùa là một không khí hết sức trang nghiêm và thành kính. Không chỉ là nơi ngoạn cảnh của du khách bốn phương mà đây còn được xem như một địa điểm du lịch tâm linh Đà Nẵng hấp dẫn của thành phố đáng sống, nơi hội tụ linh khí đất trời và lòng người. Đồng thời là nơi chiêm bái, sinh hoạt, học tập của các tăng ni, Phật tử.

    Chùa Linh Ứng Bãi Bụt
    Chùa Linh Ứng Bãi Bụt
    Chùa Linh Ứng Bãi Bụt
    Chùa Linh Ứng Bãi Bụt
  7. Chùa Nôm còn được biết đến với cái tên khác là Linh Thông cổ tự, tọa lạc tại làng Nôm, xã Đại Hồng. Phía Tây chùa tiếp giáp huyện Gia Lâm, Hà Nội; phía Nam giáp với địa phận tỉnh Hải Dương còn phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh nên di chuyển đến đây vô cùng thuận lợi. Chùa Nôm có diện tích khoảng 15 ha, trong đó khuôn viên chính rộng 8 ha, bao gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo như vườn tháp cổ và lầu Quan Âm. Bởi thuộc quần thể làng Nôm nên chùa cũng mang vẻ đẹp dân dã như làng quê Việt Nam từ bao đời nay, đặc biệt nét kiến trúc còn đậm nét Phật giáo từ thế kỷ XVIII. Tháng 2/1994 đánh dấu mốc đặc biệt trong việc chùa Nôm Hưng Yên được Bộ văn hóa thông tin chứng nhận “Di tích lịch sử văn hóa”.


    Hiện tại trong chùa vẫn còn lưu giữ rất nhiều pho tượng cổ nhất Việt Nam. Như bức tượng cổ bằng đồng, trong đó được yêu thích nhất có thể kể đến như Phật Tổ Như Lai, tượng Cửu Long Phật Đản tinh xảo. Theo ước tính, ở chùa Nôm có khoảng 122 bức tượng cổ bằng đất nung hàng trăm năm tuổi như: A Di Đà, Phật bà, Tam thế, Bát bộ kim cương, Thập bát la hán…


    Chùa Nôm cũng như nhiều ngôi chùa khác của Việt Nam, có ban chính thờ Đức Phật. Bên cạnh đó ở trong khuôn viên chùa còn có nhiều ban thờ thần linh khác như: Đức Ông, thánh mẫu… Vào những dịp lễ lớn như lễ Phật Đản, Vu Lan… nơi đây thường tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho Phật tử tham gia như: thả cá phóng sanh, nghe giảng pháp… Nhờ đó người dân sẽ hiểu được những giá trị, ý nghĩa cao đẹp của Phật giáo mang lại.

    Chùa Nôm
    Chùa Nôm
    Chùa Nôm
    Chùa Nôm
  8. Chùa Hộ Quốc Phú Quốc tọa lạc tại ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với diện tích 12 ha. Đến chùa Hộ Quốc Phú Quốc, bạn sẽ có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, mọi ưu tư muộn phiền hằng ngày sẽ được giải tỏa phần nào nhờ không khí trong lành và quang cảnh ngoạn mục. Không những thế, sự hòa quyện giữa tiếng sóng và tiếng chuông chùa tạo nên một âm thanh mang đậm sự thanh tịnh, trang nghiêm.


    Chùa Hộ Quốc bắt đầu xây dựng vào 14/10/2011, nằm trong quần thể Thiền Viện Trúc Lâm. Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc thời Lý – Trần và mang đậm phong cách của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng từ thế kỷ XIII. Để bước vào chùa Hộ Quốc, quý khách cần đi qua cổng Tam Quan (gồm 3 phần: Cổng chính Cửa Địa Giác, cổng trái Cửa Bắt Nhị và cổng phải Cửa Giải Thoát).

    Khi bước vào trong, bạn sẽ thấy ngay bức tượng Đức Phật hùng vĩ bằng ngọc cẩm thạch, cao gần 3 mét, nằm dưới tán cây bồ đề rợp mát trong sân Thiên Tỉnh. Khuôn mặt của Ngài được khắc họa vô cùng sắc sảo và có hồn. Tiến vào bên trong là quảng trường rộng lớn. Chắc chắn bạn sẽ bị choáng ngợp hoàn toàn bởi trước mắt bạn chính là bức phù điêu hình rồng và những đoá hoa sen vàng rực một góc trời. Chúng được điêu khắc cực kỳ công phu và tỉ mỉ, bố trí nằm giữa hai lối thang bộ hai bên. Hành lang dọc lối lên được trang trí hình con rồng uốn lượn, là biểu trưng tối thượng vào đời nhà Trần. Khi leo lên bậc thang cuối cùng, đừng quên dành một ít phút quay người ngược lại ngắm nhìn biển Phú Quốc. Cảm giác rợn ngợp giữa không gian biển xanh bao la sẽ khiến bạn khó lòng quên được.


    Tổng thể kiến trúc chùa được làm từ gỗ lim và đá nguyên thuỷ. Loại gỗ này được chọn lọc kỹ càng, có độ bền lên đến 1000 năm. Xây dựng theo kiến trúc mang đậm phong cách thời Lý - Trần. Quần thể chùa bao gồm: Cổng Tam Quan, sân Thiên Tỉnh, bậc thang, tháp trống, tháp chuông và chánh điện. Trong chánh điện, có bức tượng của 18 vị La Hán, Bát Nhã Thành Tri và Phổ Hiền Hạnh Nguyên. Đến với ngôi chùa này, ngoài mục đích chính là thắp hương, cầu an yên trong cuộc sống, bạn có thể thoải mái tận hưởng khoảng không gian rộng mở, thoáng đãng nhưng không kém phần trang nghiêm, an lạc kết hợp với hương vị biển mặn mà, khó quên.

    Chùa Hộ Quốc Phú Quốc
    Chùa Hộ Quốc Phú Quốc
    Chùa Hộ Quốc Phú Quốc
    Chùa Hộ Quốc Phú Quốc
  9. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tọa lạc bên cạnh khu di tích Tây Thiên Cổ Tự ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây không chỉ là nơi linh thiêng thu hút khách hành hương mà còn là điểm đến lý tưởng để thưởng ngoạn cảnh quan tuyệt đẹp. Với diện tích khoảng 4,5 ha và rừng ngoại vi rộng lên tới 50 ha, thiền viện nằm trên độ cao 300 mét so với mực nước biển.


    Hệ thống thiền viện Trúc Lâm ở Tây Thiên có chùa tăng và chùa ni. Công trình bao gồm: nhà tổ, nhà trưng bày, nhà khách, tam quan, lầu chuông… Nội viện có: thiền đường, tăng đường, trai đường và những thất chuyên tu. Toàn bộ các công trình được đánh giá rất cao về độ tỉ mỉ, kỳ công và mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông ấn tượng. Trên phù điêu, tranh tượng của tháp trống, tháp chuông và trong ngoài chánh điện đều lưu giữ dấu tích từ thời xa xưa, thu hút khách tham quan ghé thăm. Ngoài ra tại đây còn có một thư viện hình bát giác nằm ngay trên đồi, với bức tượng phật cao tới 35m.


    Những công trình ấn tượng quanh thiền viện:

    • Thiền viện Trúc Lâm An Tâm: xây dựng từ những năm 2009 và được hoàn thành trong năm 2012 do chính ni sư thích nữ Thuần Giác chủ trì. Công trình gồm có chính điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, 1 nhà khách, 1 nhà tổ thờ tổ thiền tông và 1 nhà ăn. Bên cạnh đó tại đây còn có thiền đường, ni đường cho thiền sinh tu hành.
    • Đại Bảo tháp Mandala: xây dựng theo phong cách kiến trúc Kim Cương Thừa với độ cao 29m, diện tích mặt sàn rộng hơn 1.500m2. Bảo tháp cao 3 tầng mang nhiều hình dáng khác nhau tượng trưng cho 6 yếu tố tạo nên vũ trụ và sự sống, được gọi chung bằng cái tên lục địa. Nhiều người thường ghé đến đây để chiêm bái, cầu nguyện và ngắm nhìn.
    • Đền Thống: Cửa ngõ của thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đưa chúng ta đến với đền Mẫu. Đền Thống là quần thể kiến trúc hòa quyện hoàn hảo cùng cảnh sắc thiên nhiên, nơi chúng ta được chiêm ngưỡng cây đa Chín Cội ngay sân có niên đại hàng trăm năm tuổi.
    • Đền Thượng: Ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, vị thần chủ Tây Thiên và là nữ vương của vùng núi Tam Đảo. Truyền thuyết ngợi ca công ơn của bà trong việc phò tá vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi và dạy người dân trồng lúa.
    Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
    Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
    Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
    Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
  10. Chùa Bửu Long nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 20 km, tọa lạc trên đỉnh đồi phía Tây sông Đồng Nai, thuộc quận 9. Ban đầu được xây dựng vào năm 1942, đến năm 2007 chùa được trùng tu. Hiện tại, chùa rộng khoảng 11 ha và là một trong những ngôi chùa lớn, đẹp và nổi tiếng nhất Sài Gòn.


    Kiến trúc độc đáo của chùa Bửu Long kết hợp nét văn hóa Thái Lan, Ấn Độ cùng phong cách thiết kế thời nhà Nguyễn, tạo nên dấu ấn riêng biệt. Chính vì vậy, năm 2019 chùa được National Geographic bình chọn là một trong 10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Hiện nay, các dấu ấn kiến trúc đặc trưng của chùa hầu như vẫn còn lưu giữ nguyên viện. Một số hạng mục vẫn giữ được nét đẹp sơ khai, vẹn nguyên như ngày đầu bao gồm khuôn viên, chánh điện, tăng xá, trai đường, am thất.

    Tọa lạc ven sông với hai bên cầu thang chạm khắc hình rồng, phía trước là một hồ nước màu ngọc lam phản chiếu hình ảnh ngôi chùa trắng tinh và tòa tháp vàng rực rỡ. Tòa tháp Gotama Cetiya Stupa của chùa lưu giữ nhiều thánh tích Phật giáo quý giá, bao gồm xá lợi của các sư trụ trì dưới dạng śarīra, các viên ngọc trai và pha lê nhỏ. Giữa khuôn viên Chùa Bửu Long có một hồ nước khá rộng lớn tạo nên sự thanh mát, dễ chịu. Xung quanh thành hồ có chạm trổ những họa tiết một cách tinh xảo, cầu kỳ, gợi nên một không gian uy nghiêm, tráng lệ.

    Mặc dù nằm sát trung tâm thành phố nhưng chùa Bửu Long vẫn được bao bọc bởi khu rừng cây xanh mát, tạo cảm giác thanh tịnh và thoáng đãng. Với vị trí độc đáo này, ngôi chùa thu hút đông đảo khách hành hương đến tránh xa cuộc sống ồn ào, tấp nập để thiền tịnh và thanh lọc tâm hồn. Điểm đặc biệt của Chùa Bửu Long là vẻ đẹp thanh tịnh, nhẹ nhàng. Khác với những ngôi chùa truyền thống luôn nghi ngút khói hương, Chùa Bửu Long là điểm đến tôn giáo không có sự xuất hiện của nhang khói. Các tín đồ du lịch, tôn giáo khi đến đây có thể lễ Phật mà không cần dâng hương hay lễ vật. Điểm đặc biệt này khiến cho không gian của chùa thêm phần yên ả, thiền tịnh, giúp bạn quên đi những bộn bề lo toan và phiền não trong cuộc sống này.

    Chùa Bửu Long
    Chùa Bửu Long
    Chùa Bửu Long
    Chùa Bửu Long



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy