Cố Cung - Tử Cấm Thành
Cố cung - Tử Cấm Thành là niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa, là chứng tích huy hoàng cho một thời phong kiến và là dấu ấn quyền lực của các vị hoàng đế Trung Quốc cuối cùng. Được xây dựng từ năm 1406 đến năm 1420, toàn bộ Cố cung có diện tích 720.000 m2, gồm 800 công trình cung tẩm và 9999 phòng, phía trong Cố cung còn có viện bảo tàng Cố Cung. Cố cung được UNESCO công nhận quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất của thế giới và cũng trở thành Di sản thế giới vào năm 1987 mang tên Cung điện triều Minh và triều Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương. Tử Cấm Thành được nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế thiết kế nên trong đó kiến trúc sư trưởng là Sái Tín, Trần KHuê, thái giám Nguyễn An - một người Việt Nam, Ngô Trung, còn tổng giám sát thi công công trình là trình sư Khoái Tường và Lục Tường. Để xây dựng nên Cố cung, số nhân lực ước tính lên tới 1 triệu người.
Cố cung được thiết kế hình chữ nhật, kéo dài theo chiều Bắc - Nam dài 961 m, chiều Đông - Tây 753 m. Toàn thể Cố cung được bao bọc bởi hệ thống các bức tường cao gần 8 m, dày 6 m hào sâu xung quanh 52 m. Bốn góc của Cố cung là 4 tòa tháp được thiết kế mái phức tạp, tượng trưng cho Đằng Vương các, Hoàng Hạc lâu. Mỗi mặt tường đều có một cổng với các hướng khác nhau gồm: Tây Hoa môn, Đông Hoa môn, Thần Vũ môn, Ngọ môn. Toàn bộ công trình Cố cung được chia thành 2 khu vực chính. Trong đó Ngoại đình nằm ở phía Nam dành cho công việc lễ nghi và Nội đình tức Hậu cung ở phía Bắc là nơi ở, sinh hoạt, công việc họp bàn triều chính với quan lại của Hoàng đế và Hoàng thất.
Theo phong thủy cũng như để thể hiện sức mạnh của người đứng đầu, nơi hoàng đế sống nằm trung tâm của Cố cung, tất cả các hạng mục khác đều nằm xung quanh tầng tầng lớp lớp kiến trúc xoay quanh trục chính. Các vật liệu sử dụng cho Tử Cấm Thành đều là những vật liệu cao cấp như gạch Tô Châu, đá quý Phòng Sơn, gỗ quý Phương Nam, men ngọc An Huy... Điểm nhấn của hệ thống tổng cung được lợp mái ngói lưu ly màu vàng - loại màu được cho là tôn quý nhất biểu hiện cho hoàng gia. Tường cung được sơn đỏ biểu hiện cho sự trang nghiêm, hạnh phúc. Nhiều hiện vật quý hiếm bằng gốm, ngọc bích đang được lưu giữ và trưng bày trong Cố cung này đặc biệt là khu viện bảo tàng với 1 triệu hiện vật được xem là di sản quốc gia.