Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân (10 tháng 7 năm 1910 - 28 tháng 7 năm 1987) là một nhà văn Việt Nam. Nguyễn Tuân sở trường về tùy bút và ký. Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng Tiếng Việt. Các tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú nhiều mặt và vốn ngôn ngữ, giàu có, điêu luyện. Sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông còn là một diễn viên tay ngang, tham gia phim "Cánh đồng ma" năm 1938, và phim "Chị Dậu" (1980). Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung Nam Định (tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay, tiền thân của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định ngày nay) thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt (1929). Sau đó ít lâu ông lại bị tù vì đi qua biên giới tới Thái Lan không có giấy phép. Sau khi ra tù, ông bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình.
Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi... Năm 1941, ông lại bị bắt giam một lần nữa và gặp gỡ, tiếp xúc với những người hoạt động chính trị. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ 1948 đến 1957, ông giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Các tác phẩm chính sau cách mạng của Nguyễn Tuân là tập tùy bút Sông Đà (1960) là kết quả chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, một số tập ký chống Mỹ (1965 - 1975) và nhiều bài tùy bút về cảnh sắc và hương vị đất nước. Ông chủ trương chủ nghĩa xê dịch không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên ông đi suốt chiều dài đất nước để tìm những điều mới mẻ,độc đáo. Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 7 năm 1987. Năm 1996 ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).