Đầm An Khê
Đầm An Khê là đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347 ha, chiều dài nhất đo được 3,5 km, chiều rộng nhất chừng 1km. Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4m.
Đầm An Khê có một lối thoát nước ra biển qua một lạch nhỏ dài khoảng 3km, gọi là cửa Lỗ, thường bị bồi lấp quanh năm. Vào mùa mưa lũ, khi nước trong đầm tích đầy thì dãi cát ở cửa Lỗ bị đẩy xa ra biển. Có năm người dân địa phương phải khơi thông cửa này cho nước thoát ra biển để tránh gây ngập vùng xung quanh.
Nước đầm An Khê là môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh. Thủy sản sống trong đầm chủ yếu là các loài nước ngọt (cá diếc, cá thác lác, cá bống, cá chép, cá chình, cá trắm cỏ, cá mè, tôm, ốc, cá rô phi...). Đặc biệt ở đây có loài cá úc, song trong những năm gần đây đã dần trở nên khan hiếm. Nhóm cá biển với số lượng khá thấp sống trong đầm là các loài cá móm, cá đối, cá khế sáu sọc.
Đầm nước này trong quá khứ là một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa, góp phần hình thành và phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh- một trong 3 nền văn hóa cổ đã từng tồn tại trên đất nước Việt Nam, có quan hệ rộng với nhiều vùng trong khu vực Đông Nam châu Á.