Đầm Thị Tường
Đầm Thị Tường (hay đầm Bà Tường) là đầm nước tự nhiên có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam, được mệnh danh là "biển hồ giữa đồng bằng". Theo truyền thuyết dân gian, cái tên Thị Tường là tên của Bà Tường, một trong những người đầu tiên đi khai phá vùng đất Cà Mau. Theo người xưa kể, tuy là phận nữ nhi nhưng Bà Tường rất dũng cảm, bà đã xua đuổi bày chim trời do chúa Hổ phái đến để lấy đá lấp biển. Chúa Hổ làm như vậy là do ngài hận vua Thủy tề không gả con gái cho mình. Dấu tích nơi bà Tường xua đuổi đàn chim đến nay vẫn còn. Nhờ vậy mà đầm ngày một đông đúc các loài thủy sản, là nguồn lợi khai thác vô cùng lớn của những người dân nghèo địa phương. Nhớ công đức của bà, người dân nơi đây lấy tên bà đặt cho đầm.
Đầm có hệ sinh thái đa dạng, phong phú mang đặc thù riêng của vùng đất ngập nước ở tỉnh Cà Mau. Do ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều nên khu vực đầm là vùng tiếp giáp hai dòng chảy của biển phía tây và biển phía đông quanh bán đảo Cà Mau nên đầm Thị Tường có mùa nước mặn và mùa nước ngọt rõ rệt, chính vì vậy đầm có hệ sinh thái mặn, ngọt và cả nước lợ. Mùa nước mặn có nhiều tôm, cua, chù ụ, lịch củ, lịch huyết. Mùa nước ngọt thì có nhiều cá lóc, cá rô, cá trê, lươn,...Đầm là nơi sinh sống của các loại thủy sản khác như cá ngát, cá chẽm, cá vược, cá vồ chó, cá dứa,...đặc biệt nhiều nhất là cá vồ chó.
Cư dân sinh sống quanh đầm chủ yếu bằng nguồn lợi thủy hải sản khai thác được từ đầm này, nhưng do đánh bắt với tần suất cao và vô tội vạ, nguồn lợi thủy sản trên đầm đã cạn kiệt. Người dân lại bao ví nuôi sò huyết số lượng lớn. Việc nuôi sò huyết trên quy mô lớn ở đầm được đánh giá là đe dọa hệ sinh thái tự nhiên vì nước cần mặn hóa thường xuyên để nuôi chúng nên đầm Thị Tường gần như mặn quanh năm.