Điều trị bệnh loãng xương
Top 7 trong Top 10 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh loãng xương
Mục tiêu của việc điều trị loãng xương là ngăn chặn các nguy cơ tổn thương xương, có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như:
- Tăng cường khối lượng xương.
- Phục hồi cấu trúc xương đã bị loãng và phục hồi vô cơ hóa xương.
- Ngăn chặn tình trạng mất xương.
Phương pháp điều trị bệnh loãng xương không dùng thuốc
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: Bổ sung nguồn thức ăn giàu calci từ 1.000-1.500mg hàng ngày; tránh thuốc lá, cafe, rượu, thừa cân hoặc thiếu cân.
- Thường xuyên tăng cường vận động, tránh chấn thương...
- Dùng dụng cụ, nẹp chỉnh hình cột sống, khớp háng nhằm giảm áp lực lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.
Phương pháp điều trị bệnh loãng xương bằng thuốc
- Bổ sung thuốc nếu chế độ ăn không đủ như: Calci (500 – 1.500mg hàng ngày); Vitamin D (800 - 1.000 UI hàng ngày); thuốc chống hủy xương; nhóm Bisphosphonat (chống chỉ định ở phụ nữ có thai và cho con bú, dưới 18 tuổi, suy thận với mức lọc cầu thận <35ml/phút); Calcitonin (100UI tiêm dưới da hoặc 200UI xịt qua niêm mạc mũi hàng ngày, dùng 2 – 4 tuần).
- Thuốc điều trị loãng xương có tác dụng kép: Thuốc trị loãng xương được chỉ định khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp nhóm bisphosphonate. Strontiumranelat nhằm tạo xương vừa có tác dụng ức chế hủy xương. Dùng 2g uống ngày một lần vào buổi tối.
- Liệu pháp sử dụng các chất giống hormon: Chỉ định đối với phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc có loãng xương sau mãn kinh: Raloxifen, chất điều hoà chọn lọc thụ thể Estrogen (SERMs) với liều lượng 60mg uống hàng ngày, trong thời gian ≤ 2 năm.
- Các nhóm thuốc điều trị loãng xương khác có thể phối hợp trong những trường hợp cần thiết như thuốc làm tăng quá trình đồng hoá (Deca Durabolin và Durabolin).
Điều trị triệu chứng
- Đau cột sống, đau dọc các xương: Trong trường hợp đau cột sống, đau dọc các xương khi bị loãng xương và cách điều trị là dùng calcitonine và các thuốc giảm đau, kết hợp thuốc kháng viêm giảm đau không steroids, thuốc giảm đau bậc 2 và thuốc giãn cơ...
- Chèn ép rễ thần kinh liên sườn khiến người bệnh đau ngực, khó thở, chậm tiêu, dị cảm, tê... thì cần nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế ngồi hoặc đứng, thuốc giảm đau, thuốc giảm đau thần kinh, vitamin nhóm B.
Điều trị ngoại khoa các biến chứng gãy cổ xương đùi, gãy thân đốt sống
- Trường hợp gãy đốt sống, biến dạng cột sống cần phục hồi chiều cao cột sống bằng phương pháp tạo hình đốt sống.
- Nếu người bệnh gãy cổ xương đùi có thể bắt vít xốp, thay chỏm xương đùi hoặc thay toàn bộ khớp háng.
- Phụ nữ sau mãn kinh, nam giới > 60 tuổi bị gãy đốt sống, gãy cổ xương đùi hoặc gãy xương cổ tay do chấn thương nhẹ thì điều trị loãng xương mà không cần đo khối lượng xương.
Điều trị lâu dài
- Theo dõi sát người bị loãng xương và cách điều trị theo từng giai đoạn, phù hợp với bệnh cảnh.
- Đo lại mật độ xương cho người bệnh sau mỗi 1 - 2 năm để đánh giá kết quả điều trị loãng xương
- Điều trị loãng xương lâu dài từ 3 - 5 năm. Sau đó đánh giá lại tổng thể tình trạng bệnh để quyết định phương hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh