Top 10 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh loãng xương

Bùi Thị Phương Thảo 43 0 Báo lỗi

Loãng xương là một bệnh lý phổ biến, là bệnh thầm lặng, dễ gây ra các biến chứng, chỉ phát hiện bệnh khi xương bị gãy. Tuy nhiên bệnh có thể phòng ngừa được. ... xem thêm...

  1. Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.


    Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Gãy xương do loãng xương có thể gặp ở bất cứ xương nào, tuy nhiên hay gặp ở xương cột sống, xương đùi, xương cổ tay. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được, trong đó xương cột sống và xương đùi là những xương lành lại rất khó khăn, trong hầu hết trường hợp phải phẫu thuật với chi phí tốn kém.


    Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương.


    Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.

    Bệnh loãng xương là gì?
    Bệnh loãng xương là gì?
    Bệnh loãng xương là gì?

  2. Loãng xương nguyên phát

      Loãng xương nguyên phát có nguyên nhân chính là do tuổi già hoặc do tình trạng mãn kinh ở nữ giới. Khi quá trình tạo cốt bào ở xương bị lão hóa gây nên sự mất cân bằng giữa việc hủy xương và tạo xương.

      • Loãng xương type 1 (loãng xương sau mãn kinh): do giảm nội tiết tố estrogen và sự suy giảm của một số hormon và enzym, thường gặp ở các đối tượng từ 50 - 55 tuổi.
      • Loãng xương type 2: do tuổi tác và tình trạng mất cân bằng tạo xương, xuất hiện ở cả nam và nữ trên 70 tuổi. Loại loãng xương này làm mất chất khoáng ở cả xương xốp và xương đặc, thương gây gãy xương đùi ở người bệnh.


      Loãng xương thứ phát

        Liên quan đến các bệnh lý mạn tính hay do sử dụng một số loại thuốc gây ra. Một số nguyên nhân gây ra loãng xương thứ phát:

        • Các bệnh nội tiết: tiểu đường, cường giáp, bệnh to đầu chi,...
        • Bệnh về tiêu hóa: bệnh gan mạn tính, bệnh nhân cắt dạ dày,...
        • Bệnh khớp: các bệnh lý cột sống hay viêm khớp,...
        • Bệnh ung thư: Kahler.
        • Bệnh di truyền: bệnh nhiễm sắc tố sắt,...
        • Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài: corticoid, heparin, thuốc lợi tiểu,...
          Loãng xương có mấy loại?
          Loãng xương có mấy loại?
          Loãng xương nguyên phát
        • Bản chất của xương là các mô sống nên nó luôn trong trạng thái hủy cũ và tạo mới. Khi còn trẻ, quá trình tạo mới và hủy mô xương cũ diễn ra nhanh và khối lượng xương cũng tăng lên. Hầu hết mọi người đều có mật độ xương cao nhất khi ở độ tuổi 20. Còn khi già đi, khối lượng xương bị mất nhanh hơn mức tạo ra, gây loãng xương.


          Ở nữ giới sau thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen giảm xuống mức thấp nhất là nguyên nhân gây loãng xương. Lượng estrogen giảm sẽ dẫn đến:

          • Làm tăng sự hủy xương
          • Giảm hoạt đông của các tế bào xương
          • Giảm khung protein
          • Giảm lắng động calci và phosphate ở xương

          Tất cả những yếu tố này sẽ làm sự mất xương trong cơ thể phụ nữ tăng nhanh, khoảng 1-2% mỗi năm. Hậu quả dẫn đến loãng xương nguyên phát.


          Đối với nam giới việc mất các tế bào xương diễn ra chậm hơn. Ở nam giới, hormone sinh dục quan trọn là testosterone sinh ra ở tinh hoàn, các hormone sinh dục khác như estrogen được sản xuất tại tuyến thượng thận. Việc giảm estrogen và testosterone ở nam giới cao tuổi cũng dẫn đến loãng xương.


          Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây loãng xương thứ phát như:

          • Uống nhiều rượu
          • Không vận động do thừa cân hoặc liệt…
          • Rối loạn ăn uống như biếng ăn
          • Hút thuốc lá
          • Hấp thu kém
          • Không dung nạp lactose
          • Sử dụng nhiều thuốc corticois hoặc heparin
          • Bệnh Scorbut
          • Hội chứng Sudeck – Kienbock (teo xương nhỏ bàn tay và chân sau chấn thương)
          • Rối loạn nội tiết như nhiễm độc tuyến giáp, thiểu năng tuyến yên, đái tháo đường,…

          Đồng thời các yếu tố nguy cơ như tuổi, di truyền, chủng tộc… cũng là tác nhân dẫn đến bệnh loãng xương.

          Nguyên nhân gây bệnh loãng xương
          Nguyên nhân gây bệnh loãng xương
          Nguyên nhân gây loãng xương
        • Tình trạng mất xương (hay còn gọi là giảm mật độ xương) do bệnh loãng xương thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu đi, dễ gãy khi gặp những sang chấn nhỏ ví dụ như trẹo chân, va đập hoặc té ngã.

            • Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp (còn gọi là gãy lún). Biểu hiện của tình trạng này bao gồm có cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng.
            • Đau nhức đầu xương: một trong những triệu chứng loãng xương dễ nhận thấy nhất là cảm giác đau nhức các đầu xương, người bệnh sẽ cảm thấy mỏi dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân
            • Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.
            • Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Vì vậy, người có dấu hiệu bị loãng xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người.
            • Đối với những người ở lứa tuổi trung niên, loãng xương thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hoá khớp, cao huyết áp,…
            Triệu chứng của bệnh loãng xương
            Triệu chứng của bệnh loãng xương
            Triệu chứng bệnh loãng xương
          • Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh loãng xương. Một số yếu tố có thể thay đổi được trong khi số khác thì không thể.


            Những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như:

            • Giới tính: ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh thì nguy cơ loãng xương tăng cao hơn hẳn so với nam giới cùng độ tuổi do tổng khối lượng xương thấp hơn.
            • Tuổi tác: độ tuổi càng cao, càng có nguy cơ loãng xương.
            • Kích thước cơ thể: những phụ nữ gầy và nhỏ con có nguy cơ bị loãng xương cao hơn.
            • Tiền sử gia đình có người từng bị loãng xương hoặc gãy xương hông
            • Mãn kinh trước 45 tuổi
            • Đã từng bị gãy xương
            • Có các bệnh đi kèm như: bệnh nội tiết, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận hoặc hội chứng Cushing
            • Chủng người da trắng hoặc người châu Á

            Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi bao gồm:

            • Nội tiết tố giới tính: nồng độ estrogen thấp do kinh nguyệt không đều hoặc thời kỳ mãn kinh có thể gây ra bệnh loãng xương ở phụ nữ. Trong khi đó, nồng độ testosterone thấp có thể gây ra loãng xương ở nam giới.
            • Chế độ ăn ít hoặc thiếu canxi và vitamin D
            • Chán ăn tâm thần: chứng rối loạn ăn uống này có thể dẫn đến loãng xương.
            • Dùng một số loại thuốc như corticosteroid hoặc heparin trong thời gian dài
            • Mức độ hoạt động: thiếu tập thể dục hoặc nghỉ ngơi tại giường lâu dài có thể gây yếu xương.
            • Hút thuốc: thuốc lá rất có hại cho xương, cũng như tim và phổi.
            • Uống rượu: uống quá nhiều rượu có thể làm xương yếu đi và dễ gãy.
            Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương
            Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương
            Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương
          • Triệu chứng lâm sàng

            • Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng.
            • Đau xương, đau lưng cấp và mãn tính.
            • Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy.
            • Đau ngực, khó thở, chậm tiêu... do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống.
            • Gãy xương: các vị trí thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống lưng (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.

            Triệu chứng cận lâm sàng

            • Xquang quy ước: hình ảnh đốt sống tăng thấu quang, biến dạng thân đốt sống (gãy làm xẹp và lún các đốt sống), với các xương dài thường giảm độ dày vỏ xương (khiến ống tủy rộng ra).
            • Đo khối lượng xương (BMD) bằng phương pháp đo hấp phụ tia X năng lượng kép ở các vị trí trung tâm như xương vùng khớp háng hoặc cột sống thắt lưng, để chẩn đoán xác định loãng xương, đánh giá mức độ loãng xương, dự báo nguy cơ gãy xương và theo dõi điều trị.
            • Đo khối lượng xương ở ngoại vi (gót chân, ngón tay...) bằng các phương pháp DXA, siêu âm,... được dùng để tầm soát loãng xương trong cộng đồng.

            Chẩn đoán xác định

            • Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương của Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) năm 1994, đo mật độ xương tại cột sống thắt lưng và cổ xương đùi theo phương pháp DEXA:
              • Xương bình thường: T - score từ -1SD trở lên
              • Thiếu xương (Osteopenia): T - score dưới -1SD đến -2,5SD
              • Loãng xương (Osteoporosis): T - score dưới -2,5SD
              • Loãng xương nặng: T - score dưới -2,5SD kèm tiền sử/hiện tại có gãy xương.
            • Trường hợp không có điều kiện đo mật độ xương: Có thể chẩn đoán xác định loãng xương khi đã có biến chứng gãy xương dựa vào triệu chứng lâm sàng và Xquang: đau xương, đau lưng, gãy xương chấn thương nhẹ, tuổi cao,...
            Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh loãng xương
            Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh loãng xương
            Chẩn đoán bệnh loãng xương
          • Mục tiêu của việc điều trị loãng xương là ngăn chặn các nguy cơ tổn thương xương, có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như:

            • Tăng cường khối lượng xương.
            • Phục hồi cấu trúc xương đã bị loãng và phục hồi vô cơ hóa xương.
            • Ngăn chặn tình trạng mất xương.

            Phương pháp điều trị bệnh loãng xương không dùng thuốc

            • Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: Bổ sung nguồn thức ăn giàu calci từ 1.000-1.500mg hàng ngày; tránh thuốc lá, cafe, rượu, thừa cân hoặc thiếu cân.
            • Thường xuyên tăng cường vận động, tránh chấn thương...
            • Dùng dụng cụ, nẹp chỉnh hình cột sống, khớp háng nhằm giảm áp lực lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.

            Phương pháp điều trị bệnh loãng xương bằng thuốc

            • Bổ sung thuốc nếu chế độ ăn không đủ như: Calci (500 – 1.500mg hàng ngày); Vitamin D (800 - 1.000 UI hàng ngày); thuốc chống hủy xương; nhóm Bisphosphonat (chống chỉ định ở phụ nữ có thai và cho con bú, dưới 18 tuổi, suy thận với mức lọc cầu thận <35ml/phút); Calcitonin (100UI tiêm dưới da hoặc 200UI xịt qua niêm mạc mũi hàng ngày, dùng 2 – 4 tuần).
            • Thuốc điều trị loãng xương có tác dụng kép: Thuốc trị loãng xương được chỉ định khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp nhóm bisphosphonate. Strontiumranelat nhằm tạo xương vừa có tác dụng ức chế hủy xương. Dùng 2g uống ngày một lần vào buổi tối.
            • Liệu pháp sử dụng các chất giống hormon: Chỉ định đối với phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc có loãng xương sau mãn kinh: Raloxifen, chất điều hoà chọn lọc thụ thể Estrogen (SERMs) với liều lượng 60mg uống hàng ngày, trong thời gian ≤ 2 năm.
            • Các nhóm thuốc điều trị loãng xương khác có thể phối hợp trong những trường hợp cần thiết như thuốc làm tăng quá trình đồng hoá (Deca Durabolin và Durabolin).

            Điều trị triệu chứng

            • Đau cột sống, đau dọc các xương: Trong trường hợp đau cột sống, đau dọc các xương khi bị loãng xương và cách điều trị là dùng calcitonine và các thuốc giảm đau, kết hợp thuốc kháng viêm giảm đau không steroids, thuốc giảm đau bậc 2 và thuốc giãn cơ...
            • Chèn ép rễ thần kinh liên sườn khiến người bệnh đau ngực, khó thở, chậm tiêu, dị cảm, tê... thì cần nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế ngồi hoặc đứng, thuốc giảm đau, thuốc giảm đau thần kinh, vitamin nhóm B.

            Điều trị ngoại khoa các biến chứng gãy cổ xương đùi, gãy thân đốt sống

            • Trường hợp gãy đốt sống, biến dạng cột sống cần phục hồi chiều cao cột sống bằng phương pháp tạo hình đốt sống.
            • Nếu người bệnh gãy cổ xương đùi có thể bắt vít xốp, thay chỏm xương đùi hoặc thay toàn bộ khớp háng.
            • Phụ nữ sau mãn kinh, nam giới > 60 tuổi bị gãy đốt sống, gãy cổ xương đùi hoặc gãy xương cổ tay do chấn thương nhẹ thì điều trị loãng xương mà không cần đo khối lượng xương.

            Điều trị lâu dài

            • Theo dõi sát người bị loãng xương và cách điều trị theo từng giai đoạn, phù hợp với bệnh cảnh.
            • Đo lại mật độ xương cho người bệnh sau mỗi 1 - 2 năm để đánh giá kết quả điều trị loãng xương
            • Điều trị loãng xương lâu dài từ 3 - 5 năm. Sau đó đánh giá lại tổng thể tình trạng bệnh để quyết định phương hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh
            Điều trị bệnh loãng xương
            Điều trị bệnh loãng xương
            Điều trị bệnh loãng xương
          • Sữa và chế phẩm từ đậu nành

            Một trong những nguồn bổ sung canxi, vitamin D và protein dồi dào là từ sữa và các chế phẩm từ đậu nành. Đây là thực phẩm rất tốt để duy trì hoạt động và ngăn chặn tình trạng loãng xương. Chất isoflavones, một hormone nguồn gốc thực vật có nhiều trong đậu nành, là thành phần quan trọng cấu tạo xương và ngăn chặn quá trình lão hóa. Bạn nên uống sữa và ăn các chế phẩm từ đậu nành sẽ rất tốt và giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương.


            Xương ống động vật

            Trong xương động vật có nhiều canxi và các khoáng chất như phốt pho, các nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm, đồng, niken, muối khoáng… rất tốt cho việc bảo vệ và phòng chống loãng xương cũng như các bệnh về xương khớp khác.


            Các loại cua, cá nhỏ

            Các loại cua cá nhỏ nhưng lại có giá trị tăng cường và nuôi dưỡng hệ xương khớp khỏe mạnh. Do hàm lượng dồi dào của các dưỡng chất có trong cua, cá nhỏ như canxi, phốt pho, muối khoáng, protein, nguyên tố vi lượng.


            Các loại rau quả chứa vitamin K

            Các loại rau quả như chuối, bắp cải, khoai tây, rau cải chứa nhiều vitamin K, giúp tăng mật độ xương và ngăn ngừa sự rạn xương hông.


            Quả óc chó, củ đậu, hạt hướng dương, hạt bí, các loại dầu thực vật chứa protein và chất béo

            Đây cũng là những thực phẩm rất tốt để bạn ăn hàng ngày với công dụng giúp tăng cường mô xương và hấp thu vitamin D.

            Bị loãng xương nên ăn gì?
            Bị loãng xương nên ăn gì?
            Thực phẩm tốt cho người bị loãng xương
          • Bên cạnh những thực phẩm người loãng xương nên ăn thì cũng có một list các thực phẩm bạn nên tránh bởi đây chính là những “kẻ trộm” canxi mà khi bạn ăn sẽ vô tình làm giảm sự hấp thu canxi hoặc đẩy canxi ra khỏi cơ thể. Nên tránh những thực phẩm nào làm giảm sự hấp thu canxi.


            Thực phẩm chứa nhiều axit

            Đó là bột mỳ, bánh ngọt, bánh quy, ngô, lạc, trứng gà, các loại thịt,... Các loại thực phẩm có tính axit này cũng đồng thời chứa nhiều nguyên tố clo, lưu huỳnh, photpho hoặc là thực phẩm có chứa axit hữu cơ khó biến đổi được và sau quá trình biến đổi vẫn mang tính axit cao không có lợi cho xương. Không chỉ ảnh hưởng đến xương mà thực phẩm chứa nhiều axit còn có thể gây ra các chứng bệnh khác như thiếu tập trung, sâu răng, đau đầu, mỏi gân cốt,... Do đó, bạn cần lưu ý cân bằng và hạn chế ăn các loại thực phẩm này nếu đang bị loãng xương.


            Hạn chế uống rượu bia, chất kích thích như trà, cà phê

            Chất kích thích và cafein trong các đồ uống này sẽ phá hủy sự hấp thu canxi trong ruột.


            Không nên ăn các loại đồ ăn đóng hộp như thịt nguội, cá thịt xông khói


            Muối

            Muối là tác nhân đẩy canxi ra khỏi cơ thể cùng nước tiểu. Chỉ 1 thìa muối mỗi ngày có thể gây ra sự giảm khối lượng xương khoảng 1,5% trong 1 năm.

            Hạn chế rượu bia, chất kích thích
            Hạn chế rượu bia, chất kích thích
            Loãng xương kiêng ăn gì?
          • Kiểm soát cân nặng
            Không chỉ thiếu cân hay suy dinh dưỡng làm tăng tình trạng mất xương mà béo phì cũng là nguyên nhân gây loãng xương. Lý do là khi bạn nặng quá sẽ khiến hệ xương khớp phải hoạt động hết công suất để chống đỡ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xương khớp. Vì thế việc bạn duy trì cân nặng hợp lý để hệ xương khớp không phải chịu áp lực là một thói quen tốt để phòng tránh loãng xương.

            Chú ý các dấu hiệu đau bất thường

            Bạn nên đi khám bác sĩ nếu thấy các dấu hiệu đau khớp hay cột sống hoặc đau liên sườn. Việc khám bệnh sẽ giúp bạn được điều trị kịp thời nếu mắc các bệnh về xương khớp và cũng tránh được tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

            Tập thể dục thường xuyên

            Bạn nên duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên. Chọn những bài tập và môn thể thao hợp với sức khỏe và độ tuổi của bạn. Tập luyện sẽ giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt và tốt cho cả sức khỏe tổng thể, cũng là cách giúp giảm căng thẳng, phòng các bệnh tuổi già.

            Tắm nắng

            Việc tắm nắng hàng ngày sẽ giúp cơ thể bạn tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời và từ đó có thể cung cấp đến 70% lượng vitamin D cơ thể cần mỗi ngày. Vitamin D sẽ giúp hấp thu canxi tối đa. Do đó bạn nên tắm nắng vào buổi sáng sớm trước 8h30 phút để tăng chuyển hóa canxi, thúc đẩy quá trình tạo xương nhanh hơn.

            Nói không với rượu bia, thuốc lá

            Theo thống kê có 1/8 chị em phụ nữ bị loãng xương trên toàn thế giới do hút thuốc trong một thời gian dài. Với nam giới hút thuốc thường xuyên cũng làm tang 10 lần nguy cơ loãng xương và tang nguy cơ 2 lần gãy xương cột sống, xương hông. Hút thuốc cũng khiến vết thương do gãy xương khó phục hồi.

            Khám xương định kỳ

            Đây là thói quen tốt và cũng là cách tốt nhất giúp bạn theo dõi sức khỏe xương và phát hiện loãng xương nếu có. Bạn nên kiểm tra mật độ xương 3 - 6 tháng/lần.

            Chú ý đến số đo chiều cao

            Việc giảm chiều cao cũng là dấu hiệu đầu tiên của chứng lún đốt sống và loãng xương.

            Ăn thực phẩm chứa nhiều canxi

            Canxi giúp xương chắc khỏe nhưng do quá trình lão hóa mà khả năng hấp thu canxi của bạn ngày một kém đi. Do đó việc bổ sung nhiều canxi từ thực phẩm giàu canxi và dễ tiêu hóa như hải sản, sữa, rau lá xanh đậm… là rất tốt cho người loãng xương. Việc này sẽ giúp cân bằng quá trình tạo xương và mất xương trong cơ thể ở giai đoạn này.

            Phòng ngừa bệnh loãng xương
            Phòng ngừa bệnh loãng xương
            Phòng ngừa bệnh loãng xương



          Công Ty cổ Phần Toplist
          Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
          Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
          Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
          Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
          Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy