Top 10 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh viêm tai ngoài

Bùi Thị Phương Thảo 57 0 Báo lỗi

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm tai rất phổ biến do ngày nay, chúng ta thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm. Vậy bệnh viêm tai ngoài biểu hiện ... xem thêm...

  1. Viêm tai ngoài hay còn gọi là viêm khoang tai ngoài, là tình trạng nhiễm trùng lớp da mỏng ở khoang tai, thường là do vi khuẩn hoặc trong một số trường hợp hiếm có thể do nấm.

    Khoang tai bao gồm từ màng nhĩ đến phần bên ngoài tai. Viêm tai ngoài có thể xảy ra vài ngày sau khi bạn đi bơi, có thể cấp tính hoặc mạn tính.


    Viêm tai ngoài thường gặp và ít nguy hiểm hơn viêm tai giữa. Tuy nhiên, bệnh có thể gây khó chịu với triệu chứng ngứa tai, đau tai, ù tai hoặc chảy mủ tai. Viêm tai ngoài không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến thính lực.

    Các thể viêm tai ngoài

    • Viêm ống tai ngoài: Là tình trạng viêm tai cấp hay mạn tính lớp da bao phủ ống tai ngoài. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tương đối phổ biến, đặc biệt ở nước ta do khí hậu nóng ẩm, môi trường ô nhiễm cộng với thói quen ngoáy tai bằng dụng cụ không vệ sinh hoặc lau tai quá nhiều lần làm trầy xước lớp da bảo vệ ống tai tạo điều kiện cho vi trùng, nấm xâm nhập và và gây viêm. Viêm tai ngoài có thể biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau.
    • Viêm tai ngoài khu trú: Còn gọi là nhọt ống tai là tình trạng nhiễm trùng nang lông trong ống tai, thường do vi trùng Staphylococcus. Bệnh nhân có cảm giác đau dữ dội trong ống tai, đau tăng khi ấn vào vùng trước tai hoặc kéo vành tai.
    • Viêm tai ngoài ác tính là tình trạng viêm hoại tử lan rộng có thể gây tử vong, thường gặp ở người bị tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch. Bệnh do vi trùng Pseudomonas aeruginosa gây viêm ống tai ngoài diễn tiến rộng phá hủy các cấu trúc mô mềm xung quanh, lan đến nền sọ. Viêm tai ngoài ác tính thường gặp ở người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc tiểu đường, khiến vi trùng không bị tiêu diệt và ngày càng gây bệnh nặng hơn.
    Cấu tạo của tai
    Cấu tạo của tai
    Bệnh viêm tai ngoài

  2. Viêm tai ngoài khá dễ nhận biết vớiccác biểu hiện rõ ràng bao gồm:

    • Đau tai, đặc biệt đau nhiều hơn khi kéo dái tai hoặc khi ấn vào tai
    • Ngứa trong tai, ù tai
    • Sốt nhẹ (thỉnh thoảng)
    • Tai chảy dịch
    • Thính lực bị giảm sút, khả năng tiếp nhận âm thanh kém.
    • Đôi khi có cục u hoặc mụn nhọt nhỏ gây đau dữ dội trong khoang tai. Nếu chúng vỡ ra, một lượng nhỏ máu hoặc mủ có thể chảy ra từ trong tai.
    • Người bệnh bị viêm tai ngoài có thể bị ảnh hưởng thính lực nhẹ nhưng sau điều trị, các triệu chứng biến mất thì khả năng nghe sẽ được phục hồi. Ngoài ra một số trường hợp viêm tai ngoài cấp tính còn gây đỏ, sưng nề, đau nặng kèm theo sốt và nổi hạch. Nhiễm trùng lan rộng cũng sẽ gây triệu chứng toàn thân nghiêm trọng hơn.

    Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

    Viêm tai ngoài gấy ù tai, giảm khả năng nghe
    Viêm tai ngoài gấy ù tai, giảm khả năng nghe
    Có thể chảy dịch ở tai
    Có thể chảy dịch ở tai
  3. Bệnh viêm tai ngoài là bệnh không quá nghiêm trọng. Nhưng mọi người rất hay nhận nhầm bệnh này với các bệnh lý về tai khác, đặc biệt là viêm tai giữa. Hai bệnh lý này có thể phân biệt qua một vài điểm khác biệt sau:


    Triệu chứng

    • Triệu chứng bệnh viêm tai ngoài chủ yếu là ngứa tai, đau nhẹ, tai rỉ dịch. Một số trường hợp viêm tai cấp tính ống tai sưng nề, đỏ, đau nhiều, ở mức độ nặng có kèm sốt và nổi hạch. Sức nghe có thể bị ảnh hưởng nhẹ khi ống tai bị hẹp do phù nề hoặc bị ú đọng chất nhầy mủ.
    • Viêm tai giữa: Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp ở trẻ em bao gồm: đau tai, nhất là khi nằm xuống hoặc kéo ở tai, khó ngủ, khó nghe hoặc phản ứng với âm thanh, mất cân bằng, nhức đầu, sốt 38 độ C hoặc cao hơn, dịch mủ vàng chảy ra nhiều, chán ăn, ói mửa, tiêu chảy.

    Nguyên nhân

    • Bệnh viêm tai ngoài thường xảy ra ở môi trường nóng ẩm, ô nhiễm cộng với thói quen ngoáy tai bằng dụng cụ không sạch hoặc lau tai quá nhiều làm trầy xước lớp da bảo vệ, tạo điều kiện cho vi trùng, nấm xâm nhập và gây viêm, thường gặp nhất là vi trùng Pseudomanas.
    • Nguyên nhân viêm tai giữa khi bị nhiễm trùng tai là do một loại vi khuẩn hoặc virus trong tai giữa. Nhiễm trùng này thường là kết quả của một căn bệnh, bệnh cúm, cảm lạnh hoặc dị ứng là nguyên nhân gây tắc nghẽn và sưng đường mũi, họng và ống Eustachian. Sưng, viêm và chất nhầy trong ống Eustachian từ một bệnh nhiễm trùng hô hấp trên hoặc dị ứng có thể chặn chúng, gây ra sự tích tụ các chất dịch trong tai giữa.

    Mức độ ảnh hưởng:

    • Viêm tai ngoài để lâu sẽ dẫn đến giảm khả năng nghe. Tuy nhiên, bệnh này không quá nghiêm trọng và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.
    • Viêm tai giữa thường nguy hiểm hơn do nằm sâu trong tai, khó khăn hơn trong việc điều trị. Hơn nữa, tai mũi họng là hệ thống thông với nhau, viêm tai giữa rất dễ lan ra những vùng còn lại.
    Hình ảnh viêm tai giữa
    Hình ảnh viêm tai giữa
    Viêm tai giữa
    Viêm tai giữa
  4. Nguyên nhân chủ yếu của viêm tai ngoài là do tai tiếp xúc với nguồn nước bẩn trong hồ bơi hoặc ao hồ. Pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh) và các vi khuẩn khác sinh sống trong nước có thể gây nhiễm trùng tai. Trong một số trường hợp hiếm hơn, nhiễm trùng có thể do một số loại nấm gây ra.


    Ngoài ra, nhiễm trùng gây viêm tai ngoài có thể do các nguyên nhân khác như:

    • Gãi hoặc ngoáy tai nhưng không vệ sinh tốt khiến vi khuẩn xâm nhập.
    • Có dị vật trong tai.
    • Dùng tăm bông hoặc vật để làm sạch ống tai quá mạnh gây tổn thương, chảy máu, viêm nhiễm.
    • Đeo tai nghe không sạch
    • Dị ứng với dị vật trong tai
    • Do dịch hay mủ ở tai giữa bị bít, đọng trong ống tai.
    • Các bệnh về da mãn tính như bệnh chàm hoặc bệnh vảy nến.

    Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tai ngoài

    Viêm tai ngoài thường gặp hơn ở trẻ nhỏ và những người hay bơi lội, ngoài ra những người có cơ địa da nhạy cảm, người ít ráy tai hoặc tiểu đường cũng dễ bị viêm nhiễm hơn. Việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ sẽ giúp hạn chế khả năng mắc bệnh, bao gồm:

    • Những người đi bơi thường xuyên. Khi bơi, áp lực của nước khiến áp suất trong và ngoài tai chênh lệch. Không bơi đúng cách sẽ khiến tai bị tổn thương và gây viêm.
    • Người đi bơi trong nước kém vệ sinh thường xuyên. Lúc này, tai phải tiếp xúc nhiều với nước và khả năng bị vi khuẩn xâm nhập gây viêm rất cao.
    • Trẻ em cũng có nguy cơ bị viêm tai ngoài cao. Cấu tạo ống tai của bé còn hẹp, nếu tắm không cẩn thận rất dễ bị nước vào và lưu lại trong tai. Điều đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lên cao.
    • Vệ sinh tai không sạch.
    • Da dị ứng hoặc bị kích thích do keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc hoặc trang sức.
    • Thường xuyên dùng tai nghe, ống trợ thính nhưng không vệ sinh sạch.
    Bơi ở vùng nước bẩn
    Bơi ở vùng nước bẩn
    Dùng tăm bông quá mạnh gây viêm tai ngoài
    Dùng tăm bông quá mạnh gây viêm tai ngoài
  5. Viêm tai ngoài thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu như bạn không điều trị dứt điểm mà cứ mặc kệ tình trạng diễn biến thì tai sẽ nhiễm trùng nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe như:

    • Hình thành ổ áp xe: Tình trạng viêm nhiễm nặng rất có khả năng lan sang các bộ phận khác. Bệnh nhân cần phải được hút mủ ra ngoài ngay lập tức.
    • Thu hẹp ống tai: Điều này sẽ gây ra tình trạng mất thính giác tạm thời, nghiêm trọng hơn là điếc vĩnh viễn.
    • Thủng màng nhĩ: Dịch mủ tích tụ lâu ngày sẽ làm thủng màng nhĩ của người bệnh.
    • Khi mắc viêm tai ngoài ác tính, nếu không điều trị kịp thời, viêm sẽ lan đến nền sọ, gây biến chứng nặng nề như: liệt dây thần kinh, áp xe não, viêm màng não,…

    Vì vậy, hãy đến ngay bệnh viện kiểm tra nếu thấy những dấu hiệu trở nặng sau đây:

    • Cảm giác đau tai lan ra những vùng xung quanh.
    • Ù tai và nghe thấy tiếng trống trong tai.
    • Chảy mủ vàng từ tai và có mùi hôi.
    • Da quanh tai đỏ ửng và có dấu hiệu bong tróc.
    • Có thể xuất hiện hạch ở quanh tai.
    • Một số người có thể sốt nếu tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng.
    Dấu hiệu khi viêm tai ngoài trở nặng
    Dấu hiệu khi viêm tai ngoài trở nặng
    Viêm tai ngoài ảnh hưởng đến thần kinh
    Viêm tai ngoài ảnh hưởng đến thần kinh
  6. Bạn có thể chẩn đoán bệnh viêm tai ngoài dựa vào các dấu hiệu sau:

    Triệu chứng cơ năng

    • Đau tai là triệu chứng nổi bật, đau ngày càng tăng dữ dội, đau tăng khi nhai, ngáp, đau nhiều về đêm.
    • Nghe kém tiếng trầm, thường kèm theo ù tai.
    • Có thể sưng tấy ở nắp tai hoặc sau tai.
    • Sốt nhẹ hoặc sốt cao khi viêm tấy lan tỏa.

    Triệu chứng thực thể

    • Ấn nắp tai hoặc kéo vành tai gây đau rõ rệt.
    • Ống tai mới đầu thấy gờ đỏ, chạm vào rất đau, sau đó to dần và che lấp một phần ống tai, xung quanh tấy đỏ, ở giữa mọng mủ trắng. Nhọt ống tai ngoài có thể tự khỏi nhưng hay tái phát.

    Khi đến các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm tai ngoài bằng cách kiểm tra tai của bạn. Trong trường hợp nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng tái phát, bác sĩ có thể lấy mẫu thử của mủ trong tai và gửi đến phòng xét nghiệm để tìm loại vi khuẩn hoặc nấm đã gây ra nhiễm trùng. Một số xét nghiệm cần thiết sẽ được tiến hành như xét nghiệm máu, lấy mẫu bệnh phẩm để cấy vi trùng nhằm xác định loại vi khuẩn, virus gây bệnh, chụp CT nhằm chẩn đoán nhiễm trùng có xâm lấn vào cấu trúc xương thái dương, xương sọ hay không.

    Đến gặp bác sĩ để kiểm tra tai
    Đến gặp bác sĩ để kiểm tra tai
    Xét nghiệm xác định loại vi khuẩn, nấm gây nhiễm trùng
    Xét nghiệm xác định loại vi khuẩn, nấm gây nhiễm trùng
  7. Bệnh nhân viêm tai ngoài cần điều trị bằng thuốc dưới sự theo dõi của bác sĩ. Hầu hết trường hợp sẽ cần dùng thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh từ 10 - 14 ngày. Nếu vị trí viêm vừa tấy đỏ thì chấm Betadin ở đầu nhọt, khi đã nung mủ trắng thì dùng vật nhọn để chích nhọt, tháo mủ và sát khuẩn.


    Nếu bệnh gây đau nhiều hoặc nguy cơ tiến triển nặng, người bệnh cần điều trị tích cực hơn bằng:

    • Sử dụng thuốc kháng sinh nếu bị nhiễm trùng tai giữa hoặc nhiễm trùng lan rộng
    • Sử dụng corticosteroid giảm viêm
    • Các loại thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hay ibuprofen (Advil, Motrin)
    • Bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc chăm sóc vệ sinh sạch sẽ tai trong suốt quá trình điều trị và sau điều trị cũng rất quan trọng.
    • Chườm nước ấm sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn, giảm cơn đau nhẹ. Đặc biệt không được để khoang tai ướt, cần vệ sinh sạch sẽ cho đến khi tất cả triệu chứng bệnh bệnh biến mất sau 1 tuần.

    Nếu bị viêm tai ngoài mãn tính, bệnh nhân có thể phải tái khám thường xuyên, điều trị lâu dài kết hợp với kiểm soát yếu tố nguy cơ, tránh biến chứng. Viêm tai ngoài mãn tính nếu không điều trị tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thính lực, vì thế không nên chủ quan trong điều trị bệnh.

    Dùng thuốc nhỏ tai
    Dùng thuốc nhỏ tai
    Điều trị viêm tai ngoài
  8. Trong quá trình điều trị, bạn cần lưu ý các điều sau để hồi phục nhanh hơn và tránh các biến chứng có thể xảy ra:

    • Tuân thủ điều trị: Uống thuốc và nhỏ tai theo chỉ định của bác sĩ. Gọi bác sĩ nếu các cơn đau kéo dài và không thuyên giảm mặc dù đã điều trị hoặc nếu tai có cảm giác bị tắc, khi bị sốt sau khi bắt đầu điều trị
    • Vệ sinh tai sạch sẽ bằng nước muối sinh lý, thấm khô tự nhiên, tuyệt đối không để tai bị ướt nước.
    • Hạn chế đi bơi hoặc tránh để nước vào tai bằng cách đeo nút bịt lỗ tai hoặc đội mũ bơi khi đi bơi.
    • Không sử dụng những vật sắc, chưa được sát khuẩn ngoáy ống tai ngoài hoặc lấy mủ và dịch trong tai.
    • Vệ sinh sạch sẽ trước khi nhỏ hoặc bôi thuốc.
    • Không dùng chung bộ lấy ráy tai với người khác.
    • Khi có dị vật trong ống tai hoặc ráy tai phải đến cơ cở y tế để lấy và vệ sinh
    • Tránh để viêm tai ngoài trở thành bệnh mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và thính lực.
    • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức hay căng thẳng,…
    • Có chế độ ăn uống hợp lý: tăng cường vitamin A, vitamin C, bổ sung các thực phẩm nhiều kẽm giúp giảm sưng đỏ.
    • Nếu có những dấu hiệu bất thường như nổi mẩn ngứa, mề đay, tức ngực, khó thở, chóng mặt buồn nôn sau dùng thuốc cần tái khám ngay để được xử trí kịp thời.
    Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
    Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
    Vệ sinh tai sạch sẽ
    Vệ sinh tai sạch sẽ
  9. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của bệnh viêm tai ngoài. Nếu để ý và xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học thì sẽ làm tăng hiệu quả điều trị hơn. Hơn nữa, bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe giúp tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng.


    Nên ăn các loại thực phẩm nào?

    Thực phẩm chứa nhiều vitamin A

    • Vitamin A được chứng minh có khả năng tăng cường thính lực, bảo vệ niêm mạc lót ở loa tai, từ đó rất tốt cho người bị viêm tai ngoài.
    • Các thực phẩm chứa nhiều vitamin A người bệnh nên bổ sung thường xuyên gồm cà rốt, cà chua, cà tím, gan bò,…

    Nên ăn các thực phẩm nhiều vitamin C

    • Rau xanh, đặc biệt các loại rau màu xanh đậm như rau chân vịt, rau mồng tơi,… chứa nhiều vitamin C và chất xơ. Người bị viêm tai ngoài có triệu chứng ù tai, đau nhức tai nên ăn thường xuyên.
    • Bên cạnh đó, các loại quả mọng cũng chứa nhiều chất oxy hoá, vitamin dồi dào như dâu tây, việt quất, mâm xôi, đào,…

    Thực phẩm chứa nhiều khoáng chất kẽm
    Các chuyên gia khuyên rằng, người đang bị ù tai, chóng mặt, sưng nhức khi bị viêm tai nên ăn nhiều thực phẩm giàu khoáng chất kẽm. Đặc biệt, lạc luộc và ngũ cốc rất tốt cho cơ thể, người bệnh nên ăn thường xuyên.


    Ăn nhiều chất béo tốt cho cơ thể

    • Người bị bệnh viêm tai ngoài nói riêng và bệnh viêm tai nói chung nên bổ sung thêm nhiều chất béo tốt cho cơ thể.
    • Các thực phẩm nên bổ sung trong thực đơn dinh dưỡng như dầu oliu, dầu dừa, dầu cá, cá hồi, cá biển,…
    • Đồng thời, bạn nên thay thế hoàn toàn mỡ lợn bằng các dầu ăn chiết xuất từ đậu nành, oliu,… chất lượng cao.

    Cung cấp thêm iot cho cơ thể như cá biển, rong biển,… để hỗ trợ điều trị bệnh nhanh hơn.


    Ngoài ra người bị viêm tai ngoài cần tránh các loại thực phẩm sau:

    Thực phẩm, món ăn ngọt, nhiều đường

    Theo nghiên cứu thì các món ăn hay thực phẩm có vị ngọt gắt, nhiều đường khi dung nạp vào cơ thể, sẽ khiến cơ thể giải phóng insulin vượt ngưỡng bình thường. Điều này sẽ khiến các triệu chứng ù tai, đau tai hơn, cảm giác áp lực trong tai nặng hơn.


    Đồ ăn khô cứng

    • Khi ăn các đồ ăn khô cứng hay thực phẩm ít nước sẽ khiến hàm phải hoạt động nhiều và liên tục hơn. Điều này khiến quá trình phục hồi chức năng của loa tai bị ảnh hưởng, dẫn đến bệnh chữa lâu khỏi hơn. Thậm chí, nhiều trường hợp còn có thể chuyển bệnh từ giai đoạn cấp tính sang giai đoạn mạn tính kéo dài.
    • Các thực phẩm bạn nên tránh gồm: cam thảo, hoa quả sấy khô cứng như chuối sấy, khoai sấy, bánh kẹo cứng,…

    Tránh ăn đồ ăn, thực phẩm cay nóng

    • Không chỉ người đang mắc bệnh và điều trị bệnh viêm tai giữa, mà mọi người đều không nên ăn nhiều đồ ăn cay nóng. Khi ăn các thực phẩm cay và nóng sẽ ảnh hưởng đến thính lực, nghe kém và ù tai.
    • Người bệnh nên tránh ăn các gia vị cay gồm ớt cay, hạt tiêu, mù tạt, sa tế, tương ớt,… hoặc các món ăn quá nóng.

    Kiêng ăn món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp
    Đối với người bị bệnh viêm tai ngoài thì ăn nhiều loại đồ ăn này sẽ khiến tai bị đau nhức nhiều hơn, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.


    Hạn chế ăn các đồ ăn kích thích sưng mủ trong tai
    Bệnh viêm tai ngoài gây nên các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ ở tai, chảy mủ dịch từ tai. Do đó, người bệnh cần tránh ăn những món ăn có thể gây kích thích sự mưng mủ trong tai như: đồ nếp như gạo nếp, xôi, hải sản như tôm, cua, ghẹ, mực, thịt bò,...


    Các chất kích thích, đồ uống có cồn
    Thuốc lá, rượu, bia, cà phê,…là những chất kích thích không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là khi bị viêm tai ngoài. Nếu bạn không muốn cảm giác đau nhức nặng hơn thì nên ngừng sử dụng. Qua thời gian, bạn sẽ thấy hiệu quả phục hồi rõ rệt, đồng thời hạn chế nguy cơ của nhiều bệnh lý khác tìm đến.

    Bổ sung rau xanh và ngũ cốc
    Bổ sung rau xanh và ngũ cốc
    Tránh đồ ăn ngọt và dầu mỡ
    Tránh đồ ăn ngọt và dầu mỡ
  10. Để phòng tránh bệnh viêm tai ngoài, bạn nên xây dựng một số thói quen sinh hoạt lành mạnh như:

    Phòng ngừa trước khi bơi

    • Mang nút bịt tai hoặc mũ bơi khi đi bơi. Chúng sẽ giúp nước không vào tai, do đó bạn sẽ ít gặp các vấn đề ở tai hơn. Bạn nên lựa chọn nút bịt tai dùng để bơi lội vừa vặn với tai để tránh rớt khi đang bơi. Ngoài ra, việc mang nón bơi che tai cũng có thể hạn chế nước vào tai.
    • Không bơi trong hồ bơi bẩn. Trước khi bơi, bạn nên kiểm tra nước trong hồ trong hay đục, có nhiều rác không. Nếu hồ không được thường xuyên vệ sinh, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn trong tai khi bơi tại đây. Ngoài ra, không bơi ở ao, hồ, sông suối vì nguy cơ nhiễm khuẩn và đuối nước rất cao.

    Phòng ngừa sau khi bơi

    • Lắc hoặc nghiêng đầu để nước từ tai chảy ra ngoài, bạn có thể kéo dái tai để nước dễ chảy ra hơn.
    • Lau khô tai. Bạn sử dụng khăn sạch để lau nhẹ bên ngoài tai, cũng có thể sử dụng máy sấy tóc ở chế độ mát và giữ cách tai khoảng 30cm để làm khô tai.
    • Sử dụng các thuốc nhỏ tai. Bạn mua thuốc nhỏ tai không cần kê đơn để giúp làm khô phần nước còn sót lại, tuy nhiên không nên dùng thuốc nhỏ tai nếu bị đau tai, phẫu thuật tai hoặc rách màng nhĩ (thủng màng nhĩ).

    Bên cạnh đó, cần phòng tránh các nguyên nhân khác dẫn đến viêm tai ngoài:

    • Không đưa vật cứng vào tai như tăm bông, kẹp tóc, viết, bút chì, ngón tay, khăn giấy. Điều này không chỉ làm rách lớp da mỏng trong tai mà còn làm tăng khả năng nhiễm trùng, gây viêm tai ngoài.
    • Không nên lấy ráy tai thường xuyên. Việc lấy ráy tai đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đôi tai khỏi nhiễm trùng. Vì vậy, khi cố gắng lấy nó ra, bạn sẽ vô tình làm tăng nguy cơ mắc viêm tai ngoài. Hơn thế nữa, lấy ráy tai không đúng cách có thể làm nó đẩy sâu vào trong tai hơn. Việc ráy tai quá nhiều hoặc quá ít có thể khiến bạn gặp vấn đề ở tai. Nếu nghĩ rằng bạn thực sự có quá nhiều ráy tai, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra phương pháp lấy ráy tai an toàn nhé.
    • Khi có dị vật mắc kẹt trong tai cần tới ngay cơ sở y tế để được lấy ra.
    • Hạn chế sử dụng tai nghe. Tai nghe, đặc biệt là loại nhét vào lỗ tai, đôi khi có thể làm trầy xước da, dẫn đến nhiễm trùng.
    • Vệ sinh máy trợ thính sạch sẽ. Giống như tai nghe, máy trợ thính có thể cọ vào ống tai và dẫn đến viêm tai ngoài. Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên tháo máy trợ thính trước khi đi ngủ và thường xuyên vệ sinh máy sạch sẽ.
    • Đặt bông gòn vào tai trước khi sử dụng keo xịt tóc, thuốc nhuộm hoặc các sản phẩm khác. Một số người bị viêm tai ngoài do hóa chất trong mỹ phẩm gây kích ứng da.
    • Điều trị triệt để các bệnh về da như: Chàm, vảy nến,…
    • Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn bị tiểu đường hoặc các vấn đề miễn dịch (như HIV). Bạn có thể có nhiều khả năng bị viêm tai ngoài và các biến chứng nghiêm trọng. Bạn cũng cần hỏi bác sĩ các cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và đến khám ngay khi bị đau tai.
    Sử dụng mũ bơi khi đi bơi
    Sử dụng mũ bơi khi đi bơi
    Đến gặp bác sĩ để được lấy dị vật hoặc ráy tai an toàn
    Đến gặp bác sĩ để được lấy dị vật hoặc ráy tai an toàn



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy