Top 8 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh viêm xoang

Bùi Thị Phương Thảo 18 0 Báo lỗi

Viêm xoang là một trong những bệnh về đường hô hấp phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Nó gây cho người bệnh những tác hại hết sức khó chịu, đặc biệt là trong điều ... xem thêm...

  1. Viêm xoang là tình trạng các xoang và đường mũi bị đỏ, viêm đau do các lỗ thông xoang bị tắc, ứ đọng dịch nhầy. Do xoang bị phù nề, kích thước các lỗ xoang bị thu hẹp nên mủ và dịch viêm bị chặn lại trong xoang, làm nhiễm trùng các niêm mạc lót trong lòng các hốc xoang.


    Theo vị trí của hốc xoang bị tổn thương, bệnh viêm xoang có một số dạng chính như:

    • Viêm xoang hàm
    • Viêm xoang sàng
    • Viêm xoang trán
    • Viêm xoang bướm
    • Viêm đa xoang (viêm nhiều hốc xoang 1 lúc).

    Viêm xoang được chia thành 2 loại chính theo cấp độ như sau:

    • Viêm xoang cấp tính: Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện đột ngột và biến mất sau 1 – 2 tuần (tối đa không quá 8 tuần), với các biểu hiện: nước mũi chảy nhiều, đau đầu, phát sốt, khứu giác bị suy giảm.
    • Viêm xoang mãn tính: Thường được hình thành do viêm xoang cấp tính không được điều trị kịp và đúng cách hoặc điều trị không triệt để, dẫn đến các xoang mũi bị sưng viêm và phù nề trong thời gian dài (thường là hơn 8 tuần), lâu ngày chuyển thành mãn tính, rất khó để chữa khỏi dứt điểm.
    • Viêm xoang cấp tính thường điều trị nội khoa, còn mãn tính thì phải điều trị ngoại khoa.
    Các dạng viêm xoang
    Các dạng viêm xoang
    Bệnh viêm xoang

  2. Ở giai đoạn đầu, rất khó để nhận biết bạn có bị viêm xoang hay không. Vì ở mức độ nhẹ, những triệu chứng cũng rất mơ hồ khiến nhiều người lầm tưởng họ chỉ bị cảm cúm hay dị ứng tạm thời do tác động khách quan nào đó. Chỉ khi bệnh trở nên cấp tính hoặc mạn tính, tìm đến bác sĩ chuyên khoa mới biết rõ bệnh tình. Vậy để sớm đạt hiệu quả trong việc chữa bệnh viêm xoang thì phát hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh là vô cùng quan trọng.


    Tùy vào mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau của bệnh viêm xoang. Nhưng tựu chung lại, các bác sĩ đã nhận ra người mắc bênh viêm xoang sẽ có những triệu chứng như:


    Đau nhức: Đau nhức xuất hiện tùy thuộc vào vị trí lỗ xoang bị viêm, cụ thể:

    • Xoang hàm: nhức vùng má.
    • Xoang trán: nhức khoảng giữa 2 lông mày. Có giờ nhất định, thường là 10 giờ sáng.
    • Xoang sàng trước: nhức giữa 2 mắt.
    • Xoang sàng sau, xoang bướm: nhức trong sâu, nhức vùng gáy.

    Chảy dịch mũi: Viêm xoang thường gây ra hiện tượng chảy dịch, tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm mà dịch nhầy có thể chảy ra phía mũi hoặc xuống họng. Viêm các xoang trước thì dịch chảy ra mũi trước. Viêm các xoang sau thì dịch chảy vào họng. Triệu chứng chảy dịch làm cho người bệnh có cảm giác luôn phải khụt khịt mũi hoặc cảm giác lờ đờ ở cổ họng luôn muốn khạc nhổ. Tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, bệnh mới bị hay bị lâu năm, dịch nhầy sẽ có màu trắng đục, màu vàng nhạt hoặc màu xanh, có mùi hôi, khẳn.


    Nghẹt mũi, ngứa mũi, điếc mũi: Những bệnh nhân mắc bệnh xoang, việc thở qua mũi trở nên khó khăn, có thể chỉ nghẹt 1 bên nhưng cũng có thể nghẹt cả 2 bên. Một biểu hiện khác nữa của người bệnh là cảm thấy buồn ngứa trong mũi và hắt hơi rất nhiều. Nhiều trường hợp không thể phân biệt các loại mùi vì xoang bị phù nề nên mùi hương không có đường đi đến thần kinh khứu giác.


    Lưu ý: Cần phân biệt với các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng. Bệnh viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng: Ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài vào buổi sáng hoặc khoảng 10h tối, thường có chảy dịch mũi trong suốt, không màu và nghẹt mũi.

    Triệu chứng của viêm xoang
    Triệu chứng của viêm xoang
    Triệu chứng của viêm xoang
    Triệu chứng của viêm xoang
  3. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:


    Chấn thương như vỡ xoang, tổn thương niêm mạc xoang, tụ máu trong xoang,… do tai nạn, va đập sẽ khiến vùng xoang bị phù nề, tắc nghẽn dịch nhầy, tổn thương niêm mạc và thành xoang.


    Cơ địa dị ứng: người có cơ địa dị ứng thường rất dễ bị viêm xoang. Chỉ cần cơ thể dung nạp không đúng thực phẩm hoặc tiếp xúc với một số dị nguyên là đã có thể kích hoạt dị ứng khiến niêm mạc ở mũi bị phù nề, các lỗ xoang bị tắc nghẽn gây nhiễm trùng.


    Môi trường sống không lành mạnh: Việc hít thở trong bầu không khí ô nhiễm, khói bụi, nguồn nước bẩn,... có thể gây ra nhiều bệnh và đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn mũi dẫn đến tình trạng viêm xoang. Ngoài ra, những người đã từng mắc bệnh xoang, vẫn sống trong môi trường ô nhiễm sẽ có nguy cơ liên tục bị tái phát.


    Sức đề kháng kém, cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn, suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc dường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật. Bệnh nhân viêm xoang kèm theo viêm một số bộ phận khác.


    Do nấm, vi khuẩn: các loại nấm, vi khuẩn khi có điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập và phát triển trong các xoang, gây ra tình trạng viêm nhiễm, chất nhầy bị tắc nghẽn và ứ đọng khiến cho luồng không khí lưu thông gặp nhiều khó khăn.

    Mắc một số bệnh lý khác như viêm họng, viêm mũi dị ứng, cảm cúm, viêm amidan, sâu răng,... Các tuyến dịch nhầy ở niêm mạc phải hoạt động quá công sức khiến cho hệ thống lông vận chuyển chất nhầy từ các xoang ra bên ngoài bị kém đi.


    Thói quen sinh hoạt, vệ sinh chưa khoa học: Những thói quen xấu của chúng ta tưởng chừng như vô hại nhưng lại có thể gây nên những hậu quả vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, thói quen “ngoáy mũi” chính là cách bạn đang trực tiếp đưa bụi bẩn, vi khuẩn vào trong mũi, thâm nhập các lỗ xoang gây bệnh viêm xoang. Bên cạnh đó, mặt, mũi, tay chân nếu không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên cũng là lý do gây bệnh.


    Ngoài ra, phụ nữ mang thai, người gặp sự bất thường ở mũi (vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi) hoặc những người gặp các bệnh lý như trào ngược dạ dày, đái tháo đường,... sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm xoang cao hơn người khác.Tùy theo tình trạng và mức độ mắc phải mà người bệnh viêm xoang sẽ có một hoặc nhiều triệu chứng khác nhau. Bên cạnh việc xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh dựa trên các triệu chứng lâm sàn thì người bị viêm xoang còn có thể được chẩn đoán bệnh qua một số phương pháp hiện đại khác: Nội soi mũi, chụp CT và MRI, xét nghiệm dị ứng miễn dịch,nuôi cấy dịch mũi và xoang.

    Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang
    Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang
    Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang
    Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang
  4. Bệnh viêm xoang tuy không nguy hiểm, nhưng sẽ để lại nhiều phiền toái cho cuộc sống của chúng ta. Để phòng ngừa bệnh viêm xoang, bạn có thể tuân thủ theo một số lưu ý của bác sĩ như:

    • Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
    • Luôn đeo khẩu trang khi ra đường, khi làm việc ở nơi nhiều hóa chất hoặc khi tiếp xúc với các dị nguyên (bụi bẩn, lông vật nuôi, phấn hoa,…). Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải.
    • Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang như khăn tắm, khăn mặt, khẩu trang,…
    • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, giúp cơ thể chống lại bệnh tật một cách tốt nhất.
    • Ăn uống đủ dinh dưỡng. Nên ăn các loại thực phẩm giàu omega-3 và vitamin C như: cá hồi, cá mòi, cá nục, cà rốt, bưởi, ớt chuông, cóc,… Hạn chế hút thuốc, uống rượu bia, dùng các chất kích thích hoặc ăn các thực phẩm không lành mạnh.
    • Không dùng các loại tinh dầu quế, hồi làm cao để xoa cho trẻ mỗi khi tắc nghẹt mũi vì sẽ gây kích thích xung huyết da và niêm mạc đường hô hấp của trẻ. Đối với người mẫn cảm cần chú ý phòng tránh phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, thức ăn lạ, nhiều gia vị, nhiệt độ thay đổi.
    • Khi ngứa mũi, muốn hắt xì nhưng không được cũng tuyệt đối không nên cho tay vào ngoáy vì dễ mang vi trùng vào, khiến cho bệnh càng nghiêm trọng thêm. Nhớ chỉ xì mũi ra, không hít ngược như trẻ nhỏ thường làm. Không cố gắng xì mạnh vì sẽ đẩy chất viêm vào vòi nhĩ và tai.
    • Khi tắm hoặc đi bơi, nếu bị nước vào tai hoặc mũi cần biết cách để cho nước ra ngoài, ví dụ nước vào tai thi có thể nghiêng đầu nhảy để nước ra ngoài sau đó lấy tăm bông lau khô. Nếu nước vào mũi thì không được xì cả 2 mũi liền, làm như vậy nước càng dễ vào trong, hãy lấy 1 tay bịt một bên lại và xì lần lượt từng bên một, nước sẽ bị xì ra ngoài mà không gây tổn thương cho mũi. Trường hợp bị nghẹt mũi phải dùng dung dịch nước muối hoặc nước muối sinh lý để làm sạch mũi khi có chỉ định từ bác sĩ.

    Khi mắc các bệnh về đường hô hấp phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh kéo dài có thể dẫn đến viêm xoang.Khi nghi ngờ bị viêm xoang, người bệnh nên đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời nếu chẳng may mắc phải.

    Lau dọn nhà cửa sạch sẽ
    Lau dọn nhà cửa sạch sẽ
    Phương pháp điều trị và phòng ngừa viêm xoang
  5. Để có cách điều trị phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, mức độ và thời gian kéo dài, đồng thời nên tìm đến bác sĩ để có những lời khuyên tốt nhất. Dưới đây là 2 phương pháp điều trị phổ biến:


    Điều trị nội khoa:

    Đối với những trường hợp viêm xoang chưa xuất hiện dấu hiệu nghiêm trọng, thông qua thăm khám và kiểm tra, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc. Tuy nhiên, người bệnh lưu ý không được tự ý sử dụng thuốc có thể dẫn tới những tác dụng nguy hiểm và phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.


    Viêm xoang cấp tính: Trên 70% bệnh nhân viêm xoang cấp tự hồi phục mà không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Đây là điều mà khá nhiều người tự ý sử dụng thuốc điều trị bừa bãi nhầm tưởng hiệu quả đạt được do thuốc mình dùng là chính xác.

    • Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng, việc sử dụng kháng sinh có thể rút ngắn thời gian bị viêm xoang cấp và cũng có thể làm giảm mức độ nặng của các triệu chứng. Tuy nhiên, việc chọn lựa kháng sinh, liều dùng, đường dùng, thời gian sử dụng cho từng bệnh nhân… cũng rất quan trọng, quyết định việc thành công trong điều trị bệnh hay không. Việc lạm dụng kháng sinh quá mức trong giai đoạn hiện nay tại nước ta đã tạo ra một tỷ lệ tương đối cao các loại vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, người bác sĩ chỉ nên sử dụng kháng sinh trong trường hợp có nhiễm trùng và chỉ chọn loại kháng sinh có độ nhạy cao đối với vi khuẩn gây bệnh.
    • Thuốc chống xung huyết làm thông mũi hoặc thuốc xịt mũi xoang có thể làm giảm triệu chứng và tăng thoát dịch nhiễm trùng. Nhiều bệnh nhân sử dụng nước muối để rửa mũi cũng cải thiện bệnh đáng kể.
    • Các thuốc giảm đau như Aspirin, Acetaminophen (Tylenol..) hoặc Ibuprofen (Advil, Motrin…) có thể có lợi khi bệnh nhân đau nhức nhiều. Không nên dùng Aspirin cho trẻ em dưới 18 tuổi.
    • Bên cạnh việc điều trị dùng thuốc còn có việc điều trị không dùng thuốc như: Nghỉ ngơi và uống nhiều nước trong ngày. Xông mũi bằng hơi ấm, khí ẩm hoặc rửa hốc mũi bằng dung dịch nước muối.

    Viêm xoang mãn tính: Viêm xoang mạn thường không do nhiễm trùng, do đó điều trị bằng kháng sinh không giúp ích được gì mà còn làm tăng thêm khả năng kháng thuốc của vi trùng.

    • Cần tránh các hoạt động và những nơi có thể làm nặng thêm triệu chứng viêm xoang, đặc biệt nếu các triệu chứng này có liên quan đến dị ứng.
    • Thuốc xịt mũi Corticosteroid có thể sử dụng cho viêm xoang tái phát nhưng cần sự chỉ định của bác sĩ. Vì sử dụng sai chỉ định hoặc lạm dụng corticoisteroid có thể gây ra nhiều tai biến nặng nề.
    • Nếu chẩn đoán viêm mũi xoang có liên quan đến nấm cần thiết phải sử dụng thuốc kháng nấm. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ soi cấy định danh vi nấm và chọn lựa thuốc kháng nấm nhạy cảm nhất. Đồng thời cũng cần tìm thêm các vấn đề liên quan đến miễn dịch của người bệnh vì nấm mũi xoang thường xảy ra trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch lao, HIV...
    • Nếu viêm xoang tái phát do dị ứng có thể sử dụng thuốc kháng dị ứng để điều trị triệu chứng tạm thời. Tuy nhiên quan trọng hơn hết là phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên kích thích.Vệ sinh môi trường làm giảm dị ứng nguyên rất cần quan trọng đối với bệnh nhân viêm mũi dị ứng do bụi nấm mốc lông thú vật…
    Điều trị ngoại khoa:
    Khi điều trị nội khoa thất bại, viêm xoang quá nặng, tái đi tái lại hoặc dễ có chiều hướng dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật mũi xoang sau khi thăm khám kĩ và thấy cần thiết. Tuy nhiên cần phải xem xét đến nhiều yếu tố tình trạng bệnh lý và vấn đề dị ứng. Phẫu thuật là cách điều trị cuối cùng ở trẻ bị viêm xoang không đáp ứng đối với tất cả các phương pháp điều trị.
    Thăm khám bác sĩ đều đặn
    Thăm khám bác sĩ đều đặn
    Các phương pháp điều trị viêm xoang
  6. Chế độ ăn uống có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng, giúp hỗ trợ quá trình phòng và chữa bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.

    • Đầu tiên, người mắc bệnh viêm xoang cần uống đủ nước, uống nước đun sôi để nguội (khoảng 2 lít/ngày). Uống đủ nước giúp làm loãng chất nhầy, bong lớp mũi đặc và tạo rãnh thông thoáng, qua đó, cơ thể dễ khạc đàm, tống bụi bẩn ra ngoài, góp phần làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm xoang.
    • Hằng ngày, bệnh nhân mắc viêm xoang cần ăn nhiều rau xanh như: rau mồng tơi, cải ngọt, bông cải…Các loại củ quả màu vàng như: đu đủ, bí rợ, cà rốt,… có tác dụng giúp bổ sung vitamin A giúp cơ thể bảo vệ niêm mạc.
    • Ngoài ra, người mắc viêm xoang nên ăn các loại gia vị như hành, gừng, tỏi… bởi vì chúng chứa các hoạt chất kháng sinh tự nhiên có chứa hàm lượng lớn các chất chống oxy hoá như Allicin, Sulfide, Liallyl, Fitonxit … có tác dụng giúp sát trùng, kháng virus, ức chế nấm gây bệnh, chống viêm nhiễm, nâng cao miễn dịch. Bệnh nhân cũng cần thường xuyên ăn các loại cá chứa nhiều chất béo omega-3 có tác dụng ngăn chặn các phản ứng viêm tấy trên đường hô hấp, giúp vết thương mau chóng được phục hồi, lớp niêm mạc bị tổn thương cũng sẽ nhanh chóng lành lại và đẩy dịch mủ ra ngoài.
    • Nên bổ sung các thực phẩm có chứa Kẽm dưới dạng thuốc uống hoặc tăng cường các thực phẩm giàu kẽm. Kẽm có tác dụng chống oxy hóa, rất tốt do cơ, da và niêm mạc, mau chóng làm lành thương tổn, phục hồi chức năng của các giác quan và nâng cao miễn dịch cho cơ thể. Một số thực phẩm giàu kẽm như: Hàu, thịt bò, rau bina, nấm hương, hạt bí, lạc, hạnh nhân…
    • Trong chế độ ăn uống cho người viêm xoang, nên tăng cường ăn các loại quả chứa nhiều vitamin C như: bưởi, cam, quýt, chanh,… để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
    • Thời điểm mùa lạnh đến, bệnh nhân cần uống nước ấm, uống các loại trà thảo dược (trà hoa cúc, hoa nhài,..) cũng có tác dụng tốt để giảm các triệu chứng: đau đầu, làm mũi thông thoáng, dễ thở.
    • Để tránh tái phát, người mắc bệnh viêm xoang cần tránh lạnh và ẩm. Khi ra ngoài, nhất là buổi sáng sớm cần dùng khẩu trang, xoa nóng mũi trước khi ra lạnh. Buổi tối trước khi đi ngủ, người bệnh có thể ngâm chân bằng nước nóng ấm từ 15 – 20 phút.

    Một số loại thực phẩm nên tránh:

    • Nước lạnh: không nên sử dụng nước lạnh, nước đá vì đồ lạnh sẽ khiến vùng bị viêm xoang sưng lên, viêm mũi dị ứng nặng thêm.
    • Hạn chế sử dụng thức ăn có đường, vì đường sẽ khiến chất nhầy trong mũi dày đặc hơn.
    • Hạn chế những sản phẩm từ bơ, sữa.
    • Thịt đỏ có hàm lượng protein cao. Protein có thể tích tụ thành chất nhầy trong cơ thể và làm cho các triệu chứng viêm xoang trở nên nghiêm trọng hơn.
    • Cà chua: Do hàm lượng axit cao, cà chua có thể làm tăng mức độ histamine trong cơ thể và gây ra phản ứng dị ứng. Điều này có thể kích hoạt thêm tình trạng viêm xoang.
    • Hạn chế sử dụng những sản phẩm có chứa chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê,.. vì chúng rất không tốt cho người bị viêm xoang. Những chất này sẽ khiến cho dịch nhầy ở mũi tiết ra nhiều hơn, khiến cơ thể mất nước, khó thải độc ra khỏi cơ thể.
    Các loại thực phẩm tốt
    Các loại thực phẩm tốt
    Thực phẩm không nên ăn
  7. Bên cạnh việc tuân thủ quá trình điều trị và chế độ ăn uống, người bệnh viêm xoang cần quan tâm tới chế độ tập luyện nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng tái phát.


    Yoga là một trong những phương pháp luyện tập giúp cải thiện triệu chứng của bệnh viêm xoang hiệu quả bằng cách tăng cường chức năng của các cơ quan hô hấp, điều hòa hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe. Bộ môn này hỗ trợ tác động trực tiếp đến hơi thở, cơ hoành và các cơ quan của hệ hô hấp.

    • Vì yoga có thể làm giảm các triệu chứng như đau đầu, ho, thở khò khè và nghẹt mũi ở bệnh nhân viêm xoang.
    • Có nhiều tư thế yoga tốt cho người bị viêm xoang như tư thế chó úp mặt, tư thế cây cầu, tư thế cái cày,… Người bệnh cần kiên trì thường xuyên luyện tập các bài tập yoga để hỗ trợ điều trị viêm xoang một cách tốt nhất. Một lưu ý khi luyện tập là người bệnh cần tập từ từ, từ các bài tập đơn giản cho tới các bài tập phức tạp hơn để phát huy tốt nhất hiệu quả của các bài tập.

    Điều trị viêm xoang mãn bằng phương pháp dưỡng sinh cũng đem lại hiệu quả rất tốt.

    • Tập dưỡng sinh ngoài việc tăng cường sức khỏe, giúp cho thể trạng của người bệnh tốt hơn thì còn có tác dụng điều hòa, lưu thông khí huyết giúp âm dương hòa hợp.
    • Khi tập luyện dưỡng sinh cần chú ý luyện thở vì luyện thở có vai trò quan trọng giúp điều hòa hệ hô hấp. Kỹ thuật thở đúng khi luyện tập dưỡng sinh là cần phải “mở thanh quản ở thời giữ hơi, sau khi hít vào gắng sức” thì không thể bị tai biến được. Cách luyện thở có thể là hai thời, ba thời hoặc bốn thời tùy theo thể trạng và bệnh tật của mỗi người.
    • Luyện tập dưỡng sinh với các động tác nhẹ nhàng cũng giúp cho tinh thần thoải mái, thư giãn, an tĩnh. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh sự an tĩnh có thể điều hòa được thần kinh giao cảm, phục hồi tính tự điều chỉnh vốn có của hệ thần kinh trung ương, qua đó điều hòa nội tiết và cải thiện hoạt động của cơ quan trong đó có cơ quan khứu giác.
    • Luyện tập dưỡng sinh kết hợp với phương pháp xoa, bấm huyệt sẽ có tác dụng nhanh chóng và mang lại hiệu quả rõ rệt.
    Thể dục dưỡng sinh ở người cao tuổi
    Thể dục dưỡng sinh ở người cao tuổi
    Tập yoga
  8. Trong quá trình phòng và điều trị bệnh viêm xoang, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ cũng như tránh những điều sau đây để hạn chế bệnh nghiêm trọng hơn hoặc có thể tái phát, để lại hậu quả về sau:

    • Tránh để lạnh cơ thể: Không khí ẩm, lạnh là một trong những tác nhân gây bệnh viêm xoang mũi khi thời tiết thay đổi hoặc giao mùa. Người bệnh cần chú ý giữ ấm cho cơ thể, ngăn chặn sự tiến triển xấu của viêm xoang.
    • Tránh phấn hoa, nấm mốc, thức ăn lạ,...: cần tránh những thứ gây dị ứng, hắt xì làm kích ứng niêm mạc mũi. Khi muốn hắt xì, không nên ngoáy mũi hoặc xì mạnh tránh để vi khuẩn xâm nhập.
    • Tránh các loại thực phẩm: sản phẩm từ bơ sữa, đồ ăn cay nóng, đồ đông lạnh, thực phẩm có vị tanh; đồ uống có chứa caffein và cồn,...
    • Tránh lạm dụng thuốc kháng sinh. Chỉ sử dụng các loại thuốc đúng liều lượng theo sự chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc về điều trị hoặc sử dụng các liệu pháp dân gian kém an toàn.
    • Không bôi các loại tinh dầu trực tiếp lên mũi. Có thể nhỏ một vài giọt vào bồn tắm hoặc chậu nước để xông hơi hoặc nhỏ 1-2 giọt lên bông gòn để ngửi.
    • Lạm dụng thuốc xịt mũi. Mặc dù nó làm người bệnh xua tan cảm giác nghẹt mũi ngay lập tức nhưng về lâu dài có thể làm tổn thương xoang và khiến người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc.
    • Rửa mũi quá nhiều và không đúng cách.
      Hiện nay phổ biến cách dùng xi lanh rửa mũi. Tuy nhiên, xi lanh chỉ dùng rửa mũi khi không viêm nhưng mọi người thường rửa khi mũi đã viêm. Khi mũi đang viêm (mũi ngạt) mà bơm nước muối sinh lý vào một bên thì bên kia sẽ không chảy ra được. Nước muối sẽ chảy ra hai bên tai. Kết quả viêm xoang mũi không khỏi lại thêm viêm tai vì dịch mủ ở tai.
    • Nhỏ nước tỏi vào mũi. Nhiều người thường truyền nhau cách chữa viêm xoang mũi, viêm mũi dị ứng bằng cách nhỏ nước tỏi nướng vào mũi. Tuy nhiên, đây là một quan niệm không đúng, tỏi có chứa chất Allicin vì vậy có thể diệt được vi khuẩn, vi nấm giúp phòng và điều trị bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, việc chúng ta nhỏ nước tỏi nướng vào mũi rất nguy hiểm vì nó gây nóng, rát và làm phù nề niêm mạc mũi.
    • Thấy đỡ nên ngừng hẳn thuốc. Đây có lẽ là điều mà rất nhiều người bệnh thường hay mắc phải. Do tâm lý ngại uống thuốc, chủ quan với bệnh, nên nhiều bệnh nhân ngay khi cảm thấy thuyên giảm một chút đã dừng hẳn thuốc. Đến khi viêm xoang có dấu hiệu tái phát mới uống thuốc thì đã nhờn thuốc và không còn tác dụng làm giảm các cơn đau quanh mũi.
      Viêm xoang là một bệnh không thể chữa trị nhanh chóng trong một thời gian ngắn. Do đó, người bệnh phải kiên trì kết hợp uống thuốc đều đặn và tránh các môi trường gây dị ứng.
    Giữ ấm cơ thể
    Giữ ấm cơ thể
    Xịt rửa mũi đúng cách
    Xịt rửa mũi đúng cách



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy