Top 9 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh nhiễm trùng máu

Bùi Thị Phương Thảo 70 0 Báo lỗi

Nhiễm trùng máu là một tình trạng sức khỏe nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vậy ... xem thêm...

  1. Nhiễm trùng máu (hay nhiễm trùng huyết, nhiễm khuẩn huyết) là một tình trạng nguy hiểm đe dọa tới tính mạng khi toàn cơ thể phải phản ứng với sự hiện diện của vi trùng trong máu. Bệnh xảy ra do vi khuẩn, virus hay nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm. Những phản ứng này tạo ra hàng loạt các thay đổi trong cơ thể dẫn đến tổn thương các cơ quan như gan, thận và khiến cơ thể suy yếu nhanh.


    Nhiễm trùng máu nguy hiểm không chỉ vì độc lực của vi khuẩn, độc tố từ các chất bài tiết của chúng, mà còn vì các chất hóa học trung gian do hệ thống miễn dịch giải phóng vào máu, kích hoạt phản ứng viêm toàn thân để chống lại nhiễm trùng nhưng lại làm tổn thương mô và cơ quan trong cơ thể.

    Theo đó, các trường hợp nhiễm trùng máu nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, nhanh chóng dẫn đến tử vong nên đây được xem là một cấp cứu y tế.


    Trên thế giới, có hơn 1,5 triệu trường hợp nhiễm trùng máu mỗi năm và nhiễm trùng máu nằm trong top 10 bệnh lý gây tử vong hàng đầu.


    Khi nhắc đến nhiễm trùng máu, người ta thường đề cập đến các thuật ngữ như Septicaemia và Sepsis, cho đến nay, các khái niệm này vẫn thường bị nhầm lẫn:

    • Septicaemia: Thuật ngữ Septicaemia dùng để chỉ tình trạng nhiễm trùng máu do vi khuẩn gây ra. Khi được chẩn đoán Septicaemia, nghĩa là trong máu bệnh nhân đã có sự tăng trưởng của vi khuẩn.
    • Sepsis: Sepsis là tình trạng nhiễm trùng máu do vi khuẩn, virus, nấm gây ra, phạm vi không chỉ trong máu mà còn ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Khi được chẩn đoán Sepsis nghĩa là bệnh nhân có ổ nhiễm trùng và xuất hiện hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS).
    • Severe Sepsis: Là tình trạng nhiễm trùng máu nặng, nhiễm trùng máu kèm rối loạn chức năng cơ quan, giảm tưới máu và hạ huyết áp, rối loạn phân bổ máu, thiểu niệu hoặc thay đổi đột ngột tình trạng ý thức và các rối loạn khác.
    • Septic Shock: Là tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân khi đã chuyển sang giai đoạn sốc nhiễm khuẩn thường đã nhiễm khuẩn máu rất nặng, tụt huyết áp mặc dù đã bù đủ dịch, kèm theo bất thường tưới máu.
    Vi trùng trong máu
    Vi trùng trong máu
    Bệnh nhiễm trùng máu

  2. Bệnh nhiễm trùng máu có những triệu chứng ban đầu rất mơ hồ và rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Khi phát tác, ta có thể thấy những biểu hiện lâm sàng của một tình trạng nhiễm trùng - nhiễm độc toàn thân rất nặng, gây choáng (sốc), suy đa tạng và tử vong nhanh.


    Các biểu hiện có thể là:

    • Sốt: Sốt cao trên 38 độ C là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất của nhiễm khuẩn huyết.
    • Hạ thân nhiệt: Mặc dù sốt là dấu hiệu quan trọng nhất, tuy nhiên trong một số hiếm các trường hợp, đáp ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng lại là hạ thân nhiệt. Các nghiên cứu đã chứng minh được rằng, hạ thân nhiệt có thể là tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng hơn và tiên lượng cũng xấu hơn.
    • Ớn lạnh: Khi sốt, kèm ớn lạnh và một số dấu hiệu điển hình khác, bệnh nhân có thể được chẩn đoán mắc nhiễm trùng máu.
    • Thở nhanh, nhịp thở trên 20 nhịp/phút. Nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở phổi, lượng oxy cơ thể hít vào bị giảm đi do đó bệnh nhân phải thở nhanh hơn để đáp ứng cung cấp oxy, điều này khiến người bệnh khó thở.
    • Đau nhức: Tình trạng đau nhức có thể xảy ra ở toàn bộ cơ thể hoặc chỉ một số bộ phận.
    • Tim đập nhanh, hạ huyết áp: Khi bị nhiễm trùng, tim sẽ cố gắng bơm máu đi để chống lại tình trạng nhiễm trùng do đó nhịp đập sẽ nhanh hơn bình thường, nhịp tim nhanh trên 90 nhịp/phút. Huyết áp hạ là một trong những triệu chứng có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn - giai đoạn nghiêm trọng nhất của nhiễm khuẩn huyết.
    • Vùng da đổi màu: Khi bị nhiễm khuẩn huyết, cơ thể sẽ ưu tiên vận chuyển máu tới các cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, máu cũng sẽ di chuyển từ các cơ quan ít quan trọng hơn tới các cơ quan quan trọng để giúp bạn duy trì sự sống. Hậu quả là, lượng máu tới da có thể sẽ giảm đi và khiến da bạn trở nên tím tái, nhợt nhạt.
    • Tâm thần không ổn định: ở các mức độ khác nhau: mệt mỏi, li bì, lơ mơ hoặc vật vã kích thích, nặng nhất là hôn mê. Rối loạn ý thức thường đi kèm với shock nhiễm khuẩn.
    • Gan, lách to là phản ứng của hệ võng nội mô, thường hay gặp gan to nhiều hơn lách to. Đặc điểm: gan lách to 1-3 cm dưới bờ sườn, mềm, ấn tức.
    • Tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn ói
    • Lượng nước tiểu ít hay có thể không đi tiểu cả ngày.

    Hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng huyết nào sau đây:

    • Cực kỳ mệt mỏi hoặc không đi tiểu trong vòng 1 ngày (người trưởng thành và trẻ lớn) và 12 giờ (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ).
    • Nôn ói liên tục và không thể ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì
    • Sưng, đỏ và đau xung quanh vết cắt hoặc vết thương
    • Thân nhiệt tăng cao hoặc hạ thấp hơn mức bình thường, cảm thấy nóng hoặc lạnh khi chạm vào, run rẩy, ớn lạnh.
    Các biểu hiện của nhiễm trùng máu
    Các biểu hiện của nhiễm trùng máu
    Dấu hiệu nhiễm trùng máu ở trẻ
  3. Nguyên nhân nhiễm trùng máu thông thường có thể là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Khi xác định tình trạng nhiễm khuẩn huyết, bác sĩ sẽ xác định “ngõ vào” của vi khuẩn là ở da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa hay tiết niệu. Nhiễm khuẩn huyết chủ yếu gây ra do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào máu hoặc từ các ổ nhiễm khuẩn ở các mô tế bào, những cơ quan như: da, mô mềm, cơ, xương, khớp, hô hấp, tiêu hóa…


    Các tác nhân gây nhiễm trùng máu thường gặp:

    • Vi khuẩn gram âm. Vi khuẩn gram âm chủ yếu là vi khuẩn đường ruột họ Enterobacteriaceae như: Salmonella, Escherichia coli, Klebsiella, Serratia và các vi khuẩn Enterobacter… ngoài ra còn có Pseudomonas aeruginosa, Burkholderia pseudomallei. Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng huyết thứ phát xuất phát từ ổ nhiễm khuẩn ban đầu, do thao tác y tế không vô khuẩn, do dụng cụ y tế không tuyệt đối vô khuẩn…
    • Vi khuẩn gram dương. Khác với vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương có một bức tường tế bào dày, thường gặp là tụ cầu, liên cầu, não mô cầu, phế cầu… nguy hiểm nhất là tụ cầu vàng (S.aureus), đặc biệt là loại tụ cầu kháng lại Methicillin (MRSA: Staphylococcus aureus kháng methicillin). Nhiễm khuẩn huyết gram dương thường có ổ tiên phát ở da, cơ, mụn nhọt, đinh dâu, chín mé, hậu bội, vết thương nhiễm khuẩn, viêm cơ; viêm tai, mũi, họng, xoang, răng; ổ mủ sâu: áp xe quanh thận, dưới cơ hoành; dụng cụ y tế: Đặt sonde, catheter.
    • Vi khuẩn kỵ khí. Đây là nhóm vi khuẩn đơn bào có kích thước rất nhỏ, thường là Clostridium perfringens và Bacteroides fragilis.
    • Nấm. Các loại nấm bao gồm: Candida, Trichosporon asahii.

    Bất kỳ nhiễm trùng nào cũng có thể kích hoạt nhiễm trùng huyết, nhưng các loại nhiễm trùng sau đây có nhiều khả năng gây bệnh hơn:

    • Viêm phổi
    • Nhiễm trùng da (viêm mô tế bào, u nhọt...) là bệnh lý gây ra bởi các sinh vật ngoài cơ thể, bao gồm cả nhiễm trùng do mạt nhà và nhiễm trùng do côn trùng. Nhiễm trùng da lâu ngày không điều trị là nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn huyết.
    • Nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nhiễm trùng đường tiêu hóa là bệnh lây chủ yếu qua đường ăn uống, khi ăn phải thực phẩm hoặc nguồn nước chứa vi sinh vật gây bệnh. Các sinh vật bao gồm nấm men, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng máu.
    • Nhiễm trùng thần kinh trung ương
    • Nhiễm trùng qua ống thông tĩnh mạch, viêm mô tế bào
    • Nhiễm trùng thận, bàng quang hoặc các bộ phận khác của đường tiết niệu (Urosepsis). Có đến 25% bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết gây ra do nhiễm trùng đường tiết niệu. Bằng nhiều cách khác nhau như quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh cá nhân không sạch sẽ, vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo (ống dẫn nước tiểu đi ra ngoài cơ thể), gây viêm nhiễm dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Các vi khuẩn khi đã vào niệu đạo sẽ nhân lên nhiều lần và lan qua bàng quang cùng nhiều bộ phận khác, sau đó đi vào máu và gây ra biến chứng nhiễm khuẩn huyết toàn thân.
    • Du khuẩn huyết (bacteremia)
    Nhiễm trùng da -  một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng máu
    Nhiễm trùng da - một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng máu
    Nguyên nhân gây nhiễm trùng máu
  4. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng huyết, nhưng một số người sẽ có nguy cơ cao hơn, gồm:

    • Người già có sức đề kháng yếu (trên 65 tuổi).
    • Phụ nữ đang mang thai.
    • Trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ sơ sinh, đặc biệt là một số trường hợp sinh non, nhẹ cân và có dị tật bẩm sinh.
    • Người có các bệnh nhiễm trùng hoặc mắc bệnh mãn tính như tim mạch, HIV/AIDS, tiểu đường, hen suyễn, ung thư, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), động kinh, bệnh Parkinson…
    • Người có hệ miễn dịch yếu, như do nhiễm HIV hoặc điều trị hóa trị ung thư.
    • Trường hợp đang được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt (nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, hoặc nằm viện kéo dài).
    • Người thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị xâm lấn (ống thở, ống thông, bơm truyền tĩnh mạch).
    • Người bệnh có vết thương hay chấn thương nghiêm trọng như bỏng nặng hoặc chấn thương sọ não.
    • Những đối tượng lạm dụng kháng sinh hoặc corticosteroid, sử dụng không đúng chỉ định của bác sĩ. Ngày nay, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng khiến cho nhiều loại kháng sinh bị mất khả năng tiêu diệt vi khuẩn và đồng thời là sự tăng mạnh đề kháng kháng sinh.

    Các đối tượng kể trên không chỉ có nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng thông thường cao hơn dân số chung, tăng nguy cơ đi vào biến chứng nhiễm trùng huyết mà còn có tiên lượng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.

    Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng máu
    Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng máu
    Lạm dụng thuốc kháng sinh
    Lạm dụng thuốc kháng sinh
  5. Mức độ nguy hiểm và hiệu quả điều trị của nhiễm trùng máu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác, bệnh lý nền, sức khỏe tổng thể và thời gian bệnh xảy ra đến khi được điều trị. Phát hiện càng sớm thì cơ hội điều trị bệnh hiệu quả càng cao.

    Các chuyên gia cho biết, đối với người già hoặc các trường hợp mắc bệnh mạn tính, hay người bị suy giảm hệ miễn dịch thì khả năng chữa khỏi bệnh rất thấp. Những trường hợp này ngay cả khi được can thiệp kháng sinh mạnh ở thời điểm rất sớm, liều cao, phổ rộng, tỷ lệ tử vong vẫn có thể lên tới 80%. Ngược lại, đối với những đối tượng khỏe mạnh không có bệnh trước đó, tổng trạng tốt, tỷ lệ tử vong có thể thấp, xấp xỉ khoảng 5%.


    Bệnh nhân mắc nhiễm trùng huyết thường có tiên lượng tử vong cao hơn những bệnh nhân mắc các nhiễm trùng khác với tỷ lệ tử vong trung bình luôn vào khoảng 40%. Nhưng cần nhớ rằng, tiên lượng xấu cũng có thể do sự chậm trễ trong khâu chẩn đoán và quá trình điều trị bệnh. Cơ hội sống của người bệnh sẽ cao hơn nếu được điều trị sớm.


    Bên cạnh đó, nhiễm trùng máu nặng cũng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, nổi bật nhất là rối loạn đông cầm máu làm hình thành các cục máu nhỏ trong thành mạch lan tỏa trên khắp cơ thể, ngăn chặn dòng chảy của máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan, đặc biệt là não, tim, thận, làm tăng nguy cơ suy đa cơ quan. Lúc này, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào nguy kịch, tụt huyết áp, trụy mạch do sốc nhiễm trùng, sốc nhiễm độc.


    Những bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết nhẹ và may mắn phục hồi sau điều trị cũng tuyệt đối không được chủ quan vì họ vẫn có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn những người có sức khỏe bình thường. Khoảng 50% những người sống sót sau nhiễm trùng huyết sẽ mắc hội chứng sau nhiễm trùng huyết (PSS), gồm:

    • Chán ăn
    • Mất ngủ, mệt mỏi
    • Đau cơ khớp
    • Kém tập trung, giảm khả năng nhận thức
    • Thay đổi cảm xúc, lo âu, căng thẳng
    • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương

    Tóm lại, nhiễm trùng máu là bệnh lý nhiễm trùng với mức độ nặng nhất khi có sự hiện diện của vi trùng trong dòng máu, gây suy đa cơ quan và tỷ lệ tử vong khá cao. Việc phát hiện sớm và tích cực điều trị có ý nghĩa cải thiện tiên lượng bệnh, giúp bạn phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm.

    Biến chứng nặng do nhiễm trùng máu
    Biến chứng nặng do nhiễm trùng máu
    Sự nguy hiểm của bệnh nhiễm trùng máu
  6. Việc chẩn đoán xác định ca bệnh nhiễm khuẩn trùng máu cần dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng. Một số xét nghiệm nhiễm khuẩn huyết cơ bản thường được sử dụng trên lâm sàng là:


    Cấy máu
    Cấy máu là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định nhiễm trùng máu. Các trường hợp sốt cao, hạ thân nhiệt, rét run, ớn lạnh đều sẽ được chỉ định thực hiện cấy máu. Ngoài ra, cấy máu còn được chỉ định ở một số người như, bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn chữa rõ vị trí khu trú: CRP cao, PCT cao… ; bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn; bệnh nhân có xuất huyết dưới da hay niêm mạc, xuất huyết dạng sao ở móng tay, choáng…


    Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi
    Phân tích này nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại bằng cách phát hiện các rối loạn của cơ thể. Lượng máu ngoại vi sau khi lấy ra từ cơ thể sẽ được đưa vào thiết bị phân tích nhằm đếm số lượng bạch cầu (WBC), hồng cầu (RBC), tiểu cầu (PLT), đồng thời giúp xác định được tỷ lệ phần trăm cũng như kích thước của các tế bào máu.

    Định lượng các chỉ điểm viêm như tốc độ máu lắng (VS), CRP, procalcitonin

    Xét nghiệm Multiplex PCR được cho là một phương pháp có độ nhạy cao, thực hiện nhanh, có giá trị hỗ trợ cho cấy máu để chẩn đoán nhiễm trùng máu bằng cách xác định ADN của vi khuẩn trong mẫu máu bệnh nhân.

    Định lượng nồng độ lactate máu

    Xét nghiệm lactate máu là phương pháp xét nghiệm được tiến hành nhằm đo lường lượng lactate có trong máu người bệnh, giúp kiểm soát tình trạng tăng lactate trong máu và có biện pháp can thiệp kịp thời.

    Xét nghiệm chức năng thận, gan

    Xác nhận mức creatinin, ure huyết thanh, protein niệu và các tế bào nước tiểu. Có thể xét nghiệm mủ từ vết thương hoặc từ các dịch tiết của cơ thể như dịch đàm để tìm và xác định vi khuẩn gây bệnh.

    Xét nghiệm đánh giá chức năng gan thận

    Những xét nghiệm máu này đo nồng độ protein và enzyme trong máu, giúp bác sĩ kiểm tra chức năng của gan, thận qua đó phát hiện được các tổn thương.

    Nếu các xét nghiệm trên không tìm ra nguồn gốc bệnh, bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm khác nhằm kiểm tra tình trạng bệnh cũng như cơ quan nhiễm khuẩn. Các xét nghiệm này bao gồm chụp X-quang để xem phổi; chụp cắt lớp vi tính (CT) để xem ruột thừa, tuyến tụy hoặc khu vực ruột; siêu âm để xem bệnh ở túi mật hoặc buồng trứng; chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định nhiễm khuẩn ở mô mềm.

    Xét nghiệm máu
    Xét nghiệm máu
    Xét nghiệm mủ từ vết thương
    Xét nghiệm mủ từ vết thương
  7. Nhiễm trùng máu dù ở bất kỳ mức độ nào cũng có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Với sự tiến bộ của các phương pháp chẩn đoán, trang thiết bị hỗ trợ tim mạch, hô hấp và kháng sinh, ngày nay, việc điều trị nhiễm trùng máu được cải thiện rõ rệt, giảm tỷ lệ tử vong đáng kể.


    Nếu nhiễm trùng máu ở giai đoạn đầu và chưa ảnh hưởng tới các cơ quan quan trọng, bạn có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng tại nhà. Trong trường hợp này, bạn thường có thể phục hồi hoàn toàn. Nhưng nếu không áp dụng bất kỳ biện pháp điều trị nào, bệnh có thể phát triển gây sốc nhiễm trùng và thậm chí tử vong. Điều trị nhiễm trùng máu bao gồm việc chẩn đoán sớm, loại bỏ nguồn gốc gây nhiễm trùng từ ổ nguyên phát, hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, chống rối loạn đông máu và kháng sinh, nâng cao sức đề kháng.


    Cụ thể:

    • Điều trị bằng kháng sinh: Đa số các trường hợp gây nhiễm trùng máu là do vi khuẩn, do đó, kháng sinh vẫn có hiệu quả điều trị. Các kháng sinh phổ rộng thường được dùng trong nhiễm trùng máu là ceftriaxone, vancomycin, piperacillin, azithromycin, ciprofloxacin và tazobactam. Dùng kháng sinh theo mầm bệnh và kháng sinh đồ, liều cao, có thể phải dùng kháng sinh phối hợp trong trường hợp vi khuẩn kháng kháng sinh và chưa rõ mầm bệnh.
    • Điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng nấm: Trong trường hợp nhiễm trùng máu gây ra do virus hoặc nấm, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc nấm, thuốc sẽ được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch.
    • Truyền dịch: Người bị nhiễm trùng máu thường bị hạ huyết áp, do đó cần truyền dịch để tăng huyết áp. Các chất dùng để truyền dịch chủ yếu là nước muối bình thường hoặc nước có chứa các khoáng chất.
    • Liệu pháp oxy: Tăng cường cung cấp oxy cho máu bằng ống thông qua mũi, mặt nạ oxy hay thở máy.
    • Lọc máu trong trường hợp suy thận cấp bằng cách sử dụng thiết bị thay thế chức năng thận để loại bỏ chất thải nguy hại, muối và nước dư thừa từ máu.
    • Phẫu thuật: Phẫu thuật được cho là phương pháp điều trị tận gốc nhiễm trùng máu trong trường hợp xác định được nguồn gốc nhiễm trùng. Đặc biệt, khi nhiễm trùng huyết biến chứng thành áp xe, phẫu thuật cắt bỏ áp xe cần được tiến hành ngay lập tức.
    • Tăng cường sức đề kháng của cơ thể: bằng truyền máu, đạm, sinh tố. Chế độ ăn: Tăng đạm, hoa quả.
    Phẫu thuật nhiễm trùng máu
    Phẫu thuật nhiễm trùng máu
    Điều trị cho bệnh nhi nhiễm trùng máu
  8. Để phòng ngừa nhiễm trùng máu, bạn cần thực hiện tốt các biện pháp:

    • Chăm sóc vết thương đúng cách, tích cực điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ban đầu (áp-xe, mụn, nhọt, các chấn thương, vết thương nhiễm trùng,…). Phải vô trùng tuyệt đối các dụng cụ y tế. Cán bộ y tế trước khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật vô trùng tuyệt đối, không để xảy ra nhiễm trùng bệnh viện.
    • Luôn rửa tay và giữ gìn vệ sinh thật tốt
    • Chăm sóc, quản lý tốt các bệnh mạn tính đang có.
    • Bỏ hút thuốc lá và uống rượu.
    • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng như: thực phẩm giàu kẽm và selen, sữa chua,...
    • Tiêm vắc xin phòng ngừa nhiễm trùng máu
    • Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, nhanh chóng đến gặp bác sĩ ngay.

    Tiêm vắc xin đã được chứng minh hiệu quả trong việc phòng ngừa các loại bệnh trong đó có nhiễm trùng máu. Những tác nhân gây ra bệnh này đó là các loại vi khuẩn như: Vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn não mô cầu, vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type b)… Để bảo vệ cơ thể khỏi những loại vi khuẩn này, cách tốt nhất là tiêm vắc xin phòng ngừa chúng. Trong đó, trẻ nhỏ cần được đặc biệt lưu ý đến lịch tiêm phòng từ khi mới sinh.


    Theo đó, các loại vắc xin được chuyên gia khuyến cáo gồm:
    Pentaxim (Pháp)

    • Ngăn ngừa các bệnh gây ra do vi khuẩn Hib (nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm tai giữa và viêm màng ngoài tim có mủ…), bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
    • Mũi 1: Tiêm lúc 2 tháng
    • Mũi 2: Tiêm lúc 3 tháng
    • Mũi 3: Tiêm lúc 4 tháng
    • Mũi nhắc lại tốt nhất là vào tháng thứ 16-18

    Infanrix Hexa (Bỉ), Hexaxim (Pháp)

    • Phòng ngừa các bệnh gây ra do vi khuẩn Hib (nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm tai giữa và viêm màng ngoài tim có mủ…), bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B.
    • Mũi 1: Tiêm lúc 2 tháng
    • Mũi 2: Tiêm lúc 3 tháng
    • Mũi 3: Tiêm lúc 4 tháng
    • Mũi nhắc lại tốt nhất là vào tháng thứ 16-18

    Synflorix (Bỉ)

    • Phòng nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa… do phế cầu khuẩn.
    • Mũi 1: vào 2 tháng tuổi (có thể từ 6 tuần tuổi).
    • Mũi 2: cách mũi 1 là 1 tháng
    • Mũi 3: cách mũi 2 là 1 tháng
    • Mũi nhắc lại: cách mũi 3 là 6 tháng. Ngoài ra, phác đồ vắc xin Synflorix còn tùy thuộc theo độ tuổi tiêm chủng.

    Prevenar 13 (Bỉ)

    • Mũi 1: vào 2 tháng tuổi (có thể từ 6 tuần tuổi).
    • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.
    • Mũi 3: Cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.
    • Mũi nhắc lại: tiêm khi trẻ 11 - 15 tháng tuổi và cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng. Ngoài ra, phác đồ vắc xin Synflorix còn tùy thuộc theo độ tuổi tiêm chủng.Trẻ em từ 24 tháng tuổi và người lớn tiêm 1 mũi duy nhất.

    Menactra (Mỹ)

    • Phòng ngừa nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi do vi khuẩn não mô cầu.
    • Trẻ từ 9 tháng đến dưới 24 tháng tuổi: tiêm 2 liều cách nhau 3 tháng.
    • Trẻ từ tròn 24 tháng và người lớn đến 55 tuổi: tiêm 1 liều duy nhất. Có thể tiêm một liều Menactra nhắc lại cho người từ 15 đến 55 tuổi nếu tiếp tục có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu..

    Quimi-Hib (CuBa)

    • Phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib
    • Trẻ từ 02 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi tiêm 04 mũi nếu trẻ không được tiêm vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.
    • Thông thường vắc xin Quimi-Hib được sử dụng tiêm nhắc lại cho trẻ trên 1 tuổi (trường hợp trẻ trên 1 tuổi đã được tiêm nhắc lại mũi thứ 4 vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1 thì không cần phải tiêm Quimi-Hib)
    Tiêm vacxin ngừa nhiễm trùng máu cho trẻ ngay từ sớm
    Tiêm vacxin ngừa nhiễm trùng máu cho trẻ ngay từ sớm
    Xử lí vết thương cẩn thận
    Xử lí vết thương cẩn thận
  9. Chế độ ăn rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Nó cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp bệnh nhân khỏe mạnh và hạn chế các triệu chứng của bệnh.


    Vậy người bị nhiễm trùng máu nên ăn gì?

    Thực phẩm giàu chất sắt

    • Khi bị nhiễm trùng máu, cơ thể sẽ không cung cấp đủ lượng máu chứa oxy đến các cơ quan, dẫn tới các cơ quan này bị thiếu oxy và thậm chí là ngừng hoạt động. Ăn thực phẩm giàu chất sắt giúp mang oxy đến các tế bào, tăng cường lọc máu cũng như tránh trường hợp thiếu máu hoặc mất máu xảy ra.
    • Các thực phẩm giàu chất sắt bao gồm: các loại hạt, thịt đỏ, hải sản có vỏ (như nghêu, sò, ốc…), lòng đỏ trứng, đậu phụ, rau bó xôi, gan động vật,

    Thực phẩm giàu protein

    • Theo các bác sĩ, người bệnh nhiễm trùng máu nên bổ sung các loại thực phẩm giàu protein. Chúng cung cấp cho cơ thể các loại axit amin để sửa chữa và tăng cường mô liên kết, giúp giảm nguy cơ chấn thương và làm lành vết thương nhanh chóng.
    • Ngoài ra, protein còn gia tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại một số vi khuẩn và virus gây hại.
    • Những loại thực phẩm giàu protein là: trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt nạc, chuối, súp lơ, cá hồi, hạt óc chó

    Thực phẩm giàu chất xơ và vitamin

    • Trong cơ thể, vitamin hoạt động như một chất chống oxy hóa, có nhiệm vụ bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương. Vitamin cũng giúp cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn.
    • Trong khi đó, chất xơ sẽ cải thiện hệ thống tiêu hóa, giúp người bệnh ăn uống dễ dàng hơn, từ đó giúp cơ thể có đủ năng lượng để chống lại bệnh tật.
    • Các thực phẩm giàu vitamin và chất xơ là: bông cải xanh, khoai lang, quả táo, quả bơ, dâu tằm

    Các loại thực phẩm có tính kháng khuẩn

    Ngoài thuốc kháng sinh, thực phẩm cũng đóng góp vai trò không nhỏ trong việc ngăn ngừa và tiêu diệt các vi sinh vật gây hại cho người bệnh. Những thực phẩm này bao gồm:

    • Tỏi: Ăn vài tép tỏi mỗi ngày sẽ giúp chống lại tất cả các loại vi khuẩn, virus và nhiễm trùng một cách hiệu quả. Các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, tỏi giúp hỗ trợ cho người bị bệnh AIDS, tiểu đường và huyết áp cao.
    • Hành tây: Hành tây không chỉ hỗ trợ trong việc ngăn nhiễm trùng mà còn giúp giảm sưng và viêm trong cơ thể.
    • Quế: giúp hạ đường huyết cho người bị bệnh tiểu đường, đồng thời chứa các đặc tính kháng khuẩn giúp điều trị nhiễm trùng do nấm gây ra.
    • Su hào: chứa nhiều hợp chất chống viêm giúp ngăn ngừa cũng như ức chế những vi khuẩn và virus có hại, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch, cho cơ thể khỏe mạnh.

    Các loại quả mọng

    Các loại quả mọng như dâu tây, quả mâm xôi, việt quất, nho, anh đào,… chứa hàm lượng chất kháng viêm lớn rất tốt cho người bệnh nhiễm trùng máu. Bên cạnh đó, quả mọng còn giúp giảm huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch, chống lão hóa và giúp làn da khỏe, giàu sức sống hơn.


    Cà chua

    Vitamin A, C, K, B6, folate, magiê, phốt pho,… có trong cà chua có tác dụng cải thiện thị lực, phòng chống ung thư, cải thiện sự lưu thông máu cũng như giảm lượng đường và cholesterol trong máu hiệu quả. Bạn có thể ăn trực tiếp, làm nước ép ngon bổ giàu dinh dưỡng hoặc dùng chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, bổ dưỡng và tốt cho người mắc bệnh nhiễm trùng máu.


    Người bị nhiễm trùng máu không nên ăn gì?

    Thực phẩm tái, sống
    Bạn không nên ăn những thực phẩm tái sống như tiết canh, gỏi sống, các món ăn sống của Nhật như Sushi, Sashimi,… Bởi khi những thực phẩm sống tiềm ẩn nhiều vi khuẩn gây hại và nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm có thể xâm nhập vào cơ thể bất cứ lúc nào. Thậm chí, nếu những thực phẩm tái, sống không được sơ chế kỹ càng rất dễ bị đau bụng, tiêu chảy.


    Rượu, bia

    Rượu và bia gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch, gan, dạ dày và phổi (những nơi bệnh nhiễm trùng dễ phát triển thành nhiễm trùng máu). Chúng cũng làm giảm khả năng tấn công vi khuẩn và phòng ngừa bệnh tật của hệ miễn dịch.


    Thức uống có gas

    Các loại đồ uống này có chứa nhiều chất hóa học không tốt cho sức khỏe, làm cho tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng hơn.


    Thuốc lá
    Nhiễm trùng máu có thể nặng hơn nếu người bệnh hút thuốc lá, bởi trong thuốc lá chứa rất nhiều chất độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, gan và cơ quan tiêu hóa, từ đó dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm lây lan nhanh hơn. Đó là chưa kể khói thuốc lá còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh.

    Cà phê
    Người nhiễm trùng máu không nên uống cà phê, bởi trong cà phê chứa chất cafein dễ dần đến tăng huyết áp, mất ngủ, kích thích nhu động ruột. Trường hợp say cà phê, thì cơ thể bạn sẽ trong trạng thái hồi hộp, thiếu tập trung, tay chân run rẩy,… Thay vào đó nên dùng các loại nước ép trái cây nhiều vitamin, chất xơ để bồi bổ cho cơ thể.

    Thực phẩm giúp tăng sức để kháng
    Thực phẩm giúp tăng sức để kháng
    Không nên ăn thực phẩm tươi sống
    Không nên ăn thực phẩm tươi sống



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy