Nguyên nhân gây bệnh loãng xương
Bản chất của xương là các mô sống nên nó luôn trong trạng thái hủy cũ và tạo mới. Khi còn trẻ, quá trình tạo mới và hủy mô xương cũ diễn ra nhanh và khối lượng xương cũng tăng lên. Hầu hết mọi người đều có mật độ xương cao nhất khi ở độ tuổi 20. Còn khi già đi, khối lượng xương bị mất nhanh hơn mức tạo ra, gây loãng xương.
Ở nữ giới sau thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen giảm xuống mức thấp nhất là nguyên nhân gây loãng xương. Lượng estrogen giảm sẽ dẫn đến:
- Làm tăng sự hủy xương
- Giảm hoạt đông của các tế bào xương
- Giảm khung protein
- Giảm lắng động calci và phosphate ở xương
Tất cả những yếu tố này sẽ làm sự mất xương trong cơ thể phụ nữ tăng nhanh, khoảng 1-2% mỗi năm. Hậu quả dẫn đến loãng xương nguyên phát.
Đối với nam giới việc mất các tế bào xương diễn ra chậm hơn. Ở nam giới, hormone sinh dục quan trọn là testosterone sinh ra ở tinh hoàn, các hormone sinh dục khác như estrogen được sản xuất tại tuyến thượng thận. Việc giảm estrogen và testosterone ở nam giới cao tuổi cũng dẫn đến loãng xương.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây loãng xương thứ phát như:
- Uống nhiều rượu
- Không vận động do thừa cân hoặc liệt…
- Rối loạn ăn uống như biếng ăn
- Hút thuốc lá
- Hấp thu kém
- Không dung nạp lactose
- Sử dụng nhiều thuốc corticois hoặc heparin
- Bệnh Scorbut
- Hội chứng Sudeck – Kienbock (teo xương nhỏ bàn tay và chân sau chấn thương)
- Rối loạn nội tiết như nhiễm độc tuyến giáp, thiểu năng tuyến yên, đái tháo đường,…
Đồng thời các yếu tố nguy cơ như tuổi, di truyền, chủng tộc… cũng là tác nhân dẫn đến bệnh loãng xương.