Dưa hành
Ứng với câu ca của ông bà ta từ xa xưa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, thì trong những đặc trưng của ngày Tết, dưa hành là một món ăn không thể thiếu. Dưa hành không chỉ mang đậm giá trị truyền thống, mà trong mâm cơm ngày Tết, có thêm một đĩa dưa hành, thỉnh thoảng ăn một miếng sẽ giúp chúng ta bớt ngán khi ăn quá nhiều các món ăn đậm chất dinh dưỡng khác. Dưa hành, hay hành muối, là một loại dưa muối dùng nguyên liệu chính là hành củ muối chua theo phương thức lên men vi sinh. Cùng với thịt mỡ và bánh chưng, dưa hành thịnh hành như một đồ ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của cộng đồng người Việt khắp cả nước. Không chỉ vậy, dưa hành còn có tác dụng trong việc điều tiết hệ tiêu hóa của chúng ta, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa trong trường hợp chúng ta ăn lung tung nhiều thứ. Do vậy, bạn hãy chuẩn bị sẵn một vại dưa hành cho cả gia đình trong dịp Tết này nhé!
Nguyên liệu để muối dưa hành rất đơn giản bao gồm: củ của một loại hành (tên khoa học: Allium chinense - người Việt Nam quen gọi là "củ kiệu") đã được phơi khô chưa bóc vỏ ngoài già màu vàng sậm, củ nhỏ cỡ khoảng bằng đầu ngón tay người lớn hay hơn một chút, và muối ăn. Hành củ chọn loại đều, chắc củ, không bị thối hỏng, bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài sẽ lộ ra thân củ màu trắng hoặc trắng hơi ngả tím. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ cho rằng sử dụng củ hành trắng hay hành hương ăn ngon và thơm hơn hành tía. Hành tía hăng, cay hơn khiến cho vại dưa lâu chín hơn. Một số nguyên liệu khác có thể đi kèm: cải bẹ (dùng để xếp lớp bổ sung vào vại muối hành); mía lót đáy vại, đường, rượu trắng, dấm bỗng (khiến dưa hành chóng chua hơn, có thể không cần). Tro bếp, phèn chua hoặc nước vo gạo như một dạng thức phụ gia để ngâm hành trước khi muối. Dưa hành thường được sử dụng như một đồ ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ để chống ngấy trong những ngày Tết.