Gỏi sầu đâu Châu Đốc – An Giang
Sầu đâu hay còn được gọi là "sầu đông" hoặc "cây xoan", mọc rất nhiều ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang. Cần phân biệt cây sầu đâu mọc ở miền Tây và sầu đâu (sầu đông) mọc ở miền Trung. Cây mọc ở miền Trung lá màu xanh, hoa màu tím, đặc biệt lá độc không ăn được. Còn cây sầu đâu mọc ở miền Tây có hoa màu trắng xanh, lá màu xanh vị đắng nhưng chứa nhiều vị thuốc tốt. Cây sầu- loài cây mọc rất nhiều ở vùng Châu Đốc. Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng nổi tiếng nhất là món sầu đâu chấm thịt kho, cá kho và từng được gọi là món ngon nhất trên đời.
Món gỏi sầu đâu được chế biến rất đơn giản như: Lá và hoa sầu đâu rửa sạch trụng qua nước sôi bớt đắng, sau thêm dưa leo và xoài cắt mỏng. Người miền Tây thường làm món gỏi sầu đâu cùng với khô cá lóc hoặc cá sặc, sau đó xe nhỏ thêm ít thịt ba chỉ thái mỏng cùng tôm bóc vỏ, trộn đều tất cả nguyên liệu cùng nhau và thêm ít mắm chua ngọt. Món ăn có sự pha trộn vị chua của xoài, vị đắng nhẹ của sầu đâu, vị mặn của cá cùng mùi thơm hấp dẫn của nhiều loại rau thơm.