Hoa học trò…
Chiều nay, ngắm nhìn những cánh phượng đỏ rực lên trong nắng hạ, khơi gợi lại trong tôi bao ký ức. Thấy từng chùm phượng vĩ trên cao mà lòng như cháy mãi niềm tin yêu và hy vọng, sẽ chẳng bao giờ quên tháng ngày với trang vở trắng học trò.
Lại về những ngày hè, oi bức nắng. Nắng len lỏi vào từng góc phố, nắng mênh mang trên khắp lối đi. Cái khắc nghiệt riêng có của mùa hè là nóng và nắng. Và, vẫn có các loại hoa ngày hè rực rỡ hơn bao giờ hết. Ấy là bằng lăng tím ngát, là điệp vàng đã thấm đẫm màu trước đó. Và hoa phượng, loài hoa được mệnh danh là hoa “học trò” đã bung cánh chào hạ. Hoa phượng gắn liền với thời học trò mỗi dịp hè về. Màu đỏ của hoa cứ ngời lên sự nồng cháy, tan chảy gột tả hết nỗi niềm của người học trò khi phải chia tay bạn bè, thầy cô, trường lớp thân thương… Dường như, trong mỗi tán phượng đỏ rực ấy, lại có những chiếc lá xanh non như muốn làm dịu đi cái oi nồng của nắng hạ và cả những nỗi niềm lưu luyến chia xa của học trò…
Thời đi học, nhất là những năm lớp mười hai cuối cấp, khi hạ rục rịch chuẩn bị về thì dường như ai nấy bỗng thấy thời gian đi nhanh hơn bao giờ hết. Nhớ thời chưa có mạng zalo, facebook như bây giờ, những trang giấy lưu bút được chuyền tay nhau, gửi lời chia tay đong đầy kỷ niệm thời áo trắng tinh khôi. Hình như ai cũng muốn viết để lưu giữ kỷ niệm. Và đặc biệt, bên cạnh chữ ký lưu tên còn có vẽ hình hoa lá, ngôi trường, hay là cánh phượng ép chặt như hình con bướm trên trang giấy trắng. Để mai này, nhớ mãi một thời vấn vương trường lớp. Ngày ấy, khi hoa phượng bắt đầu nở, ai cũng đều có chung tâm trạng như của câu thơ của Tế Hanh “Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ“, háo hức nghĩ đến những ngày hè thỏa mái. Nhưng tâm trạng ấy rất khác lạ khi đến lớp mười hai, nỗi mong chờ mùa hoa phượng đỏ là nhường lại cho nỗi lo ngày chia tay tuổi học trò, cùng với nỗi lo lắng lớn nhất của bài vở cho kỳ thi đại học, cho lần đầu tiên làm sĩ tử đi tìm hành trang vào tương lai, hay lựa chọn nghề nghiệp sau này trên hành trình mới. Vì thế, mùa phượng cuối dường như rưng rức màu đỏ của sự nhớ nhung, lưu luyến hơn bao giờ hết…
Chợt nhớ những dòng tản văn của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: “Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều, phượng có một linh hồn sắc sảo mênh mang…” cứ thôi thúc tôi hoài niệm những niềm xưa cũ, rằng trường xưa, lớp xưa, bạn xưa… vô vàn kỳ niệm trong veo thời học trò. Đẹp nao lòng khi chạnh lòng nhớ đến, hay thảng thốt trước những nụ phượng đã chớm nở trên cây nơi góc phố. Hoặc sân trường inh ỏi tiếng ve ngân với dáng phượng chìa ra những hoa đỏ đầu mùa. Tôi chợt nhớ lần họp lớp năm ngoái, kỷ niệm ba mươi năm ngày ra trường phổ thông, có bạn thầm thì nhắc nhớ lại rằng, đến bây giờ, mở sổ lưu bút ra là nhìn hình ép kỷ niệm lại bằng những cánh phượng đỏ. Mà giở ra, là phải nâng niu, nhẹ nhàng, cẩn thận để không làm cánh hoa phượng kỷ niệm ngày nào vỡ vụn. Chao ôi! Thời gian…
Nhìn những hoa phượng đầu mùa hạ, rồi miên man nghĩ đến những giai điệu ngọt ngào “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ…” hay “Đường phượng bay mù không lối vào”, hoặc câu thơ hồn nhiên rưng rức nỗi niềm chia tay: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu”… Những ngày hạ đang về, dòng “status”, trang facebook, zalo cá nhân của những cô cậu học trò cuối cấp, hay ai đó đã đi qua tuổi học trò đầy những hình ảnh hoa phượng và lời lẽ lưu lại “thời thanh xuân”. Chợt nghĩ, như thể nếu không có hoa phương thì những tâm tình ấy khó có thể thành lời, thành hình ảnh ghi dấu thuở hoa niên trong trẻo, ấn tượng tinh khôi nhất. Lại chạnh lòng khi thấy chỉ ít lắm sân trường còn vài ba cây phượng già… Như chiều nay, ngắm nhìn những cánh phượng đỏ rực lên trong nắng hạ, là khơi gợi lại trong tôi bao ký ức. Thấy từng chùm phượng vĩ trên cao mà lòng như cháy mãi niềm tin yêu và hy vọng, sẽ chẳng bao giờ quên tháng ngày với trang vở trắng học trò. Mùa hạ đến rồi, hoa phượng sẽ cứ nở, cái màu đỏ ấy chắc chắn làm mỗi người, nhất là ai đã đi qua tuổi học trò nhận ra điều giản dị rằng: Nhịp sống đời thường có những phút lắng lòng, bâng khuâng, để nhìn lại và đi tới…
Hồ Thu