Lễ Hội Kỳ Yên
Lễ hội Kỳ Yên có nghĩa là lễ cầu an, là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thần ở Nam Bộ, Việt Nam. Đình làng ở Nam bộ mỗi năm có 2 lệ cúng: Thượng Điền (khi thu hoạch xong) và Hạ Điền (khi bắt đầu xuống ruộng), Kỳ Yên có thể gộp chung với Thượng Điền hoặc Hạ Điền, cũng có thể một lễ riêng biệt tùy theo từng địa phương. Hiện nay, lễ Kỳ yên cũng được tổ chức trong ba ngày, gồm nhiều lễ tế. Một số làng, sau lễ thỉnh sắc thần Thành hoàng còn tổ chức Lễ Nghinh, tức đưa kiệu đến các đền miếu trong làng, dâng hương, khấn cung thỉnh mời chư vị thần về đình dự lễ. Xong, đem lư hương của các vị thần này lên kiệu trở về, đặt trên bàn hương án bày ở ngoài đình, hoặc trên bàn Hội đồng ngoại ở bên trong đình. Ở Đình Châu Phú, sau khi rước sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh về đình, tiếp theo là Lễ nghinh, tức lễ thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu tại phủ thờ của ông Nguyễn Khắc Mi (cháu nhiều đời của Thoại Ngọc Hầu), và sắc thần của hai ông là Chánh vệ thủy Đỗ Đăng Tàu và Phó vệ thủy Lê Văn Sanh. Có một số đình có phần lễ này. Đây vốn là nghi thức của Phật giáo hội nhập vào đình miếu, mục đích cầu chư Phật, chư thần thánh ban cho dân làng sự an lành. Khởi đầu cử người thiết lập bàn thờ Phật Quan Âm, rồi tiến hành niệm hương tán Phật, tụng kinh Phổ môn; cuối cùng đọc sớ rồi đốt sớ gửi cho chư Phật và cho chư thần thánh.
Lễ Chánh tế còn gọi là Đoàn cả hoăc Đàn cả, diễn ra vào sáng ngày thứ hai hoặc thứ ba của lễ Kỳ Yên, tùy từng địa phương. Cũng theo sách Gia Định thành thông chí, thì lễ Chánh tế được tổ chức vào sáng hôm thứ hai của lễ Kỳ yên, với phần nghi thức giống như lễ Túc yết. Cổ lệ chọn giờ này (giờ Tý) bắt nguồn từ quan niệm dịch lý: đây là giờ "âm lão, dương khởi", tức là mọi điều tốt lành bắt đầu nảy sinh. Việc hành lễ tương tự như lễ túc yết, duy chỉ khác câu ở phần ẩm phước: lễ túc yết xướng Nghinh thần cúc cung bái, thì ở lễ này xướng câu Tạ thần cung cung bái. Ở Đình Châu Phú, lễ này được cử hành lúc vào 3 giờ sáng ngày 12 tháng Năm âm lịch, tức sáng sớm ngày thứ ba của cuộc lễ. Đình Bình Thủy (Châu Phú, An Giang) tổ chức lễ Chánh tế vào sáng ngày 11 tháng 5 âm lịch, tức ngày thứ ba của lễ Kỳ Yên. Theo Sơn Nam thì Lễ Đàn Cả là quan trọng nhất. Nhà văn viết: "... trước đó có lệ Túc yết, tức là ban Tế lễ gom lại, trình diện, diễn tập, có thể so sánh với dịp cúng giỗ ông bà, trước ngày giỗ chánh thức là buổi cúng Tiên. Đình nào khiêm tốn thì bỏ lễ Túc yết cho bớt kinh phí... Vẫn chưa dứt khoát về tên gọi: Đàn hay Đoàn. Trên tấm thiệp mời ở ngôi đền sát chợ Biên Hòa, thấy ghi Đại Đàn. Đàn là nơi cử hành lễ (lập đàn, đàn Nam Giao) có lẽ đúng hơn. Về cơ bản, trong cả nước, nghi thức nhau nhưng "đại đồng tiểu dị".