Nhà thờ Giáo xứ Hạnh Thông Tây
Top 9 trong Top 11 Nhà thờ nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh
Nhà thờ Giáo xứ Hạnh Thông Tây là nhà thờ Công giáo La Mã xây theo phong cách Byzantine vào năm 1921, có tháp chuông và nhiều tranh tường lộng lẫy. Nhà thờ được xây dựng trên diện tích 560m vuông, chiều cao là 20m. Ban đầu tháp chuông có hình tháp nhọn, nhưng vì đây là vùng có nhiều máy bay quân sự bay qua nên cơ sở Hàng không Đông Dương đã xin Đức Giám Mục J. Cassaigne cho hạ thấp tháp chuông nhà thờ Hạnh Thông Tây theo văn thư đề ngày 29/10/1953. Từ đó, tháp chuông có hình vuông như hiện nay.
Trước đó, Xứ đạo Hạnh Thông Tây được thành lập năm 1861 bởi Linh mục Puginier. Ban đầu chỉ có gia đình ông Đốc phủ Ca và một vài gia đình quyền thế, sau đó khoảng 400 người ngoại giáo có của cải trong làng đến xin học đạo. Một số người khá giả đã hiến tặng ngôi đình thờ làng của họ để dựng ngôi nhà nguyện- giáo đường đầu tiên.
Bên trong nhà thờ Hạnh Thông Tây được trang trí bằng đá và gỗ quí. Trên cung thánh, có ba bàn thờ bằng cẩm thạch. Mặt bàn thờ là một khối cẩm thạch màu trắng, chạm trổ chung quanh bằng cẩm thạch vàng. Vì vậy, khi được chiếu sáng, chúng sẽ ánh lên một màu vàng óng. Trần nhà thờ đúc hình vòm cung, phết nhũ vàng. Trên cùng là hình ảnh Chúa Giêsu trên Thánh Giá, xung quanh có Đức Mẹ, Thánh Gioan, các phụ nữ và lính canh.
Ngày trước, việc an táng các vị ân nhân trong nhà thờ hàm ý cộng đoàn biết ơn vị ấy nên không ai ngạc nhiên khi thấy bên cánh trái nhà thờ là mộ phần Ông Denis Lê Phát An, người dâng cúng đất, toàn bộ chi phí xây dựng và đồ dùng trong Thánh đường. (ông Denis Lê Phát An là con ông Lê Phát Sĩ, tức Huyện Sĩ, là cháu chắt của Thánh tử đạo Matthêu Lê Văn Gẫm). Bên cánh phải là mộ phần của người vợ: Bà Anna Trần Thị Thơ. Cả hai mộ đều làm bằng đá cẩm thạch Ý, điêu khắc rất kỳ công.