Phân tích sự tương phản đổi lập trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" số 1
Nhà văn Thạch Lam là một cây bút tài ba chuyên viết truyện ngắn và văn xuôi. Các tác phẩm của ông luôn mang một vẻ độc đáo riêng biệt, đó là những truyện ngắn có cốt truyện đơn giản hoặc thậm chí không có cốt truyện, nhưng luôn đọng lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ, hoài niệm. Tiêu biểu trong số đó chính là tác phẩm “Hai đứa trẻ” -một tác phẩm đặc trưng cho phong cách văn thơ của ông. Với nghệ thuật tương phản sâu sắc trên nhiều khía cạnh, nhà văn Thạch Lam đã miêu tả được sinh động cuộc sống và niềm mơ ước của các nhân vật trong truyện.
Nhân vật chính trong tác phẩm đó chính là hai chị em Liên và An, hai người sống ở một phố huyện nghèo khi gia đình khó khăn phải lui về ở đấy. Khi mới vào tác phẩm, Thạch Lam đã dùng nghệ thuật tương phản để miêu tả rõ nét quang cảnh của buổi chiều tà nơi vùng quê, đó chính là sự đối lập của bóng tối và ánh sáng. Bóng tối cùng màn đêm dần buông xuống, nó bao trùm, ngự trị khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách. Phố xá thì tối hết cả, con đường chỉ toàn là những rác rưởi, văng vẳng đâu đó là những tiếng ếch kêu, tiếng vo ve của muỗi. Tất cả mọi thứ làm cho khung cảnh trở nên ảm đạm, tẻ nhạt và vô vị, nó thấm vào sâu thẳm trong cả con người khiến con người ta buồn man mác. Trong gam màu tối chủ đạo ấy, vẫn hiện lên những hình ảnh le lói của những tia sáng yếu ớt. Đó chính là những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tà đang tắt dần qua các ngọn núi, là ngọn đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn hoa kì leo lắt trong nhà ông Cửu, hay đơn giản chỉ là tia sáng phát ra từ những cây nến nhỏ bé.
Những nguồn sáng ấy quá lẻ loi, đơn độc, chẳng thể nào thắp sáng cả một khu phố, cũng giống như số phận của những con người lao động nơi đây, dù có cố gắng, chăm chỉ làm ăn, nhưng cuộc sống vẫn mãi quẩn quanh trong sự đói nghèo và bế tắc. Tiêu biểu là ánh đèn dầu của chị Tí – một người phụ nữ nghèo khổ, làm lụng vất vả, lúc nào cũng nheo nhóc với đứa trẻ con và đống đồ đạc. Ánh sáng phát ra từ cây đèn là một quầng sáng mờ nhạt, leo lắt, chỉ đủ chiếu tỏ một vùng nhỏ bé, đó giống như một hình ảnh ẩn dụ mà thông qua đó nhà văn Thạch Lam muốn khơi gợi về những mảnh đời cơ cực, những kiếp sống nhỏ bé trong một xã hội đầy những bất công và khổ nhục.
Quang cảnh tiếp theo thể hiện sự tương phản đó chính là sự đối lập giữa mặt đất và bầu trời. Bầu trời đẹp đẽ bao nhiêu, rực rỡ toàn sao bao nhiêu thì dưới đất lại bẩn thỉu, ngột ngạt bấy nhiêu. Thạch Lam đã miêu tả: “trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía, một mùi âm ẩm bốc lên”, chả có điều gì thơm tho, đẹp đẽ ở đó cả. Những con người trên bề mặt đấy còn khiến ta động lòng, cảm thương hơn nhiều: “Mấy đứa trẻ con nghèo ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được từ các người bán hàng để lại”, hay hình ảnh đứa trẻ con nhà bác xẩm bò ra đường “nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát” không khỏi khiến con người ta phải cảm thương cho những số phận đang vùi mình trong đêm tối ấy.
Từ sự khác nhau giữa mặt đất và bầu trời ấy, Thạch Lam đã dẫn dắt người đọc sang một nét tương phản khác, đó chính là sự tương phản giữa quá khứ – thực tại và những mơ ước xa xôi. Quá khứ của An và Liên là những ngày tháng tươi đẹp nơi Hà thành, nơi mà hai chị em vô âu vô lo, được mẹ dẫn đi Bờ Hồ chơi, uống những cốc nước xanh đỏ mát lạnh. Ngoài ra những kỉ niệm về Hà Nội đó chính là cả một vùng sáng rực rỡ và lấp lánh. Nhưng giờ đây, hai con người ấy lại phải ngồi ở một nơi đói nghèo, tối tăm, cuộc sống tẻ nhạt, vô vị. Thay vì vui chơi, học hành thì giờ đây Liên đã bắt đầu biết suy nghĩ về cuộc sống, về những thứ xa xôi, chính điều ấy đã khiến cô trở nên trưởng thành hơn. Sống trong một cuộc sống như vậy, cho nên Liên lúc nào cũng mơ về một cuộc sống tốt đẹp, sung túc hơn. Những ước mơ của cô thật xa vời nhưng cũng rất giản dị.
Thạch Lam đã mượn hình ảnh đoàn tàu hàng ngày chạy qua nơi phố nghèo để nói lên rõ nhất những ước mơ của hai chị em cũng như toàn thể người dân lao động nghèo nơi đây. Đoàn tàu chính là sự hiện thân của ánh sáng, của những hoài niệm đẹp đẽ, ấm áp nơi Hà Thành “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”, “những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh”. Đoàn tàu ấy như mang một thế giới hoàn toàn khác đi ngang qua nơi này, một thế giới mà Liên ao ước và hoài niệm. Trong một thực tại tối tăm, nghèo đói, bế tắc, nhưng những con người nơi phố huyện vẫn luôn mơ đến những ước mơ xa xôi, mơ về một cuộc sống sung túc, tươi đẹp. Nhưng rồi, khi đoàn tàu đi qua, bóng tối lại bao trùm, màn đêm buông xuống, tất cả trở lại với thực tại tầm thường.
Bằng bút pháp đối lập tương phản tinh tế, nhà văn Thạch Lam đã miêu tả một cách khéo léo được quang cảnh nghèo khổ, tẻ nhạt của cuộc sống nơi phố nghèo. Nhưng cũng qua đó mà những nét đẹp của con người Việt Nam đã được tác giả thể hiện, đó chính là sự vô tư, tốt bụng, dù có khó khăn bế tắc thế nào đi chăng nữa nhưng lúc nào cũng chăm chỉ làm ăn, luôn mơ ước về một cuộc sống tươi đẹp ở phía trước.