Mùi hương của khói bếp bánh chưng, bánh tét
Tết sẽ không còn là trọn vẹn nếu thiếu đi những chiếc bánh chưng, bánh tét Tết cũng sẽ không còn tròn đầy nếu thiếu đi mùi khói hăng hắc của khói bếp bánh chưng bánh tét những ngày giáp Tết. Trong cái se lạnh của ngày cuối năm cả nhà lại ngồi quây quần bên bếp lửa nồi bánh chưng, bánh tét bà lại thủ thỉ cháu nghe một hai câu chuyện cũ, mẹ lại nướng củ khoai, bắp ngô cho tụi nhỏ. Nồi bánh chưng bánh tét giản dị đến ấm lòng mỗi người con đất Việt, cho tình lại thêm gắn kết.
Đó chính là mùi hăng hắc của cành củi tỏa ra từ bếp luộc bánh chưng chiều 27, 28 Tết, mùi bánh chưng luộc chín được vớt ra. Ngày trước mỗi ngõ xóm nhỏ chung nhau ngả lợn để cùng ăn Tết, dành một ít thịt gói bánh chưng. Khi người lớn gói bánh thì lũ trẻ chạy lăng xăng phía ngoài để xem. Những lá dong thừa, gạo nếp, thịt vụn cuối cùng sẽ được gom lại, gói những chiếc bánh chưng cua nhỏ xinh dành cho trẻ nhỏ.
Có ai đã từng ngồi bên bếp lửa đêm khuya để giúp mẹ trông nồi bánh chưng Tết đang sôi ùng ục khi tiết trời còn đang lạnh, để hưởng trọn mùi thơm nức mũi tỏa ra vào những ngày giáp Tết. Có ai đã cùng mẹ tất bật ghé làng nấu bánh chưng để chọn những chiếc bánh xanh ngon và đẹp mắt nhất vì nhà giờ đây không còn nấu bánh đêm 30 Tết như xưa.
Chỉ cần mùi bánh chưng phảng phất đâu đó trong hương xuân, thì vị Tết cổ truyền cũng vì thế mà kéo nhau ùa về chùng chình không nỡ rời đi. Chiếc bánh chưng xanh thơm mùi nếp mới hòa cùng mùi thơm của nhân cho một cái Tết được vun vén thêm tròn đầy.