Tản mạn Sapa
Xe mải miết lao về phía trước, qua hết khúc quanh này ló khúc quanh khác, cuối cùng rồi cũng lên tới điểm. Tôi thở phào nhẹ nhỏm sau chặng đường đèo dốc quanh co như con rắn, hai bên là những thửa ruộng bậc thang xanh biếc trong tầm mắt mà tôi không kịp chú ý vì lo sợ... Trời Sapa tiếp đón đoàn chúng tôi bằng những vạt sương mù và nắng yếu ớt phủ xuống lòng phố núi.
Tắm rửa xong tôi lăn ra đánh một giấc ngon lành, khi thức dậy nhìn ngoài cửa sổ thấy những hạt nước li ti giăng kín khung trời. Mưa. Mưa ở đây rất hiền nếu không nói là lãng mạn. Mưa thấm ướt lá cây mà không thấy gió, tôi ngoái cổ nhìn ra ngoài đường theo dõi đôi tình nhân đang đi trong mưa trên đầu che chiếc dù đen rất tình tứ. Tôi ngập chìm trong hạnh phúc của hai người ấy! Cô nhân viên nhà khách đến sau lưng lúc nào không hay, nói: “Nay chiều thứ bảy anh không ra phố dự chợ “tình” hay sao mà ngồi đây mơ mộng?”.
Tôi quay lại nhìn cô nhân viên cười trừ:
- Thấy trời còn mưa. Thật ra, tôi không biết chợ “tình” là gì!
- Trời mưa li ti này đi ra chợ mới lãng mạn chớ! Em cho anh mượn cây dù nè!
Tôi tò mò hỏi:
- Chợ “tình” ra làm sao?
- Anh chưa biết à!
- Chưa! Dân ở miền Tây sông nước đổ đường ngót hai ngàn cây số mới ra đây lần thứ nhứt.
- Ở Sapa hồi trước người ta nhóm chợ tình năm một lần. Ngày đó, người khắp các thôn bản lũ lượt ra chợ, con trai con gái tìm hiểu nhau qua lời ca tiếng hát giao duyên, tiếng kèn lá, tiếng khèn, rồi quen biết kết duyên nợ thành vợ chồng. Có người thương nhau nhưng không thành vợ chồng, nhớ mối tình đầu nên ra chợ tìm coi may ra có gặp được người xưa hay không, để nhắp chút rượu nhắc chuyện cũ. Năm nay không gặp được thì sang năm, sang năm... có khi hai người gặp nhau tóc đã bạc trên đầu, nhưng chuyện tình của họ rất trẻ như ngày nào.
Cô gái nói chậm rãi nói tiếp:
- Đó là ngày xưa kìa. Bây giờ thứ bảy, chủ nhật đều nhóm chợ tình vì từ khi có những đoàn người nước ngoài đổ xô đi du lịch lên đây nên có yêu cầu xem chợ tình.
Tôi cám ơn cô gái. Bật dù, đi ra đúng trời đang mưa nhỏ. Hơi lạnh thoáng qua mặt mũi dễ chịu, mặt đường như vừa được lau rửa sạch sẽ bởi những hạt mưa đầu mùa.
Kể từ khi người Pháp đặt cái vọng gác quân sự đầu tiên trên đỉnh Sapa này, rồi kế đến nhận ra cái mưa cái nắng rất gần gũi với xứ sở nào đó ở quê nhà nên họ lần lượt xây những nhà nghỉ dưỡng trên lưng chừng núi. Ở độ cao hơn một ngàn năm trăm mét so với mặt biển nhưng rất ấm áp trong mùa đông và mát mẻ khi mùa hè, càng lên cao khí hậu càng dịu mát, thật lạ lẫm. Tôi bước như đi trên nhịp thời gian nghe xao xuyến từng cái va chạm của bàn chân xuống mặt đường. Đối với tôi, đây là những dấu chân đầu tiên đặt lên xứ sở sương mù này, nên rất thú vị. Đây, cũng là lần đầu tiên tôi che dù đi mưa nên đôi tay lọng cọng, nhìn ai nấy cũng che dù nên tôi đỡ “quê”.
Một khoảng đất rộng chừng năm sáu héc-ta đầy người chen chân nhau ngược xuôi. Tôi nhập vào đoàn người cùng bước. Ai nấy mắt dán vào những dãy hàng thổ cẩm và hàng lưu niệm bày bán hai bên lối đi. Những hoa văn, họa tiết của dân tộc Dao, H, Mông... rất lạ lẫm. Tai tôi chợt nghe tiếng khèn âm thanh như nửa gần, nửa xa. Lúc cao thanh thoát, lúc trầm sâu lắng, lúc u ẩn như gió núi trên đại ngàn... lòng tôi bỗng dưng thấy cô đơn lạc lõng. Tôi ước phải chi có cô bạn gái đi bên mình chắc thú lắm! Tiếng khèn phát ra từ bên trong một nhóm người đang bu quanh rất đông. Tôi nhón lên hết mình mà không tài nào thấy rõ phía trong ấy chỉ nghe được tiếng hát, tiếng khèn hòa quyện nhau, sau đó là những tràng vỗ tay. Tiếng khèn cất lên sau câu hát làm cho lòng tôi chao đảo, âm thanh của tiếng khèn như quấn quýt buộc lấy tôi không thể đi được. Đang trong trạng thái bị mê hoặc bỗng bàn tay của ai đó nắm lấy tay tôi với giọng nói mừng rỡ:
- Gặp lại anh rồi! Anh! Mua bức tranh này giùm em!
Tôi quay lại nhìn cô gái Dao Đỏ quen quen. À! Cô gái này hồi lúc trưa đã gặp ở Tả Phìn. Cô tên Chào Sù Mì nói tiếng tiếng Kinh rất dễ nghe. Cô kéo trong chiếc gùi trên lưng ra những mặt hàng thổ cẩm mời tôi mua. Tôi cúi xuống lựa mua một bức tranh và chiếc khăn quấn cổ mà không cần phải hỏi han giá cả. Tôi móc ra tờ giấy năm trăm ngàn đưa cho cô ta. Cô ta cầm tời giấy bạc lật qua lật lại rồi nói:
- Sao nhiều vậy, chỉ có hai trăm rưỡi ngàn thôi!
Cô ta móc ví tiền thối cho tôi hai trăm năm mươi ngàn.
Tôi từ chối:
- Cô dệt những thứ này công phu lắm, tiền này tôi trả thêm cho cô đã có công cần mẫn từ mối chỉ đường kim làm nên những tấm thổ cẩm này.
Những ánh đèn cao áp không đủ soi sáng trên khuôn mặt của người phụ nữ Dao, nhưng tôi đoán chừng như cô hài lòng và vui ra mặt.
Cô hỏi tôi:
- Anh chừng nào rời khỏi Sapa?
- Trưa mai - Tôi trả lời.
Người phụ nữ ân cần:
- Không mấy khi có dịp anh ra đây, mai anh đi rồi vậy em mời anh ở nán lại chút để em thu dọn hàng rồi cùng đi uống rượu và nghe em hát. Trong buổi chợ tình xưa kia em hát rất hay, có người con trai ở bản gần bên thương em lắm nhưng không được người lớn chấp thuận, nên giờ mỗi lần nghe tiếng khèn gọi bạn lòng bùi ngùi nhớ người ấy! Em ra đây cũng để nghe tiếng khèn cho lòng khuây khỏa sau những buổi cực nhọc ngoài nương rẫy.
Tôi nhìn trời đêm, nhìn người phụ nữ với cái bóng ngã xiên theo ánh đèn đêm vàng vọt. Tôi từ chối:
- Cám ơn cô có lòng tốt, nhưng tôi phải sớm về phòng để sắp xếp một số công việc chuẩn bị cho ngày mai, vì thời gian tôi ở đây ít lắm!
Thấy tôi từ chối, cô Chào Sù Mì đưa miếng giấy có số điện thoại nói:
- Anh có dịp lên đây nữa gọi số máy này em hướng dẫn cho anh đi tham quan.
Người phụ nữ nhìn về phía tôi một lúc rồi rút cái ống tre mời:
- Mời anh dùng ống cơm lam này do chính tay em nướng, anh không nhận em giận đó!
Tôi nhận ống cơm lam trên tay cô hỏi:
- Cơm này của cô để ăn tối, cho tôi rồi lấy gì ăn?
- Em đem theo nhiều lắm!
Tôi không biết nói gì hơn:
- Cám ơn Chào Sù Mì! Nếu có dịp trở lại tôi sẽ tìm cô, chúc cô luôn vui khỏe!
Tôi chia tay Chào Sù Mì rời khỏi quày hàng, khỏi đám đông mà tiếng khèn cứ quấn quýt lấy tôi. Tiếng khèn vừa hoang dã, vừa tân kỳ lúc như gió hú trên đèo, lúc như suối chảy, lúc mong manh êm đềm như vạt sương thoáng qua. Trong đó có ánh mắt của người phụ nữ Dao còn rất trẻ mang đầy vẻ hoang sơ của núi rừng Sapa đã làm cho tôi bồi hồi giữa đêm chợ “ tình” nhộn nhịp.
Tôi về tới nhà khách. Cô nhân viên chào hỏi:
- Chợ tình có vui không anh!
Tôi đem chiếc khăn và bức tranh ra khoe. Cô nhân viên cười:
- Anh cũng biết lựa hàng lắm! Có cô gái dân tộc nào lọt vào mắt anh chưa?
Tôi không trả lời, đi nhanh lên phòng mong có một giấc ngủ bình yên với Sapa.
Tôi chợt thức giấc, hơn nửa đêm không gian yên vắng lạ, mở cửa sổ phòng nhìn xuống phố không thấy bóng người, chỉ thấy ánh đèn vàng lờ mờ hắc xuống lòng đường như bức tranh tĩnh vật. Bên kia đồi là những gốc phố chợ đang nằm ngáy ngủ dưới lớp sương đêm. Không có tiếng gió lá xào xạc, không có tiếng côn trùng thao thức. Có lẽ chỉ có mình tôi với cái yên lặng của phố chợ, của núi rừng Sapa về đêm.
Tôi thức dậy cùng với buổi sáng của Sapa hửng nắng ngoài cửa sổ, sửa soạn đi một vài điểm du lịch khác như: Suối Vàng- Thác Tình yêu, núi Hàm Rồng...
Suối Vàng và Thác Tình yêu nằm ở cuối con đường đèo dốc non vài cây số, ai có đôi chân khỏe lắm mới đi đến đích được, nếu không ngồi ở dọc đường chờ đoàn.
Thác Tình yêu đẹp lắm, nước từ trên cao đổ xuống thành dòng trắng xóa, xa trông như tấm vải lụa trắng khổng lồ phơi vắt trên sườn núi thả thòng xuống, bao quanh bởi núi rừng trùng điệp. Bên trên nửa là đỉnh Phăng- xi- păng cao 3.143 mét so với mặt biển, quanh năm mây che phủ, cây cối xanh tươi.
Trời mưa nên tôi không cảm nhận cái không khí dịu mát ở cuối mùa hè trên Thác Tình yêu này. Những bậc đá mòn lẳn đến tròn trịa nói lên được đã có triệu triệu người đến đây chiêm ngưỡng cảnh sắc đẹp của non nước hùng vĩ của quê hương tỉnh Lào Cai nằm về phía Tây Bắc Việt Nam này.
Khu du lịch núi Hàm Rồng nằm trên ngọn núi nho nhỏ, nhưng đường đi lên cũng khá mỏi chân, lên đỉnh núi Hàm Rồng trông xuống thấy rất rõ toàn bộ đường phố Sapa phía dưới. Ở đỉnh này gió lộng bốn bề, có cảm giác như đang ở trên mây nhìn xuống đất.
Trời Sapa tiễn tôi bằng cơn nắng yếu và những vạt sương mù vắt qua đỉnh núi. Rừng cây vẫn xanh, xanh ngát trên đại ngàn. Một chút gì đó lưu luyến trong tôi. Tiếng khèn và lời mời của người phụ nữ Dao sao ấm áp gần gũi lạ.
Tôi đã từng có thời trẻ sống bằng ruộng rẫy ở miền Tây sông nước, nên rất cảm thông việc lao động trồng tỉa, dù ở miền xuôi hay mạn ngược việc vất vả có lẽ cũng như nhau. Cực nhọc thì nhiều, nhưng lợi tức chẳng được bao nhiêu. Độ phì nhiêu của đất ở vùng núi cao sao bằng ở vùng đồng bằng nhiều phù sa màu mỡ. Hình ảnh của những người dân tộc sinh sống ở lưng chừng núi làm cho tôi nghĩ ngợi: “Phải mất một thời gian nữa người dân tộc ít người trên miền núi mới bắt kịp được nhịp sống mới để tự tạo cho mình có cuộc sống tương đối tốt như người Kinh!”.
Núi rừng Sapa đã lùi xa phía sau xe nhưng biết bao giờ tiếng “khèn gọi bạn” mới thôi day dứt trong tôi?
Nhật Hồng